Phật Thuyết Kinh Nhân Quả Trong đời Quá Khứ Và Hiện Tại - Phần Mười Năm

Kinh Đại thừa   •   Thứ hai, 25/12/2023, 22:17 PM

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Cầu Na Bạt Ma, Đời Tống

PHẬT THUYẾT

KINH NHÂN QUẢ TRONG ĐỜI

QUÁ KHỨ VÀ HIỆN TẠI

Hán dịch: Ngài Tam Tạng

Pháp Sư Cầu Na Bạt Ma, Đời Tống  

PHẦN MƯỜI NĂM  

Ngày kia, Đức Thế Tôn suy nghĩ: Ưu Lâu Tần Loa Ca Diếp căn duyên đã từ từ thuần thục, nay đúng là lúc điều phục ông ta. Nghĩ thế nên Đức Thế Tôn đến sông Ni Liên Thiền.

Phật vừa đến bờ sông, Ma Vương bỗng hiện ra thưa với Phật: Bạch Thế Tôn, bấy giờ là lúc Ngài nên vào Niết Bàn. Đấng Thiện Thệ, nay đã đúng thời Ngài nên vào Niết Bàn.

Vì sao?

Vì những người đáng độ đều đã được giải thoát, nay thật đúng lúc Ngài nên vào Niết Bàn.

Ma Vương thưa với Phật ba lần như thế.

Đức Thế Tôn đáp: Nay chưa phải lúc Ta vào Niết Bàn.

Vì sao?

Vì bốn bộ chúng Tỳ Kheo, Tỳ Kheo Ni, Ưu Bà Tắc, Ưu Bà Di chưa đầy đủ. Những người đáng độ chưa được hoàn toàn giải thoát, các ngoại đạo đều chưa được hàng phục.

Đức Phật cũng đáp lại ba lần như thế. Ma Vương nghe thế buồn bã trở về Thiên cung.

Đức Thế Tôn đi xuống sông Ni Liên Thiền, dùng thần lực tách dòng sông làm hai khiến nước ở hai bên vọt lên cao. Phật đi vào giữa, từng bước chân của Ngài làm bụi tung lên mù mịt. Ca Diếp từ xa trông thấy tưởng Phật bị chìm trong nước liền sai các đệ tử chèo thuyền đến đó.

Khi đến bên sông thấy lối Phật đi có bụi bay lên, Ca Diếp thầm khen là việc chưa từng có nhưng suy nghĩ: Vị Sa Môn trẻ tuổi này tuy có sức thần thông như thế nhưng vẫn không chân chánh bằng đạo của ta.

Lúc ấy Ca Diếp hỏi Phật: Vị Sa Môn trẻ tuổi muốn lên thuyền không?

Phật đáp: Tốt lắm.

Bấy giờ Đức Thế Tôn dùng thần lực xuyên qua đáy thuyền để vào trong thuyền ngồi kiết già.

Ca Diếp thấy Phật từ đáy thuyền đi vào mà đáy thuyền vẫn không thủng, khen là việc chưa từng có, nhưng vẫn cố chấp: Vị Sa Môn trẻ tuổi có thần thông kỳ diệu như thế nhưng không bằng ta đã đắc quả A La Hán.

Phật liền nói: Này Ca Diếp, ông chưa đắc quả A La Hán, cũng chưa đạt A La Hán hướng mà sao lại có tâm ngã mạn lớn như thế?

Ca Diếp nghe lời đó xong, trong lòng vừa thẹn vừa sợ, toàn thân nổi gai, thầm nghĩ: Vị Sa Môn trẻ tuổi này biết rõ tâm niệm của ta nên liền thưa với Phật: Đúng thế, thưa Sa Môn! Đúng thế, thưa Đại Tiên! Người đã biết rõ tâm niệm của con. Cúi xin Ngài hãy thu nhận con làm đệ tử.

Phật đáp: Ông là bậc cao niên, đã một trăm hai mươi tuổi, có nhiều đệ tử quyến thuộc, lại được Quốc Vương và quan dân tôn kính. Nếu ông quyết định theo học giáo pháp của ta thì trước hết nên cùng bàn bạc kỹ với các đệ tử.

Ca Diếp đáp: Quý hóa thay! Hay lắm thay! Quả như lời dạy của Đại Tiên, nhưng lòng con đã quyết định, không bao giờ thay đổi. Nay sẽ về cùng bàn bạc với các đệ tử.

Nói xong, Ca Diếp trở về trụ xứ tập họp các đệ tử nói: Vị Sa Môn trẻ tuổi từ khi đến ở đây, chúng ta đã thấy bao nhiêu thần thông biến hóa thật là kỳ diệu và trí tuệ cao xa, tính tình ôn hòa của Ngài, nay ta muốn quy y theo học giáo pháp của người, các ông nghĩ sao?

