Phật Thuyết Kinh Bồ Tát Tùng đâu Thuật Thiên Giáng Thần Mẫu Thai Thuyết Quảng Phổ Kinh Bồ Tát Xử Thai - Phẩm Mười Ba - Chư Phật Hành Tề Vô Sai Biệt

Kinh Đại thừa   •   Thứ hai, 25/12/2023, 22:18 PM

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Trúc Phật Niệm, Đời Dao Tần

PHẬT THUYẾT KINH BỒ TÁT TÙNG

ĐÂU THUẬT THIÊN GIÁNG THẦN

MẪU THAI THUYẾT QUẢNG PHỔ

KINH BỒ TÁT XỬ THAI

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư

Trúc Phật Niệm, Đời Dao Tần  

PHẨM MƯỜI BA

CHƯ PHẬT HÀNH TỀ VÔ SAI BIỆT  

Bấy giờ, Đức Thế Tôn liền thị hiện tướng kỳ lạ đặc biệt: Biến tất cả Bồ Tát thành Phật có đầy đủ tướng ánh sáng. Tất cả mặc dù khác nhau nhưng đều thuyết pháp cùng một giọng nói, phân biệt vô thường, đời đời đều trở về không.

Đức của các vị khó lường được và cung kính tôn trọng nhau, có đầy đủ oai nghi và chỉ nói pháp vi diệu, không có bớt thêm, co, duỗi, cúi, ngước. Các vị đều ngồi nơi tòa cao bằng bảy báu cực đẹp, có màn trướng bằng the lụa.

Đầu tiên: Nói pháp độ vô số toàn là nam, không có nữ.

Nói pháp lần thứ hai: Độ toàn nữ, không có nam.

Nói pháp lần thứ ba: Độ toàn người chánh kiến.

Nói pháp lần thứ tư: Độ toàn người tà kiến.

Nói pháp lần thứ năm: Độ nam nữ chân chánh bằng nhau.

Nói pháp lần thứ sáu: Độ tà chánh cũng bằng nhau.

Ngay khi ấy, tất cả pháp đều được thành tựu, không còn ngã sở và đạo quả được thành thục.

Theo pháp thường của Chư Phật nói là nói về nghĩa lý.

Thần túc thứ ba có tám vạn bốn ngàn pháp môn không hành, tám vạn bốn ngàn pháp môn vô tướng, tám vạn bốn ngàn pháp môn vô nguyện. Mỗi pháp môn đều có vô lượng nghĩa. Giống như thân người trí tuệ có một ngàn cái đầu, mỗi đầu có ngàn cái lưỡi, mỗi lưỡi có một ngàn nghĩa.

Nếu muốn đạt hoàn toàn nghĩa của ba pháp môn thì đối với trăm ngàn phần chưa đạt được một. Đây là kho tàng bí mật tinh túy của Chư Phật. Được như vậy là đều nhờ kiếp trước đã thành tựu trong sự tu học.

Khi ấy, dù khác nhau nhưng Chư Phật đều đồng thanh nói kệ:

Nguyện xưa của chúng ta

Nay đã được thành quả

Thân vàng, lời thanh nhã

Các tướng đều đầy đủ.

Muốn cầu tuệ vô cực

Thành tựu không còn nghi

Lành thay, đấng ba cõi

Tối thắng không ai bằng.

Xưa ta ở Đâu Suất

Chọn lựa nơi thọ sinh

Giáng xuống vào thai mẹ

Kết duyên chư Như Lai.

Những chúng sinh không duyên

Nói ta không thành đạo

Trong thai dạy chúng sinh

Trong thời gian thành Phật.

Kinh ta nói trước sau

Tám mươi bốn ức voi

Sức voi và sức người

Chở vác không thể nổi.

Nay ta phải hoan hỷ

Ghi nhớ đừng quên mất

Nói pháp chưa thành đạo

Trong thai giảng chánh pháp.

Phật hành không sai khác

Tất cả đều bình đẳng

Chỉ Phật mới biết Phật

Công đức nghĩa nhiều ít.

Muốn đắc từ nghì Phật

Việc làm phải kỳ diệu

Trải qua vô số kiếp

Không đạt được mảy lông.

