Phật Thuyết Kinh Mục Kiền Liên Hỏi Năm Trăm Tội Khinh Trọng Trong Giới Luật - Phẩm Hỏi Về Việc Tỳ Kheo Thị Tịch

Kinh Đại thừa   •   Thứ hai, 25/12/2023, 22:04 PM

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Pháp Thiên, Đời Tống

PHẬT THUYẾT KINH MỤC KIỀN LIÊN

HỎI NĂM TRĂM TỘI KHINH TRỌNG

TRONG GIỚI LUẬT

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư

Pháp Thiên, Đời Tống  

PHẨM HỎI VỀ VIỆC

TỲ KHEO THỊ TỊCH  

Hỏi: Đối với vật dụng của Tỳ Kheo thị tịch, nếu Chúng Tăng không đánh kiền chùy thông báo, không Yết Ma mà phân chia thì phạm tội gì?

Đáp: Trong phạm vi kiết giới có từ mười người trở lên đều phải đánh kiền chùy thông báo để Yết Ma phân chia vật dụng. Nếu không đánh kiền chùy mà Yết Ma, hoặc đánh kiền chùy mà không Yết Ma đều phạm tội Ba la di.

Sở dĩ như vậy là vì tất cả đồ vật của Tỳ Kheo thị tịch đều thuộc về Tăng bốn phương, nên không được tự ý phân chia. Nếu ở ngoài phạm vi kiết giới, từ năm người trở lên được phép Yết Ma phân chia phẩm vật mà không cần đánh kiền chùy, vì không có cương giới. Từ bốn người trở xuống không được Yết Ma phân chia phẩm vật, mà phải mang đến một trú xứ Chư Tăng. Nếu tự ý chia phạm tội Ba la di.

Nếu tự lấy mang đến trú xứ Tăng khác, vào đại giới thì không phạm, sau đó tự mang phẩm vật ra khỏi đại giới thì phạm tội Ba la di. Như vậy, khi mang đến trú xứ Chư Tăng khác, một lần đem ra khỏi đại giới là một lần phạm tội Ba la di. Đệ tử mang vật của thầy mình đi cũng vậy.

Hỏi: Tỳ Kheo thị tịch, đệ tử không mang đồ vật của thầy trao cho đại chúng mà tự phân chia cúng dường Chư Tăng tại trú xứ đó, chúng Tăng được phép dùng không?

Đáp: Vị đệ tử đó biết có qui định phải đánh kiền chùy thông báo trước mà không đánh thì phạm tội. Chúng Tăng không đánh kiền chùy, không Yết Ma mà dùng thì phạm tội Xả Đọa.

Chú giải: Người làm đệ tử ngày nay khi thấy thầy mình thị tịch, liền cho rằng tất cả những tài sản, vật dụng của thầy để lại đương nhiên là thuộc về mình, giống như gia nghiệp của cha mẹ hẳn để lại cho con cái, ai dám giành lấy. Nhưng họ không biết rằng Phật Pháp khác với lẽ đời, nên chẳng kể là phạm tội hay không phạm tội, dẫu cho có địa ngục đi nữa họ vẫn làm!

Hãy nhìn trước mắt xem! Những người này chỉ là ông Tăng thế tục, tuy học đạo mà không thông Phật Pháp.

Thật buồn tiếc thay! Phàm, người học đạo nên thông hiểu giáo tướng, tin rõ nhân quả. Nếu không, dù học đạo mà lại rơi vào địa ngục, thật chẳng có chỗ để cầu xin!

Hỏi: Nếu thầy thị tịch, Chúng Tăng Yết Ma phân chia đồ vật, đệ tử có phần không?

Đáp: Được, vì đệ tử cũng là Tăng.

