Phật Thuyết Kinh Ma Ha Bát Nhã Sao - Phẩm Mười Một - Phẩm Viễn Ly
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Trúc Phật Niệm, Đời Dao Tần
PHẬT THUYẾT
KINH MA HA BÁT NHÃ SAO
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư
Trúc Phật Niệm, Đời Dao Tần
PHẨM MƯỜI MỘT
PHẨM VIỄN LY
Đức Phật dạy: Lại nữa, này Tu Bồ Đề!
Thật ra Đại Bồ Tát trong giấc mộng không nhập vào địa vị Thanh Văn, Bích Chi Phật Đạo. Đối với ba cõi không nghĩ đến việc mong cầu, cũng không ở trong đó tìm tòi.
Thấy các pháp như mộng, không ở trong đó chấp vào sự chứng đắc.
Vậy nên, này Tu Bồ Đề! Nên biết đó là tướng không thoái chuyển của Đại Bồ Tát.
Lại nữa, này Tu Bồ Đề! Đại Bồ Tát trong giấc mộng thấy vô số người, với ngần ấy trăm đệ tử, ngần ấy ức ngàn đệ tử, cùng ngồi họp ở trong đó mà thuyết pháp cho các Tỳ Kheo Tăng, như Đức Như Lai A La Hán Đẳng, Chánh Giác thuyết pháp.
Đúng vậy, này Tu Bồ Đề! Đại Bồ Tát không thoái chuyển nên biết đây là tướng không thoái chuyển.
Lại nữa, này Tu Bồ Đề! Đại Bồ Tát trong giấc mộng thấy mình bay lên ngồi ở giữa hư không thuyết pháp cho các Tỳ Kheo Tăng, tự thấy thân mình có hào quang bảy thước, biến hóa tự tại. Những việc Bồ Tát làm ở chỗ khác giống như pháp Phật đã thuyết. Vị ấy trong giấc mộng thấy như vậy nên biết đó là tướng không thoái chuyển của Đại Bồ Tát.
Lại nữa, này Tu Bồ Đề! Đại Bồ Tát trong giấc mộng không sợ hãi tai nạn khủng bố, hoặc thấy ở chỗ quận huyện binh lính nổi lên lần lượt chém giết nhau, hoặc thấy lửa cháy bùng lên, hoặc thấy sư tử, cọp sói và các loài thú khác, hoặc thấy chặt đầu người và các việc tai biến khác đau khổ kịch liệt, rất khốn đốn hoặc là đói khát… thấy những ách nạn như vậy, trong tâm không sợ hãi, khủng khiếp, dao động.
Những gì thấy trong giấc mộng ban đêm, thức dậy, ngồi ngay ngắn nghĩ: Những gì có ra trên thế gian đều giống như trong giấc mộng. Khi ta thành Phật sẽ thuyết pháp để dạy cho khắp tất cả. Nên biết đây là tướng không thoái chuyển của Đại Bồ Tát.
Lại nữa, này Tu Bồ Đề! Làm sao để biết được Đại Bồ Tát này sẽ đắc Vô Thượng, Chánh Giác?
Khi thành bậc Chánh Giác, trong cảnh giới của các Ngài không có tất cả những việc xấu. Chính đó là Đại Bồ Tát.
Này Tu Bồ Đề! Trong giấc mộng, nếu thấy súc sanh ăn nuốt lẫn nhau, nhân dân bệnh tật, tâm của người ấy dần dà có sự suy nghĩ: Nguyện khi ta thành Phật làm cho cảnh giới của ta không có tất cả những việc xấu. Nhờ đây nên biết đó là tướng của Đại Bồ Tát không thoái chuyển.
Lại nữa, này Tu Bồ Đề! Đại Bồ Tát ngay trong giấc mộng biết được hoặc thấy tai nạn bị lửa đốt cháy, liền nghĩ: Những điều đã thấy trong giấc mộng, tâm ta không thay đổi. Người có đầy đủ tướng như vậy, thì nên biết đây là Đại Bồ Tát không thoái chuyển.
Nếu Đại Bồ Tát nghĩ: Như ta suy nghĩ việc cần phải làm thêm nên làm thêm, đúng như lời đã nói không thay đổi. Nay thành quách này bị lửa đốt cháy, ta sẽ làm cho dập tắt hết.
Đức Phật dạy: Nếu lửa được dập tắt hết không còn, thì nên biết đây là Đại Bồ Tát đã được các Đức Như Lai A La Hán Đẳng, Chánh Giác quá khứ thọ ký thành Vô Thượng, Chánh Giác, biết đây là bậc không thoái chuyển. Làm cho lửa không tắt thì biết đây là Bồ Tát chưa được thọ ký. Giả sử lửa đốt cháy một nhà đến một nhà, lại cháy lan qua một làng đến một làng.
