Phật Thuyết Kinh Lục Tập độ - Phần Sáu Mươi Tám - Phật Thuyết Kinh Lấy Ba Việc để Cười

Kinh Đại thừa   •   Thứ hai, 25/12/2023, 22:18 PM

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Khương Tăng Hội, Đời Ngô

PHẬT THUYẾT

KINH LỤC TẬP ĐỘ

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư

Khương Tăng Hội, Đời Ngô   

PHẦN SÁU MƯƠI TÁM

PHẬT THUYẾT KINH

LẤY BA VIỆC ĐỂ CƯỜI  

Thuở xưa, Bồ Tát làm Thanh tín sĩ, quy mạng ba ngôi báu, nhân từ rộng khắp, quên mình cứu giúp quần sinh, giữ trong sạch không trộm cắp, bố thí đến cùng, trinh thuận không dâm dật, quán xét từ bỏ lòng dâm, đức tin giống bốn mùa, nặng như Tu Di, tuyệt không uống rượu, tôn trọng hiếu đạo, khuyến dụ người thân, tháng giêng giữ vẹn chay sáu ngày, tinh tấn không mệt mỏi.

Sinh đời gặp Phật nên đức hạnh ngày một tăng thêm, rồi chứng được đạo quả Như Lai Vô Sở Trước Chánh Chân Giác Đạo Pháp Ngự Thiên Nhân Sư, giáo hóa khắp chốn.

Một hôm đi qua chợ, thấy một ông lão lường đấu bán cá buồn thảm than thở: Oan quá! Trời ơi! Con ta tội gì mà sớm chết đi?

Nếu nó còn bán cá thì ta đâu khổ nhọc thế này?

Đức Phật thấy thế, liền mỉm cười, miệng phát hào quang năm sắc. Qua khỏi chợ giây lát, lại thấy một con heo lớn lấm đầy phân đi trên đường, Đức Phật lại mỉm cười nữa.

Tôn Giả A Nan sửa lại y phục, cúi đầu thưa: Vừa rồi Đức Thế Tôn cười, vì có nhiều người nên con không tiện hỏi nguyên do, nay lại cười nữa, ắt có điều dạy bảo. Nguyện xin Đức Phật mở điều nghi của mọi người để làm khuôn phép cho đời sau.

Đức Thế Tôn bảo: Này A Nan, ta cười có ba lý do. Một là xem thấy cái ngu của ông lão kia thật là to lớn. Hằng ngày giăng lưới đánh cá, tàn hại mạng quần sinh, lòng không chút trắc ẩn, họa lây con chết thì lại đi oán Trời, kêu khóc kinh động, đó là cái hạnh của kẻ hạ ngu, không phải là lòng nhân của Trời đất, lòng khoan thứ của Hiền Thánh, do đó mà ta cười.

Thuở xưa, phi hành Hoàng Đế, trồng phước vòi vọi, mà chí kiêu ngạo, hạnh thì phóng dật, nên nay phải làm cá cho người đong bán, đấy là lý do thứ hai khiến ta cười.

Chẳng nhớ nghĩ đến Trời người, dù thọ tới tám mươi ức bốn ngàn vạn kiếp, ý chuyên chấp trước vào không, chẳng có thể bỏ đi cái không không tưởng, để trở về với bản thể vô vi, nên phước hết thì phải thọ tội, ngày nay đang ở trong đấu cá ấy, đó là lý do khiến ta cười.

Tôn Giả A Nan lại hỏi: Phi hành Hoàng Đế so với vị Trời đáng tôn kính kia, đức cao lồng lộng, cớ sao không thoát tội được?

Đức Thế Tôn dạy: Họa phước không phải chân thật thì làm sao thường còn mãi được!

Phàm ở nơi tôn quý mà thi ân bốn đẳng, hiểu rõ bốn vô thường thì thoát được những nạn kia. Nếu tự thỏa mãn với cái nhân quý báu, lòng chuộng nẻo tà thì khi hưởng hết phước phải chịu tội. Đó là quy luật tự nhiên từ xưa đến nay.

Họa, phước đuổi theo mình như bóng tìm hình, như vang đáp tiếng, đâu có phân biệt sang hèn. Còn nữa, đời trước ta làm Thanh tín sĩ, có một người hàng xóm ưa phụng thờ ma quỷ, đánh bạn với lũ yêu quái ác hại, không tin làm ác họa sẽ đến ngay, như vang ứng tiếng.

Mỗi khi đến ngày trai giới, ta bảo nên vào Chùa thờ Phật chánh chân, nghe các vị Sa Môn giảng thuyết pháp thanh tịnh, làm căn bản cho đức hạnh, phòng dứt họa dữ, nhưng nó là một kẻ dâm hoang, dối rằng có việc cần không đi được. Ta đến Chùa Phật, còn nó thì đi theo đường tà.

Từ đó về sau ta sinh ra gặp Phật, nghe Pháp, cùng sánh chí với các bậc Sa Môn, đức hạnh ngày một tăng thêm, thành tựu quả Như Lai Vô Sở Trước Chánh Chân Đạo Tối Chánh Giác Đạo Pháp Ngự Thiên Nhân Sư, làm bậc tôn quý trong Ba Cõi, hiệu là Pháp Vương.

Còn người hàng xóm kia ưa việc quỷ thuật, tàn hại quần sinh, buông theo nữ sắc, rượu chè điên loạn, không biết hiếu thuận mà tự cho là đắc chí thỏa lòng, nên phải luân chuyển trong ba đường ác, khổ sở không lường. Ta nay đã làm Phật, còn kẻ ấy thì vẫn tiếp tục làm con vật hôi thối, do vậy mà ta cười.

Đức Phật bảo Tôn Giả A Nan: Trong nhiều kiếp thọ trì Kinh Điển, thâu thái nghĩa lý, thân cận Sa Môn, nên đạt được công đức như thế.

Bồ Tát luyện chí độ vô cực, đã luôn tinh tấn như vậy.

***

icon

Tổng hợp

Cùng chủ đề

Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Ba - Phẩm Ba Mươi Mốt - Phẩm Tuyên Hóa - Phần Ba

Kinh Đại thừa   •   25.12.2023
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Cưu Ma La Thập, Đời Diêu Tần