Phật Thuyết Kinh Tạp A Hàm - Kinh Thuần đà - ​​​​​​​phần Hai

Kinh Nguyên thủy   •   Thứ hai, 25/12/2023, 22:03 PM

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Cầu Na Bạt Ðà La, Đời Tống

PHẬT THUYẾT KINH TẠP A HÀM

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư

Cầu Na Bạt Ðà La, Đời Tống  

KINH THUẦN ĐÀ  

PHẦN HAI  

Tôi nghe như vậy!

Một thời, Phật ở trong Vườn Trúc Ca Lan Đà, tại thành Vương Xá. Bấy giờ Tôn Giả Xá Lợi Phất đang ở trong làng Ma Kiệt Đề Na La, bị bệnh và vào Niết Bàn.

Sa Di Thuần Đà chăm sóc, cúng dường. Tôn Giả Xá Lợi Phất nhân bệnh mà Niết Bàn. Sa Di Thuần Đà Sau khi cúng dường Tôn Giả Xá Lợi Phất, nhặt lấy Xá Lợi còn lại, mang theo cùng với y bát đến thành Vương Xá.

Đến nơi, thâu cất y bát, rửa chân xong, Sa Di Thuần Đà đi đến chỗ Tôn Giả A Nan, đảnh lễ rồi, lui đứng một bên, bạch: Bạch Tôn Giả, Hòa Thượng của con là Tôn Giả Xá Lợi Phất đã Niết Bàn. Con đem Xá Lợi và y bát về đây.

Tôn Giả A Nan nghe Sa Di Thuần Đà báo tin ấy rồi, liền đi đến chỗ Phật, bạch rằng: Bạch Thế Tôn, hôm nay con tưởng chừng thân thể rã rời, bốn phương đổi khác, mờ ám, nghẹn ngào không nói nên lời.

Sa Di Thuần Đà nói với con rằng: Hòa Thượng Xá Lợi Phất đã Niết Bàn. Con đem Xá Lợi và y bát về đây.

Phật dạy: Thế nào A Nan?

Xá Lợi Phất đem cái thân đã thọ giới mà Niết Bàn, hay là định thân, tuệ thân, giải thoát thân, hay giải thoát tri kiến thân Niết Bàn?

Tôn Giả A Nan bạch Phật: Bạch Thế Tôn, không phải vậy.

Phật bảo A Nan: Hay là pháp được thuyết mà ta tự chứng tri, thành Đẳng Chánh Giác, tức là bốn niệm xứ, bốn chánh đoạn, bốn như ý túc, năm căn, năm lực, bảy giác chi và tám Thánh đạo.

Đem những pháp này mà nhập Niết Bàn?

Tôn Giả A Nan bạch Phật: Bạch Thế Tôn, không.

Tuy không đem cái thân thọ giới cho đến các pháp đạo phẩm mà Niết Bàn, nhưng Tôn Giả Xá Lợi Phất giữ giới, học nhiều, ít muốn, biết đủ, thường tu hạnh viễn ly, tinh cần, phương tiện, nhiếp niệm an trụ.

Nhất tâm chánh định, trí tuệ bén nhạy, trí tuệ sâu xa, trí tuệ siêu việt, trí tuệ phân biệt, trí tuệ lớn, trí tuệ rộng, trí tuệ sâu, trí tuệ không ai bằng, trí báu thành tựu, hay chỉ bày, hay dạy dỗ, hay soi sáng, hay làm cho hoan hỷ, khéo léo khen ngợi, vì chúng nói pháp.

Cho nên bạch Thế Tôn, con vì pháp, vì người lãnh thọ giáo pháp, cảm thấy buồn rầu khổ não.

Phật dạy A Nan: Ngươi chớ buồn rầu khổ não!

Vì sao?

Hoặc sanh, hoặc khởi, hoặc tạo tác, đều là pháp hữu vi bại hoại.

Làm sao có thể không bại hoại?

