Phật Thuyết Kinh Nguyệt đăng Tam Muội - Phần Một
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Na Liên Đề Da Xá, Đời Cao Tề
PHẬT THUYẾT
KINH NGUYỆT ĐĂNG TAM MUỘI
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư
Na Liên Đề Da Xá, Đời Cao Tề
PHẦN MỘT
Tôi nghe như vậy!
Một thời Bà Già Bà ở tại núi Kỳ Xà Quật, thuộc thành Vương Xá, cùng với đại chúng Tỳ Kheo là năm ngàn người và tám mươi na do tha Bồ Tát, đều là những vị Nhất sinh bổ xứ, trong đó Bồ Tát Ma Ha Tát A Thị Đa là đứng đầu.
Vua Tứ Thiên, Vua Thích Thiên, Vua Đại Phạm Thiên là chủ của Thế Giới Ta Bà cùng với Chư Thiên phước đức tăng thượng khác, A Tu La nương oai thế tăng thượng, Long Vương, Dạ Xoa, Càn Thát Bà, Khẩn Na La, Ma Hầu La Già, Nhân Phi Nhân… vây quanh trước sau chiêm ngưỡng Đức Như Lai.
Khi ấy trong chúng Bồ Tát có một Bồ Tát tên là Đồng Tử Nguyệt Quang, ở trong quá khứ đã từng cúng dường Chư Phật, trồng các căn lành, tự biết được kiếp trước, tin thích đại thừa, an trụ đại thừa, tương ưng với lòng đại bi, từ chỗ ngồi đứng dậy bày áo vai phải, gối phải quỳ xuống đất, bạch Phật: Bạch Thế Tôn! Nay con có điều muốn thưa hỏi, cúi mong Thế Tôn cho phép, để con được trừ bỏ nghi kết trong lòng.
Phật bảo: Này Đồng Tử! Tùy ý ông cứ hỏi bất cứ điều gì, ta sẽ giải thích cho, để ông được hoan hỷ. Ta là bậc nhất thiết trí, nhất thiết tri kiến, ở trong tất cả pháp có sức vô úy, mà được tự tại và tương ưng với tri kiến giải thoát không chướng ngại.
Này Đồng Tử! Như Lai không có điều gì mà không biết, không có điều gì mà không thấy, không có điều gì mà không chứng, không có điều gì mà không phân minh, biết được vô lượng, vô biên Thế Giới.
Này Đồng Tử! Chư Phật Thế Tôn đối với tất cả các chỗ thưa hỏi đều có thể tùy thuận giải đáp, khiến mọi người được hoan hỷ.
Bấy giờ Đồng Tử dùng kệ để hỏi rằng:
Các Đức Phật làm những hạnh gì?
Vì hay thương đời phóng quang minh
Có thể đắc trí khó nghĩ bàn
Cúi mong cứu hộ giải thích cho.
Hạnh gì nói được pháp cao này?
Cõi Người, Ngưu Vương, Thiên Cung kính
Trí tối thượng không thể đo lường
Mong Phật vì con khéo phân biệt.
Con vì tin sâu nên thưa hỏi
Chân thật không có tâm quanh co
Không ai có thể chứng biết con
Chỉ có Nhân Tôn mới thấy rõ.
Con có lạc tâm rộng thù thắng
Sư Tử họ Thích biết hạnh con
Tâm con không vướng ngôn ngữ vậy
Mong Phật vì con nói trợ đạo.
Pháp gì hay đưa Chư Phật đến
Mà được tăng trưởng trí vô biên
Nơi tất cả pháp đến bờ kia
Mong Phật vì con khéo tuyên nói.
Mong nói pháp hạnh con trưởng dưỡng
Khiến được thành tựu trí minh lợi
Thâm tâm trì giới không hủy phạm
Xa lìa tất cả các sợ hãi.
Làm sao nơi giới mà không bỏ?
Làm sao nơi tuệ mà không giảm?
Làm sao an trụ A Lan Nhã?
Làm sao để được tăng trí tuệ?
Làm sao vào được pháp thắng diệu,
Thích giữ cấm giới không hối hận?
Làm sao với giới không khuyết tổn?
