Phật Thuyết Kinh Nguyệt đăng Tam Muội - Phần Ba Mươi
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Na Liên Đề Da Xá, Đời Cao Tề
PHẬT THUYẾT
KINH NGUYỆT ĐĂNG TAM MUỘI
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư
Na Liên Đề Da Xá, Đời Cao Tề
PHẦN BA MƯƠI
Bấy giờ Đức Thế Tôn liền nói bài kệ:
Người ấy không ngã mạn
Không mong cầu thân hữu
Lợi, suy, tâm bình đẳng
Nhờ sống hạnh Đầu Đà.
Không hoại hạt giống Thánh
Không lừa cũng không dối
Tự thân không cống cao
Cũng không khinh khi người.
Vất bỏ tâm yêu, giận
Thuyết pháp không mong cầu
Khi nói người tín thọ
Là lợi lạc khất thực.
Không cầu thân danh lợi
An trụ trong dòng Thánh
Ngay thẳng, không dua nịnh
Là lợi lạc Đầu Đà.
Không khen mình, chê người
Được khen không vui mừng
Nghe chê không áo não
Là lợi vui Đầu Đà.
Thí pháp không vì ăn
Vì không cầu cung kính
Lời nói, người tín thọ
Là lợi lạc Đầu Đà.
Này Đồng Tử! Đại Bồ Tát an trụ các công đức lợi ích như vậy, ở chỗ không nhàn được thấy Phật tạng, đạt được Pháp tạng, đạt được trí tạng, được tạng trí tuệ quá khứ, vị lai, hiện tại.
Này Đồng Tử! Thế nào là được Phật tạng?
Này Đồng Tử! Đại Bồ Tát thích hạnh viễn ly, trụ nơi không nhàn, được năm thần thông.
Những gì là năm?
1. Thiên nhãn.
2. Thiên nhĩ.
3. Biết tâm người khác.
4. Biết được đời trước.
5. Cảnh giới thần thông.
Bồ Tát này dùng thiên nhãn giới, thanh tịnh hơn người thường, vô lượng vô số các Đức Phật Thế Tôn ở phương Đông. Phương Nam, phương Tây, phương Bắc cũng thế, bốn phương phụ, phương trên và dưới, cũng thấy vô lượng vô số Chư Phật, thường được nhìn thấy, chưa từng xa lìa.
Này Đồng Tử! Đó là Bồ Tát được thấy Phật tạng.
Này Đồng Tử! Sao là Đại Bồ Tát đạt được pháp tạng?
Này Đồng Tử! Đó là Đức Phật Như Lai nếu có thuyết pháp, vị Bồ Tát ấy dùng Thiên nhĩ giới thanh tịnh hơn người thường nghe được. Tất cả Bồ Tát này thường được nghe pháp, mà không xa lìa. Này Đồng Tử! Đó là Bồ Tát đạt được pháp tạng.
Này Đồng Tử! Sao là Bồ Tát đạt được trí tạng?
Này Đồng Tử! Nhờ trí tuệ này, có thể thọ trì các pháp, đối với tất cả chúng sinh lấy tâm đại bi làm đầu, dùng tâm không si mê mà thuyết pháp, biết được Pháp tạng.
Này Đồng Tử! Đó là Đại Bồ Tát đạt được trí tạng.
Này Đồng Tử! Sao là Đại Bồ Tát đạt được trí tạng của quá khứ, vị lai và hiện tại?
Này Đồng Tử! Bồ Tát này biết như thật tâm hạnh của các chúng sinh, chỉ do tâm hành thứ lớp khởi lên, quán pháp tự tâm để không loạn tưởng, tu tập phương tiện, như tự tâm hành. Các loại khác cũng vậy, tùy theo sắc được thấy, tiếng được nghe, có tâm ưa thích, hay không ưa thích đều biết như thật.
Này Đồng Tử! Đó gọi là Bồ Tát được trí tạng của quá khứ, hiện tại và vị lai.
Này Đồng Tử! Nay ta lược nói trụ công đức như vậy, Đại Bồ Tát được tất cả Phật Pháp, không phải địa vị của các Thanh Văn và Bích Chi Phật, huống chi tất cả dị luận của ngoại đạo.