Chú giải: Than ôi! Đệ tử cũng là chúng, nên chỉ được chia một phần. Theo đây có thể biết Phật Pháp bình đẳng đến như vậy. Thời mạt pháp nếu có được đệ tử như vậy, thì có thể cho là người tu hành chân chính, nhất định Tăng trưởng giới định tuệ, hi vọng được quả vô thượng bồ đề. Nếu không được như vậy, thì mờ mờ mịt mịt, không rõ nhân quả, muốn cầu đạo thánh thì sợ rằng không mong được gì trong hiện tại.

Hỏi: Nếu thầy thị tịch, ở đó không có Tăng khác, chỉ có năm, mười đệ tử thì được phép Yết Ma phân chia đồ vật không?

Đáp: Được! Vì đó chính là Tăng nên được phân chia, nhưng phải đánh kiền chùy và Yết Ma. Nếu không làm vậy thì không được.

Hỏi: Tỳ Kheo bệnh qua đời, vật dụng cúng dường người bệnh còn dư, đệ tử hoặc người chăm sóc bệnh được phép mang cho người bệnh khác không?

Đáp: Đây chính là vật dụng của Tăng, không được tự ý cho người khác, nếu cho đủ giá trị bằng năm tiền thì phạm tội Ba la di.

Hỏi: Thầy trò, cha mẹ, anh em qua đời được phép khóc không?

Đáp: Không được! Khóc ra tiếng là phạm tội Đọa, chỉ được khóc thầm mà thôi.

Chú giải: Khóc thầm, tuy trong đạo xuất thế cũng không vượt ngoài pháp thế đế, cùng sinh trong một hội không nỡ bỗng chốc xa lìa. Như Kinh Vu Lan bồn nói Ngài Mục Kiền Liên thương xót rơi lệ… thì có thể biết.

Lại nữa, trong thiên Phụ giáo của thiền sư Minh Giáo Tung có nói rằng, cha mẹ, Thầy Tổ, Chư Tăng qua đời, trong lúc tổ chức tang lễ, không được mặc áo tang mà tụng Kinh, nhưng mặc Tăng phục, đại y cũng được.

Nhất định để tâm tang ba năm, chí thành tu tập pháp thanh tịnh để tạo phúc cho người mất. Hai kì xuân thu truy niệm, phải thiết trai tụng Kinh, cho đến mọi việc mọi pháp đều khác với thế tục. Đây là nói đại hiếu.

Hỏi: Khi một vị thị tịch, các Tỳ Kheo có mặt, nhưng lúc Yết Ma chia vật dụng thì không có mặt, hoặc lúc vị kia thị tịch, Tỳ Kheo không có mặt mà Yết Ma có mặt, thì được phân chia vật dụng không?

Đáp: Kịp có mặt khi Yết Ma, thì họ đều được phân chia vật dụng. Còn lúc vị kia thị tịch, Tỳ Kheo có mặt, mà Yết Ma không có, thì cũng không được chia.

Chú giải: Lúc Tăng thị tịch, tuy Tỳ Kheo có mặt, nhưng đã thuộc quá khứ. Lúc Yết Ma vắng mặt là thuộc vị lai, đều không phải hiện tại, nên không được chia. Nhưng y theo Luật Tăng Kỳ, hoặc có khi gặp Tăng thị tịch mà không gặp lúc Yết Ma, cho đến Tỳ Kheo vì người bệnh mà đi cầu thầy xin thuốc, hoặc vì việc Tháp, việc Tăng mà vắng mặt, nên cũng được phân chia. Đây gọi là pháp vật vô thường.

Nhưng cũng có lúc không nên phân chia đồ vật. Trong đó nên phân chia cho những vị tụng đọc Kinh Luật…, không nên phân chia để bán, nếu phân ra bán thì phạm tội. Các vị nên cẩn thận việc này.

Hỏi: Tỳ Kheo thị tịch, các đệ tử mua quan tài, y phục để chôn cất thì phạm tội gì?

