Phật Thuyết Kinh Nhân Quả Trong đời Quá Khứ Và Hiện Tại - Phần Bảy
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Cầu Na Bạt Đà La, Đời Lưu Tống
PHẬT THUYẾT
KINH NHÂN QUẢ TRONG ĐỜI
QUÁ KHỨ VÀ HIỆN TẠI
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư
Cầu Na Bạt Đà La, Đời Lưu Tống
PHẦN BẢY
Vừa đến nơi, thấy Phật có ba mươi hai tướng tốt, tám mươi vẻ đẹp, tư thế đĩnh đạt, uy đức đầy đủ, lòng Da Xá vô cùng vui mừng phấn chấn, vội cúi năm vóc sát đất đảnh lễ nơi chân Phật, thưa: Xin Đức Thế Tôn hãy cứu vớt con.
Phật bảo: Lành thay! thiện nam tử, ngươi hãy lắng nghe, suy tư và ghi nhớ kỹ. Như Lai sẽ tùy theo căn cơ của ngươi mà thuyết pháp. Này Da Xá, sắc, thọ, tưởng, hành, thức là vô thường, khổ, không, vô ngã.
Ngươi có biết không?
Da Xá nghe xong, lập tức xa lìa trần cấu, đắc được pháp nhãn thanh tịnh. Lúc ấy, Đức Như Lai giảng lại pháp Tứ Đế, nghe xong Da Xá rũ sạch tất cả lậu hoặc, phiền não, tâm ý rỗng rang tự tại, chứng được quả A La Hán.
Da Xá liền bạch Phật: Bạch Đức Thế Tôn, sắc, thọ, tưởng, hành, thức thật đúng là vô thường, khổ, không, vô ngã.
Khi ấy thấy Da Xá vẫn còn mang những đồ trang sức, Phật liền nói kệ dạy:
Dù người còn ở nhà
Thân đầy trang sức quý
Khéo giữ gìn tình cảm
Chán xa năm thứ dục
Nếu được tâm như vậy
Mới thật là xuất gia
Tuy thân ở đồng trống
Ăn mặc thật dở thô
Ý còn tham năm dục
Chẳng phải là xuất gia
Những thiện ác đã tạo
Đều do tâm phát sinh
Cho nên thực xuất gia
Đều lấy tâm làm gốc.
Da Xá nghe Như Lai nói kệ xong, lòng suy nghĩ: Thế Tôn nói thế chính vì ta còn đeo mang châu báu, nay ta cần phải cởi bỏ những trang phục này.
Liền lạy và thưa với Phật: Xin Đức Thế Tôn chấp thuận cho con xuất gia.
Đức Thê Tôn nói: Thiện Lai Tỳ Kheo!
Râu tóc Da Xá liền tự rụng, Cà Sa khoác trên thân thành Sa Môn. Bấy giờ, cha của Da Xá buổi sáng thức dậy tìm con không thấy, lòng buồn khổ, than vãn, kêu khóc, đi dọc theo bờ sông tìm kiếm.
Đến Sông Hằng, thấy đôi giầy của con để lại trên bờ, ông suy nghĩ: Con ta chắc là đi con đường này. Ông vội lần theo dấu chân của Da Xá đi đến chỗ Phật. Đức Thế Tôn trông thấy, biết ông ta vì con mà đến đây. Nếu để ông thấy được Da Xá, nhất định trong lòng sẽ rất buồn khổ, hay có thể mạng chung nên dùng thần lực giấu thân Da Xá.
Vị trưởng giả đi đến trước Phật, cúi đầu lễ xuống chân Ngài rồi đứng sang một bên. Lúc ấy, Đức Như Lai thuyết pháp theo đúng căn tánh của trưởng giả.
Phật dạy: Này thiện nam tử, sắc, thọ, tưởng, hành, thức là vô thường, khổ, không, vô ngã.
Ông có biết không?
Vị trưởng giả, cha của Da Xá nghe những lời dạy ấy, tâm lập tức xa lìa trần cấu, đắc pháp nhãn thanh tịnh, thưa với Phật: Bạch Đức Thế Tôn, sắc, thọ, tưởng, hành, thức thực sự là vô thường, khổ, không, vô ngã. Lúc bấy giờ, Đức Như Lai biết trưởng giả đã thấy được đạo, niệm ân ái đã suy giảm nên hỏi ông vì việc gì mà đến đây.
Vị trưởng giả thưa: Con có đứa con tên Da Xá bỗng nhiên bỏ nhà đi mất từ đêm qua. Sáng nay con đi tìm chỉ thấy đôi giầy của nó bên bờ Sông Hằng rồi theo dấu chân tìm đến được đây.
Thế Tôn thu lại thần lực nên vị trưởng giả thấy được con mình, lòng mừng vui tột độ, nói với Da Xá: Lành thay! May thay! Con làm việc này khiến cha thật vui sướng. Con đã tự độ bản thân lại có thể độ cho người khác. Do con ở đây nên cha mới đến và nhờ đó mà cha thấy được đạo.
