Phật Thuyết Kinh Lạc Anh Lạc Trang Nghiêm Phương Tiện - Phần Ba
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Đàm Ma Da Xá, Đời Diêu Tần
PHẬT THUYẾT KINH
LẠC ANH LẠC TRANG NGHIÊM
PHƯƠNG TIỆN
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư
Đàm Ma Da Xá, Đời Diêu Tần
PHẦN BA
Lại nữa, Đại Đức Tu Bồ Đề! Nếu Như Lai không đi khất thực, hoặc không thọ trai thì có những người xuất gia trong Pháp Phật, sinh ý nghĩ: Chúng ta không nên đi khất thực, cũng không nên ăn. Họ sẽ bị đói khát gầy yếu, không thể có được trí tuệ hơn người. Thấy được nghĩa ấy, nên Như Lai đi khất thực.
Lại nữa, Đại Đức Tu Bồ Đề! Vì khéo nuôi dưỡng Thánh chủng nên Như Lai đi khất thực. Thấy được nghĩa ấy, nên Như Lai đi khất thực.
Lại nữa, Đại Đức Tu Bồ Đề! Vì thương xót những vị Tỳ Kheo đời sau, nên Như Lai đi khất thực.
Do thời mạt thế về sau này, có những người không tín kính, các Bà La Môn và trưởng giả sẽ nói: Chư Phật Thế Tôn thuở trước không đi khất thực, cớ gì các ông lại đi khất thực.
Nhưng nếu Như Lai đi khất thực thì các Bà La Môn và trưởng giả kia lại sẽ nghĩ: Chư Phật, Thế Tôn trước kia đi khất thực, cớ sao các ông lại không đi khất thực. Chúng ta phải nên cúng dường. Lại nữa, các pháp của Như Lai là phải đi khất thực, ca ngợi hạnh khất thực. Thấy được nghĩa ấy nên Như Lai đi khất thực.
Lại nữa, Đại Đức Tu Bồ Đề! nếu như có các trưởng giả, con của trưởng giả, các nhà đại phú xuất gia trong pháp Phật, mà còn có tâm xấu hổ, không thể khất thực lại nghĩ: Chúng ta là dòng dõi quý tộc, giàu sang phú quý xuất gia, cớ gì lại phải đi đến từng nhà để khất thực. Những người như vậy, họ sẽ theo học đại oai đức của Như Lai mà khất thực. Thấy được nghĩa ấy nên Như Lai đi khất thực.
Lại nữa, Đại Đức Tu Bồ Đề! Như Lai luôn hành hóa thuận theo tất cả thế gian.
Vì sao?
Vì tùy vào sự thành thục của những chúng sinh ở mỗi chỗ, mỗi nơi, mà Như Lai hành khất thực, do Như Lai không bị đói khát bức bách, không tham, không đắm, không đùa giỡn, không cầu ác, không chỗ nhóm họp.
Thưa Đại Đức Tu Bồ Đề! Như việc đã nói và ngoài những việc ấy, Như Lai còn thấy vô lượng phương tiện, nên đi khất thực.
Thưa Đại Đức Tu Bồ Đề! Thấy hai mươi việc đó không lỗi lầm, nên Như Lai khất thực.
Người nữ nói tiếp: Thưa Đại Đức Tu Bồ Đề! Đại Đức phải nên có phương tiện như vậy mà đi khất thực. Đại Bi phải như vậy, thanh tịnh phải như vậy để ứng thọ sự cúng dường.
Tôn Giả Tu Bồ Đề nói: Này cô, tôi không thể! Cũng như mèo, thỏ, dã can… không thể trang nghiêm làm Sư Tử là Vua của muôn thú, hành động như Sư Tử, gầm tiếng Sư Tử.
Này cô! Chư Thanh Văn, Duyên giác cũng vậy, không thể thị hiện oai nghi, phương tiện, đại bi giống Như Lai.
Khi người nữ ấy giảng nói về những phương tiện khất thực của Như Lai thì quyến thuộc trong nhà, cùng các nhà xung quanh, người vào nghe pháp đến hai trăm tám mươi người, họ đều phát tâm với đạo chánh chân vô thượng.