Làm sao để được ba nghiệp tịnh?
Làm sao biết được tánh hữu vi,
Tâm không nhiễm uế, đến Phật Đạo?
Làm sao để được thân nghiệp tịnh,
Làm sao trừ được miệng, ý ác?
Làm sao lìa được tâm tạp nhiễm?
Cúi mong Thế Tôn nói cho con.
Bấy giờ, Phật bảo Đồng Tử Nguyệt Quang: Nếu Đại Bồ Tát tương ưng với một pháp thì mau chóng được Vô Thượng, Chánh Đẳng, Chánh Giác, các pháp như vậy cũng đều được thành tựu tức khắc.
Thế nào là một pháp?
Nếu Đại Bồ Tát đối với chúng sinh khởi tâm bình đẳng, tâm cứu hộ, tâm vô ngại, tâm không độc. Đó là tương ưng với một pháp, mau chóng thành tựu Vô Thượng, Chánh Đẳng, Chánh Giác, có thể đạt được sự lợi ích của công đức như vậy.
Khi ấy Đức Thế Tôn nói bài kệ:
Nếu ai thọ trì một pháp này
Hay thuận Bồ Tát chánh tu hành
Do nhờ công đức của pháp này
Mau được thành tựu đạo vô thượng.
Nơi tất cả xứ, tâm vô ngại
Bồ Tát dũng mãnh mới làm được
Không hề khởi tư tưởng yêu ghét
Như vậy sẽ được diệu công đức.
Nếu có thể tu tâm bình đẳng
Thì sẽ chứng được quả bình đẳng
Pháp hành như vậy đều bình đẳng
Sẽ được tướng bàn chân bằng phẳng.
Người tu bình đẳng lìa tâm sân
Hay trừ tất cả phiền não chướng
Do nhân duyên ấy bàn chân bằng
Nên được màu hoa sen dưới chân.
Một mình hiển hiện ở mười phương
Phước đức sáng ngời khắp Cõi Phật
Thì được bước lên Tịch diệt địa
Điều phục vô lượng các chúng sinh.
Này Đồng Tử! Đại Bồ Tát đối với tất cả chúng sinh khởi tâm bình đẳng, tâm cứu hộ, tâm vô ngại, tâm không độc, làm con mắt cho thế gian, chứng được tam muội, gọi là tam muội thể tánh các pháp bình đẳng không hý luận. Từ tam muội ấy thành tựu mười pháp.
Những gì là mười?
1. Thân giới.
2. Khẩu giới.
3. Ý giới.
4. Nghiệp thanh tịnh.
5. Vượt qua các nhân duyên.
6. Hiểu rõ các ấm.
7. Được cõi nước bình đẳng.
8. Trừ các tướng nhập.
9. Đoạn diệt các ái.
10. Chứng được vô sinh.
Lại có mười pháp:
1. Nhập tánh các pháp.
2. Hiển bày các nhân.
3. Không hoại các quả.
4. Hiện thấy các pháp.
5. Tu tập chánh đạo.
6. Cùng Phật đồng sinh.
7. Trí tuệ sáng thông.
8. Nhận trí ưa thích của chúng sinh.
9. Đạt được pháp trí.
10. Nhập trí vô ngại biện.
Lại có mười pháp:
1. Trí khéo biết văn tự.
2. Đã vượt qua các Pháp Sự.
3. Đắc trí âm thanh.
4. Ở trong cõi giới bình đẳng.
5. Đắc cõi giới bình đẳng, tâm sinh vui thích.
6. Đắc nơi hỷ phần.
7. Được tâm không quanh co.
8. Oai nghi điều phục.
9. Được tâm chất trực.
10. Nhan sắc không sân hận.
Lại có mười pháp:
1. Mặt thường vui vẻ.
2. Lời nói hòa nhã.
3. Trước tiên luôn thăm hỏi.
4. Thường không làm biếng.
5. Cung kính bậc tôn trưởng.
6. Cúng dường bậc tôn trưởng.
7. Đời sống tri túc.