Nói xong, ông liền đến trước Phật xin thọ Tam Quy. Vị trưởng giả ấy là Ưu Bà Tắc đầu tiên trong Cõi Diêm Phù Đề được cúng dường Tam Bảo.
Bấy giờ năm mươi người con của các trưởng giả khác, bạn của Da Xá, nghe Phật đã xuất hiện ở đời và biết Da Xá đã theo Phật xuất gia tu tập nên suy nghĩ: Nay ở thế gian có Đấng Vô Thượng Tôn, Da Xá là người thông minh, biện tài hơn người mà có thể rời bỏ gia đình, thân tộc giàu sang, xa lìa thú vui của năm dục, quyết chí tu hành, thay đổi hình hài thành Sa Môn.
Nay chúng ta còn tiếc gì mà không xuất gia?
Nghĩ xong, các chàng trai cùng nhau đi đến chỗ Phật. Chưa đến nơi nhưng từ xa họ đã thấy Đức Như Lai thân tướng tuyệt đẹp, ánh sắng rực rỡ, lòng họ rộn lên niềm vui, toàn thân nhẹ nhàng, thanh thản, lòng tôn kính phát sinh, họ lập tức đến gần Phật chắp tay nhiễu quanh rồi cúi đầu lễ xuống chân Phật.
Những vị trưởng giả tử ấy vốn đã trồng căn lành từ trước nên dễ ngộ đạo. Đức Như Lai thuyết pháp phù hợp căn tánh của họ.
Ngài dạy: Này các thiện nam tử, sắc, thọ, tưởng, hành, thức là vô thường, khổ, không, vô ngã.
Các ngươi có biết không?
Khi Phật vừa giảng xong lời pháp đó, tâm các chàng trai lập tức xa lìa trần cấu, đắc được pháp nhãn thanh tịnh, liền cùng nhau thưa Phật: Bạch Đức Thế Tôn, sắc, thọ, tưởng, hành, thức thực đúng là vô thường, khổ, không, vô ngã. Cúi xin Thế Tôn chấp thuận cho chúng con được xuất gia.
Phật nói: Lành thay, các Tỳ Kheo! Lập tức râu tóc họ tự rụng, vận Cà Sa trên thân, trở thành Sa Môn. Đức Thế Tôn liền giảng rộng Pháp Tứ Đế cho các vị Tỳ Kheo ấy.
Nghe xong, năm mươi vị Tỳ Kheo tỉnh ngộ, nội tâm đoạn trừ hoàn toàn lậu hoặc, phiền não, chứng được quả A La Hán. Lúc ấy lần đầu tiên ở thế gian có năm mươi sáu vị A La Hán.
Đức Như Lai bảo các thầy Tỳ Kheo: Nay các ông, việc cần làm đã làm xong, xứng đáng là ruộng phước vô thượng cho thế gian. Các ông mỗi người nên đi khắp nơi giáo hóa, lấy đức từ bi để độ chúng sinh. Nay Ta cũng sẽ một mình đi đến thành Vương Xá, nước Ma Kiệt Đề để hóa độ nhân dân ở đó.
Các Tỳ Kheo thưa: Bạch Thế Tôn, chúng con xin vâng lời. Các Tỳ Kheo cúi đầu đảnh lễ Phật rồi mỗi vị khoác y cầm bát từ giã Phật ra đi.
Sau khi các Tỳ Kheo đi rồi, Thế Tôn suy nghĩ: Hiện nay ta phải hóa độ những chúng sinh nào để có lợi ích rộng rãi cho cả Trời người?
Chỉ có ba anh em Ưu Lâu Tần Loa Ca Diếp tu theo đạo thờ lửa ở tại nước Ma Kiệt Đề là người được cả Vua và thần dân đều quy ngưỡng tin theo. Ông ta rất thông minh, căn tánh lanh lợi, dễ giác ngộ nhưng lại rất ngã mạn, rất khó điều phục. Nay ta phải đến đó đưa họ đến giải thoát.
Suy nghĩ xong, Đức Phật từ giã thành Ba La Nại đến nước Ma Kiệt Đề. Trời vừa sập tối, Phật cũng vừa đến được trú xứ của Ưu Lâu Tần Loa Ca Diếp.
Lúc ấy Ca Diếp thấy thân tướng của Như Lai tốt đẹp, trang nghiêm trong lòng vui mừng, hỏi: Vị Sa Môn trẻ tuổi từ đâu đến?
Phật đáp: Ta từ nước Ba La Nại đến, muốn đi đến nước Ma Kiệt Đề nhưng vì Trời tối nên muốn xin nghỉ lại một đêm.
Ca Diếp đáp: Ở lại một đêm không có gì bất tiện, chỉ ngặt là các phòng đều có đệ tử của tôi ở cả.
Chỉ còn một hang đá rất thanh tịnh, các dụng cụ thờ lửa của tôi đều để trong đó, nơi đó thanh vắng có thể ở được nhưng trong hang có con Rồng dữ, chỉ e nó sẽ làm hại người mà thôi?
Phật đáp: Dù có Rồng dữ nhưng tôi xin cứ được ở tạm.
