Phật Thuyết Kinh Tiểu Bộ - Tập Mười - Chuyện Tiền Thân đức Phật - Chương Mười - Phẩm Mười Bài Kệ - Chuyện Bà La Môn Sankha Tiền Thân Sankha
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư An Thế Cao, Đời Hậu Hán
PHẬT THUYẾT KINH TIỂU BỘ
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư
An Thế Cao, Đời Hậu Hán
TẬP MƯỜI
CHUYỆN TIỀN THÂN ĐỨC PHẬT
CHƯƠNG MƯỜI
PHẨM MƯỜI BÀI KỆ
CHUYỆN BÀ LA MÔN SANKHA
TIỀN THÂN SANKHA
La Môn Tôn Giả, bậc uyên thâm. Chuyện này bậc Ðạo Sư kể ở Kỳ Viên về tứ sự cúng dường.
Chuyện kể rằng ở thành Xá Vệ, có một nam Cư Sĩ, sau khi nghe Đức Như Lai thuyết pháp, tâm rất hoan hỷ nên đã mời Chư Tăng vào ngày hôm sau. Tại cửa nhà, ông dựng lên một cái rạp trang hoàng lộng lẫy, rồi đi thưa trình rằng đã đến giờ.
Bậc Ðạo Sư đến nơi với năm trăm vị Tỳ Kheo theo hầu, và ngồi trên bảo tọa lộng lẫy dành cho Ngài. Vị Cư Sĩ, sau khi đã dâng cúng các lễ vật sang trọng lên hội chúng Tỳ Kheo với Đức Phật là thượng thủ, lại mời Tăng Chúng ngày mai.
Và cứ thế, trong bảy ngày liền, vị này mời Tăng Chúng đến cúng dường, và vào ngày thứ bảy lại cúng dường những vật dụng cần thiết. Trong buổi cúng dường này, ông tặng các đôi hài làm lễ vật đặc biệt.
Ðôi hài dâng lên Đức Phật trị giá một ngàn đồng vàng. Hai đôi hài cúng hai vị Ðại đệ tử Xá Lợi Phất và Mục Kiền Liên trị giá năm trăm, còn những đôi trị giá hơn một trăm đồng dành cho các vị Tỳ Kheo khác.
Sau khi dâng cúng lễ vật đủ các thứ cần thiết cho Chư Tăng, ông ngồi xuống trước Đức Thế Tôn cùng với hội chúng của Ngài.
Sau đó bậc Ðạo Sư đáp lời tùy hỷ công đức bằng một giọng vô cùng êm dịu: Này gia chủ, thí vật của ông thật hào phóng biết bao, ông hãy hoan hỷ. Ngày xưa, trước khi Đức Phật ra đời, đã có những người nhờ cúng dường một đôi hài lên một vị Ðộc Giác Phật mà kết quả việc bố thí đó là tìm được chỗ an trú trên biển cả không có nơi an trú.
Và nay ông vừa cúng dường cho toàn thể hội chúng của Đức Phật mọi vật dụng cần thiết cho mỗi Tỳ Kheo, thì công đức biết bao, nếu không phải là lễ dâng hài này sẽ làm nơi an trú cho ông về sau?
Và theo lời thỉnh cầu của ông. Ngài kể một chuyện quá khứ. Ngày xưa, thành Ba La Nại có tên là Molinì. Trong khi Vua Brahamadatta trị vì ở Molinì, một người Bà La Môn tên là Sankha giàu có lớn, đã xây bố thí trường ở sáu chỗ, một ở mỗi cổng thành, một ở giữa thành và một ở cửa nhà ông. Hằng ngày ông bố thí sáu trăm ngàn đồng tiền và cho các kẻ lữ hành cùng kẻ ăn xin rất rộng rãi.
Một ngày kia ông suy nghĩ: Một khi kho của cải hết, ta không còn gì để bố thí nữa. Vậy trong lúc kho chưa cạn, ta muốn lấy con tàu đi đến xứ Vàng và sẽ mang của cải về.
