Phật Thuyết Kinh Mục Kiền Liên Hỏi Năm Trăm Tội Khinh Trọng Trong Giới Luật - Phẩm Hỏi Về thụ Năm Giới

Kinh Đại thừa   •   Thứ hai, 25/12/2023, 22:04 PM

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Pháp Thiên, Đời Tống

PHẬT THUYẾT KINH MỤC KIỀN LIÊN

HỎI NĂM TRĂM TỘI KHINH TRỌNG

TRONG GIỚI LUẬT

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư

Pháp Thiên, Đời Tống  

PHẨM HỎI VỀ THỤ NĂM GIỚI  

Hỏi: Nếu không thụ ba tự quy mà thụ năm giới, có được không?

Đáp: Không được.

Chú giải: Trong giới bản ghi: Trước xướng ba tự quy, tiếp đến nói năm giới, mười giới, cụ túc giới, trùng tuyên nhất thừa.

Luận Tát bà đa ghi: Trước tiên thụ ba tự quy, không thuyết năm giới mà năm giới tự đắc, nên nói không thụ không đắc. Thứ đến nói tên ngũ giới, khiến cho người thụ biết giới tướng mà giữ gìn, không để mất.

Vì thế ba tự quy là gốc của năm giới, tám giới và mười giới cũng như vậy. Như giới Tỳ Kheo, trước tiên cần phải bạch tứ Yết Ma mới đắc giới, sau đó mới nói giới tướng để khiến cho người thụ biết được giới tướng mà thụ trì. Điều này không thể không biết.

Hỏi: Nếu thụ ba tự quy mà phạm tội, không sám hối, người đó có được thụ năm giới không?

Đáp: Không được.

Chú giải: Đã nói ba tự quy là gốc của năm giới, nay kẻ ấy đã phạm ba tự quy tức phá hoại thể của năm giới, nên nói không được thụ.

Kẻ ấy cần phải hổ thẹn sám hối, như bình được súc sạch sẽ, thì mới có thể chứa cam lộ. Nếu kẻ ấy không sám hối thì không được, vì chưa thanh tịnh. Vì thế cần phải nỗ lực sám hối.

Hỏi: pháp thụ năm giới, có thể chỉ thụ năm ngày, mười ngày, một năm hay hai năm được không?

Đáp: Tùy ý thụ nhiều hay ít cũng được.

Chú giải: Cũng không giới hạn số ngày thụ. Việc này cũng đồng với ba tự quy nói trên, nhưng đây là quyền giáo A Hàm khai cho, chứ Phương Đẳng không như vậy.

Trong hội Phương đẳng, Ngài Ưu Ba Li hỏi: Năm giới có thể thụ năm ngày, mười ngày không?

Phật đáp: Không được.

Thế nên biết, Như Lai chế giới mỗi mỗi đều có thời cơ.

Hỏi: Phạm năm giới mà không sám hối, người ấy có được phép thụ lại không?

Đáp: Nếu người ấy không xả thì không được thụ lại. Nếu không sám hối thì cũng không thể xả.

Chú giải: Người ấy hoặc phạm mà sám hối, sám hối xong thì xả, xả rồi thụ lại, mới không xả giới, lòng chí thành không thay đổi. Nếu không sám hối thì tội đó không diệt, tựa như chẳng phải là bình sạch, nên đều không được. Người ấy chỉ có thể dốc lòng giữ gìn vững chắc, không phạm một mảy may nào, tức được tiến bộ. Các giới sau đều lấy đây để làm căn bản.

Hỏi: Phạm năm giới, có được phép sám hối tất cả không?

Đáp: Nếu giết người, hành dâm với hàng tôn thân và Tỳ Kheo Ni, hoặc trộm phẩm vật của Tam Bảo thì kẻ ấy không được sám hối. Ngoài các tội ấy ra, đều được.

Hỏi: Đã thụ năm giới, nếu không thể giữ, thì trong khoảng một năm, hai năm có thể xả không?

Đáp: Được phép xả. Nếu muốn xả hết năm giới và ba tự quy thì nói: Từ nay Phật không phải là Thế Tôn của ta, ta chẳng phải đệ tử Phật, nói ba lần như thế thì xả. Pháp và Tăng cũng nói ba lần như vậy.

