Phật Thuyết Kinh Nguyệt đăng Tam Muội - Phần Bảy
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Na Liên Đề Da Xá, Đời Cao Tề
PHẬT THUYẾT
KINH NGUYỆT ĐĂNG TAM MUỘI
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư
Na Liên Đề Da Xá, Đời Cao Tề
PHẦN BẢY
Nếu nơi ba thắng nhẫn như vậy
Chỉ có Bồ Tát mới đạt được
Lại không còn thấy có chúng sinh
Nơi đó sinh diệt cũng như vậy.
Nếu nói ba thắng nhẫn như vậy
Chỉ có Bồ Tát mới được vậy
Đã già, hiện già đều không thấy
An trú trong pháp được như vậy.
Bồ Tát biết rõ các thứ pháp
Thể tánh không tịch giống như huyễn
Không ấy cũng lại chẳng sinh diệt
Vì thể các pháp vốn không tịch.
Nếu có chúng sinh đến cung kính
Lễ bái, tôn trọng và cúng dường
Với họ Bồ Tát không ái kiến
Vì thâm đạt thể tánh thế gian.
Nếu có chúng sinh lại đánh mắng
Với họ, Bồ Tát không khinh ghét
Lại khởi lòng từ với người ấy
Vì muốn khiến họ được giải thoát.
Nếu dùng dao gậy và ngói đá
Với họ trong lòng không tức giận
An trụ trong pháp nhẫn vô ngã
Bồ Tát không sợ, khởi sân hận.
Bồ Tát rõ biết vô số pháp
Thể tánh không tịch, giống như huyễn
Nếu hay an trụ trong pháp này
Làm Bậc cúng dường cho Trời, người.
Có người tay cầm dao bén nhọn
Cắt đứt từng phần cơ thể ta
Tâm hay nhẫn chịu không tức giận
Thêm lớn tình thương, trước không hoại.
Khi dùng dao cắt từng chi tiết
Bồ Tát liền sinh ý nghĩ này:
Nếu ngươi chưa chứng đạo Bồ Đề
Ta nguyện chớ chứng được Niết Bàn.
Nhẫn lực như vậy tối vô thượng
Vì nhờ an trụ nhẫn vô ngã
Là đại danh xưng các Bồ Tát
Tu tập vô lượng na do kiếp.
Lại hơn số ấy như hằng sa
Vẫn chưa thể chứng được Bồ Đề
Ngay trong lúc đó tu hạnh Phật
Huống là giác trí đâu thể nói.
Dù nói ức kiếp chẳng nghĩ bàn
Đức hiệu của Phật vô cùng tận
Khéo an trụ nơi nhẫn vô ngã
Là đại danh xưng các Bồ Tát.
Nếu muốn hay biết được Bồ Đề
Cần phải trụ nơi diệu trí tụ
Nếu tu pháp nhẫn Chư Phật dạy
Được Thắng Bồ Đề sẽ không khó.
Bấy giờ, Đức Phật bảo Đồng Tử Nguyệt Quang: Vào thời quá khứ rộng lớn lâu xa hơn A tăng kỳ kiếp, vô lượng vô số không thể nghĩ bàn, khi ấy có Đức Phật tên là Vô Sở Hữu Khởi Như Lai, Bậc Ứng Chánh Biến Tri, Minh Hạnh Túc, Thiện Thệ, Thế Gian Giải, Vô Thượng Sĩ, Điều Ngự Trượng Phu, Thiên Nhân Sư, Phật, Thế Tôn xuất hiện ở đời.
Sao gọi là Như Lai Vô Sở Hữu Khởi, Bậc Ứng Chánh Biến Tri?
Này Đồng Tử! Khi Đức Phật này sinh ra thường bay trong hư không cao đến bảy cây Đa La, bước bảy bước mà nói rằng: Tất cả các pháp đều vô sở hữu! Tất cả các pháp đều vô sở hữu! Tiếng nói vang khắp tam thiên đại thiên Thế Giới. Khi ấy Địa Thần từ từ loan truyền nhau biết.
Cho đến Trời Phạm thiên rằng: Trong Thế Giới này có Phật ra đời, hiệu là Như Lai Vô Sở Hữu Khởi, Bậc Ứng Chánh Biến Tri.
Lúc mới sinh, bước đi bảy bước ở trên hư không, nói rằng: Tất cả các pháp đều vô sở hữu!
Này Đồng Tử! Do nhân duyên đó nên hiệu của Phật là Vô Sở Hữu Khởi.
Khi Đức Phật ấy thành Chánh Giác, tất cả cây cối, rừng rậm, cỏ thuốc đều phát ra tiếng nói: Tất cả các pháp đều vô sở hữu!
Này Đồng Tử! Thế Giới lúc ấy đều phát ra các âm thanh cũng nói rằng: Tất cả các pháp đều vô sở hữu!
Này Đồng Tử! Bấy giờ Đức Như Lai Vô Sở Hữu Khởi khi đang thuyết pháp có một vị vương tử tên là Tư Duy Đại Bi, hình mạo đoan chánh, ai cũng yêu thích, tâm hành điều hòa, nhu nhuyến.