Thế là ông bảo đóng tàu, chất đầy hàng hóa và khi từ biệt vợ con, ông bảo: Bà và con hãy lo bố thí không ngừng cho đến khi ta trở về. Nói xong, ông cầm lấy dù, mang giày cùng gia nhân hướng mặt về hải cảng, rồi đúng ngọ ông khởi hành.
Vào lúc ấy một vị Ðộc Giác Phật trên đỉnh núi Gandhamàdana Hương Sơn, đang nhập định, thấy vị kia lên đường tìm kiếm vàng liền suy nghĩ: Một bậc Ðại Sĩ đang vượt biển để tìm vàng.
Có gặp gì trên biển cả gây trở ngại cho vị này chăng?
Rồi sẽ có. Nếu ông thấy ta, sẽ dâng ta đôi giày và chiếc dù. Và kết quả việc đi cúng dường này là ông sẽ tìm được nơi an trú khi tàu đắm trên biển. Ta muốn giúp đỡ ông.
Vì thế bay qua không gian, Ngài hạ xuống, không xa chỗ kẻ lữ hành kia, rồi tiến đến gặp ông, dẫm chân trên cát nóng, nóng như thể một đống tro đang cháy bỏng trong luồng gió dữ dội và ánh Mặt Trời gay gắt.
Vị Bà La Môn nghĩ thầm: Ðây là cơ hội để tạo công đức, ta phải gieo một hạt giống ngày hôm nay tại chốn này.
Lòng vô cùng hoan hỷ, ông vội vã đi đến đảnh lễ Ngài: Thưa Tôn Giả, ông nói xin Tôn Giả vui lòng ra khỏi con đường này trong chốc lát, đến dưới gốc cây kia.
Sau đó, khi đến chỗ ngồi gốc cây, ông lau phủi hết cát cho Ngài, rồi trải thương y ra mời Ngài ngồi xuống, với nước sạch thơm ngát, ông rửa chân Ngài, xoa dầu thơm ngào ngạt, và từ chân của chính mình, ông rút ra đôi hài lau sạch, xoa dầu thơm xong, mang vào cho Ngài, cúng dường Ngài đôi hài cùng với chiếc dù, xin Ngài mang hài và che dù trên đầu Ngài khi Ngài lên đường.
Vị Ðộc Giác Phật muốn làm ông vui lòng nên nhận lễ vật, và trong khi vị Bà La Môn chiêm ngưỡng Ngài để tăng trưởng tín tâm, Ngài bay lên về lại núi Gandhmàdana. Còn Bồ Tát với tâm đầy hoan hỷ, tiến ra hải cảng và lên thuyền.
Khi ra đến đại dương vào ngày thứ bảy, con thuyền nứt ra và họ không thể tát hết nước được. Tất cả mọi người lo sợ cho mạng sống mình, đồng thanh kêu gào, mỗi người kêu cầu một vị Thần linh riêng của mình.
Bậc Ðại Sĩ, chọn một người hầu, xoa dầu khắp mình mẩy, ăn một đống đường mịn hòa với bơ tươi cho thỏa thích, cho kẻ kia cùng ăn, rồi Ngài leo lên cột buồm.
Ngài bảo: Về hướng kia là kinh thành của ta. Vừa chỉ tay về hướng ấy, vừa gạt bỏ nỗi sợ hãi về các loài rùa, cá, Ngài lặn mất cùng với gã gia nhân một khoảng xa chừng một trăm năm mươi cubit 1 cubit = 45cm. Ðám người kia chết đuối cả, còn bậc Ðại Sĩ cùng gã gia nhân bắt đầu tiến lên trên biển cả. Trong bảy ngày liền, Ngài tiếp tục bơi. Ngay cả giờ phút ấy, Ngài vẫn giữ trọn ngày trai giới, súc miệng với nước mặn.
Lúc bấy giờ một Nữ Thần tên là Mani Mekkhalà, nghĩa là Ngọc Ðới, đã được lệnh của Tứ Thiên Vương: Nếu gặp tàu chìm, và tai họa xảy đến cho người đã Quy Y Tam Bảo, hoặc đầy đủ giới đức, hoặc phụng thờ cha mẹ, thì nàng phải lo cứu độ. Và để bảo vệ cho các người như vậy, Nữ Thần an trụ trên mặt biển.