Như vậy, này Tu Bồ Đề nên biết người ở nhà nào trong đời trước vì mắc tội đoạn pháp nên đưa đến như vậy, biết việc làm của bọn người này đều là do đời trước.
Nghĩ xong, ngay hiện tại những ác đã tạo liền được trừ hết. Những tai nạn về đoạn pháp ở chỗ đó nhân đấy được dứt hết.
Nhờ vậy, nên này Tu Bồ Đề! Nên biết đây là Đại Bồ Tát không thoái chuyển nơi quả vị vô thượng bồ đề.
Lại nữa, này Tu Bồ Đề! Người với đầy đủ tướng hành tướng như vậy, thì nên xem vị Đại Bồ Tát ấy giống như là bậc không thoái chuyển. Do đây nên nói rằng với hành tướng như vậy sẽ biết được người này.
Này Tu Bồ Đề! Hoặc khi nam tử, nữ nhân bị quỷ thần đến chỗ ở hoặc là đến bắt, vị Bồ Tát kia nghĩ: Giả sử ta được Đức Như Lai A La Hán Đẳng, Chánh Giác quá khứ thọ ký ta thành vô thượng bồ đề, thật khổ nhọc không khác, sẽ đắc vô thượng bồ đề. Người đối với ý nghĩ về vô thượng bồ đề đều thanh tịnh thì từ bỏ tâm La Hán, Bích Chi Phật.
Giả sử đã bỏ tâm La hán, Bích Chi Phật, chắc chắn sẽ thành vô thượng bồ đề. Không đắc, không thành, tự tại đến Hiện Đẳng Giác. Nếu sẽ thành Phật là Bậc Vô Thượng, Chánh Giác thì chư Phật hiện tại ở vô lượng, vô số cõi nước, không ai là không thấy, không ai là không chứng. Nay Đức Như Lai A La Hán Đẳng, Chánh Giác biết hết ý nghĩ của ta không khác.
Ta xem xét Bậc Hiện Đẳng Giác thành Vô Thượng, Chánh Đẳng, Chánh Giác, quả đúng như lời ta nói, quỷ thần ấy sẽ lập tức rút lui. Thiện nam, thiện nữ bị quỷ thần nào bắt thì quỷ thần đó nghe lời nói liền rút lui.
Khi nói lời như vậy, giả sử quỷ thần không rút lui thì Bồ Tát này là người chưa được Đức Như Lai A La Hán Đẳng, Chánh Giác quá khứ thọ ký, chưa trao vô thượng bồ đề. Nếu nói lời này, tà ma liền rút lui thì biết đây là Bồ Tát đã được Đức Như Lai A La Hán Đẳng, Chánh Giác quá khứ thọ ký, trao cho vô thượng bồ đề.
Đức Phật bảo Tu Bồ Đề: Người ấy quả là rất thành tâm. Khi ác ma đi đến chỗ Đại Bồ Tát, nếu Bồ Tát nói rằng ta chí thành và đã được thọ ký thành vô thượng bồ đề, ác ma quỷ thần sẽ bỏ đi. Ác ma do đây nên phát tâm tốt. Vị ấy giáo hóa làm cho ác ma quỷ thần đó lui hết.
Vì sao?
Vì ác ma có oai thần rất lớn nên các quỷ thần không dám chống lại, đều tránh xa oai thần của ma. Nhờ đây nên trừ được tất cả.
Nếu Bồ Tát nào tự nghĩ đó là nhờ oai thần của ta nên sinh cống cao khinh dễ, tự mình biết đúng, do đây cống cao, chế diễu người khác, nhưng không tự xét mà nói với mọi người rằng: Ta đã được các Đức Như Lai A La Hán Đẳng, Chánh Giác quá khứ thọ ký, còn những người khác đều chưa được thọ ký thành vô thượng bồ đề.
Do đây nên cống cao, sân hận càng tăng, liền xa lìa nhất thiết trí rất xa, mất trí tuệ Vô Thượng, Chánh Giác. Nên biết hạng Bồ Tát này không có phương tiện quyền xảo mà tự cống cao, bèn từ địa vị hai đạo vô ngại đạo và giải thoát đạo mà rơi xuống địa vị Thanh Văn và Bích Chi Phật.
Này Tu Bồ Đề! Những Bồ Tát này chưa thành cho là thành, không biết ma cho nên bỏ thầy tốt mà đi, cũng không cùng làm công việc cũng chẳng coi xét, bị ma làm cho khốn đốn.
