Phật Thuyết Kinh Na Tiên đàm đạo - Phần Năm - Chuỗi Thời Gian
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Đàm Ma Già Đà Da Xá
PHẬT THUYẾT
KINH NA TIÊN ĐÀM ĐẠO
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư
Đàm Ma Già Đà Da Xá
PHẦN NĂM
CHUỖI THỜI GIAN
Vua Di Lan Đà hỏi: Bạch Đại Đức, thời gian là gì?
Tâu Đại Vương, quá khứ, hiện tại và vị lai. Quá khứ dài vô cùng vô tận. Vị lai cũng dài vô cùng vô tận. Chỉ hiện tại là không dài.
Bạch Đại Đức, xét cho cùng, có thời gian hay không?
Tâu Đại Vương, có khi có có khi không.
Bạch Đại Đức, khi nào thì có và khi nào thì không?
Tâu Đại Vương với những vị tu hành đắc đạo vào Niết Bàn thì không có thời gian.
Với những kẻ chưa đắc đạo, còn vào ra trong sanh tử, thì còn có thời gian.
Khi thời gian còn có thì nếu đời này thích làm việc bố thí và ăn ở hiếu thuận với cha mẹ, đời sau hẳn sẽ được hưởng phước báo.
Bạch Đại Đức nguồn gốc của thời gian quá khứ, hiện tại và vị lai là cái gì?
Tâu Đại Vương, Vì ngu si mê muội nên có hành.
Do có hành nên có thức.
Do có thức nên có danh sắc.
Do danh sắc nên có sáu giác quan. Một là biết của mắt, hai là biết của tai, ba là biết của mũi, bốn là biết của lưỡi, năm là biết của thân, sáu là biết của tâm.
Cả sáu cái biết này đều hướng ngoại.
Mắt hướng sắc, tai hướng thanh, mũi hướng hương, lưỡi hướng vị, thân hướng êm ái, tâm hướng đối tượng.
Do có sáu giác quan nên có sự tiếp xúc.
Do có tiếp xúc mà có cảm giác hạnh phúc và khổ đau.
Do có cảm giác nên có tham ái.
Do có tham ái nên có chấp thủ.
Do có chấp thủ nên có sự hình thành cái nguyên nhân tái sanh.
Do tái sanh nên có già chết, sầu, bi, khổ, ưu, não.
Vì vậy mà con người chết đi sanh lại hết đời này sang đời khác, không bao giờ chấm dứt.
Trong cái thời gian dài vô tận và không thể phanh ra đầu mối ấy, tìm trở lại cái bản thân trước kia của con người, quả là một việc bất khả đắc.
Bạch Đại Đức, Đại Đức vừa nói không thể phanh ra đầu mối của thời gian, vậy xin Đại Đức cho ví dụ.
Tâu Đại Vương, như trong việc trồng lúa. Hột lúa gieo xuống đất, tự nó nẩy mầm, đâm rễ, lên cây, trổ lá đơm bông, ngâm sữa phơi mao, kết hột.
Hột lúa mới gieo trở lại xuống đất, sanh ra những hạt lúa mới khác nữa.
Nếu cứ gieo trồng như thế hết năm này sang năm khác, sự liên tục của hột lúa có bao giờ ngưng nghỉ được không?
Bạch Đại Đức, không.
Tâu Đại Vương, con người sanh ra qua thời gian cũng như vậy đó.
Trước sau nối nhau tương sanh không dứt. Trong dòng sự sống tương tục ấy, tìm cho ra đầu mối của sanh tử là một việc bất khả đắc.
Xin Đại Đức cho ví dụ khác.
Tâu Đại Vương ví như gà đẻ trứng.
Trứng gà ấp nở ra gà con. Gà con lớn lên, lại đẻ trứng mới, lại nở gà con.
Từ trứng nở ra gà, từ gà đẻ ra trứng, cứ thế tiếp tục mãi không bao giờ ngừng.
Con người sanh ra rồi lại chết đi, chết xong lại sanh trở lại, lộn lui lộn tới trong vòng sanh tử, cũng giống như thế.
Không thể nói đâu là đầu mối và đâu là tận cùng.
Xin Đại Vương cho ví dụ khác.
Đại Đức Na Tiên cúi xuống vẽ một hình bánh xe dưới đất, rồi chỉ vào hình vẽ mà hỏi Vua rằng: Trên cái vòng tròn này Đại Vương có thấy đâu là cái điểm đầu không?
Bạch Đại Đức, không.
Tâu Đại Vương cũng như thế đó.
Trong vòng sanh tử không thể biết được đâu là bắt đầu, đâu là chấm dứt.
Phật dạy rằng con người sanh tử tử sanh, lộn đi lộn lại, lộn tới lộn lui như bánh xe lăn chuyển không bao giờ ngừng nghỉ, bởi thế mà đau khổ kéo dài mãi chẳng bao giờ ngừng.
Tạng luận giải thích sự kiện này như sau: Do con mắt và hình sắc tiếp giáp nhau nên thức liền thấy biết.
Do sự tương tác giữa căn và trần ấy gọi là xúc.
Bởi có xúc nên có cảm thọ khổ vui.
Bởi cảm thọ khổ vui nên sanh ra ân ái.
Bởi ân ái nên sanh ra tham đắm.
Bởi tham đắm nên một nghiệp mới được hun đúc và hình thành dần dần: Đó là hữu. Bởi hữu nên mới có sanh. Bởi có sanh nên có các việc làm thiện ác.
Rồi do các việc làm thiện ác cho nên mới phải tái sanh trở lại để thọ báo.
Cũng giống như thế, lỗ tai và âm thanh, mũi và hương, lưỡi và vị, thân và vật trơn nhám, ý và điều nhớ nghĩ.
Và hễ có cảm thọ khổ vui thì có tác động dây chuyền đưa đến quả tái sanh.
Tất cả đều tiếp nối tương sanh, trước sau tương tục, không bao giờ dừng nghỉ.
Cho nên trong thời gian dài dằng dặc, tìm cho ra đầu mối của sanh tử là một việc bất khả đắc.
***
Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Năm - Phẩm Mười Bảy - Phẩm Tham Hành - Phần Hai
Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Ba - Phẩm Ba Mươi Mốt - Phẩm Tuyên Hóa - Phần Ba
Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Ba - Phẩm Ba - Phẩm Thiện Hiện - Phần Một
Phật Thuyết Kinh Nhân Duyên Của Vua đảnh Sinh - Phần Một
Phật Thuyết Kinh đại Phương Quảng Phật Hoa Nghiêm - Phẩm Hai Mươi Sáu - Phẩm Thập địa - Phần Hai
Phật Thuyết Kinh Phổ Diệu - Phẩm Mười - Phẩm Thi Tài Nghệ