Phật Thuyết Kinh Nghĩa Túc - Kinh Dị Học Giác Phi
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Chi Khiêm, Đời Ngô
PHẬT THUYẾT KINH NGHĨA TÚC
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư
Chi Khiêm, Đời Ngô
KINH DỊ HỌC GIÁC PHI
Nghe như vậy!
Đức Phật trú trong vườn Trúc Đa điểu tại nước Vương Xá, được Vua, Đại Thần, Trưởng Giả và nhân dân đều kính thờ, cúng dường đồ ăn uống, y phục, ngọa cụ, thuốc trị bệnh.
Bấy giờ sáu vị Phạm Chí được người đời tôn kính là: Bất Lan Ca Diếp, Câu Xá Ma Khước Lợi Tử, Tiên Quỳ Cưu Đọa La Tri Tử, Khể Xá Kim Pha Lê, La Vị Sa Gia Giá Diên, Ni Yên Nhã Đề Tử.
Sáu vị ấy cùng các Phạm Chí khác, bàn luận tại giảng đường: Chúng ta vốn được người đời tôn kính, được Quốc Vương và nhân dân tiếp đãi rất cung kính.
Vì sao nay họ lại rời bỏ chúng ta, không còn cung kính nữa?
Tất cả đều quay lại vâng theo Sa Môn Cù Đàm và các đệ tử của ông ta?
Suy nghĩ kỹ thì người con dòng họ Thích ấy, tuổi còn nhỏ, học đạo lại chưa bao lâu, làm sao hơn chúng ta được?
Chúng ta phải thử đạo lực với ông ta mới biết ai thắng ai bại. Giả sử Cù Đàm biến hóa một, chúng ta sẽ biến hóa hai. Cù Đàm biến mười sáu, chúng ta sẽ biến thành ba mươi hai, cứ gấp bội lần như vậy.
Họ liền nhờ một vị đại thần thân cận của Vua Tần Sa hứa sẽ hậu tạ nếu ông ta tâu lên Vua với ý nguyện thi đạo lực biến hóa mà họ đã cùng nhau bàn luận. Vị đại thần tâu trình lên Nhà Vua lời kiến nghị ấy. Đức Vua nghe xong hết sức tức giận. Vị đại thần nhiều lần can gián Vua xong, vội trở về phủ.
Các Phạm Chí bỗng nhiên lại thấy chỉ một mình Đức Phật được sự kính ngưỡng đặc biệt, liền kéo tới trước cửa hoàng cung, dâng thơ lên nói rõ ý nguyện thi đạo lực. Nhà Vua vừa nghe đến sáu vị ấy lập tức nổi giận, mắng chửi thậm tệ.
Đức Vua đã thấy chân lý, tự thân được chứng đắc nên không bao giờ còn tin việc làm của các vị Dị học Phạm Chí liền ra lệnh cho quan cận thần: Hãy mau đuổi các Phạm Chí này ra khỏi lãnh thổ của ta.
Các Phạm Chí bị trục xuất, cùng nhau đến nước Xá Vệ. Sau khi giảng dạy tại nước Vương Xá xong, Đức Phật cùng các Tỳ Kheo đi đến các địa phương khác và lần hồi về đến Tinh Xá Kỳ hoàn thuộc nước Xá Vệ.
Các Phạm Chí không thể nhẫn nhục được khi nhìn thấy Đức Phật được cung kính đặc biệt như vậy, nên tập họp sáu vị lãnh tụ tôn giáo cùng các vị dị học tới Vua Ba Tư Nặc tâu rõ ý nguyện thi đạo lực của họ. Nhà Vua vừa nghe xong liền cho đánh xe đến chỗ Đức Phật.
Sau khi cúi đầu mặt lạy dưới chân Đức Phật, Vua ngồi một bên, chắp tay thỉnh cầu: Đức độ và đạo lực của Đức Thế Tôn thật vô cùng vi diệu, xin Ngài hiện bày đạo lực làm cho người chưa được thấy nghe sinh tín tâm, người đã được thấy nghe càng thêm thông suốt tỏ tường và khiến cho các dị học ngoại đạo chẳng xuyên tạc được.
Đức Phật bảo Nhà Vua: Sau bảy ngày nữa, ta sẽ thị hiện thần biến.
Vua nghe thế rất vui mừng, nhiễu quanh Đức Phật ba vòng rồi ra về. Đến ngày thứ bảy Nhà Vua truyền làm mười vạn sàng tọa cho Đức Phật, đồng thời cũng làm mười vạn giường ngồi cho chúng dị học ngoại đạo.
Người dân trong thành Xá Vệ tất cả đều bỏ thành trống không, cùng nhau kéo ra xem Đức Phật hiển bày sức thần oai. Đúng giờ thi đấu, các Phạm Chí, mỗi người đều ngồi vào tòa ngồi của mình.