Bấy giờ, Đại Đức Tu Bồ Đề hỏi lại người nữ: Này cô, chồng cô hiện giờ ở đâu?
Thưa Đại Đức Tu Bồ Đề! Chồng tôi chẳng phải chỉ có một người.
Vì sao?
Này Đại Đức Tu Bồ Đề! Vì nếu có chúng sinh, khéo được điều phục, vui lòng với mong muốn được an vui, để trang nghiêm nơi phương tiện thì đều là chồng tôi.
Đại Đức Tu Bồ Đề nói: Này cô! Người an lạc, trang nghiêm nơi phương tiện là người như thế nào?
Thưa Đại Đức Tu Bồ Đề! Nếu có chúng sinh, cần các dục lạc thì tôi ban cho chúng sinh ấy dục lạc, rồi sau đó, khuyến họ phát tâm với đạo vô thượng.
Đại Đức Tu Bồ Đề nói: Này cô! Như Lai không chấp nhận an vui trong sự ham muốn.
Thưa Đại Đức Tu Bồ Đề! Chư Phật đã nói: Tỳ Kheo các ông, đã có y bát, ăn uống, ngọa cụ, thuốc men chữa bệnh, nếu có nhà bà con hoặc chỗ nhà khất thực, chỗ cư trú, chỗ bạn bè, Hòa Thượng, A Xà Lê thì nên gần gũi cúng dường, để tăng trưởng căn lành, diệt các pháp ác. Tỳ Kheo như vậy là ta chấp nhận.
Đại Đức Tu Bồ Đề nói: Này cô! Đúng vậy, đúng vậy! Đúng như cô đã nói.
Thưa Đại Đức Tu Bồ Đề! Do việc ấy, nên Như Lai cho phép an vui theo sự ham muốn.
Đại Đức Tu Bồ Đề nói: Này cô! Có bao nhiêu chúng sinh được điều phục, nhờ dục lạc trang nghiêm nơi phương tiện ấy?
Thưa Đại Đức Tu Bồ Đề! Loài có sắc tướng hiện có nơi tam thiên đại thiên Thế Giới, được vào trong biên vực đó, có thể tính đếm được, còn như số chúng sinh mà tôi đã điều phục nhờ trang nghiêm nơi phương tiện thì không có giới hạn.
Tu Bồ Đề nói: Này cô! Với dục lạc, chúng sinh phải làm thế nào?
Thưa Đại Đức Tu Bồ Đề! Nếu có chúng sinh vui hướng về Phạm Thế thì tôi cho tất cả những chúng sinh ấy vô lượng các pháp thiền, hỷ lạc trong thiền, rồi sau đó, khuyên phát tâm với đạo vô thượng.
Hoặc có chúng sinh vui hướng đến Thích Đề Hoàn Nhân thì tôi cho chúng sinh ấy niềm vui của Đế Thích, sau đó khuyên phát tâm với đạo vô thượng.
Nếu có chúng sinh vui hướng về Trời Hộ Thế thì tôi cho chúng sinh ấy niềm vui ở Trời Hộ Thế, sau đó khuyên phát tâm với đạo vô thượng.
Nếu có chúng sinh vui hướng về cái vui của hàng Trời, Rồng, Dạ Xoa, Càn Thát Bà, A Tu La, Ca Lâu La, Khẩn Na La, Ma Hầu La Già thì tôi cho niềm vui của hàng Trời cho đến Ma Hầu La Già, sau đó khuyên phát tâm với đạo vô thượng.
Nếu có chúng sinh, có ý chí vui hướng về Chuyển Luân Vương thì tôi cho niềm vui của Chuyển Luân Vương, sau đó khuyên phat tâm với đạo vô thượng.
Nếu có chúng sinh vui hướng làm Vua một nước nhỏ thì tôi cũng cho niềm vui của Vua một nước nhỏ, sau đó khuyên phát tâm với đạo vô thượng.
Nếu có chúng sinh vui hướng được làm Trưởng Giả, Sát Lợi, Bà La Môn, Tỳ Xá, Thủ Đà thì tôi cho họ niềm vui được làm trưởng giả, Sát Lợi, Bà La Môn, Tỳ Xá, Thủ Đà, sau đó khuyên phát tâm với đạo vô thượng.
Nếu có chúng sinh vui hướng với sắc, thanh, hương, vị, xúc thì tôi cho họ vui với sắc, thanh, hương, vị, xúc, sau đó khuyên phát tâm với đạo vô thượng.
Nếu có chúng sinh vui hướng với hương hoa, hương đốt, hương xoa, cờ phướn, lọng báu và các thứ y phục thì tôi cho niềm vui với hương hoa, hương đốt, hương xoa, cờ phướn, lọng báu, y phục, sau đó khuyên phát tâm với đạo vô thượng.
Nếu có chúng sinh vui hướng với vàng bạc, lưu ly, pha lê, các thứ châu báu khác… thì tôi cho họ niềm vui với các thứ vàng bạc lưu ly, pha lê, châu báu… sau đó khuyên phát tâm với đạo vô thượng.
Nếu có chúng sinh vui hướng với trống, đàn tranh, nhạc cụ, tiêu, sáo, ca múa, âm nhạc… thì tôi cũng tùy theo mong muốn, yêu cầu, sở thích của những chúng sinh như vậy, mà ban cho tất cả, sau đó khuyên phát tâm với đạo vô thượng.
Tu Bồ Đề lại nói: Này cô! Năm dục ấy là chướng ngại cho Thánh Đạo, cớ sao lấy năm dục để điều phục chúng sinh?
Khi đó, ngoài cửa có hai con của vị trưởng giả, đã được điều phục, nhờ niềm an lạc trang nghiêm nơi phương tiện, hai vị ấy liền nói với Đại Đức Tu Bồ Đề: Thưa Đại Đức! Hôm nay, không nên dùng trí tuệ của mình mà phân biệt chọn lựa trí tuệ của Bồ Tát.
Thưa Đại Đức! Cũng như một ngọn đèn nhỏ, thổi một cái liền tắt.
Này Đại Đức Tu Bồ Đề! Các thiện nam, tín nữ, học thừa Thanh Văn, ánh sáng trí tuệ cũng ít như vậy, khởi lên một tưởng dục tâm tức diệt mất.
Thưa Đại Đức Tu Bồ Đề! Ý Đại Đức thế nào?
Nếu như khi kiếp này bị thiêu đốt, lửa bốc cháy dữ dội, nếu dùng miệng thổi, có thể tắt không?
Tu Bồ Đề đáp: Này thiện nam! Tín nữ! Nếu dùng nước trong trăm ngàn biển lớn cũng không thể dập tắt, huống gì là miệng thổi!
Thưa Đại Đức Tu Bồ Đề! Ánh sáng trí tuệ, công đức của Bồ Tát cũng vậy. Nhiều hằng sa kiếp thọ năm thứ dục lạc, nhưng cũng không thể diệt được ánh sáng trí tuệ công đức của Bồ Tát.
Thưa Đại Đức Tu Bồ Đề! Như người nghèo bị bệnh, được thầy thuốc cho vị thuốc đắng, chát, ngọt, chua, rẻ mà dễ tìm, lúc đó, người bệnh, thân đang bị khổ não, uống những vị thuốc đắng, chát, ngọt, chua ấy là vì bần cùng, nên phải chịu đói khát, để được thoát khỏi bệnh hoạn.
Thưa Đại Đức Tu Bồ Đề! Các thiện nam, tín nữ… học Thanh Văn thừa cũng vậy. Thực hành hạnh Đầu Đà, công đức, oai nghi, nhờ chánh hạnh nên ít muốn, biết đủ, các hạnh trú ở chỗ thanh vắng, thức ăn tốt hay xấu, kẻ ít hiểu biết nên chịu các khổ não, sau đó không nắm giữ mà được giải thoát.
Thưa Đại Đức Tu Bồ Đề! Người học phương tiện nơi thừa Thanh Văn được giải thoát cũng thế, như người nghèo trị bệnh.