Sau khi nói kệ này, Đức Thế Tôn thuyết pháp lần đầu tiên toàn là nam, không có nữ, và ngay trên tòa họ đắc bất thoái chuyển, có lòng tin kiên cố, không thể nào làm trở ngại được.

Bấy giờ, Thích Ca Mâu Ni thâu oai thần trở lại giống như trước và nói kệ:

Chứng quả tám chánh đạo

Không Thầy tự nhiên ngộ

Một mình dạo ba cõi

Tự đạt đạo Niết Bàn.

Pháp vốn không một tướng

Đại biện tài mau lẹ

Nay ta đã chứng quả

Dứt ái không chấp trước.

Vốn tánh pháp năm ấm

Không thấy có thiện ác

Dùng thần lực cứu khổ

Thản nhiên đạo tịch diệt.

Các ông trong hội này

Thệ nguyện đã thành tựu

Chưa đắc, nay đã đắc

Vui thay, nghiệp lành này.

Dây nhân duyên làm ngại

Trừ sạch không còn gì

Pháp la võng ta, tôi

Tự nhiên bị hủy hoại.

Ngu si không thấy chân

Tự đọa bốn sắc duyên

Chưa quan sát kỹ càng

Phân biệt gốc tướng khổ.

Như nay ta thành đạo

Công phu nói không hết

Phật gầm tiếng Sư Tử

Kiếp lửa, kiếm ác cướp.

Đúc nặn chúng sinh khổ

Lấy màu nhuộm tơ trắng

Nhẫn nhục chịu khổ hại

Đến chết không trả thù.

Giữ tâm như hư không

Thay đổi không lâu dài

Đối với đời bấy giờ

Tội ngũ nghịch khổ não.

Khó dạy, không thể độ

Chư Phật không cứu được

Tìm gốc làm hiện duyên

Chỉ dẫn chỗ vô vi.

Phá tâm ương ngạnh ấy

Chuyên nhất được giải thoát

Giáo pháp nói lần đầu

Không sinh, không khởi diệt

Đều hướng về Phật Đạo

Không ai bị đọa lạc.

Khi Phật nói kệ này xong, các chúng nam, chúng nữ, chúng chánh, chúng tà đều có lòng tin rốt ráo, đắc địa bất thoái chuyển.

Phật bảo các Đại Bồ Tát: Các ông muốn thấy Như Lai dùng thần lực giáo hóa đạo không thể nghĩ bàn, pháp tánh thuần thục, không có người nam, người nữ, theo nghĩa phương tiện thiện xảo nói thọ thân người nữ, không được Phật thọ ký. Ma, Thích, Phạm Vương không có tướng chân thật.

Các ông có muốn biết bốn chúng này được thọ ký thành Phật không?

Khi ấy, Bồ Tát tên Vô Tận Ý đứng dậy, trịch bày vai phải, gối phải quỳ sát đất, chấp tay thưa Phật: Con chưa hề nghe Như Lai nói pháp về bốn hạng người này được thành Phật. Nay mới khai diễn đại nghĩa.

Và lại bạch Phật: Xả thân thọ thân liền thành Phật sao?

Phật bảo Bồ Tát Vô Tận Ý: Ông hãy lắng nghe cho rõ, suy nghĩ thật kỹ.

Ta sẽ phân biệt rõ ràng cho ông: Chín mươi mốt kiếp về quá khứ có Phạm Thiên Vương tên Đại Biện Tài, thông suốt xưa và nay, thường thích nhàn cư.

Ngồi trong cung Trời suy nghĩ: Nay ta có thể giáo hóa cung nữ và các Phạm Vương ở đây.

Khi ta được thành Phật đều có Chư Thiên đi theo, cạo bỏ râu tóc, mặc pháp phục, đồng thời thành Phật không vui sao?

Nghĩ như vậy xong, Phạm Thiên Vương liền ở cung Trời, đến cây trú độ, ngồi ngay thẳng tư duy, nhất ý nhất tâm, chánh niệm tỉnh giác, không có tưởng niệm gì khác, liền thành Phật với ba mươi hai tướng của bậc đại nhân và tám mươi vẻ đẹp.