Nhờ Thần lực của bà, bà không cần canh phòng trong suốt bảy ngày ấy, song đến ngày thứ bảy, nhìn lướt trên mặt biển, bà thấy vị Bà La Môn Sankha đức độ kia, nên suy nghĩ: Kẻ đằng kia đã bị rớt xuống biển, đến nay là ngày thứ bảy rồi, nếu ông chết đi thì ta mắc phải tội nặng lắm.
Vì thế sinh lòng lo lắng, bà vội đổ vào chiếc đĩa bằng vàng đầy đủ mọi thức ăn Thiên Giới, phi nhanh như gió đến phía Ngài, rồi dừng lại trước mặt Ngài trên không và bảo: Này Bà La Môn, Ngài không ăn gì đã bảy ngày rồi, vậy ăn thức này đi.
Vị Bà La Môn nhìn bà đáp: Cất thức ăn của nàng đi, ta đang giữ giới kiêng ăn.
Kẻ gia nhân của Ngài không thấy Nữ Thần, mà chỉ nghe âm thanh nên nghĩ thầm: Vị Bà La Môn này nói lảm nhảm, ta chắc vì cơ thể Ngài yếu đuối lại nhịn đói đã bảy ngày nên đang đau đớn và sợ chết, ta muốn an ủi Ngài.
Và gã liền ngâm vần kệ đầu:
La Môn Tôn Giả, bậc uyên thâm,
Tôn Giả vốn đầy đủ thánh tâm,
Ðồ đệ Thánh Sư, sao lại phải
Hoài tâm vô cớ nói lầm bầm,
Trong khi chẳng có ai đây cả
Ðối đáp ngoài tôi, lúc luận đàm?
Vị Bà La Môn nghe gã, biết rằng gã không thấy vị Thần kia, nên bảo: Này hiền hữu, không phải ta sợ chết đâu, song đang có một vị khác ở đây để đàm đạo với ta đó.
Rồi Ngài ngâm vần kệ thứ hai:
Xuất hiện Thiên Thần rực ánh quang,
Tặng ta Tiên phạn để ta ăn,
Cao sang trên đĩa vàng bày sẵn
Ta đáp nàng không dạ lạc hoan.
Sau đó gã ngâm vần kệ thứ ba:
Nếu như người thấy một Thiên Thần,
Người hãy yêu cầu một đặc ân
Xin đứng chấp tay van vị ấy,
Cho hay Thiên Nữ hoặc phàm nhân?
Bạn nói phải lắm vị Bà La Môn bảo.
Rồi Ngài hỏi bằng cách ngâm vần kệ thứ tư:
Nương tử nhìn ta vẻ thiết thân,
Bảo ta: Cần lấy thức này ăn,
Hỏi nàng cao cả đầy uy lực,
Là nữ nhi hay một Nữ Thần?
Vị Nữ Thần lấp tức ngâm hai vần kệ:
Ta, Nữ Thần uy lực đại cường,
Nơi này vội đến giữa trùng dương,
Tràn đầy từ mẫn, tâm hoan hỷ,
Vì cứu Ngài trong bước cuối đường.
Nhìn đây thực phẩm, chốn an lành,
Nhiều loại cỗ xe, đủ dáng hình,
Cho Ngài làm chủ quyền tất cả,
Những gì ao ước tự tìm mình.
Khi vừa nghe vậy, bậc Ðại Sĩ suy nghĩ đắn đo: Ðây là Nữ Thần giữa đại dương Ngài tự nhủ bà tặng ta vật này vật nọ.
Cớ gì bà lại muốn đem tặng chúng cho ta?
Có phải vì một công đức nào đó của ta hay do quyền lực riêng của bà mà bà làm như thế?
Ðược, ta sẽ hỏi:
Và Ngài chất vấn điều này qua vần kệ thứ bảy:
Thưa, vậy tiên nương chính nữ hoàng,
Nắm quyền bao lễ vật nàng ban,
Mỹ nương yểu điệu, mày thanh tú,
Nghiệp quả nào ta tạo đấy chăng?