Thưa Đại Đức Tu Bồ Đề! Như Vua Quán Đảnh dòng Sát Lợi bệnh, các vị lương y dâng thuốc cho Vua uống, sắc các hương vị của thuốc hay, uống vào được an vui, dâng các thức ăn mỹ vị mà Vua thích và cung phụng tất cả hương hoa, hương bột, hương xoa, hương tán, lại tổ chức kỹ nhạc, ca múa, ca ngợi cho Vua vui vì muốn cho Vua không sầu khổ. Các vị lương y ấy làm như vậy thì Vua được vui sướng, liền khỏi bệnh.
Thưa Đại Đức Tu Bồ Đề! Bồ Tát cũng thế, có nhiều vị Bồ Tát dùng chuỗi ngọc trang nghiêm nơi phương tiện, nhận tất cả năm thứ dục lạc, rồi sau đó chứng đắc chánh đạo vô thượng.
Thưa Đại Đức Tu Bồ Đề! Đại Đức nên biết điều đó, trí tuệ hiểu biết của chư Bồ Tát cũng giống như phương tiện trị bệnh cho Vua Quán Đảnh dòng Sát Lợi kia.
Thưa Đại Đức Tu Bồ Đề! Năm dục không có gốc rễ, không có chỗ an trụ. Nhất thiết trí ấy cũng vậy, không gốc rễ, không chỗ an trụ.
Người nào có nhất thiết trí, tự biết chỗ nên làm, chỗ không nên làm. Đối với năm thứ dục lạc, chẳng phải thích, chẳng phải không thích, đơn độc không bạn bè, nhất thiết trí cũng không công đức, không chỗ có được, người chứng đắc được nhẫn ấy, là người tự biết những gì là đạo, những gì chẳng phải đạo. Năm thứ dục lạc rỗng không, nhất thiết trí rỗng không, người được nhẫn không trải qua năm dục, người ấy tự thấy năm dục là tội lỗi mà chê trách nó.
Bấy giờ, Đại Đức Tu Bồ Đề hỏi con trưởng giả: Ai là thân quyến của ông?
Khi ấy, con trưởng giả, chắp tay, hướng về người nữ nói kệ:
Đây là cha mẹ tôi
Thân hữu cho tôi thuốc
Người cắt đường cõi ác
Đấng vô thượng của tôi.
Bậc đại ân của tôi
Là người giáo hóa tôi
Luôn luôn khuyến dụ tôi
Diệt hết khổ cho tôi.
Vì tôi nói diệu pháp
Giải rõ tất cả lý
Để tôi được an vui
Cũng khuyên tôi không tranh.
Như cá vì thức ăn
Bị lưỡi câu móc dính
Ưa an vui cũng thế
Nhờ thu giữ chúng tôi.
Như chim vì miếng mồi
Bị lưới, bẫy vây bắt
Tôi phương tiện cũng vậy
Nên ở trong trí tuệ.
Nếu bị độc của rắn
Dùng độc để diệt độc
Dục, sân cũng như vậy
Cũng dùng độc trừ độc.
Như người bị lửa đốt
Lại dùng lửa cứu trừ
Phiền não cũng như thế
Lại nhờ nó giải thoát.
Tôi đã biết chánh pháp
Tôi không vì tham dục
Phàm phu cần tham dục
Không muốn đạo bồ đề.
***
Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Năm - Phẩm Mười Bảy - Phẩm Tham Hành - Phần Hai
Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Ba - Phẩm Ba Mươi Mốt - Phẩm Tuyên Hóa - Phần Ba
Phật Thuyết Kinh chánh Pháp Hoa - Phẩm Hai Mươi Năm - Tịnh Phục Tịnh Vương
Phật Thuyết Kinh đại Bảo Tích - Pháp Hội Thứ Hai Mươi Hai - Pháp Hội đại Thần Biến - Phần Hai
Phật Thuyết Kinh Cựu Tạp Thí Dụ - Phần Ba Mươi Năm
Phật Thuyết Kinh Tạp A Hàm - Kinh Bốn Quả - Phần Hai
Phật Thuyết Kinh Như Lai Giáo Thắng Quân Vương