Quyến thuộc của Chư Thiên tu hành chánh pháp Tỳ Kheo, đắc A La Hán và tất cả đều là hàng lợi căn. Chúng Thiên Nữ ấy có người đắc Tu Đà Hoàn, Tư Đà Hàm, A Na Hàm, không còn sinh trở lại thế gian này nữa, rồi liền nhập Niết Bàn. Đó gọi là Phạm Thiên Vương không xả thân thọ thân mà thân hiện tại được thành Phật Đạo.

Phật bảo Bồ Tát Vô Tận Ý: Bảy mươi sáu kiếp về quá khứ có Thiên Vương thứ sáu  thống lãnh ba ngàn Đại Thiên Thế Giới  tên là Hại Ác.

Từ tầng Trời thứ sáu trở xuống đến tự tại vô ngại, ở cung Trời ấy trải qua vô số sự tư duy, hối hận: Những việc xưa kia hủy báng Tam Bảo, ngăn cản đạo quả.

Giả sử ta thọ báo, đọa vào ba đường, không rời khỏi đường ác, thì nay ta có thể sửa đổi tâm làm ác và cùng với quyến thuộc Chư Thiên trong cung Trời này tu phạm hạnh, cầu đạo vô thượng, tiến tới thành Phật, không phải vui sao?

Lại suy nghĩ: Cảnh giới mà ta cai quản có vô lượng vô số Thiên Nữ vui chơi, không gì vui hơn đây. Giả sử ta thành Phật thì cũng giống như cõi này, dần dần biếng trễ, kiêu mạn.

Lại tới kiếp số loài ma có tri thức tu hành, bước lên quả vị Thập trụ, giảng nói công đức của Phật, xuất gia tu đạo, có các tướng đầy đủ. Tâm ma khai mở, sửa đổi, tâm tánh nhập vào thiền định, không có dấy nhiều tưởng niệm, căn tánh mau lẹ.

Ngay đó, liền ở cung Trời mà chứng đạt tam minh, trang nghiêm Cõi Phật, không còn tái sinh nữa, liền thành vô thượng chánh chân Chánh Đẳng Chánh Giác, phóng ra ánh sáng lớn chiếu khắp tất cả cõi ma, không chỗ nào là không thấy.

Khi ma thành Phật, có ba ức Thiên Tử tâm tự sinh niệm, cho rằng: Do ma huyễn hóa chứ chẳng phải đạo chân thật và hết thảy rút lui trở về cung. Mười sáu ức Thiên Tử đều đến thân cận, phụng thờ, cúng dường như Phật không khác. Và ngay nơi tòa chứng bốn quả. Đó là Đại Thiên Vương Hại Ác, không xả thân thọ thân mà thành Phật Đạo.

Phật bảo Bồ Tát Vô Tận Ý: Sáu mươi mốt kiếp về quá khứ, ở phương Đông có Thích Thiên Tử tu thiên nhãn, tâm thanh tịnh, thích thiền định, luôn muốn xuất gia tiến đến Phật Đạo. Pháp của Chư Thiên ấy bị suy nên có điềm ứng và không bao lâu qua đời.

Chư Thiên từ từ giảm sút sự ham thích về ngủ nghỉ, thân thể dơ bẩn, hoa tự khô héo, không thích tòa báu, thức ăn không ngon, rồi liền đi ra sau vườn tắm rửa, giặt giũ.

Với thân Trời này, mắt thấy rất xa: Làm thế nào có Phật để đến lễ lạy, viếng thăm, cung kính cúng dường, được thọ giới cấm của Phật và liền ngay thân này đắc thành Phật Đạo.

Nghĩ như vậy xong, ngồi ngay thẳng tư duy, dùng thiên nhãn thấy phương trên có Phật hiệu Vô Lượng Không Hành, ở trong Thế Giới Thanh Tịnh, hiện đang giảng nói pháp, đầu, giữa, cuối hoàn toàn thiện.

Thế rồi Thích Thiên Tử dùng thần lực khoảng như người co duỗi cánh tay, đến chỗ Phật ấy lễ lạy sát chân, lui qua đứng một bên và nói kệ khen Phật:

Tướng sáng chiếu mười phương

Chiến thắng các ma oán

Giảng nói con đường đạo

Dứt nghi, không còn lầm.

Người phạm hạnh thanh tịnh

Đều nhờ hạnh tối thắng

Tùy cơ nói chân pháp

Không trái pháp bản hạnh.