Nhà Vua đứng dậy bạch Đức Phật: Xin Đức Thế Tôn ngồi vào tòa, hiển bày đạo lực.
Bấy giờ vị đại quỷ tướng quân Ban Thức vừa đến đảnh lễ Đức Phật, nghe các Phạm Chí muốn thi đấu đạo lực với Đức Phật liền làm một trận cuồng phong mưa lớn, thổi vào chỗ của các Phạm Chí, và tuôn mưa tuyết phủ lên các Phạm Chí, có người bị tuyết phủ tới gối, có người tới ngực.
Đức Phật liền hiện bày đạo lực, làm cho ngay giữa tòa ngồi của Ngài lửa bốc lên, hơi nóng lan ra tám phương. Chúng Phạm Chí nhóm ông Bất Lan… thấy tòa ngồi của Đức Phật bốc lửa như thế đều vui mừng tự nghĩ chính là đạo lực của họ đã làm ra lửa cháy. Đức Phật hiển bày đạo lực xong, ngọn lửa cũng tắt lịm. Các Phạm Chí khi đó mới biết chẳng phải việc ấy do thần lực của họ làm ra, trong long liền buồn rầu, có ý hối hận.
Đức Phật đứng dậy rời Tòa Sư Tử.
Trong chúng hội có một vị Thanh tín nữ, có thần túc, đứng dậy chắp tay bạch Đức Phật: Đức Thế Tôn không cần phải nhọc lòng, con muốn cùng các vị Dị học này thi hiện hóa thần lực.
Đức Phật bảo: Không nên! Hãy ngồi xuống tòa, để tự Ta hiện thần túc.
Con gái của vị Thanh tín sĩ nghèo khó Tu đạt tên Chuyên Hoa Sắc đã xuất gia làm Sa Di, cùng với Mục Kiền Lan, cùng đi tới bạch Đức Phật: Đức Thế Tôn không cần phải nhọc sức thần, nay chúng con xin cùng thi đạo lực với ngoại đạo.
Đức Phật bảo: Không cần thiết! Hãy trở về chỗ ngồi, để Ta tự hiện thần túc.
Ý của Đức Phật muốn khiến cho mọi người đều được phước an ổn, xót thương tất cả Trời người, muốn họ đều được giải thoát.
Ngài hàng phục các Phạm Chí cũng muốn vì người học đạo trong tương lai nên hiển bày tuệ lực làm cho đạo Phật được tồn tại lâu dài ở đời vị lai. Khi ấy Đức Phật hiển bày các sức thần túc lớn biến hiện, từ Tòa Sư Tử bay lên đến phương Đông, trên hư không đi đứng, ngồi, nằm nghêng về phía hông bên phải, nhập Hỏa định thần túc phóng ra ánh sáng năm màu, làm cho mọi vật đều thành nhiều màu sắc.
Dưới thân hiện ra lửa, trên thân nước phun ra, rồi thân trên hiện ra lửa, thân dưới phun nước.
Ngài biến mất ở phương Đông qua phương Nam, biến mất ở phương Nam qua phương Tây, biến mất ở phương Tây qua phương Bắc. Ở mỗi phương, Ngài đều trụ trên hư không hiển bày đạo lực như đã nói ở trên. Ngài ngồi trên không trung, hai vai đều hiện một trăm hoa sen, trên đầu hiện một ngàn hoa sen, trên mỗi hoa sen đều có Đức Phật ngồi thiền, hào quang chiếu khắp mười phương.
Các vị Trời cũng ở trên hư không rải hoa lên Đức Phật, đều nói: Lành thay! Oai thần của Đức Phật làm chấn động cả mười phương.
Đức Phật thu sức thần túc, trở về Tòa Sư Tử. Các Phạm Chí khi đó im lặng chẳng nói được lời nào. Tất cả đều cúi đầu, như loài chim Cừu đang ngủ. Khi ấy Trì hòa di thiết bay lên hư không hiện lửa khói ùn ùn rất dễ sợ, nhưng chỉ khiến cho các Phạm Chí thấy. Bọn họ lập tức kinh hoàng, sợ hãi tột cùng, toàn thân run lập cập, y phục xốc xếch, lông dựng đứng, mỗi người đều bỏ chạy hết.
Đức Phật giảng rộng Kinh Pháp cho hai chúng nghe. Ngài dạy về bố thí, trì giới là con đường thiện đưa đến Thiên giới, giảng rõ ái dục chỉ gây tạo khổ đau, nói về tai hại của ái dục đưa đến sự đau khổ không bền chắc. Đức Phật dùng tuệ quán biết tâm ý mọi người đã được an trụ, nhu nhuyến không thoái chuyển nên vì chúng nói pháp Tứ đế.