Đáp: Khi có Tỳ Kheo qua đời thì nên bạch cùng Tăng, Tăng sẽ cấp cho y Nê Hoàn Tăng và Tăng Kỳ chi để đắp. Còn tất cả vật dụng của Tỳ Kheo ấy đều phải được sung vào Tăng chứ không được chôn theo. Nếu chôn một vật giá trị bằng năm tiền thì phạm tội Ba la di. Nếu đó là đồ vật riêng của đệ tử thì được. Nếu người chết biết pháp, khi còn sống đã phân định trước, người sau y theo đó mà phân xử thì không có tội.

Hỏi: Cha mẹ, bà con qua đời, Tỳ Kheo được phép cho y phục, quan tài để chôn cất không?

Đáp: Không được! Nếu cha mẹ bị bệnh không có người phụng dưỡng, Tỳ Kheo được phép đi khất thực về chia một nửa. Nếu cha mẹ có thể tự làm việc nhỏ như xe chỉ, dệt vải thì không được cung cấp thức ăn. Nếu Tỳ Kheo cấp thức ăn thì phạm tội Đọa, cấp y phục thì phạm tội Xả Đọa, huống gì là qua đời mà cho quan tài để chôn cất!

Hỏi: Tỳ Kheo bị bệnh qua đời, trước đó Tỳ Kheo này đã tặng y bát cho người chăm sóc bệnh mà không Yết Ma. Sau đó người chăm sóc bệnh bán y bát lấy tiền mua thức ăn cúng dường Tăng, Tăng được phép dùng không?

Đáp: Nếu Tăng chưa Yết Ma mà dùng thì Tăng phạm tội Xả Đọa. Nếu người chăm sóc bệnh không biết trong Phật Pháp cần phải Yết Ma mới được ăn, mà bấy giờ chưa Yết Ma thì Tăng nên bảo Yết Ma rồi mới dùng.

Hỏi: Tỳ Kheo cho Tỳ Kheo khác mượn vật dụng, nhưng Tỳ Kheo đó thị tịch.

Tỳ Kheo này được phép tự ý lấy lại không?

Đáp: Tất cả đều không được. Nếu tự lấy lại phạm tội Đột Kiết La. Nên bạch Tăng, Tăng trả lại thì được lấy, còn Tăng không cho mà tự ý lấy thì phạm tội Đọa.

Chú giải: Đây là vật của Tăng, không nên lấy, nếu xả là tốt, còn không xả là đọa vào địa ngục. Tham lam trái lời Phật chế, nên bị tội này.

Hỏi: Khi thầy thị tịch, Tỳ Kheo được phép xây Tháp thờ không?

Đáp: Nếu dùng tài vật của mình thì được xây, còn lấy tài vật của thầy thì không được.

Hỏi: Tỳ Kheo được phép đỉnh lễ mộ Tháp của thầy không?

Đáp: Được!

Có người gạn hỏi: Lúc sống là thầy của ta, nhưng đã chết thì không còn là Tỳ Kheo, chỉ một bộ xương khô mà thôi, thì vì sao mà phải đỉnh lễ?

Trả lời: Vậy khi Phật còn ở thế gian thì nên cung kính cúng dường.

Sau khi Phật nhập Niết Bàn cũng là bộ xương khô thôi, vì sao phải cúng dường?

Cho nên biết, lúc thầy sống đã dùng chính pháp làm lợi ích mọi người, sau khi thị tịch, ta đỉnh lễ thì có lỗi gì!

Hỏi: Lúc Yết Ma phân chia phẩm vật đã xong, nếu có Tăng đến, vị này được chia phẩm vật không?

Đáp: Nếu ba lần Yết Ma xong mới đến, không chia cũng không có tội. Nếu sau một lần Yết Ma mà đến thì vẫn được chia.

***

icon

Tổng hợp

Cùng chủ đề

Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Ba - Phẩm Ba Mươi Mốt - Phẩm Tuyên Hóa - Phần Ba

Kinh Đại thừa   •   25.12.2023
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Cưu Ma La Thập, Đời Diêu Tần