Này Đồng Tử! Khi ấy vương tử đi đến chỗ Đức Như Lai Vô Sở Hữu Khởi, đảnh lễ dưới chân, nhiễu quanh ba vòng, rồi lui về ngồi một bên.
Bấy giờ Đức Như Lai Vô Sở Hữu Khởi biết vương tử Tư Duy Đại Bi thâm tâm ưa thích liền nói: Tam muội thể tánh tất cả pháp bình đẳng không hý luận.
Vị Vương Tử nghe xong, được tâm tịnh tín, xuất gia hành đạo, cạo bỏ râu tóc, mặc áo Ca Sa. Khi đã xuất gia, Vương Tử đọc tụng, thọ trì, vì người khác phân biệt, hiển bày rộng rãi tam muội này.
Nhờ căn lành này nên vương tử ấy trong hai mươi kiếp không đọa ác đạo, cứ trong mỗi kiếp gặp được hai ức Đức Phật, hơn hai mươi kiếp thì được thành Phật Đạo, hiệu là Như Lai Thiện Tư Nghĩa, Bậc Ứng Chánh Biến Tri, Minh Hạnh Túc, Thiện Thệ, Thế Gian Giải, Vô Thượng Sĩ, Điều Ngự Trượng Phu, Thiên Nhân Sư, Phật, Thế Tôn xuất hiện ở đời.
Này Đồng Tử! Ông nên quán thấy tam muội này có oai lực ấy có thể khiến cho Bồ Tát chiêu cảm được quả vị Vô Thượng, Chánh Đẳng, Chánh Giác.
Này Đồng Tử! Đại Bồ Tát nên an trụ trong pháp nhẫn sâu xa ấy.
Vì sao Đại Bồ Tát có thể an trụ trong pháp nhẫn sâu xa?
Này Đồng Tử! Đại Bồ Tát nên quán như vậy: Tất cả pháp giống như huyễn hóa, như mộng, như ngựa hoang, như tiếng vang, như ánh nắng, như trăng dưới nước, như tánh của hư không. Nên biết như vậy.
Này Đồng Tử! Đại Bồ Tát nếu quán như thật về tất cả pháp như huyễn hóa, như mộng, như ngựa hoang, như tiếng vang, như ánh nắng, như trăng dưới nước, như tánh của hư không. Đó gọi là Đại Bồ Tát an trụ nhẫn sâu xa.
Nếu thành tựu được nhẫn sâu xa, Bồ Tát ở nơi pháp nhiễm mà không nhiễm, ở nơi pháp sân mà không sân, ở nơi pháp si mà không si.
Vì sao?
Vì Bồ Tát này không thấy nơi pháp, cũng vô sở đắc, không thấy người ô nhiễm, không thấy nghiệp ô nhiễm, không thấy người sân, không thấy việc sân, không thấy nghiệp sân, không thấy người si, không thấy việc si, không thấy nghiệp si.
Đại Bồ Tát đối với pháp như vậy đều không chỗ thấy, đều không chỗ đắc. Đó là hoặc nhiễm, hoặc sân, hoặc si. Bồ Tát ấy vì không chỗ thấy, nên liền không chỗ bị nhiễm, không chỗ sân, không chỗ si. Bồ Tát ấy như thật không nhiễm, không sân, không si, nên tâm không điên đảo, được gọi là định.
Gọi là không hý luận, gọi là đáo bỉ ngạn, gọi là đất bằng, gọi là đến chỗ an ổn, gọi là đến chỗ vô úy, gọi là thanh lương, gọi là trì giới, gọi là bậc trí, gọi là bậc tuệ, gọi là phước đức, gọi là thần túc, gọi là nhớ nghĩ, gọi là thọ trì, gọi là trí tuệ, gọi là người ra đi, gọi là người hổ thẹn, gọi là người tín nghĩa.
Gọi là người công đức Đầu Đà, gọi là người không đắm trước nữ sắc, gọi là người không nhiễm trước, gọi là bậc Ứng Cúng, gọi là người đã dứt sạch các lậu hoặc, gọi là người tự tại không phiền não, gọi là tâm người giải thoát, gọi là tuệ người giải thoát, gọi là người điều phục, gọi là Đại Long.
Gọi là việc làm đã xong, gọi là không còn gì để làm nữa, gọi là xả bỏ gánh nặng, gọi là đã được tự lợi, gọi là sạch hết hữu kết, gọi là nương chánh giáo, tâm khéo giải thoát, gọi là đến tất cả tâm tự tại, gọi là Sa Môn, gọi là Bà La Môn, gọi là người tắm rửa, gọi là người đã qua sông.
Gọi là bậc biết rõ ràng sáng suốt, gọi là người nghe, gọi là Phật Tử, gọi là Thích Tử, gọi là người vứt bỏ gai góc, gọi là người vượt qua hầm hố, gọi là người nhổ tên độc, gọi là người không nóng, gọi là người không còn bụi bặm, gọi là Tỳ Kheo không ngăn che, trói buộc, gọi là Trượng phu.