Ca Diếp đáp: Tính nó hung dữ, sợ làm hại Ngài chứ chẳng phải tôi tiếc.
Phật nói: Chỉ cho tôi ở tạm, nhất định không sao đâu.
Ca Diếp đáp: Nếu Ngài có thể ở được thì xin tùy ý Ngài.
Phật nói: Tốt lắm và liền bước vào hang đá, ngồi kiết già thiền định. Lúc ấy rồng độc nổi cơn giận dữ, toàn thân phun ra lửa khói. Đức Thế Tôn bèn hướng tâm vào hỏa quang Tam Muội, Rồng thấy thế càng giận dữ phun lửa bốc cao, bao trùm cả hang đá.
Các đệ tử của Ca Diếp thấy ngọn lửa dữ ấy liền vào thưa với thầy là vị Sa Môn trẻ tuổi, thông minh trang nghiêm ấy đã bị lửa của độc Long làm hại.
Ca Diếp giật mình đứng dậy ra xem, thấy ngọn lửa của độc long, trong lòng buồn thương liền sai đệ tử lấy nước dập tắt, nhưng chẳng những không dập tắt được mà ngọn lửa càng bốc cao hơn, trùm khắp hang đá.
Khi đó thân tâm Đức Thế Tôn vẫn bất động, sắc diện an nhiên tự tại, hàng phục làm cho độc long tiêu trừ tính ác, quy y với Phật rồi vào nằm trong bình bát của Ngài.
Trời vừa sáng, thầy trò Ca Diếp cùng đến chỗ hang đá, họ đều nghĩ là vị Sa Môn trẻ tuổi chắc đã bị lửa Rồng giết hại.
Ca Diếp nói: Vị Sa Môn ở trong hang kia, hôm qua tôi không cho Ngài ở chỉ vì lý do này.
Phật liền lên tiếng: Lòng Ta thanh tịnh thì không bao giờ bị tai họa bên ngoài làm hại. Nay độc Long đang ở trong bình bát.
Phật bèn mở bát đưa cho Ca Diếp xem. Thầy trò Ca Diếp thấy vị Sa Môn chẳng những không bị lửa rồng độc làm hại mà còn hàng phục được và đặt nó vào bát, khen ngợi cho là điều chưa từng có.
Tuy nhiên Ca Diếp vẫn nói với các đệ tử: Vị Sa Môn trẻ tuổi ấy tuy có thần thông nhưng nhất định không thể bằng chân đạo của ta.
Lúc ấy Đức Thế Tôn nói với Ca Diếp: Nay tôi muốn ở lại nơi đây được không?
Ca Diếp đáp: Thật tốt lành! Xin tùy ý Ngài. Trong đêm thứ hai, Đức Như Lai đến ngồi dưới một bóng cây. Vào giữa đêm, bốn vị Thiên Vương cùng đến chỗ Phật để nghe pháp. Mỗi vị đều từ thân phóng hào quang chiếu sáng như mặt Trời, mặt Trăng.
Đêm ấy Ca Diếp thức giấc, từ xa trông thấy ánh sáng của Chư Thiên bên cạnh Như Lai liền nói với các đệ tử: Vị Sa Môn trẻ tuổi kia cũng theo đạo thờ lửa.
Đến sáng, ông ta đến chỗ Phật, hỏi: Thưa Sa Môn, Ngài cũng theo đạo thờ lửa phải không?
Phật đáp: Không phải thế, đêm qua có Tứ Thiên Vương đến nghe thuyết pháp nên có ánh sáng đó.
Ca Diếp nói với chúng đệ tử: Vị Sa Môn trẻ tuổi đó có uy đức lớn nhưng tuyệt nhiên không thể sánh với đạo chân chánh của ta.
Vào đêm thứ ba, Vua Trời Đế Thích từ Thiên Cung xuống nghe thuyết pháp, thân vị ấy chiếu hào quang sáng như Mặt Trời mới mọc.
Các đệ tử của Ca Diếp từ xa trông thấy ánh sáng của vị Trời bên cạnh Phật vội vàng đến thưa thầy: Vị Sa Môn trẻ tuổi kia chắc chắn là theo đạo thờ lửa. Trời vừa sáng, tất cả lại đến hỏi Phật. Phật cho biết đó là hào quang của Vua Trời Đế Thích xuống nghe Pháp. Nghe thế nhưng Ca Diếp vẫn cho đạo ông ta là chân chánh hơn.
Đến đêm thứ tư, Đại Phạm Thiên Vương cũng xuống thế gian, đến chỗ Phật nghe thuyết pháp. Hào quang từ thân vị ấy sáng như Mặt Trời giữa trưa.
Đêm đó, Ca Diếp trở giấc thức dậy, thấy ánh sáng chói chang tại chỗ Phật nên quyết chắc là Ngài theo đạo thờ lửa. Sáng mai, Ca Diếp lại đến hỏi Phật mới biết là giữa đêm có vị Đại Phạm Thiên Vương đến nghe Phật thuyết pháp.