Đại Bồ Tát này sẽ biết rõ ma và lấy gì để biết?
Ma đến trước Bồ Tát biến hóa và mặc y phục khác nói rằng: Đại Bồ Tát nếu từ chỗ của Đức Như Lai A La Hán Đẳng, Chánh Giác quá khứ được thọ ký thành vô thượng bồ đề hoặc tên mình là…, tên em là…, tên cha là…, tên anh chị em là…, bạn bè thân hữu tri thức tên là… hoặc bậc cha anh tên…, Tổ Phụ bảy đời tên…, dòng họ ngoại của mẹ tên…, dòng họ ngoại của cha tên…
Hoặc sinh ra ở thành nào đó, sinh ở nước nào đó, ở quận nọ, huyện nọ, làng nọ. Hoặc thường nói lời dịu dàng, hoặc nay nói lời như vậy đều là do đời trước đưa đến cũng lại nói lời dịu dàng. Hoặc gặp lúc người có tài thì cũng theo hình dáng đó mà nói.
Hoặc đời trước cũng tài cao thông minh, thấy mình tự giữ gìn, hoặc thấy khất thực ngay bữa ăn hay lúc sắp đến bữa ăn, hoặc trước đó ăn trái cây, rau quả, không ăn cơm. Hoặc ở nơi gò mả, ở chỗ đồng vắng vẻ, ở dưới gốc cây. Khi nhận lời thỉnh, lúc không nhận lời thọ thỉnh, tự biết đủ nơi vật thực có được lúc ở một chỗ. Không xoa thân bằng dầu mè, tiếng nói thanh tao và lưu loát.
Vì lẽ gì ma lại bảo nhân duyên này do đức đời trước nên được như vậy?
Người này lúc ở đời trước, con nhà nào?
Hoặc dòng Sát đế lợi, tên là gì?
Đời trước có đức này nên được như vậy. Tâm Bồ Tát kia nghĩ rằng ta cũng như vậy.
Ác ma lại nói: Nếu đã được các Đức Như Lai A La Hán Đẳng, Chánh Giác quá khứ thọ ký vô thượng bồ đề, nhờ nhân duyên công đức này nên được không thoái chuyển.
Đức Phật bảo Tu Bồ Đề: Ta nói Đại Bồ Tát không thoái chuyển không như vậy, đem sự việc này xét, như ta đã nói không được đầy đủ mà cho là đầy đủ.
Nên biết hạng Bồ Tát này hoàn toàn không thành tựu, bị ma phá hoại, vì sao?
Vì thấy người dó đầy đủ hành tướng như vậy, biết đó chẳng phải là Bồ Tát không thoái chuyển, chắc chắn không có ý này. Hạng Bồ Tát này nghe ma mới nói đến tên nên rất vui mừng, tự cho mình biết đúng nên ngã mạn, cống cao, chê bai những người khác, khinh chê bạn đồng học và cho mình là đúng.
Hạng Bồ Tát này, này Tu Bồ Đề! Vì chấp nhận tên đó nên mất thệ nguyện của mình, liền rơi vào lưới ma.
Lại nữa, này Tu Bồ Đề! Vì chấp tên nên Đại Bồ Tát này không biết ma làm hại, lại nói đắc vô thượng bồ đề.
Ma lại nói: Ai sẽ trở thành vô thượng bồ đề thì khi thành Phật sẽ có tên đó.
Bồ Tát này nghe tên nghĩ: Ta sẽ đắc không sai. Ta lúc trước cũng nghĩ như vậy.
Đức Phật dạy: Bồ Tát này hiểu biết rất kém, không có phương tiện quyền xảo, lại nghĩ mong cầu danh hiệu, tự cho mình thành vô thượng bồ đề với danh hiệu như vậy.
Đức Phật dạy: Như lời ma dạy và làm theo lời ma thì nay làm Tỳ Kheo bị ma mê hoặc, tự nghĩ là ta đã đạt đến bản nguyện của mình, nay được tên này, đúng như lời nói. Đức Như Lai A La Hán Đẳng, Chánh Giác quá khứ đã thọ ký cho ta thành vô thượng bồ đề.
Đức Phật bảo Tu Bồ Đề: Ta đã thuyết về Đại Bồ Tát không thoái chuyển vào những hình tướng đó mà không làm theo, ngược lại ỷ vào danh hiệu của mình, khinh chê các Đại Bồ Tát khác. Do sự khinh chê này nên lìa trí tuệ nhất thiết trí vô thượng bồ đề, xa phương tiện quyền xảo.