Nếu xả một, hai, ba hoặc bốn giới, thì chỉ nói: Con từ hôm nay không còn giữ giới thứ nhất…, nói ba lần như vậy. Nếu không nói đủ ba lần thì giới vẫn còn.

Hỏi: Thụ năm giới, có thể theo năm thầy, từ mỗi thầy thụ một giới không?

Đáp: Được.

Chú giải: Vì sao?

Thể tướng của năm giới không giống nhau, tác dụng cũng sai khác, nên một thầy hay năm thầy đều được. Không giống như ba tự quy, ba tức là một, thể hòa hợp không phân chia. Nhưng chỉ được một giới thụ một thầy, nếu với một giới mà thụ nhiều thầy thì không được. Vì phảng phất giống ý đã nêu trên mà lạm dụng, nên Phật chế định riêng điều này.

Hỏi: Đã thụ năm giới, nhưng có thể xả một hoặc hai giới trọng vì khó giữ, có được chăng?

Đáp: Được.

Chú giải: Lúc xả thì nói giống như trên. Muốn xả những giới trọng, bởi lúc mới phát khởi lòng tin, không chỉ năm giới, cho đến giới Tỳ Kheo cũng có thể một lúc thụ trì.

Đâu ngờ lâu ngày chầy tháng, thói quen đời kiếp trước chưa tiêu, tâm đạo dần dần lui sụt, đó gọi là muốn trong mà lệch sang đục, thích thẳng mà lại cố nghiêng, nên mới dẫn đến như vậy. Đây cũng do đức Như Lai phương tiện tùy thuận chúng sinh, nên mới nói là được.

Hỏi: Trong năm giới, có thể thụ một, hai hoặc ba giới được không?

Đáp: Tùy ý thụ nhiều hay ít.

Hỏi: Tỳ Kheo phạm giới trọng, hoặc giới uống rượu, có được không?

Đáp: Không được.

Chú giải: Người phạm những giới trọng vĩnh viễn ở bên ngoài biển Phật, không được ở chung với chúng thanh tịnh, nên nói không được. Y cứ theo luật, kẻ phạm tội nặng thì phải sám hối, xả giới, suốt đời chỉ thụ học giới Sa Di, cho đến không được làm thầy hướng dẫn người khác.

Than ôi!

Cẩn thận việc này, chớ cho là chuyện đùa. Còn rượu là khởi đầu của các già giới, từ đây phát sinh nhiều tội lỗi, pháp thế gian còn cấm, huống gì Tỳ Kheo. Nên cũng không được phạm.

Hỏi: Có tám giới của cư sĩ không?

Đáp: Không. Chỉ có tám trai giới.

Chú giải: Hàng cư sĩ chỉ có thể thụ năm giới, nên nói là không. Nay hoặc cho hàng cư sĩ thụ tám giới là phi pháp trái luật, hoàn toàn không được. Quan là đóng kín.

Đóng kín tám tội lỗi không cho sinh khởi, cũng chính là tám giới: Một, không giết hại chúng sinh. Hai, không trộm cắp, cho đến giới thứ tám không ngồi giường cao rộng, còn không ăn phi thời là trai. Trai thì lấy việc không ăn quá Ngọ làm thể.

Vì tám giới trên giúp thành tựu thể của trai, cả hai giữ gìn lẫn nhau. Lại vì gọi là tám chi trai pháp, nên bảo là tám mà không nói là chín. Trai giới này chỉ dùng cho người thế tục. Hàng cư sĩ thụ trì trong thời gian một ngày một đêm, một ngày thụ, một ngày giải. Đây cũng do Đức Như Lai phương tiện chế định cho hàng Phật tử tại gia, là những người không thể thụ trì suốt đời.

Vì không có giới giữ suốt đời, nên không gọi là Ưu Bà Tắc, vì có giới giữ trong một ngày một đêm, nên cũng là Ưu Bà Tắc, vì thế chỉ gọi là người trung gian. Nhưng nếu thụ pháp trai giới một ngày, thì người thụ nhất định phải thanh tịnh và chí thành mới được.

Nếu không thanh tịnh chí thành, thì chỉ có hư danh, không được lợi ích gì, nên phải cẩn thận.

***

icon

Tổng hợp

Cùng chủ đề

Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Ba - Phẩm Ba Mươi Mốt - Phẩm Tuyên Hóa - Phần Ba

Kinh Đại thừa   •   25.12.2023
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Cưu Ma La Thập, Đời Diêu Tần