Bấy giờ Đức Thế Tôn nói bài kệ:
Ta nhớ vô lượng kiếp quá khứ,
Có Phật Như Lai đại danh xưng
Hiệu là Phật Oai Đức Chúng Vương
Được các Trời, người đến cúng dường.
Mười ức Tỳ Kheo đủ thần thông
Đạt được biện tài, được tự tại
Sống hạnh Đầu Đà, tâm điều phục
Phật ấy đầy đủ chúng như vậy.
Có bảy ức sáu ngàn vạn thành
Thành ấy chu vi hai ngàn dặm
Bấy giờ Thế Giới Diêm Phù Đề
Được làm bằng bảy báu tối thắng.
Thành ấy vi diệu rất mỹ lệ
Trăm vườn, nhà đẹp, được trang nghiêm
Khu vườn rừng ấy rất trùng điệp
Thường có các thứ hoa và quả.
Sinh trưởng các loại rừng cây lạ
Cây xoài và cây chuối Diêm Phù
Ca Ni, Chiêm Ba, Tất Lạc Xoa
Ni Câu, Tất Bát, các chim đậu.
Tần Già, Câu Sí và Khổng Tước
Nga vương, Xá Lợi rất hoan lạc
Các thứ tiếng chim rất kỳ lạ
Ca hót vui chơi trong trăm vườn.
Đề Đầu Lại Tra, Thắng Võ Vương
Tiếng chim Na La, Câu Phong, Hạc
Lông chim đẹp muôn màu muôn vẻ
Ở trên hoa sen, hót tiếng hay.
Có các loại khác sinh bằng trứng
Hót tiếng hòa nhã làm người vui
Nô đùa trong vườn tự vui chơi
Cùng nhau vui mừng kêu gọi nhau.
Hoa Mục Đa Bà Sư, Thâu Ca
Ba Lợi Da Đa Câu La Bà
Cây Ta Ha Ca như mây phủ
Bát Đầu, Phân Đà, Câu Mâu Đầu.
Trong nước có nhiều các loại hoa
Trang điểm cho ao đẹp vi diệu
Các hoa hương lạ cùng trang sức
Khu vườn rừng ấy rất khả ái.
Ở Diêm Phù Đề có vị Vua
Hiệu Kiên Cố Đức, chủ loài người
Nhà Vua có đủ năm trăm con
Nhu nhuyến, đoan chánh học đủ nghề.
Quốc Gia giàu có rất an ổn
Không có các lỗi thường hoan lạc
Mặt đất trải bằng các hương hoa
So với Thiên cung nào sai khác.
Vào lúc ấy, Pháp Vương Mâu Ni
Tuyên xướng, định tịch diệt như vậy
Nói đạo các cõi như mộng huyễn
Không có sinh ra và kết thúc.
Thọ mạng chúng sinh bất khả đắc
Tất cả các pháp đều hư vọng
Như điện chớp trong không huyễn hóa
Lại như ngựa hoang, trăng trong nước.
Không có pháp sinh diệt đời này
Cũng không hướng đến việc đời sau
Nghiệp đã tạo ra không hoại mất
Quả trắng, đen ba đời không mất.
Không có đoạn, thường nơi các hành…
Không tập nơi nghiệp, không trụ hữu
Không tự tạo nghiệp đến tự thọ
Cũng không tự tác người khác thọ.
Không có đến cũng không có đi
Chúng sinh chẳng có cũng chẳng không
Không kiến thủ và ác kiến tụ
Cũng không chúng sinh và tịnh hạnh.
Vô tướng cú tịch diệt, vô sinh
Cảnh giới Phật, công đức Như Lai
Đà La Ni, mười lực, biện tài
Là chỗ Thắng Hạnh Phật Như Lai
Toàn pháp bạch tịnh công đức tụ
Lực Tổng trì trí đức tối thắng.
Thần túc biến hiện sức vô biên
Sáu Thông, biện tài nhờ đó có
Nơi tự tánh ấy chưa từng giảm
Hành cái vô hành, chẳng pháp hành.
Trong pháp giới này chẳng có đi
Hạnh này chẳng hành, chân pháp hành
Tánh chẳng âm thanh nhập tự tánh
Về nơi tự tánh vô sở trụ.