Vì lìa bát nhã Ba La Mật, lìa thầy tốt, gặp thầy xấu, nên Bồ Tát này bị rơi vào hai đường là Thanh Văn hay Bích Chi Phật Đạo. Từ rất lâu xa siêng năng khổ nhọc cho mãi về sau mới cầu thành Phật, nhờ ân bát nhã Ba La Mật sẽ đắc vô thượng bồ đề, thành bậc Chánh Giác.
Đức Phật dạy: Khi có ý chấp danh hiệu không mau giác ngộ sửa đổi, như vậy sẽ rơi vào địa vị Thanh Văn, Bích Chi Phật Đạo.
Đức Phật dạy: Tỳ Kheo có bốn giới trọng. Người nào hủy phạm vào những việc đó, không còn là Sa Môn, không còn là đệ tử Phật. Tội người phá hoại Bồ Tát nặng hơn bốn giới trọng của Tỳ Kheo.
Bồ Tát nói: Tôi tên đó…, sinh ở nước đó…, nghĩ tội nặng hơn bốn giới trọng, lại hơn tội ngũ nghịch.
Đã bị tội nặng sao lại nhận danh hiệu?
Vì lẽ không biết việc của ma rất là vi diệu.
Lại nữa, này Tu Bồ Đề! Đại Bồ Tát có đức xa lìa thì ác lại đến trước nói: Pháp xa lìa đúng là được Đức Như Lai A La Hán Đẳng Chánh Giác khen ngợi.
Đức Phật bảo Tu Bồ Đề: Ta không dạy cho các Đại Bồ Tát nên xa lìa, ở một mình nơi rừng cây vắng vẻ.
Ngài Tu Bồ Đề bạch Phật: Thế nào, kính bạch Đức Thiên Trung Thiên! Đại Bồ Tát có xa lìa khác chăng?
Đức Phật bảo Tu Bồ Đề: Cho dù Đại Bồ Tát suy nghĩ lờ mờ thì đó là điều suy nghĩ của Thanh Văn, suy nghĩ lờ mờ là điều suy nghĩ của Bích Chi Phật. Người hành động hoảng hốt là Đại Bồ Tát tuy ở thành thị tiếp tục tu hành xa lìa bằng hành động hoảng hốt, người ấy là Đại Bồ Tát đối với tất cả pháp ác mà không khởi lên.
Người hành động hoảng hốt là Đại Bồ Tát, nếu dừng chân ở một mình trong rừng cây yên ắng, là Đại Bồ Tát ấy tiếp tục thực hành hạnh xa lìa, ấy là ta ưa thích khiến cho Đại Bồ Tát thực hành hạnh xa lìa như thế nên phải suy nghĩ ngày đêm, đó là hạnh xa lìa của Đại Bồ Tát.
Đại Bồ Tát thực hành xa lìa tuy ở thành phố vẫn sợ hãi thì riêng ở dưới rừng cây vẫn sợ hãi. Bồ Tát nào riêng ở dưới rừng cây vắng vẻ thực hành sợ hãi mà nghĩ rằng ta đã biết rõ xa lìa.
Bấy giờ ác ma đến dạy Bồ Tát đó thực hành xa lìa rằng: Nên một mình dưới rừng cây và thực hành như vậy. Đó là Bồ Tát theo lời chỉ dạy của ma, quên mất xa lìa.
Ma lại bảo: Nói rõ ra là vì tất cả hàng Thanh Văn và Bích Chi Phật Đạo đều dấy lên suy nghĩ này: Không có khác việc ấy, để đầy đủ bát nhã Ba la mật, nên phải làm hạnh ấy.
Đức Phật dạy: Pháp theo ý nghĩ của Đại Bồ Tát này chẳng thanh tịnh, vậy mà còn làm theo và khinh chê các Bồ Tát khác. Tự nghĩ ai có thể hơn ta. Khinh chê Bồ Tát ở thành phố nhưng thanh tịnh và tâm không có ý nghĩ rơi vào pháp Thanh Văn, Bích Chi Phật. Có tâm xấu không chấp nhận thiền duyệt tam muội và Tam ma địa, chắc chắn đạt được sở nguyện và đầy đủ các pháp Ba La Mật.
Đức Phật dạy: Hạng Bồ Tát không có phương tiện thích trí thì vị ấy mặc dù ở trong chốn đồng không mông quạnh bốn ngàn dặm, chỗ đó cầm thú không đến được, giặc cướp không tới nơi, chỗ La sát không đến, tuy rằng người ấy ở nơi đó hoặc giả một năm, hoặc trăm năm, hoặc ngàn năm, hoặc trăm ngàn năm, hoặc trăm ngàn vạn năm, hoặc trăm ngàn vạn ức năm, cho dù lại quá hơn con số đó, thế nhưng người ấy chẳng biết xa lìa, sẽ không có điều lợi ích và không thể nào đầy đủ.