Ca Diếp trong lòng thầm nghĩ: Tuy vị Sa Môn trẻ tuổi này có thần thông kỳ diệu như thế nhưng tuyệt nhiên vẫn không thể sánh bằng chân đạo của ta.
Năm trăm đệ tử của Ca Diếp, mỗi vị đều thờ ba ngọn lửa, sáng nào họ cũng đốt lửa, nhưng hôm ấy đốt mãi mà lửa vẫn không cháy nên kéo đến thưa lên thầy.
Ca Diếp nghe xong, thầm nghĩ trong lòng: Điều ấy chắc là do thần lực của vị Sa Môn kia nên lập tức cùng đệ tử đến gặp Phật, nói: Mỗi người đệ tử của tôi đều thờ ba ngọn lửa. Sáng nay muốn thắp lên mà lửa vẫn không cách nào cháy được.
Phật bảo: Các ông hãy trở về, lửa sẽ tự nhiên cháy.
Ca Diếp quay về thì thấy lửa đã cháy nhưng vẫn tự nghĩ: Vị Sa Môn trẻ tuổi kia tuy có diệu lực nhưng dẫu sao vẫn không chân chánh bằng đạo của ta. Các đệ tử làm lễ cúng dường lửa xong, muốn tắt lửa nhưng không thể nào tắt được, vội đến thưa với Ca Diếp. Ca Diếp nghĩ chắc cũng do vị Sa Môn kia làm ra, bèn đến trình bày việc ấy với Phật.
Phật bảo: Các ông hãy về đi, lửa sẽ tự tắt. Quả nhiên khi thầy trò trở về thì lửa đã tắt nhưng Ca Diếp vẫn cho đạo ông là chân chánh hơn.
Đến khi bản thân Ca Diếp tế thần lửa, nhưng đốt mãi mà lửa vẫn không cháy, Ca Diếp biết là do thần lực của Phật nên đến thưa với Ngài.
Phật bảo Ca Diếp có thể ra về, lửa sẽ tự nhiên cháy. Quả nhiên khi Ca Diếp trở về thấy lửa đã cháy. Sau khi tế xong, Ca Diếp không tắt được lửa cũng đoán biết là do thần lực của Phật nên lại đến trình bày với Ngài.
Phật cũng bảo trở về và quả nhiên khi Ca Diếp vừa về tới thì lửa đã tự nhiên tắt lịm. Tuy vậy, Ca Diếp vẫn tự phụ đạo của mình là hơn cả.
Vào buổi sáng sớm, các đệ tử của Ca Diếp cùng bổ củi nhưng không thể nào dỡ rìu lên được, bèn thưa với thầy.
Ca Diếp nghe xong thầm nghĩ: Đây chắc hẳn là việc làm của vị Sa Môn ấy nên cùng với các đệ tử đi đến chỗ Phật thưa:
Sáng sớm này, các đệ tử của tôi chuẩn bị bổ củi nhưng không làm sao dỡ rìu lên được.
Phật bảo: Ông hãy về đi, các đệ tử ông sẽ tự nhiên dỡ rìu lên được. Ca Diếp trở về, thấy các đệ tử quả nhiên đã dỡ rìu lên được. Dầu vậy Ca Diếp vẫn tự cho là đạo mình chân chánh hơn tất cả.
Ngay lúc ấy, các đệ tử dỡ rìu lên nhưng lại không hạ xuống được bèn chạy tới trình bày với thầy. Ca Diếp đoán biết là việc làm của Phật nên đến thưa với Ngài sự việc đó.
Phật dạy: Ông có thể về, rìu sẽ tự hạ xuống về đến nơi, quả nhiên Ca Diếp thấy các đệ tử đã hạ rìu xuống cả. Cũng như trước, Ca Diếp vẫn tự phụ về đạo của mình là chân chánh nhất.
Đến khi bản thân Ca Diếp bổ củi thì cũng như các đệ tử không thể đưa rìu lên cao được. Đến hỏi, được Phật dạy xong, trở về thì có thể dỡ rìu lên nhưng lại không làm cách nào hạ xuống. Đến chỗ Phật hỏi xong trở về thì có thể hạ rìu xuống. Tuy thán phục, nhưng trong lòng Ca Diếp vẫn tự cho đạo thờ lửa là chân chánh nhất.
Một hôm, Ca Diếp thưa với Phật: Thưa vị Sa Môn trẻ tuổi, xin người hãy ở lại đây cùng tu phạm hạnh. Phòng xá, y phục, thức ăn tôi xin cung cấp đầy đủ cho người.
Đức Thế Tôn yên lặng chấp thuận. Ca Diếp biết Phật đã ưng thuận liền về sai các đệ tử trang thiết giường nằm, đồ ngồi cho Đức Phật và dặn mỗi ngày phải chuẩn bị các món trai thực thật ngon để đãi Ngài.
Sáng hôm sau ông tự thân đến thỉnh Phật. Phật bảo ông về trước, Ngài sẽ đến sau. Ca Diếp vừa quay về thì trong khoảnh khắc, Thế Tôn đến Châu Diêm Phù hái đầy bình bát quả Diêm Phù rồi quay về chỗ ở của Ca Diếp mà ông ta vẫn chưa về tới.
