Phật Thuyết Kinh Mục Kiền Liên Hỏi Năm Trăm Tội Khinh Trọng Trong Giới Luật - Phẩm Hỏi Về Bệnh Tật

Kinh Đại thừa   •   Thứ hai, 25/12/2023, 22:04 PM

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Pháp Thiên, Đời Tống

PHẬT THUYẾT KINH MỤC KIỀN LIÊN

HỎI NĂM TRĂM TỘI KHINH TRỌNG

TRONG GIỚI LUẬT

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư

Pháp Thiên, Đời Tống  

PHẨM HỎI VỀ BỆNH TẬT  

Hỏi: Lúc Tỳ Kheo bệnh được lìa bát mà thụ thực không?

Đáp: Bệnh nặng thì được, bệnh nhẹ thì không được.

Hỏi: Tỳ Kheo bị bệnh không mang theo ba y phạm tội gì?

Đáp: Nếu bệnh quá nặng không biết gì thì được rời ba y. Nếu còn biết thì không được rời y.

Chú giải: Tiếc thay! Nếu bệnh mà còn tỉnh thì cũng không được lìa ba y, huống gì không bệnh. Tỳ Kheo thời này mạnh khỏe mà không chịu cầu tiến, chỉ dựa vào sức tu riêng lẻ, mà bỏ quên y bát, nên trái với lời Phật dạy, há không bị tội ư!

Tỳ Kheo trì giới nhất định nhớ lấy lời này, khắc cốt ghi tâm mới được.

Hỏi: Tỳ Kheo chăm sóc người bệnh, tự ý lấy tiền của người bệnh này cấp cho người bệnh khác và may y, làm thức ăn, mua thuốc men thì phạm tội gì?

Đáp: Nếu sử dụng từ năm tiền trở lên thì phạm tội Ba la di. Nhưng nếu sau đó Tỳ Kheo nói với người bệnh việc này, người bệnh hoan hỉ thì không phạm. Nếu người bệnh tức giận, Tỳ Kheo lại không bồi thường thì cũng phạm tội Ba la di.

Hỏi: Vì Tỳ Kheo bệnh, nên thí chủ cúng dường mỗi ngày một trăm tiền.

Tuy nhiên chỉ cần năm mươi tiền là đủ, số dư đó được phép cho người bệnh khác mua thức ăn và thuốc không?

Đáp: Người bệnh ấy tự cho thì được.

Hỏi: Tỳ Kheo bị bệnh mà không có người chăm sóc, Tỳ Kheo khác được phép làm thức ăn cung cấp cho không?

Đáp: Ở chốn núi rừng vắng vẻ không người, hằng ngày không có ai đến, thì được làm thức ăn trong vòng bảy ngày. Tuy nhiên, Tỳ Kheo trước tiên phải nhận lấy gạo củi thanh tịnh mới được làm.

Chú giải: Nhận gạo củi không thanh tịnh vì sợ làm tổn thương loài trùng kiến. Lại nói, ở trong chúng Yết Ma tác tịnh, rồi nhận lấy mà làm thức ăn cũng được.

Chương pháp thụ nhật trong bộ Đàm Vô Đức ghi: Lúc có việc Phật, việc tăng, việc Tháp, hoặc gặp các duyên cha mẹ, đàn việt thỉnh Tỳ Kheo đến truyền giới, sám hối, xem bệnh bốc thuốc, hỏi các việc nghi, hỏi về pháp thì không biết làm thế nào?

Phật dạy: Nếu trong một ngày trở về không kịp, thì cho phép Tỳ Kheo đi bảy ngày, nếu công việc bảy ngày về không kịp, cho phép đi mười lăm ngày, nếu mười lăm ngày về không kịp, thì cho đi một tháng.

Đến ngày cuối tháng Tỳ Kheo nên trở về, nhưng khi đi cần phải thỉnh Chúng Tăng hòa hợp, bạch nhị Yết Ma mới được ra khỏi giới. Việc xong trở về an cư cho đến lúc mãn thụ tuổi hạ.

Hỏi: Người bệnh cần một hoặc hai lít rượu để hòa thuốc chữa bệnh, có được không?

Đáp: Nếu thầy thuốc nói uống vào có thể lành bệnh, thì cho hòa vào thuốc để uống, chứ không được uống rượu không.

Chú giải: Uống rượu trắng thì phá giới, sẽ phạm tội Đọa, nên không được uống. Uống rượu phạm ba mươi sáu lỗi, cho đến vô lượng lỗi. Nếu ngươi sống với gia đình mà uống rượu thì tan nhà mất nước. Đối với Chư Tăng thì rượu làm cho mê mờ, đánh mất chân tính, trong luật có giải rõ, không dẫn ra đây.

Hỏi: Tỳ Kheo bệnh, được phép phục khí không?

Đáp: Không được, vì đồng với ngoại đạo.

Hỏi: Tỳ Kheo bị bệnh thủng được phép nhờ người niệm Thần Chú để chữa trị không?

Đáp: Được.

Chú giải: Thủng là căn bệnh do các khí hàn và nhiệt kết tụ lại mà thành, tức do phong đại không điều hòa mà sinh. Nếu Tỳ Kheo bị bệnh này, thường thì cho uống thuốc để khí lưu thông.

Trong nội giáo có Pháp Chú thủy có thể dùng để trị bệnh này chăng?

Đức Phật cho phép. Bởi duyên khởi sâu xa của bệnh này là do tâm vọng tưởng điên đảo mà sinh, Thần Chú có thể giúp tiêu trừ vọng tưởng.

Trong Kinh Quán đỉnh ghi: Gia trì một trăm lẻ tám biến Thần Chú vào nước không có vi trùng, rồi cho người bệnh uống, thì tất cả bệnh khổ đều tiêu trừ, chính là ý này.

Hỏi: Tỳ Kheo bị bệnh nặng mà giảm bớt ba y và bình bát để cúng dường chúng tăng, hoặc bán y bát của mình lấy tiền làm phúc thì phạm tội gì?

Đáp: Nếu có y cũ thay thế thì được, còn bán rồi mà không có y cũ thay vào thì phạm tội Xả Đọa.

Chú giải: Đó là vì muốn lành bệnh mà trái lời Phật dạy.

Phật đã dạy: Y bát là những vật tối cần thiết để nuôi sống và bảo vệ thân, cũng là chính duyên để vào đạo, giống như hai bánh của chiếc xe, hai cánh của con chim. Cho nên thà bỏ thân mạng, chứ không được lìa y bát qua một đêm.

***

icon

Tổng hợp

Cùng chủ đề

Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Ba - Phẩm Ba Mươi Mốt - Phẩm Tuyên Hóa - Phần Ba

Kinh Đại thừa   •   25.12.2023
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Cưu Ma La Thập, Đời Diêu Tần