Vị Nữ Thần nghe Ngài hỏi, nghĩ thầm: Vị Bà La Môn này đã hỏi thế, chắc vì Ngài tưởng ta không biết Ngài đã làm việc lành nào. Ta muốn nói ngay cho Ngài rõ.
Vì vậy bà đáp Ngài qua vần kệ thứ tám:
Trên đường nóng bỏng kẻ đơn thân,
Khát nước, mệt nhừ, lại nhức chân,
Ngài đã dừng, mang tài vật cúng,
Ngày nay lễ ấy được hồng ân.
Lúc bậc Ðại Sĩ nghe thế, Ngài nghĩ thầm: Ô kìa giữa đại dương khó vượt qua này, việc cúng dường đôi hài trở thành một đại phước báo cho ta.
Ôi việc dâng lễ vật lên một vị Ðộc Giác Phật thật tốt lành thay!
Rồi trong niềm đại hân hoan, Ngài ngâm kệ thứ chín:
Xin chiếc thuyền bằng ván khéo xây,
Thuận buồm xuôi gió, chạy như bay,
Mà không thấm nước trên đường biển
Không thể dùng xe cộ chốn đây,
Xin chở ta về Molí gấp,
Làm sao vừa kịp đúng hôm nay.
Nữ Thần rất đẹp ý khi nghe những lời này, liền làm phép cho chiếc thuyền hiện ra, được làm bằng bảy báu vật, chiều dài tám trăm cubit 1 cubit = 45cm, chiều rộng sáu trăm cubit, chiều sâu hai mươi sải sải = 1,82m. Có ba cột buồm bằng ngọc bích, dây buộc bằng vàng, cánh buồm bằng bạc, các mái chèo và bánh lái đều bằng vàng ròng cả.
Trong thuyền, vị Nữ Thần chất đầy bảy báu vật, rồi ôm lấy vị Bà La Môn đưa lên chiếc thuyền huy hoàng kia. Bà không chú ý đến gã hầu cận, song vị Bà La Môn vẫn chia phần cho gã hưởng phước lành.
Gã sung sướng quá và Nữ Thần kia cũng ôm gã đặt lên thuyền nữa. Liền đó bà đưa thuyền đến Kinh thành Molinì và sau khi đã chất đầy châu báu vào kho nhà vị Bà La Môn, bà trở về nơi an trú mình.
Bậc Ðạo Sư với trí tuệ tối thắng, đã ngâm vần kệ cuối cùng:
Thần nữ hân hoan, hạnh phúc tràn,
Làm cho xuất hiện, chiếc thuyền Thần,
Ðem Sankha với người hầu cận
Về đến Kinh Đô đẹp tuyệt trần.
Còn vị Bà La Môn suốt đời ở nhà bố thí thật rộng rãi không ngừng và giữ giới hạnh, nên khi mạng chung Ngài cùng các gia nhân đi lên cộng trú với Chư Thiên. Khi bậc Ðạo Sư chấm dứt pháp thoại, Ngài tuyên thuyết các sự thật. Bấy giờ vào lúc kết thúc các sự thật, vị cư sĩ ấy chứng đắc Sơ Quả Dự Lưu.
Rồi Ngài nhận diện tiền thân: Vào thời ấy Uppalavannà Liên Hoa sắc là Nữ Thần, Ànanda là người hầu, và Bà La Môn Sankha chính là ta.
***
Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Năm - Phẩm Mười Bảy - Phẩm Tham Hành - Phần Hai
Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Ba - Phẩm Ba Mươi Mốt - Phẩm Tuyên Hóa - Phần Ba
Phật Thuyết Kinh Tiểu Bộ - Tập Bốn - Kinh Phật Thuyết Như Vậy - Chương Ba - Ba Pháp - Phẩm Năm
Phật Thuyết Kinh Diệu Tý Bồ Tát Sở Vấn - Phần Mười Ba - Nói Về Tám Pháp
Phật Thuyết Kinh Pháp Tập Yếu Tụng - Phẩm Một - Phẩm Vô Thường
Phật Thuyết Kinh Bảo Lăng Già A Bạt đa La - Phẩm Một - Phẩm Nhất Thiết Phật Ngữ Tâm - Phần Hai