Lúc Ca Diếp về tới đã thấy Phật an tọa trong tịnh thất của mình nên rất ngạc nhiên hỏi: Vị Sa Môn trẻ tuổi đi đường nào mà đến đây sớm thế?
Phật liền đưa bát đựng quả Diêm Phù cho Ca Diếp xem và hỏi: Ông có biết loại quả trong bát này không?
Ca Diếp thưa không biết.
Phật nói: Từ đây đi về hướng Nam mấy vạn do tuần có một châu, nơi ấy có một loại cây tên là Diêm phù. Vì vậy mà người ta gọi châu ấy là Diêm Phù Đề. Đây là trái Diêm phù đó. Ta đã đến đó hái đem về đây. Vị của nó thật là thơm ngon, ông hãy nếm thử đi.
Khi đó Ca Diếp suy nghĩ: Đường đến đó rất xa mà vị Sa Môn này chỉ trong khoảnh khắc đến đó rồi về, sức thần biến của vị ấy thật là phi thường. Tuy nhiên, đạo của vị ấy chắc chắn không chân chánh bằng đạo của ta. Tiếp đó Ca Diếp cho dọn lên đủ các thức ăn.
Trước khi thọ thực Phật chú nguyện:
Trong đạo Bà La Môn
Thờ lửa là cao nhất
Trong tất cả các dòng
Biển cả là lớn nhất
Trong toàn thể ngôi sao
Bóng nguyệt là tối thượng
Trong tất cả nguồn sáng
Sáng nhất vầng thái dương
Trong tất cả phước điền
Ruộng Phật là tốt nhất
Nếu muốn chứng quả cao
Nên cúng ruộng phước Phật.
Sau khi thọ trai xong, Phật trở về chỗ ở của mình, rửa bát súc miệng và tĩnh tọa dưới bóng cây. Hôm sau Ca Diếp cũng đến thỉnh Phật thọ trai.
Phật bảo: Ông hãy về trước, ta sẽ theo sau. Khi Ca Diếp vừa đi, trong giây lát Thế Tôn đến châu Phất bà đề hái đầy bát quả Ammala và trở về, chỗ ở của Ca Diếp.
Lúc Ca Diếp về tới đã thấy Phật ngồi trong nhà, ngạc nhiên hỏi: Ngài đi đường nào lại đến trước tôi như thế?
Phật liền đưa bát có trái Am Ma La cho ông ta xem và hỏi: Ông có biết quả này không?
Ca Diếp thưa chưa biết.
Phật nói: Từ đây về hướng Đông cách mấy vạn do tuần có châu Phất Bà Đề, ta vừa đến đó hái về trái Am Ma La. Trái này mùi vị rất thơm ngon, ông có thể nếm qua.
Ca Diếp nghĩ: Đường đến đó xa xôi như thế mà vị Sa Môn này chỉ trong chốc lát đã đến đó rồi về thật là kỳ diệu xưa nay chưa từng có, nhưng đạo của ta vẫn chân chánh hơn cả. Ca Diếp lại cho dọn thức ăn ra.
Trước khi thọ thực, Phật chú nguyện:
Trong đạo Bà La Môn
Thờ lửa là cao nhất
Trong tất cả các dòng
Biển cả là bậc nhất
Trong tất cả ngôi sao
Trăng là sáng hơn hết
Trong tất cả nguồn sáng.
Mặt Trời là tối thượng
Trong tất cả ruộng phước
Ruộng Phật tốt hơn hết
Nếu muôn được quả lớn
Nên cúng ruộng phước Phật.
Thọ trai xong, Phật trở về chỗ ở, rửa bát súc miệng rồi đến dưới bóng cây ngồi thiền định. Ngày thứ ba đến giờ thọ trai, Ca Diếp lại đến thỉnh Phật.
Cũng như hai lần trước Phật bảo ông hãy trở về và trong chốc lát Thế Tôn đến châu Cù Đà Ni hái quả A Lê Lặc đựng đầy bát rồi về chỗ ở của Ca Diếp.
Khi về tới nới, Phật đã đến rồi, Ca Diếp ngạc nhiên hỏi: Ngài đi đường nào mà đến đây nhanh như vậy?
Phật liền đưa bát hỏi: Ông biết trái cây này không?
Ca Diếp bảo chưa biết.
Phật dạy: Từ đây đi về phương Tây, cách độ vài muôn na do tha sẽ đến châu Cù Đà Ni, ở đó có trái A Lê Lặc, ta vừa đến đó và hái về đây. Trái này rất thơm ngon, ông hãy ăn thử.
Ca Diếp nghĩ: Đường đi thật xa mà vị Sa Môn này chỉ trong chốc lát đến đó rồi trở về, thần lực thật là kỳ diệu chưa hề thấy. Thế nhưng đạo của ông ta vẫn chưa chân chánh bằng đạo của ta.
Ca Diếp sai đệ tử dọn thức ăn ra, Phật chú nguyện:
Trong đạo Bà La Môn
Thờ lửa là cao nhất
Trong tất cả dòng nước
Biển là lớn hơn hết
Tất cả các ngôi sao
Mặt trăng là sáng nhất
Tất cả các nguồn sáng
Mặt trời là tối thượng
Trong tất cả ruộng phước
Ruộng phước Phật tốt nhất
Nếu muốn chứng quả lớn
Nên cúng ruộng phước Phật.
Phật thọ trai xong trở về nơi cư trú thường ngày. Sau khi rửa bát súc miệng, Ngài đến tĩnh tọa dưới bóng cây. Hôm sau đến giờ ăn, Ca Diếp lại cũng đến thỉnh Phật thọ trai.
Phật bảo Ca Diếp về trước Ngài sẽ đến sau. Khi Ca Diếp vừa quay đi, chỉ trong giây lát, Phật đã đến châu Uất Đơn Việt lấy cơm thơm tự nhiên rồi trở về chỗ ở của Ca Diếp.
Khi Ca Diếp bước vào tịnh thất đã thấy Phật ở đó liền hỏi: Ngài bằng cách nào, đi đường nào lại đến trước tôi như thế?
Phật đưa bát cơm thơm cho ông ta xem và hỏi: Ông có biết loại cơm trong bát này chăng?
Ca Diếp thưa không biết.
Phật nói: Từ đây đi về hướng Bắc độ vài muôn Na Do Tha sẽ đến châu uất đơn việt, ta vừa đến đó lấy cơm này về đây. Cơm này vị rất thơm ngon, ông có thể ăn thử.
Ca Diếp nghe thế suy nghĩ: Đường thật xa mà vị Sa Môn này chỉ đi trong chốc lát, thần thông thật khó lường được, tuy nhiên đạo ta vẫn chân chánh hơn.
Ca Diếp dọn các thức ăn ra, trước khi thọ thực Phật chú nguyện:
Trong pháp Bà La Môn
Thờ lửa cao hơn hết
Hết thảy các dòng nước
Biển cả là lớn nhất
Trong tất cả ngôi sao
Trăng là sáng hơn hết
Trong tất cả nguồn sáng
Sáng nhất là thái dương
Trong tất cả ruộng phước
Ruộng phước Phật tốt nhất
Ai muốn đạt quả lớn
Nên cúng ruộng phước Phật.
Thọ thực xong, Phật trở về chỗ ở thường ngày. Sau khi rửa bát súc miệng, Phật ngồi nhập định dưới bóng cây. Đến hôm thứ năm Ca Diếp cũng đến thỉnh Phật. Phật nói quý hóa thay rồi cùng đi với Ca Diếp.
Đến nơi thức ăn dọn ra, Phật nói kệ chú nguyện:
Trong đạo Bà La Môn
Thờ lửa là cao nhất
Như tất cả dòng nước
Biển là lớn hơn hết
Tinh tú trên bầu Trời
Mặt trăng là sáng nhất
Trong tất cả nguồn sáng
Sáng nhất vầng thái dương
Trong tất cả ruộng phước
Ruộng phước Phật tốt nhất
Nếu muốn chứng quả lớn
Nên cúng ruộng phước Phật.
Sau khi chú nguyện xong, Phật nhận thức ăn đem về dưới bóng cây dùng. Thọ thực xong, Phật nghĩ cần nước để rửa.
Trời Đế Thích biết ý, từ cung Trời, nhanh như thời gian người lực sĩ co duỗi cánh tay, đến trước, cúi đầu lễ xuống chân Phật và dùng tay chỉ mặt đất biến thành ao nước rất trong lành, có đủ tám món công đức.
Như Lai liền dùng nước trong ao để rửa bát và chân. Phật rửa xong liền thuyết pháp cho Trời Đế Thích nghe. Nghe xong, Đế Thích rất vui mừng, phấn chấn, đột nhiên biến mất, trở về Thiên Cung.
Khi ấy, Ca Diếp ăn xong ra rừng đi dạo, bỗng nảy ra ý nghĩ: Vị Sa Môn trẻ tuổi hôm nay đem thức ăn về nơi cội cây để dùng, vậy ta đến đó để thăm người. Nghĩ xong vội rảo bước đến chỗ Phật.
Đến nơi Ca Diếp bỗng thấy bên cạnh nơi Phật ngồi có một cái ao lớn, nước ao trong mát, đủ tám công đức nên rất ngạc nhiên, hỏi Phật: Nơi đây sao bỗng nhiên lại có ao nước?
Phật đáp: Sáng nay khi nhận thức ăn của ông cúng dường đem về, ăn xong ta nghĩ cần có nước để rửa bát. Trời Đế Thích biết ý ta nên từ Thiên Cung đến đây dùng tay chỉ đất hóa thành ao nước đó.
Ca Diếp thấy ao nước, lại nghe Phật nói như thế liền suy nghĩ: Vị Sa Môn trẻ tuổi có uy đức rất lớn nên mới cảm được đến Trời, nhưng đâu biết rằng đạo của ta là chân chánh hơn hết.
Một hôm, đang kinh hành trong rừng, Đức Thế Tôn nhặt được các mảnh vải dơ rách trong đống rác bẩn, muốn đem giặt nên nghĩ cần phải có một phiến đá.
Đế Thích biết ý Phật liền trong khoảnh khắc đến Hương Sơn lấy một tảng đá vuông vức đem về đặt giữa các hàng cây rồi bạch Phật có thể giặt áo trên tảng đá ấy.
Phật lại nghĩ cần nước, Đế Thích lại đến Hương Sơn làm một cái chậu to bằng đá lấy nước trong mát đổ đầy vào, đem đến để gần tảng đá kia.
Xong việc Đế Thích bỗng nhiên biến mất, trở về Thiên Cung. Đức Thế Tôn giặt những mảnh vải xong trở về ngồi dưới bóng cây.
Lúc ấy Ca Diếp đi đến bỗng thấy bên hàng cây có một phiến đá vuông vức và chậu đá liền nghĩ: Sao nơi đây lại có hai vật này?
Trong lòng lấy làm lạ nên đến hỏi Phật: Thưa Sa Môn, tại sao bỗng nhiên giữa các hàng cây lại có phiến đá và chậu đá?
Phật đáp: Ta đi kinh hành nhặt được những mảnh vải rách bẩn nên có ý muốn giặt. Vua Trời Đế Thích biết ý đó của Ta nên đến Hương Sơn lấy những vật ấy đem đến.
Ca Diếp nghe xong khen là việc chưa từng thấy nhưng trong lòng vẫn nghĩ Đức Phật tuy có thần lực cảm được đến Trời nhưng đạo của Phật vẫn không chân chánh bằng đạo của mình.
Một ngày kia, Thế Tôn xuống ao tắm rửa. Sau khi tắm xong Ngài muốn lên bờ nhưng không có vật gì để vịn leo lên.
Trên bờ ao có cội cây tên Ca La Ca cành lá sum suê, sát bên bờ ao, vị thọ thần liền oằn cành cây xuống để Phật vịn lên khỏi ao. Sau đó Phật trở về an tọa dưới bóng cây.
Lúc ấy Ca Diếp đi đến thấy những cành cây bỗng nhiên sà xuống lây làm lạ nên hỏi Phật: Các cành cây vì sao bỗng sà thấp xuống như vậy.
Phật đáp: Ta xuống ao tắm xong, muốn có vật gì vịn để lên bờ. Vị thọ thần biết ý nên làm cho cành cây sà xuống giúp Ta vịn để lên bờ.
Ca Diếp khen là việc chưa từng thấy nhưng vẫn nghĩ Đức Phật tuy có nhiều uy lực, có thể cảm hóa được Thọ Thần nhưng đạo của ông ta vẫn chân chánh hơn.
Một hôm Ca Diếp nghĩ: Ngày mai này, Vua nước Ma Kiệt Đề cùng với quan, dân, Bà La Môn, Trưởng Giả, Cư Sĩ… sẽ đến đây tổ chức lễ hội trong bảy ngày. Nếu vị Sa Môn trẻ tuổi kia mà đến đây thì Vua, quan, dân chúng thấy tướng tốt và uy lực thần thông của vị ấy hẳn là sẽ bỏ ta mà đi theo thờ phụng vị ấy.
Mong sao trong bảy ngày lễ hội, vị ấy không đến đây. Phật hiểu rõ tâm niệm của Ca Diếp nên Ngài đi sang xứ Uất Đơn Việt ở phương Bắc, trong bảy ngày bảy đêm không xuất hiện.
Khi lễ hội hoàn tất, Vua quan và mọi người về hết, Ca Diếp lại nghĩ: Trong suốt bảy ngày hội, vị Sa Môn trẻ tuổi không đến, thật là may mắn. Nay lễ hội đã xong, ta muôn cúng dường Ngài, nếu lúc này Ngài đến thì thật là tốt.
Lúc ấy Đức Thế Tôn biết được ý nghĩ của Ca Diếp nên trong chốc lát, nhanh như thời gian một tráng sĩ co duỗi cánh tay, hiện ra trước Ca Diếp.
Lúc ấy Ca Diếp chợt thấy Như Lai, đến vừa ngạc nhiên, vừa vui mừng liền hỏi Phật: Trong bảy ngày qua Ngài đi đâu tôi không gặp?
Phật đáp: Đức Vua nước Ma Kiệt Đề, quan dân, Bà La Môn, Trưởng Giả, Cư Sĩ… đến đây dự hội bảy ngày, ông lại không muốn gặp ta nên ta đến xứ Uất Đơn Việt ở phương Bắc để tránh ông. Nay ông nghĩ muốn ta đến nên ta đến.
Ca Diếp nghe Phật nói giật mình, toàn thân nổi gai, suy nghĩ: Vị Sa Môn trẻ tuổi này biết được cả ý nghĩ trong lòng ta. Thật là kỳ lạ nhưng vẫn không chân chánh bằng đạo của ta.