Vì Đại Bồ Tát tu hạnh xa lìa, tự suy nghĩ và bảo rằng: Toàn bộ ta đã chứng đắc rồi và đã hiểu rõ tất cả rồi.
Ác ma liền bay lên giữa hư không nói: Lành thay, Lành thay! Thiện Nam Tử này là chân thật xa lìa, đúng như lời Đức Như Lai A La Hán Đẳng, Chánh Giác đã dạy và nên tùy thuận theo đó để xa lìa và như vậy thì mau đắc Vô Thượng, Chánh Giác. Đại Bồ Tát này nghe như vậy, liền từ bỏ hạnh xa lìa, đi đến chỗ Bồ Tát viễn ly ở thành phố. Nếu Tỳ Kheo thành tựu về đạo nhưng cống cao, nói những lời khinh chê, nếu ra làm Phật sự sẽ vấp lỗi.
Đức Phật dạy: Những người thuận theo hành động hoảng hốt ấy thì đối với hành động đúng của Bồ Tát cho là sai và ngược lại, hành động sai lại cho là đúng. Người không đáng kính thì lại kính, còn người đáng kính thì lại không kính.
Nói ta đã thực hành hạnh xa lìa, do đó nên có phi nhân đến nói rằng: Lành thay! Lành thay, nếu hành đúng là xa lìa, nếu ở thành phố thực hành thì ai sẽ đến nói, ai sẽ đến báo cho vị ấy?
Đức Phật dạy: Bồ Tát này là người có đức nhưng lại khinh họ.
Như vậy, này Tu Bồ Đề! Bồ Tát nên biết người này giống như người khuyên thầy chết, không đúng một tí nào. Lại nói Bồ Tát có lỗi, đây là oan gia của Bồ Tát, vì hiềm thù Bồ Tát nên họ là kẻ giặc lớn trên trời và trong nhân gian.
Giả sử người này có mặc áo Sa Môn cũng chỉ là kẻ giặc. Đối với hạng Bồ Tát có đức ở trong loài người cũng lại là kẻ giặc.
Này Tu Bồ Đề! Bọn này không nên cùng cộng tác với họ, không nên cùng với họ chuyện trò, cũng không nên nhìn họ với sự cung kính.
Vì sao?
Nên biết bọn người này nhiều sân hận nổi lên làm bại hoại tâm tốt của người.
Này Tu Bồ Đề! Điều gì khiến Đại Bồ Tát này không rời nhất thiết trí, không bỏ Vô Thượng, Chánh Đẳng, Chánh Giác. Nếu Đại Bồ Tát không rời nhất thiết trí, cho nên Vô Thượng, Chánh Đẳng, Chánh Giác và Hiện Đẳng Giác là nơi nương tựa cho tất cả mọi người.
Hạng Bồ Tát này không nên cùng với bọn người phá hoại kia cùng làm việc, không nên cung kính họ, không nên cùng hội họp với họ để hộ pháp, chỉ biết giữ gìn về chánh niệm của mình, thường sợ hãi những nơi sinh tử khổ nên không chịu vào trong đó, không qua lại với ba cõi.
Người phá hoại Bồ Tát như vậy ở chỗ nào thường nên từ tâm thương xót giúp đỡ họ, tự nghĩ làm cho ta không được sinh. Tâm xấu ác như vậy thật đáng thương xót. Giả sử có điều không tốt, mau làm cho ta xả bỏ chúng, nên học tập như vậy.
Vậy nên, này Tu Bồ Đề! Đại Bồ Tát là người hiểu biết trên hết.
***
Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Năm - Phẩm Mười Bảy - Phẩm Tham Hành - Phần Hai
Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Ba - Phẩm Ba Mươi Mốt - Phẩm Tuyên Hóa - Phần Ba
Phật Thuyết Kinh đại Thừa Trang Nghiêm Bảo Vương - Phần Tám
Phật Thuyết Kinh Dược Như Lai Bản Nguyện
Phật Thuyết Kinh Tạp A Hàm- Kinh Nhất Pháp
Phật Thuyết Kinh Thủ Hộ đại Thiên Quốc Thổ - Phần Bốn
Phật Thuyết Kinh Chư Phật Cảnh Giới Nhiếp Chân Thật - Phần Sáu
Phật Thuyết Kinh đại Thừa đại Tập địa Tạng Thập Luân - Phẩm Bảy - Phẩm Phước điền Tướng - Phần Một