Các đệ tử thưa: Những gì chúng con biết đều là nhờ ân của Tôn Giả. Bậc mà Tôn Giả đã tin tưởng quy y, ắt hẳn không phải là hư vọng. Chúng con cũng đã thấy những thần thông kỳ diệu của vị ấy. Nếu Tôn Giả quyết định quy y theo học giáo pháp của Bậc ấy, chúng con cũng xin nguyện theo Tôn Giả quy y.

Nghe các đệ tử nói thế, Ca Diếp lập tức cùng họ đến trước Phật thưa: Nay con cùng các đệ tử đều đã quyết định quy y. Cúi xin Đại Tiên hãy thâu nhận chúng con.

Phật nói: Thiện lai Tỳ Kheo!

Lập tức râu tóc Ca Diếp tự rụng, vận Cà Sa vào người, trở thành Sa Môn. Bấy giờ, Đức Thế Tôn tùy theo căn tánh của Tôn Giả giảng rộng pháp Tứ Đế. Vừa nghe xong bài pháp, Ca Diếp liền lìa xa mọi trần cấu, đắc pháp nhãn thanh tịnh. Sau đó một thời gian đã chứng được quả A La Hán.

Năm trăm đệ tử thấy Thầy đã thành Sa Môn trong lòng rất vui vẻ, cũng có ý muốn xuất gia nên thưa với Phật: Thầy chúng con được Đại Tiên thu nhận, nay đã là Sa Môn.

Chúng con cũng vui thích theo Thầy học đạo. Cúi xin Đại Tiên chấp nhận cho chúng con được xuất gia.

Phật nói: Thiện lai Tỳ Kheo!

Râu tóc của họ tự rụng xuống, vận Cà Sa vào, trở thành Sa Môn. Sau đó Phật cũng vì họ giảng pháp Tứ Đế. Sau thời pháp, cả năm trăm vị Tỳ Kheo đều xa lìa trần cấu, đắc pháp nhãn thanh tịnh, chứng được quả Tu đà hoàn. Sau một thời gian tu tập, dần dần tất cả đều chứng được quả A La Hán.

Sau khi đắc quả, Ca Diếp và năm trăm vị đệ tử đem hết những dụng cụ thờ lửa vứt bỏ xuống sông Ni Liên Thiền và cùng đi theo Phật.

Bấy giờ hai người em của Ca Diếp là Na Đề Ca Diếp và Già Da Ca Diếp, mỗi người có hai trăm năm mươi người đệ tử và cùng ở bên bờ vùng hạ lưu sông Ni Liên Thiền, bỗng trông thấy các dụng cụ thờ lửa của thầy trò người anh trôi trên sông nên rất ngạc nhiên, suy nghĩ: Anh ta gặp điều gì không lành mà sao nay những dụng cụ thờ lửa bị thả trôi sông.

Phải chăng bị kẻ ác hãm hại?

Hai người em vội chạy đến gặp nhau bàn luận: Anh chúng ta nếu không bị kẻ ác làm hại thì tại sao những dụng cụ thờ lửa lại theo dòng sông trôi xuống. Thật là kỳ lạ, chúng ta hãy mau đến đó xem sao.

Bàn luận xong, họ liền ngược dòng sông lên đến chỗ người anh. Đến nơi thấy cảnh vắng vẻ lòng họ rất buồn rầu, thắc mắc không biết anh và các đệ tử đi đâu.

Trong khi đi tìm kiếm khắp nơi bỗng gặp người quen, họ liền hỏi thăm: Thánh huynh của chúng tôi và các đệ tử không rõ nay ở đâu, ông có biết không?

Vị ấy trả lời: Anh của các Ngài và chúng đệ tử đã bỏ hết những dụng cụ thờ lửa, xuất gia đi theo Sa Môn Cù Đàm tu học.

Hai người em nghe thế vô cùng khổ tâm, cho là việc kỳ lạ chưa từng thấy, thầm nghĩ: Sao anh ta lại bỏ đạo A La Hán mà đi cầu học pháp khác?

Hai người liền tìm đến chỗ người anh.

Đến nơi thấy anh và các đệ tử đã cạo bỏ râu tóc, mặc Cà Sa liền quỳ lạy, hỏi: Anh vốn là một vị Đại A La Hán thông minh, trí tuệ không ai bằng, tiếng tăm vang cả mười phương mọi người đều kính phục, tại sao nay lại bỏ đạo mà theo học người khác?

Đây đâu phải là chuyện nhỏ.

Ca Diếp liền trả lời hai em: Ta thấy Đức Thế Tôn là Bậc đã thành tựu tâm đại từ bi và có ba điều kỳ diệu:

Một là thần thông biến hóa.

Hai là trí tuệ cực sáng, chắc chắn đã đạt được nhất thiết chủng trí.

Ba là biết rõ căn tánh từng người mà tùy thuận dẫn dắt, do đó mà ta xuất gia tu học theo giáo pháp của Phật.

Ta nay tuy được Vua, quan, dân chúng tôn kính, không luận lý nào ở thế gian mà không phá được nhưng lại không dứt được con đường sinh tử, chỉ có giáo pháp của Như Lai mới có thể dứt hