Phật Thuyết Kinh Nhân Quả Trong đời Quá Khứ Và Hiện Tại - Phần Bốn

Kinh Đại thừa   •   Thứ hai, 25/12/2023, 22:17 PM

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Cầu Na Bạt Ma, Đời Tống

PHẬT THUYẾT

KINH NHÂN QUẢ TRONG ĐỜI

QUÁ KHỨ VÀ HIỆN TẠI

Hán dịch: Ngài Tam Tạng

Pháp Sư Cầu Na Bạt Ma, Đời Tống  

PHẦN BỐN  

Bấy giờ Vua Bạch Tịnh ra lệnh các quan đi khắp nơi tìm mời những bậc thông minh, giàu kiến thức, nhiều trí tuệ, biết xem tướng giỏi, là bậc có tri thức nhất trong đời. Các quan được lệnh liền đi khắp nơi để tìm kiếm. Vua lại cho xây một tòa điện lớn nơi vườn sau với cửa sổ, bao lơn, tầng cấp đều được trang hoàng đẹp đẽ bằng bảy thứ báu.

Các quan lúc bấy giờ mời được năm trăm vị Bà La Môn thông minh, xem tướng giỏi, đoán được điềm lành lạ. Họ vội tâu lên Vua là các Đạo Sĩ đã đến, Vua vui mừng liền cho mời vào điện chuẩn bị cúng dường.

Những Đạo Sĩ ấy tâu với Vua: Chúng tôi nghe Bệ Hạ vừa sinh Thái Tử có đủ tướng tốt và những điềm lành, vậy xin cho phép chúng tôi được gặp Thái Tử.

Vua liền sai bồng Thái Tử đến, các Đạo Sĩ trông thấy những tướng tốt oai nghiêm của Thái Tử cho là điều chưa từng có.

Vua hỏi họ xem tướng Thái Tử thế nào, các Đạo Sĩ thưa: Tất cả chúng sinh đều muốn có con tốt, nay Đại Vương sinh Thái Tử là điều quý lạ trên đời, chớ sinh lo sợ.

Tâu Đại Vương, việc Đại Vương hạ sinh Thái Tử, chúng tôi chỉ có một lời: Thái Tử chính là con mắt của cả thế gian và Cõi Trời.

Vua hỏi vì sao mà biết, họ đáp: Chúng tôi xem tướng của Thái Tử thấy sắc thân của Thái Tử như vàng ròng, lại có những tướng tốt rất là trong sáng, sau này nếu xuất gia chắc sẽ thành Bậc nhất thiết chủng trí, còn ở tại gia sẽ thành vị Chuyển Luân Thánh Vương cai trị bốn châu thiên hạ.

Ví như trong các dòng nước thì biển là lớn nhất, giữa các rặng núi thì Tu Di là núi cao to nhất, trong các ngôi sao thì mặt trời là sáng hơn hết, những gì sáng mà trong mát thì mặt trăng là hơn hết. Trong thế gian và cả Cõi Trời Thái Tử là tôn quý nhất.

Vua nghe những lời ấy vô cùng sung sướng, không còn lo ngại.

Có vị Bà La Môn tâu với Vua: Trên ngọn Hương Sơn hiện nay có vị Tiên A Tư Đà đủ năm loại thần thông. Vị ấy có thể làm dứt hẳn những mối nghi hoặc cho Đức Vua.

Các vị Bà La Môn ấy nói xong liền từ biệt ra về.

Vua Bạch Tịnh lúc ấy suy nghĩ: Tiên A Tư Đà ở tận Hương Sơn, đường xa mà hiểm trở khó đến được, phải làm cách nào mới mời được vị Tiên ấy đến đây?

Tiên A Tư Đà biết được ý nghĩ của Nhà Vua. Đồng thời trước đó đã thấy những điềm lành, biết rõ Bồ Tát vì muốn dứt trừ sinh tử nên đản sinh. Ông liền dùng thần thông lướt trên không đến thẳng Kinh Thành. Người giữ cổng thành thấy vị Tiên đến liền vào tâu lên tiên A Tư Đà từ không trung đến, đang đứng ngoài cửa thành. Vua nghe tâu rất vui mừng liền tự thân ra đón vị Tiên.