Con là chủ Chư Thiên

Muốn tu đạo thanh tịnh

Cúi xin Phật thương xót

Được đến chỗ an ổn.

Bấy giờ, Đức Thế Tôn bảo Thích Thiên Tử: Lành thay! Lành thay!

Ông phát tâm rộng lớn, muốn được cứu vớt khổ của chúng sinh: Người chưa đắc được đắc, người chưa đạt được đạt, người chưa thành tựu được thành tựu, muốn cho người mù được mắt sáng, người điếc được nghe, người gù lưng được thẳng, người không có tay chân được có tay chân. Ông hãy trở về bổn cung, ngồi nơi cây đạo, phân biệt các hành là pháp trụ hay pháp tán.

Nghe xong, Thích Thiên Tử lạy trước Phật. Khi ấy, ông ta biến mất, trở về cung Trời. Quyến thuộc Chư Thiên đều quy về nương tựa, làm cho công đức của ông ta càng tăng trưởng, tướng suy hao đã tiêu mất sạch.

Ông ta ngồi thẳng thâu giữ thân, tâm, ý bất động, liền đắc thành Vô Thượng Chánh Chân Đẳng Chánh Giác, hướng dẫn chín mươi ba ức Thiên Nữ chứng bốn đạo quả. Đó gọi là Thiên Đế Thích không xả thân thọ thân mà thành Phật Đạo.

Phật bảo Bồ Tát Vô Tận Ý: Năm mươi bốn ức hằng hà sa kiếp về quá khứ có Thế Giới tên Hỏa Diệm.

Phật hiệu Vô Dục gồm đủ mười tôn hiệu: Như Lai, Ứng Cúng, Chánh Biến Tri, Minh Hạnh Túc, Thiện Thệ, Thế Gian Giải, Vô Thượng Sĩ, Điều Ngự Trượng Phu, Thiên Nhân Sư, Phật Thế Tôn Giảng nói pháp độ người, khéo tu phạm hạnh, biết rõ về pháp Tứ đế, bố thí cho tất cả.

Dân chúng cõi đó đều thọ thân nữ, hiểu rõ vô thường, khổ, không, vô ngã, phân biệt về thọ nhập, không còn phiền não, nhàm chán thân khổ này. Cùng nhau phát thệ nguyện rộng lớn, mặc áo giáp vô úy muốn cứu độ chúng sinh, làm thanh tịnh Cõi Phật, trừ bỏ các xấu ác, lập ý chí kiên cố, đạt đến bất thoái chuyển.

Cùng nhau thực hành hiểu rõ về pháp không, vô tướng, vô nguyện. Trong một lúc, trong một ngày thông đạt Tam đẳng, liền thành Phật Đạo, các tướng đầy đủ, sống chết tự tại, lấy nhỏ nhập vào lớn, lấy lớn nhập vào nhỏ.

Trong một ngày độ vô lượng A tăng kỳ chúng sinh, giáo hóa chúng sinh vào Niếtbàn vô dư y. Đó gọi là bất xả thân thọ thân mà thành Phật Đạo.

Bấy giờ, muốn lặp lại nghĩa này, Đức Thế Tôn nói kệ:

Pháp tánh như biển lớn

Không nói có đúng  sai

Kẻ phàm phu, Hiền Thánh

Bình đẳng không cao thấp.

Chỉ do tâm cấu diệt

Thủ chứng như trở tay

Đạo thành Vua ba cõi

Xiển dương tướng Sư Tử.

Phân biệt vốn không pháp

Không có hạnh nam nữ

Nay đời năm trược này

Hiện có phần thọ thân.

Đoạn diệt kẻ chấp thường

Làm chướng ngại kiếp số.

Khi Đức Thế Tôn nói kệ này xong, có tám vạn bốn ngàn ức chúng sinh lập chí kiên cố và tất cả đều nguyện thành Phật, không còn tái sinh.

***

icon

Tổng hợp

Cùng chủ đề

Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Ba - Phẩm Ba Mươi Mốt - Phẩm Tuyên Hóa - Phần Ba

Kinh Đại thừa   •   25.12.2023
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Cưu Ma La Thập, Đời Diêu Tần