Muốn cho không hoại, không có trường hợp ấy. Trước đây ta đã nói, tất cả những vật yêu thích, những việc hợp ý, tất cả đều là pháp trái lìa, chẳng thể giữ mãi.

Ví như cội cây to, rễ, cành, nhánh, lá, hoa, trái sum sê tươi tốt, cành lớn gãy trước. Như núi báu lớn, sườn lớn sụp đổ trước. Cũng vậy, trong hàng đại chúng quyến thuộc của Như Lai, Đại Thanh Văn vào Niết Bàn trước.

Nếu phương kia có Xá Lợi Phất an trụ thì ở phương ấy ta vô sự, nhưng nơi ấy với ta không phải trống không, vì có Xá Lợi Phất. Như trước đây ta đã nói.

Nay ngươi, này A Nan, như từ trước ta đã nói, tất cả những thứ ưa thích, hợp ý đều là pháp biệt ly, bởi vậy cho nên A Nan đừng quá buồn rầu.

A Nan nên biết, Như Lai chẳng bao lâu cũng sẽ ra đi. Cho nên, A Nan, hãy tự mình làm hòn đảo để tự nương tựa. Hãy lấy pháp làm nơi nương tựa, đừng lấy chỗ nào khác làm hòn đảo, đừng nương tựa vào chỗ nào khác.

Tôn Giả A Nan bạch Phật:

Bạch Thế Tôn, thế nào là tự mình làm hòn đảo, tự nương tựa chính mình?

Thế nào là lấy pháp làm hòn đảo, lấy pháp làm nơi nương tựa?

Thế nào là không lấy cái khác làm hòn đảo, không nương tựa cái khác?

Phật đáp: Nếu Tỳ Kheo nào sống an trú chánh niệm quán thân trên thân, tinh cần, phương tiện, chánh trí, chánh niệm, điều phục tham ưu thế gian. Cũng vậy, an trú chánh niệm quán ngoại thân, nội ngoại thân. Thọ, tâm, pháp trên pháp, cũng nói như vậy.

A Nan, đó gọi là tự mình làm hòn đảo, tự nương tựa chính mình, tự lấy pháp làm hòn đảo, tự lấy pháp làm chỗ nương tựa, không lấy chỗ nào khác làm hòn đảo, không nương tựa chỗ nào khác.

Phật dạy Kinh này xong, các Tỳ Kheo nghe những gì Phật dạy, hoan hỷ thực hành theo.

***

icon

Tổng hợp

Cùng chủ đề

Phật Thuyết Kinh đại Thừa Mật Nghiêm - Phẩm Tám - Phẩm A Lại Da Vi Mật - Tập Sáu

Kinh Nguyên thủy   •   25.12.2023
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Địa Bà Ha La, Đời Đường

Phật Thuyết Kinh đại Thừa Mật Nghiêm - Phẩm Tám - Phẩm A Lại Da Vi Mật - Tập Năm

Kinh Nguyên thủy   •   25.12.2023
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Địa Bà Ha La, Đời Đường

Phật Thuyết Kinh đại Thừa Mật Nghiêm - Phẩm Tám - Phẩm A Lại Da Vi Mật - Tập Bốn

Kinh Nguyên thủy   •   25.12.2023
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Địa Bà Ha La, Đời Đường

Phật Thuyết Kinh đại Thừa Mật Nghiêm - Phẩm Tám - Phẩm A Lại Da Vi Mật - Tập Ba

Kinh Nguyên thủy   •   25.12.2023
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Địa Bà Ha La, Đời Đường

Phật Thuyết Kinh đại Thừa Mật Nghiêm - Phẩm Tám - Phẩm A Lại Da Vi Mật - Tập Hai

Kinh Nguyên thủy   •   25.12.2023
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Địa Bà Ha La, Đời Đường

Phật Thuyết Kinh đại Thừa Mật Nghiêm - Phẩm Tám - Phẩm A Lại Da Vi Mật - Tập Một

Kinh Nguyên thủy   •   25.12.2023
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Địa Bà Ha La, Đời Đường