Trong chúng hội, có người phát tâm quy y Phật, quy y Pháp, quy y Tăng. Có người quỳ thẳng. Có người cầu thọ giới. Có người đắc quả Tu Đà Hoàn, có người được quả Tư Đà Hàm, có người được quả A La Hán.
Khi đó mọi người đều sinh ý niệm nghi ngờ: Vì sao các vị này đã rời đời sống gia đình, xuất gia. Lại còn tranh luận thi thố.
Đức Phật biết ý nghi của mọi người, liền hóa thành một Đức Hóa Phật đứng trang nghiêm phía trước, có ba mươi hai tướng tốt, vận pháp y, chư đệ tử của Ngài cũng hóa ra các hóa nhân. Khi hóa thân Phật nói thì các hóa đệ tử cũng nói. Khi Đức Phật nói thì hóa thân Phật im lặng. Khi hóa thân Phật nói thì các Đức Phật im lặng.
Vì sao vậy?
Vì Bậc Chánh Giác muốn trực tiếp độ cho tâm ý của chúng hội quay về chánh thiện.
Khi ấy Đức Hóa Phật liền quỳ gối phải dưới đất, chắp tay hướng về Đức Phật, đọc bài kệ hỏi:
Luận tranh từ đâu sinh khởi
Làm lo buồn rồi ghét ganh
Vọng ngữ chuyển thành hủy báng
Từ đâu có, xin Phật dạy?
Tự ái thân nên tụng đấu
Rồi ganh ghét thành khổ sầu
Hủy báng nhau nên vọng ngữ
Gốc tranh tụng do hủy báng.
Ái nhiễm đời từ đâu có
Rời thế gian, sao lại tham?
Đã xuất gia không còn dục
Từ không dục lại chuyển tham.
Do sở dục đắm thế gian
Vì muốn lợi nên chịu khổ
Hữu không bỏ liền khởi tranh
Theo đó chuyển, hữu không còn.
Theo thế dục, gốc vì đâu
Từ đâu lại phân thiện, ác
Từ nơi đâu khởi bổn mạt?
Pháp Sa Môn Phật đã thuyết
Đời vừa vui, vừa không vui
Theo duyên này dục sinh khởi.
Mắt đắm sắc do đâu hết
Khiến thế nhân đều phân biệt?
Do khinh khi khởi nghi ngờ
Cũng một pháp hiểu thành hai.
Từ niệm nào học chân lý
Cầu hiểu rõ mọi học thuyết?
Vui, không vui gốc từ đâu
Không thân cận từ đâu diệt?
Thịnh và giảm, một nghĩa lý
Mong thuyết giảng, rõ nguồn căn.
Hỷ, không hỷ đều đắm xúc
Việc qua rồi không sở hữu
Từ nghĩa đó có thịnh, suy
Thông như thế tranh dục dứt.
Xúc cảm trần, gốc từ đâu
Đắm sắc trần, do đâu khởi?
Do niệm nào không nhiễm trước
Nhân duyên gì mê đắm sắc
Theo danh sắc mê cảm xúc
Vì có hữu, sắc khởi ngay
Vượt si mê liền giải thoát
Duyên theo sắc, xúc liền sinh.
Nương vào đâu bỏ hảo sắc?
Chạy theo ái bởi vì đâu?
Tâm chấp trước cần diệt hết
Tuệ quán hành, tâm giải thoát
Ngừng niệm tưởng, không sắc tưởng
Chẳng tưởng vô, chẳng tưởng hành
Đoạn trừ hết không đắm trước
Do tưởng lạc nên có khổ.
Điều con hỏi thảy đều thông
Nay lại hỏi, xin dạy tiếp:
Hóa hiện thân đều cụ túc
Không một ai hơn Thế Tôn
Trong cực chánh gì tà?
Nương Thánh pháp được tuệ quả
Ta nhập định giữa rừng già
Trí vô dư thuyết thắng pháp
Được như thế do nhất tâm.
Ta vì chúng không giới hạnh
Mau đến hỏi, sẽ vượt trần
Đoạn thế nhiễm, bỏ dục thân.
Phật Thuyết Kinh Nghĩa Túc xong, các vị Tỳ Kheo đều hoan hỷ.
***
Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Năm - Phẩm Mười Bảy - Phẩm Tham Hành - Phần Hai
Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Ba - Phẩm Ba Mươi Mốt - Phẩm Tuyên Hóa - Phần Ba
Phật Thuyết Kinh Hiền Giả Ngũ Phước đức
Phật Thuyết Kinh Tạp A Hàm - Kinh Già ý
Phật Thuyết Kinh Nói Về Cây Chiên đàn
Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội đầu - Phẩm Bốn Mươi Mốt - Phẩm Phật Mẫu - Phần Một
Phật Thuyết Kinh Ngũ Thiên Ngũ Bách Phật Danh Thần Chú Trừ Chướng Diệt Tội - Phần Mười Ba