Đến nơi, Vua cung kính đảnh lễ rồi hỏi: Nay Tôn Giả đến sao không vào ngay, phải chăng vì người giữ cửa không cho vào?

Tiên Nhân đáp: Vì đến bất ngờ không tiện vào nên phải báo trước.

ua liền thỉnh vào cung rồi mời vị Tiên ngồi và hỏi: Thưa Tôn Giả, Ngài vẫn mạnh khỏe chứ?

Vị tiên đáp: Nhờ ân Đại Vương nên vẫn bình yên.

Vua thưa: Tôn Giả hôm nay đến đây làm cho dòng họ chúng tôi được rạng rỡ, từ nay trở đi ngày nào cũng gặp việc tốt đẹp.

Phải chăng vì những việc đã qua nên Ngài đến đây?

Tiên Nhân đáp: Tôi ở Hương Sơn thấy nguồn sáng lớn và những điềm lạ hiện ra, lại biết Đại Vương có ý mong được gặp, nên tôi đến đây. Trong khi dùng thần lực lướt không trung đến đây, tôi nghe Chư Thiên trên không trung bảo rằng Thái Tử tương lai sẽ thành Bậc nhất thiết chủng trí cứu thoát Trời người.

Thái Tử sinh ra từ hông bên phải của phu nhân, bước trên những bông sen báu, đưa tay lên, tiếng như Sư Tử tuyên bố: Ta là tối tôn, tối thắng trong Cõi Trời người, vô lượng kiếp sinh tử đến đây đã dứt, lần đản sinh này đem lại lợi ích cho cả Trời người, lại có Chư Thiên quây quần cung kính. Nghe những điều kỳ lạ ấy thật sung sướng thay.

Thưa Đại Vương giờ đây tôi có thể gặp Thái Tử được chăng?

Nhà Vua liền đưa Tiên Nhân tới chỗ Thái Tử.

Đến nơi Vua bảo phu nhân bồng Thái Tử đến và bảo làm lễ Tiên Nhân, vị Tiên ngăn lại, nói: Thái Tử là Đấng tối quý trong ba cõi, sao lại để Thái Tử lễ tôi?

Nói rồi liền chắp tay sụp xuống lễ Thái Tử.

Vua và phu nhân thưa: Xin Tiên Nhân đoán tướng Thái Tử xem thế nào.

Tiên A Tư Đà quan sát kỹ các tướng của Thái Tử rồi bỗng nhiên không dằn lòng được, buồn bã rơi lệ.

Nhà Vua và phu nhân thấy thế toàn thân giật bắn, lòng hoang mang kinh sợ như chiếc thuyền nhỏ bị sóng lớn dồi, hoảng hốt hỏi: Lúc mới sinh Thái Tử có nhiều điềm lành, chẳng hay có điều gì không hay mà Tiên Nhân buồn khóc như vậy?

Tiên Nhân rưng rưng đáp: Tâu Đại Vương, Thái Tử có đủ những tướng tốt, không có gì xấu.

Vua lại hỏi: Chẳng hay Thái Tử thọ mạng như thế nào?

Có thể lên ngôi Chuyển Luân cai trị bốn châu thiên hạ không?

Tôi tuổi đã cao muốn giao phó việc trị nước cho Thái Tử rồi vào núi tu hành. Đó chính là chí nguyện của tôi. Xin Tôn Giả xem kỹ cho.

Khi ấy tiên A Tư Đà thưa với Vua: Tâu Đại Vương, Thái Tử có đủ ba mươi hai tướng tốt, đó là:

1. Dưới bàn chân bằng phẳng.

2. Dưới chân có đủ một ngàn đường vằn như vòng bánh xe.

3. Các ngón tay, ngón chân đều dài hơn người thường.

4. Tay chân đều rất mềm mại.

5. Gót chân rộng, đầy đặn.

6. Các kẽ ngón chân ngón tay có màng như lưới, người bình thường không thể có được.

7. Mu bàn chân đầy đặn, cao bằng gót chân.

8. Bắp chân như chân Lộc Vương.

9. Hai tay buông xuống dài quá gối.

10. Nam căn ẩn kín như Mã Vương, Tượng Vương.

11. Thân hình cao lớn cân đối như cây Ni Câu Lư.

12. Ở mỗi chân lông có sợi lông màu xanh mềm mại và đều xoay về bên phải.

13. Lông trên người sắc xanh, mềm mại và đều rạp nghiêng về bên phải.

14. Có tướng sắc thân màu hoàng kim vi diệu, đẹp hơn vàng Diêm Phù Đàn.

15. Ánh sáng quanh thân chiếu xa một trượng.

16. Làn da mỏng và mịn, bụi không thể bám, muỗi mòng không chích được.

17. Hai lòng bàn tay, bàn chân, hai vai và đảnh đầu cả bảy nơi ấy đều đầy đặn.

18. Dưới hai nách đầy đặn như ngọc Ma ni.

19. Thân như Sư Tử.

20. Thân thể ngay ngắn, cân đối.

21. Hai vai tròn trịa.

22. Miệng có bốn mươi cái răng.

23. Răng trắng đều khít, chân răng sâu chắc chắn.

24. Bốn răng cửa lớn và trắng.

25. Hai má đầy đặn như Sư Tử.

26. Nước bọt tiết ra hai bên miệng có mùi thơm.

27. Lưỡi mềm và mỏng, rộng dài, phủ cả mặt đến mí tóc.

28. Tiếng nói có âm thanh vô cùng vi diệu như tiếng chim Ca Lăng Tần Già.

29. Màu mắt xanh biếc.

30. Lông mi như Ngưu Vương.

31. Giữa hai hàng lông mày có chòm lông trắng như gấm Đâu La có thể phóng hào quang.

32. Trên đảnh đầu có thịt nổi cao như hình búi tóc.

Thái Tử có đủ ba mươi hai tướng tốt như thế, nếu ở tại gia thì năm hai mươi chín tuổi sẽ lên ngôi Chuyển Luân Thánh Vương, nếu xuất gia sẽ thành Bậc nhất thiết chủng trí, rộng độ Trời người.

Nhưng Thái Tử chắc nhất định tu học và đắc đạo thành Bậc Vô Thượng, Chánh Đẳng, Chánh Giác, Sau đó không lâu Ngài sẽ chuyển pháp luân thanh tịnh làm lợi ích Trời người và độ thoát cho chúng sinh. Tôi nay đã một trăm hai mươi tuổi, không lâu nữa sẽ chết và sinh lên Cõi Trời Vô Tưởng, không gặp được Phật, không nghe được pháp nên buồn tủi mà khóc.

Vua lại hỏi Tiên Nhân: Tôn Giả bảo có hai đường: Một sẽ làm Chuyển Luân Vương, hai sẽ là thành Bậc Chánh Giác, nhưng sao lại quyết chắc là Thái Tử sẽ thành Bậc Chánh Giác.

Tiên Nhân đáp: Trong phép xem tướng của tôi, nếu người nào có đủ ba mươi hai tướng nhưng không ở đúng chỗ, không rõ ràng thì sẽ thành Chuyển Luân Vương, còn nếu ở đúng chỗ lại rõ ràng thì chắc chắn sẽ thành bậc nhất thiết chủng trí. Nay tôi xem thấy Thái Tử có đủ ba mươi hai tướng, mỗi tướng lại ở đúng vị trí và rất rõ ràng nên tôi quyết chắc Thái Tử sẽ thành bậc nhất thiết chủng trí.

Vị tiên nói xong liền từ biệt ra đi. Vua Bạch Tịnh nghe những lời đó, trong lòng rất lo buồn vì sợ Thái Tử sẽ xuất gia nên chọn năm trăm cung nữ thông minh, trí tuệ để chăm sóc, phục vụ Thái Tử. Trong số đó người thì cho bú, người thì bồng ấm, người thì tắm rửa, giặt giũ… Vua lại xây dựng riêng cho Thái Tử ba tòa cung điện ba mùa hợp với khí hậu mùa lạnh, mùa nóng và mùa ấm.

