Phật Thuyết Kinh Lục Tập độ - Phần Sáu Mươi Chín - Phật Thuyết Kinh đứa Trẻ Nghe Pháp Hiểu được Ngay

Kinh Đại thừa   •   Thứ hai, 25/12/2023, 22:18 PM

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Khương Tăng Hội, Đời Ngô

PHẬT THUYẾT

KINH LỤC TẬP ĐỘ

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư

Khương Tăng Hội, Đời Ngô   

PHẦN SÁU MƯƠI CHÍN

PHẬT THUYẾT KINH ĐỨA TRẺ

NGHE PHÁP HIỂU ĐƯỢC NGAY  

Thuở xưa, có vị Tỳ Kheo tinh tấn giữ phép, từ nhỏ đã giữ giới cấm, không chút hủy phạm, thường tu phạm hạnh, an trụ ở Tinh Xá. Nếu có tụng Kinh thì tụng Kinh Bát Nhã Ba La Mật. Khi giảng Kinh, thì giảng hay không ai bì kịp, nghe được âm thanh của vị Tỳ Kheo ấy không ai là không hoan hỷ.

Có một đứa trẻ mới bảy tuổi, chăn trâu ở ngoài thành, nghe tiếng vị Tỳ Kheo tụng Kinh, liền lần theo tiếng tìm đến tinh xá, lễ vị Tỳ Kheo, rồi ngồi một bên để nghe lời Kinh ấy. Khi nói về căn bản của Sắc, nghe xong hiểu ngay, khiến đứa bé hết sức vui mừng. Tiếng vừa dứt, bèn hỏi vị Tỳ Kheo.

Vị ấy đối đáp không vừa ý đứa bé. Bấy giờ đứa bé lại giảng giải, nghĩa Kinh rất thâm diệu, từ xưa ít nghe. Tỳ Kheo nghe rồi rất là hoan hỷ, vừa lòng, lại lấy làm lạ về đứa trẻ này, hẳn không phải là người phàm nên mới có trí tuệ ấy.

Lúc đó đứa bé liền đi về chỗ trâu, thì trâu nghé nó chăn đã chạy tản lạc vào núi. Bé theo dấu chân dò tìm thì chẳng may bị cọp hại. Sau khi mạng chung, thần hồn đứa bé liền chuyển sinh vào nhà trưởng giả, làm con của người vợ cả.

Khi phu nhân mang thai, miệng bà thường hay nói Kinh Bát Nhã Ba La Mật từ sáng đến tối không biếng nghỉ. Gia đình trưởng giả ấy vốn không biết Kinh pháp, lấy làm lạ về chuyện này, sợ miệng phu nhân nói lời xàm, cho là bệnh quỷ.

Hỏi han về việc trừ tà, không chỗ nào là không đến, mà vẫn không ai có thể biết được. Trưởng giả rất buồn, không biết vợ mình mắc phải chứng bệnh gì, nên cả nhà nội ngoại thảy đều lo sợ. Khi ấy thầy Tỳ Kheo vào thành khất thực, đến cửa nhà trưởng giả, xa nghe tiếng Kinh, lòng rất vui mừng, đứng ở cửa một chút, thì chủ nhân thấy Tỳ Kheo cũng không làm lễ.

Vị Tỳ Kheo lấy làm lạ: Trong nhà này có vị hiền giả nói Kinh tiếng hay đến vậy, mà sao vị trưởng giả đây không nói gì với ta cả?

Liền hỏi trưởng giả: Trong nhà có ai tụng Kinh thâm diệu mà âm thanh hay ho đến thế?

Trưởng giả đáp: Vợ tôi trong nhà bị mắc bệnh quỷ nên ngày đêm nói xàm luôn miệng không dứt.

Vị Tỳ Kheo nghe vậy mới biết là gia đình ông trưởng giả này không hiểu biết đạo Tỳ Kheo nói: Đây không phải là bệnh quỷ, mà bà chỉ nói về Kinh quý thuộc đạo lớn của Phật, xin được vào trong nhà cùng người ấy gặp mặt.

Trưởng giả nói: Tốt.

Bèn mời vị Tỳ Kheo vào đến chỗ người vợ. Vợ ông trưởng giả thấy vị Tỳ Kheo liền làm lễ.

Tỳ Kheo chú nguyện, nói là: Được bệnh Phật. Rồi bà cùng với vị Tỳ Kheo hỏi han, thuyết giảng Kinh Pháp, nêu rõ những chỗ sâu xa khiến vị Tỳ Kheo rất vui.

Trưởng giả hỏi: Đây là bệnh gì?