Ngày kia, Đức Thế Tôn suy nghĩ: Ưu Lâu Tần Loa Ca Diếp căn duyên đã từ từ thuần thục, nay đúng là lúc điều phục ông ta. Nghĩ thế nên Đức Thế Tôn đến sông Ni Liên Thiền.
Phật vừa đến bờ sông, Ma Vương bỗng hiện ra thưa với Phật: Bạch Thế Tôn, bấy giờ là lúc Ngài nên vào Niết Bàn. Đấng Thiện Thệ, nay đã đúng thời Ngài nên vào Niết Bàn.
Vì sao?
Vì những người đáng độ đều đã được giải thoát, nay thật đúng lúc Ngài nên vào Niết Bàn.
Ma Vương thưa với Phật ba lần như thế.
Đức Thế Tôn đáp: Nay chưa phải lúc ta vào Niết Bàn.
Vì sao?
Vì bốn bộ chúng Tỳ Kheo, Tỳ Kheo Ni, Ưu Bà Tắc, Ưu Bà Di chưa đầy đủ. Những người đáng độ chưa được hoàn toàn giải thoát, các ngoại đạo đều chưa được hàng phục.
Đức Phật cũng đáp lại ba lần như thế. Ma Vương nghe thế buồn bã trở về Thiên Cung.
Đức Thế Tôn đi xuống sông Ni Liên Thiền, dùng thần lực tách dòng sông làm hai khiến nước ở hai bên vọt lên cao. Phật đi vào giữa, từng bước chân của Ngài làm bụi tung lên mù mịt. Ca Diếp từ xa trông thấy tưởng Phật bị chìm trong nước liền sai các đệ tử chèo thuyền đến đó.
Khi đến bên sông thấy lối Phật đi có bụi bay lên, Ca Diếp thầm khen là việc chưa từng có nhưng suy nghĩ: Vị Sa Môn trẻ tuổi này tuy có sức thần thông như thế nhưng vẫn không chân chánh bằng đạo của ta.
Lúc ấy Ca Diếp hỏi Phật: Vị Sa Môn trẻ tuổi muốn lên thuyền không?
Phật đáp: Tốt lắm. Bấy giờ Đức Thế Tôn dùng thần lực xuyên qua đáy thuyền để vào trong thuyền ngồi kiết già.
Ca Diếp thấy Phật từ đáy thuyền đi vào mà đáy thuyền vẫn không thủng, khen là việc chưa từng có, nhưng vẫn cố chấp: Vị Sa Môn trẻ tuổi có thần thông kỳ diệu như thế nhưng không bằng ta đã đắc quả A La Hán.
Phật liền nói: Này Ca Diếp, ông chưa đắc quả A La Hán, cũng chưa đạt A La Hán hướng mà sao lại có tâm ngã mạn lớn như thế?
Ca Diếp nghe lời đó xong, trong lòng vừa thẹn vừa sợ, toàn thân nổi gai, thầm nghĩ:
Vị Sa Môn trẻ tuổi này biết rõ tâm niệm của ta nên liền thưa với Phật: Đúng thế, thưa Sa Môn! Đúng thế, thưa Đại Tiên! Người đã biết rõ tâm niệm của con. Cúi xin Ngài hãy thu nhận con làm đệ tử.
Phật đáp: Ông là bậc cao niên, đã một trăm hai mươi tuổi, có nhiều đệ tử quyến thuộc, lại được Quốc Vương và quan dân tôn kính. Nếu ông quyết định theo học giáo pháp của ta thì trước hết nên cùng bàn bạc kỹ với các đệ tử.
Ca Diếp đáp: Quý hóa thay! Hay lắm thay! Quả như lời dạy của Đại Tiên, nhưng lòng con đã quyết định, không bao giờ thay đổi. Nay sẽ về cùng bàn bạc với các đệ tử.
Nói xong, Ca Diếp trở về trụ xứ tập họp các đệ tử nói: Vị Sa Môn trẻ tuổi từ khi đến ở đây, chúng ta đã thấy bao nhiêu thần thông biến hóa thật là kỳ diệu và trí tuệ cao xa, tính tình ôn hòa của Ngài, nay ta muốn quy y theo học giáo pháp của người, các ông nghĩ sao?
Các đệ tử thưa: Những gì chúng con biết đều là nhờ ân của Tôn Giả. Bậc mà Tôn Giả đã tin tưởng quy y, ắt hẳn không phải là hư vọng. Chúng con cũng đã thấy những thần thông kỳ diệu của vị ấy.
Nếu Tôn Giả quyết định quy y theo học giáo pháp của bậc ấy, chúng con cũng xin nguyện theo Tôn Giả quy y.
Nghe các đệ tử nói thế, Ca Diếp lập tức cùng họ đến trước Phật thưa: Nay con cùng các đệ tử đều đã quyết định quy y. Cúi xin Đại Tiên hãy thâu nhận chúng con.
***
Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Năm - Phẩm Mười Bảy - Phẩm Tham Hành - Phần Hai
Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Ba - Phẩm Ba Mươi Mốt - Phẩm Tuyên Hóa - Phần Ba