Tự tánh hành không trụ, không y
Cảnh giới Phật ly trần tịch diệt
Định tối thắng định hành thắng định
Có chỗ trụ chắng hành tự tánh.
Thường có tự tánh, thường tùy thuận
Vi tế khó thấy câu bất động
Nó thường an rú, mà bất động
Trú vô sở trú, trú pháp tánh.
Không thể nói được trụ tự tánh
Là hành bất động trụ nơi pháp
Dùng âm thanh nói đạo không lời
Thể đạo âm thanh là pháp đạo.
Chẳng phân biệt tiếng có chỗ trụ
Tánh hạnh như vậy là pháp hạnh
Âm thanh nói ra, chẳng sinh hạnh
Thể tánh pháp ấy chân nghĩa hạnh.
Dùng âm thanh nói hạnh chúng sinh
Âm thanh chúng sinh hạnh vốn không
Trong đó văn tự không chỗ nhập
Trí tuệ rộng lớn, nghĩa cũng vậy.
Theo đạo Phật khen mà tu hành
Pháp lý sáng rạng, hạnh vi tế
Lìa hết trần cấu, tạng trí tuệ
Nếu có thể trụ không gì hơn.
Thường rưới mưa pháp thí thắng diệu
Là đạo chân nghĩa đệ nhất không
Xa trần, thanh tịnh, câu thứ nhất
Tịch diệt, thắng tịnh, lìa cấu nhiễm.
Không thủ, phân biệt và hý luận
Là câu tịch diệt Phật đã nói
Chẳng trụ đầu, giữa và sau cùng
Chẳng có, chẳng không, chẳng nơi chốn.
Đã biết tự tánh hành như vậy.
Là pháp vô đẳng Phật đã nói
Vua Kiên Cố Đức lúc ấy nghe
Lưỡng Túc Thế Tôn nói pháp định.
Cùng tám mươi ức na do chúng
Hoan hỷ, kính tín đến chỗ Phật
Nhà Vua cúi lạy Nhân Trung Hùng
Với hết lòng tin cung kính Phật.
Thọ giáo rồi lui về một chỗ
Kính tâm chiêm ngưỡng chắp hai tay
Phật biết Đức Vua hạnh thuần tịnh
Căn, thức tự tại đến rốt ráo.
Thế Tôn biết tâm Vua ưa thích
Nên nói thắng tam muội như vậy
Đức Vua nghe nói đệ nhất nghĩa
Liền phát tâm tin vui vào Thánh Đạo.
Vất bỏ tất cả bốn thiên hạ
Lìa vui ngũ dục để xuất gia
Đức Vua nhờ đó xuất gia rồi
Thâm tín chắc chắn nơi Phật Đạo
Tất cả mọi người Diêm Phù Đề
Thảy đều lìa dục đi xuất gia
Tỳ Kheo Tăng, Ni thích tập định
Đồ chúng Như Lai nhiều vô lượng.
Tất cả tự nhiên từ đất lên
Chư Thiên đều đến để hầu hạ
Pháp phục Ca Sa từ cây sinh
Thanh tịnh vô cấu thật khả ái.
Cắt may, chằm vá đúng theo pháp
Là nhờ oai lực công đức Phật
Đồng Tử! Người nên xem Vua ấy
Bỏ nhà xuất gia, bỏ thiên hạ.
***
Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Năm - Phẩm Mười Bảy - Phẩm Tham Hành - Phần Hai
Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Ba - Phẩm Ba Mươi Mốt - Phẩm Tuyên Hóa - Phần Ba
Phật Thuyết Kinh Trường A Hàm - Kinh Thế Ký - Phẩm Chín - Tam Tai
Phật Thuyết Kinh Bồ Tát Quán Tự Tại Tùy Tâm Chú - Phần Bảy
Phật Thuyết Kinh Thủ Hộ Quốc Giới Chủ đà La Ni - Phẩm Hai - Tập Sáu
Phật Thuyết Kinh đại Thừa đảnh Vương - Phần Bảy
Phật Thuyết Kinh đại Thừa Nhập Lăng Già - Phẩm Hai - Phẩm Thực Hành Tất Cả Pháp - Phần Bốn