Các cung Điện ấy được trang hoàng tô điểm bằng bảy món báu, áo quần cũng mặc theo mùa. Vua lại sợ sau này Thái Tử bỏ cung đi xuất gia nên ra lệnh bố trí các cổng thành sao cho mỗi khi đóng mở sẽ có tiếng động lớn vang xa đến bốn mươi dặm.

Vua lại chọn năm trăm cung nữ hình dung đoan chánh, không gầy không béo, không cao không thấp, không trắng không đen lại giỏi nhiều kỷ xảo, đều trang điểm bằng nhiều vật trang sức quý báu, mỗi phiên một trăm vị, thay nhau chăm sóc Thái Tử. Trước các cung điện ấy, Vua cho trồng đầy các loại cây có quả ngọt, cành lá sum suê, hoa nở tươi thắm.

Lại có ao tắm trong mát, bờ ao mọc lớp cỏ thơm dày, trong ao có hoa sen đủ màu và nhiều vô số kỳ hoa dị thảo khác, lại có hàng ngàn giống chim lạ trong vườn để làm đẹp mắt, vui tai cho Thái Tử.

Sau khi sinh Thái Tử được bảy ngày, Ma Da phu nhân qua đời và do công đức cưu mang Thái Tử nên được sinh lên cung Trời Đao Lợi. Người dì là phu nhân Ma Ha Ba Xà Ba Đề nuôi nấng Thái Tử không khác gì mẹ hiền.

Vua cha còn cho làm mũ bảy báu, chuỗi anh lạc cho Thái Tử. Thái Tử càng lớn thì Vua cho làm các loại xe như xe voi, xe ngựa, xe dê, xe trâu, và đầy đủ tất cả các loại đồ chơi, không thứ gì không có.

Lúc ấy nhân dân cả nước đều sống an vui, mùa màng sung túc, thời tiết điều hòa, không có trộm cướp… vô cùng an ổn, thái bình, đều là nhờ phước đức của Thái Tử. Vua lại truyền Xa Nặc, một trong năm trăm người con trai, con của các thị nữ đến để hầu Thái Tử.

Năm Thái Tử lên bảy tuổi, Vua nghĩ Thái Tử đã lớn nên lo việc học tập cho Ngài. Vua cho tìm khắp trong nước những vị Bà La Môn thông tuệ, am tường các loại sách quý, mời đến để dạy Thái Tử học. Lúc ấy có vị Bà La Môn tên Bạt Đà La Ni cùng với năm trăm vị thân hữu Bà La Môn khác đều nhận lời mời của Vua cùng đến.

Vua hỏi các vị Bà La Môn: Thưa các Tôn Giả, chư vị đều muốn làm thầy của Thái Tử, nay các vị sẽ dạy thế nào?

Họ nói: Những gì chúng tôi biết sẽ trao truyền hết cho Thái Tử.

Vua liền cho xây một trường học lớn, dùng các thứ báu để trang trí. Bàn ghế và tất cả học cụ đều đầy đủ và đẹp đẽ, rồi chọn ngày lành đưa Thái Tử đến để các vị Bà La Môn dạy học.

Khi ấy các vị thầy Bà La Môn đưa ra bốn mươi chín loại sách để dạy Thái Tử đọc.

Thái Tử thấy như thế liền hỏi các thầy dạy: Đây là những sách gì?

Trong cõi Diêm Phù Đề có bao nhiêu loại sách?

Các thầy Bà La Môn đều im lặng không trả lời được. Thái Tử lại hỏi riêng chữ A có bao nhiêu nghĩa.

Các vị thầy dạy cũng không đáp được, tự thấy xấu hổ, đứng dậy lễ Thái Tử mà khen ngợi: Lúc mới sinh Thái Tử đi bảy bước và tự nói rằng trong Cõi Trời người, Thái Tử là tôn quý nhất. Lời ấy quả thật không sai. Xin Thái Tử cho biết trong cõi Diêm Phù Đề có bao nhiêu loại sách.

Thái Tử nói: Trong cõi Diêm Phù Đề có sách Phạm ngữ, có sách Khư Lâu, có sách Liên Hoa… có tất cả sáu mươi bốn loại. Chữ A là âm tiếng Phạm, nghĩa của chữ này là không thể hư hoại, cũng là đạo lý chân chánh vô thượng. Những nghĩa như thế rất nhiều, vô lượng vô biên.

Khi đó, các vị thầy Bà La Môn trong lòng cảm thấy vô cùng xấu hổ nên đến tâu Vua: Tâu Đại Vương, Thái Tử là vị thầy bậc nhất trong Cõi Trời người, chúng tôi làm thế nào dạy được.

Vua nghe các vị ấy nói thế lại càng vui mừng cho là việc chưa từng có, liền tùy theo sở thích của các thầy Bà La Môn mà cúng dường. Tất cả các môn học thuật sách vở, lý luận, thiên văn, địa lý, toán số đến các môn kỹ nghệ như bắn cung, cưỡi ngựa, Thái Tử đều tự mình thông tỏ.

Năm Thái Tử lên mười tuổi, trong họ Thích có năm trăm đồng tử cùng tuổi với Ngài. Thái Tử lại có những người em như Đề Bà Đạt Đa, Nan Đà, Tôn Đà La Nan Đà… trong số ấy có người có ba mươi tướng tốt, người có ba mươi mốt tướng, cũng có người đủ ba mươi hai tướng nhưng không hiển lộ rõ. Có người giỏi nhiều môn, có người sức lực mạnh mẽ vô cùng.

Đề Bà Đạt Đa nghe Thái Tử các môn đều giỏi, danh tiếng lừng lẫy khắp nơi nên bàn với năm trăm vị đồng tử: Thái Tử tuy thông minh trí tuệ, biết nhiều sách vở, biện luận giỏi nhưng sức mạnh chưa chắc bằng chúng ta. Ta muốn thi sức mạnh với Thái Tử.

Lúc bấy giờ Vua Bạch Tịnh cho người đi tìm những vị thầy dạy bắn cung giỏi trong nước đến truyền nghề cho Thái Tử. Một hôm vị thầy dạy Thái Tử bắn cung, Đề Bà Đạt Đa cùng năm trăm đồng tử cũng đi theo đến hậu viên của Hoàng cung để tập luyện, đích bắn là những chiếc trống bằng sắt.

Vị thầy trao cho Thái Tử một cái cung nhỏ, Thái Tử mỉm cười hỏi: Thầy trao vật này cho con để làm gì?

Vị Xạ sư đáp: Ta muốn Thái Tử bắn trúng cái trống sắt đó.

Thái Tử cho rằng cung ấy yếu lắm, yêu cầu bảy cái cung như thế, vị thầy liền trao cho Thái Tử. Thái Tử cầm cả bảy cánh cung bắn một mũi tên mà xuyên qua bảy chiếc trống sắt. Khi ấy vị Xạ Sư liền đến tâu lên Vua.

Tâu Đại Vương, Thái Tử đã tự biết thuật bắn cung, chỉ bắn một mũi tên xuyên bảy chiếc trống sắt. Trong cõi Diêm Phù Đề này không ai hơn được Thái Tử.

Vậy sao Bệ Hạ còn truyền cho thần làm thầy của Thái Tử?

Vua nghe thế rất mừng, thầm nghĩ: Con ta rất thông tuệ, mọi môn học thuật sách vở, biện luận, toán số đều giỏi, thì mọi người đều biết nhưng việc Thái Tử giỏi bắn cung thì ít người biết. Nhà Vua lập tức truyền lệnh bố trí các trống sắt, tổ chức thi tài cho Thái Tử và nhóm năm trăm người của Đề Bà Đạt Đa. Vua cũng thông báo cho dân chúng biết bảy ngày sau Thái Tử và Đề Bà Đạt Đa sẽ thi võ nghệ ở hậu viên, ai là người giỏi võ nghệ đều có thể đến thi.

Đến ngày thứ bảy, Đề Bà Đạt Đa cùng sáu vạn người trong thân quyến ra khỏi thành đầu tiên. Bỗng có một con voi to đứng chặn ở cổng thành, quân lính không ai dám đi tới.

***

icon

Tổng hợp

Cùng chủ đề

Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Ba - Phẩm Ba Mươi Mốt - Phẩm Tuyên Hóa - Phần Ba

Kinh Đại thừa   •   25.12.2023
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Cưu Ma La Thập, Đời Diêu Tần