Gọi là Thiện trượng phu, gọi là Thắng trượng phu, gọi là Đại trượng phu, gọi là Sư Tử trượng phu, gọi là Đại Long trượng phu, gọi là Ngưu Vương trượng phu, gọi là khéo điều phục trượng phu, gọi là Dũng kiện trượng phu, gọi là Trượng phu gánh vác, gọi là Tinh tấn trượng phu.
Gọi là Hung dữ trượng phu, gọi là Như Hoa trượng phu, gọi là Liên Hoa trượng phu, gọi là Phân Đà Lợi trượng phu, gọi là Điều ngự trượng phu, gọi là Mặt Trăng trượng phu, gọi là Mặt Trời trượng phu, gọi là tác nghiệp trượng phu, gọi là Lưỡng Túc trung thượng, gọi là tận cùng bờ trí, gọi là hơn bậc Đa văn tối thắng, gọi là đã tu phạm hạnh, gọi là việc làm rốt ráo, gọi là không nhiễm tất cả điều ác.
Bấy giờ Đức Thế Tôn nói bài kệ tụng:
Khi kiếp tận, ta họa
Thế Giới trở thành không
Như trước, sau cũng vậy
Ví các pháp cũng thế.
Xem khởi tạo thế gian
Đều như trụ trên nước
Như dưới trên cũng vậy
Các pháp cũng như thế.
Như bầu Trời không mây
Bỗng nhiên nổi âm u
Biết nó từ đâu sinh
Các pháp cũng như thế.
Như Lai Niết Bàn rồi
Ý tưởng thấy hình Phật
Như trước, sau cũng vậy
Các pháp cũng như thế.
Giống như đống bọt nước
Bập bềnh trên dòng thác
Thấy nó không chắc thật
Các pháp cũng như thế.
Như trời mưa trên nước
Bọt nước nổi nơi nơi
Sinh đâu liền diệt đó
Các pháp cũng như thế.
Ví như trong ngày xuân
Ánh sáng chiếu rực rỡ
Bóng nắng giống như nước
Các pháp cũng như vậy.
Như bẹ thân cây chuối
Nếu chặt tìm chỗ cứng
Trong ngoài đều không chắc
Các pháp cũng như vậy.
Như huyễn, tạo nhiều thân
Là nam, nữ, voi, ngựa
Tướng ấy chẳng chân thật
Các pháp cũng như thế.
Ví như có đồng nữ
Đêm nằm mộng sinh con
Sống mừng, chết ưu khổ
Các pháp cũng như vậy.
Như người mộng hành dâm
Tỉnh giấc chẳng thấy gì
Ngu si trọn chẳng được
Các pháp cũng như vậy.
Như trăng sáng bầu Trời
Bóng hiện nơi ao sạch
Mặt trăng đâu vào nước
Các pháp cũng như vậy.
Như người tự ưa thích
Lấy kiếng soi mặt mình
Bóng gương chẳng thể nắm
Các pháp cũng như vậy.
Như ngựa hoang thấy nước
Người ngu muốn đến uống
Không thật, sao cứu khát!
Các pháp cũng như vậy.
Như người ở hang núi
Tiếng ca khóc, nói cười
Tiếng vang chẳng thể cầm
Các pháp cũng như vậy.
Như bảng cấm các nước
Thiện ác theo đó làm
Không ngôn giáo chẳng có
Các pháp cũng như vậy.
Như người uống rượu say
Thấy mặt đất xoay chuyển
Kỳ thật đất chẳng động
Các pháp cũng như thế.
Pháp duyên khởi không có
Không có lại chẳng có
Người phân biệt có không
Tức là khổ không diệt.
Nơi có không phân biệt
Tranh luận tịnh, bất tịnh
Xa lìa hai bên ấy
Bậc trí trụ trung đạo.
Quán thân lúc ban đầu
Nơi thân, không tưởng thân
Nếu hay biết như vậy
Chính là tánh vô vi.
Mắt, tai, mũi vô hạn
Lưỡi, thân, ý cũng vậy.
***
Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Năm - Phẩm Mười Bảy - Phẩm Tham Hành - Phần Hai
Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Ba - Phẩm Ba Mươi Mốt - Phẩm Tuyên Hóa - Phần Ba
Phật Thuyết Kinh Tô Tất địa Yết La - Phẩm Ba Mươi Ba - Phẩm Thời Phần
Phật Thuyết Kinh đại Thừa đảnh Vương - Phần Năm
Phật Thuyết Kinh Kim Quang Minh Hợp Bộ - Phẩm Mười Bảy - đang Cập Nhật
Phật Thuyết Kinh Khai Giác Tự Tánh Bát Nhã Ba La Mật đa - Phần Một
Phật Thuyết Kinh Tăng Chi Bộ - Chương Năm - Năm Pháp - Phẩm Bảy - Phẩm Tưởng - Phần Năm - Nói Chuyện
Phật Thuyết Kinh Tăng Nhất A Hàm - Phẩm Ba Mươi Bốn - Phẩm đẳng Kiến - Phần Hai
Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội đầu - Phẩm Mười Sáu - Phẩm Tán đại Thừa - Phần Ba