Tỳ Kheo đáp: Không bệnh gì cả, bà chỉ nói Kinh Pháp thâm diệu, tất có nghĩa lý. Tôi nghĩ phu nhân đang mang thai đứa bé chính là đệ tử của Đức Phật. Ông trưởng giả hiểu ra sự việc, liền thỉnh vị Tỳ Kheo ở lại làm cơm cúng dường.

Thọ trai xong, vị Tỳ Kheo lui về tinh xá, lần lượt kể lại cho mọi người biết: Có phu nhân của một ông trưởng giả mang thai rất kỳ lạ, miệng luôn tụng Kinh quý, nói giảng lưu loát, tiếng đọc du dương, giải thích nghĩa lý Kinh rất sâu.

Hôm sau, trưởng giả lại thỉnh vị Tỳ Kheo và tất cả Tăng Chúng đến nhà, bày biện cơm nước đầy đủ. Đến giờ, chư vị đều đến ngồi vào chỗ, rửa tay, thọ trai xong, họ chú nguyện nhận đồ vật cúng dường.

Bấy giờ phu nhân bựớc ra lễ các vị Tỳ Kheo, rồi ngồi sang một bên, lại vì các vị Tỳ Kheo mà vui giảng Kinh Pháp, có các chỗ nghi không thể hiểu thâu, bà đều tận tình vì các vị ấy giảng nói đầy đủ, Chúng Tăng hết mực phấn chấn, hoan hỷ lui về.

Ngày tháng đã đủ, phu nhân sinh được một đứa bé trai tại nơi không có nước dơ nhớp. Cậu bé ấy vừa đi sinh ra liền chắp tay quỳ gối tụng Kinh Bát Nhã Ba La Mật.

Còn phu nhân sau khi sinh xong, thì trở lại như cũ, chẳng biết gì, như người vừa tỉnh mộng, không còn biết gì cả. Ông trưởng giả lại mời Chúng Tăng, các vị Tỳ Kheo đều đến thấy đứa trẻ giảng kinh, chuyện xưa thông suốt, không chút vấp váp.

Lúc ấy các vị Tỳ Kheo, ai nấy đều dốc lòng xem xét về nguồn gốc của đứa bé, nhưng đều không thể biết được.

Trưởng giả hỏi: Đây là người thế nào?

Tỳ Kheo đáp: Chính là đệ tử của Đức Phật, thận trọng chớ sợ hãi, nghi ngờ, phải nuôi dưỡng nó cho thật tốt. Đứa bé này về sau lớn lên sẽ làm thầy của tất cả mọi người, chúng tôi đều phải theo đứa trẻ này học hỏi đó.

Khi đứa bé lớn lên, đến năm bảy tuổi thì biết hết mọi sự việc vi diệu của đạo, đời, siêu vượt hơn mọi người, trí tuệ thực tột bậc. Các Tỳ Kheo đều theo thọ giáo, học tập.

Trong các Kinh Điển có chỗ nhầm lẫn, hoặc ngắn thiếu đều được đứa bé san định, bổ túc lại đầy đủ. Đứa trẻ mỗi lúc vào ra đều có mục đích, bèn dạy dỗ dẫn dắt cho mọi người, khiến phát tâm cầu đại thừa. Gia đình ông trưởng giả trong ngoài lớn nhỏ gồm năm trăm người đều theo đứa bé tu học, phát khởi được ý đại thừa, đều làm Phật Sự.

Qua các thành thị, chợ búa, làng xóm... đứa trẻ đã dạy dỗ dẫn dắt cho tám vạn bốn ngàn người, đều phát tâm cầu đạo quả vô thượng chánh chân, năm trăm người thuộc thừa Thanh Văn.

Các vị Tỳ Kheo nghe đứa trẻ thuyết giảng, thì gốc tâm hữu lậu đều được cởi bỏ, người có chí cầu đại thừa đều chứng được Tháp nhãn thanh tịnh.

Đức Phật bảo Tôn Giả A Nan: Đứa trẻ thời đó là thân ta, vị Tỳ Kheo Tụng Kinh là Phật Ca Diếp.

Như thế này A Nan, ta thuở xưa một lần theo vị Tỳ Kheo được nghe Phẩm đại thừa, liền ca ngợi, thông tỏ, tâm ý vui mừng chẳng chuyển, tinh tấn không quên, biết sâu về thân mạng đời trước, tự chứng đạt đến Bậc Vô Thượng Bình Đẳng Chánh Giác.

Phước đức của một lần nghe mà còn được như thế, huống chi hằng ngày tuân theo tu tập. Bồ Tát luyện chí độ vô cực, đã luôn tinh tấn như vậy.

***

icon

Tổng hợp

Cùng chủ đề

Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Ba - Phẩm Ba Mươi Mốt - Phẩm Tuyên Hóa - Phần Ba

Kinh Đại thừa   •   25.12.2023
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Cưu Ma La Thập, Đời Diêu Tần