8. Tu điều thiện không chán.
9. Thanh tịnh sự tà mạng.
10. An trụ nơi thanh vắng.
Lại có mười pháp:
1. Trí an trụ khắp nơi.
2. Chánh niệm không quên.
3. Được trí ấm phương tiện.
4. Trí giới phương tiện.
5. Trí nhập phương tiện.
6. Chứng các thần thông.
7. Diệt các phiền não.
8. Đoạn trừ tập khí.
9. Tâm thường dũng mãnh.
10. Trụ nơi pháp quán bất tịnh.
Lại có mười pháp:
1. Biết phương tiện phạm.
2. Đoạn diệt dòng chảy các cõi.
3. Đoạn các kết sử.
4. Đã vượt qua các cõi.
5. Khéo biết kiếp trước.
6. Không nghi nghiệp quả.
7. Tư duy đối với pháp.
8. Mong cầu đa văn.
9. Được trí lanh lợi.
10. Được bậc điều phục.
Lại có mười pháp:
1. Không ỷ lại sự trì giới.
2. Không vọng tưởng phân biệt.
3. Không có khinh tháo.
4. Trụ nơi không thoái.
5. Xuất sinh pháp lành.
6. Nhàm chán pháp ác.
7. Không tạo phiền não.
8. Không xả bỏ sự học.
9. Phân biệt các thiền định.
10. Được trí ưa thích của tất cả chúng sinh.
Lại có mười pháp:
1. Khéo phân biệt sinh xứ.
2. Được trí cùng tận.
3. Trí khéo biết ngôn ngữ.
4. Xả bỏ duyên tục.
5. Nhàm chán ba cõi.
6. Không khởi tâm hạ liệt.
7. Không đắm trước các pháp.
8. Nhiếp thọ chánh pháp.
9. Thủ hộ chánh pháp.
10. Biết luật phương tiện.
Lại có mười pháp:
1. Diệt trừ các sự tranh cãi.
2. Không chống trái.
3. Không tranh tụng, đánh nhau.
4. Nhẫn bình đẳng.
5. Đắc nhẫn địa.
6. Tự thâu nhiếp nơi nhẫn.
7. Khéo chọn các pháp.
8. Tâm thích giới đầy đủ.
9. Phương tiện quyết định, khéo hỏi và đáp.
10. Trí khéo phân biệt cú nghĩa.
Lại có mười pháp:
1. Trí phương tiện đối với pháp xuất sinh.
2. Phát sinh trí khéo biết nghĩa và phi nghĩa.
3. Trí về đời trước.
4. Trí về đời sau.
5. Trí hiện tại.
6. Trí ba đời bình đẳng.
7. Trí khéo biết tam luân.
8. Tâm an trụ.
9. Thân an trụ.
10. Khéo gìn giữ oai nghi.
Lại có mười pháp:
1. Không hủy hoại oai nghi.
2. Phân biệt oai nghi.
3. Oai nghi đoan nghiêm, tao nhã.
4. Khéo hiểu và nói về nghĩa lý.
5. Đắc thế trí.
6. Thích bố thí, không xan tham.
7. Tự tay bố thí.
8. Thường bố thí không ngừng.
9. Cho tất cả.
10. Có tâm xấu hổ.
***
Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Năm - Phẩm Mười Bảy - Phẩm Tham Hành - Phần Hai
Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Ba - Phẩm Ba Mươi Mốt - Phẩm Tuyên Hóa - Phần Ba
Phật Thuyết Kinh Con đường Tu Hành - Phẩm Hai Mươi Năm - Học địa
Phật Thuyết Kinh Nguyệt đăng Tam Muội - Phần Một
Phật Thuyết Kinh Trung Bộ - Kinh Giáo Giới Phú Lâu Na
Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Ba - Phẩm Hai Mươi Ba - Phẩm Xảo Tiện - Phần Một
Phật Thuyết Kinh Tạp A Hàm - Kinh Lục Nhập Xứ - Phần Hai
Phật Thuyết Kinh Trung Bộ - Tiểu Kinh Phương Quảng - Phần Bảy - Diệt định
Phật Thuyết Kinh đại Bảo Tích - Pháp Hội Thứ Năm Mươi Bốn - Pháp Hội Hải Huệ Bồ Tát - Phần Năm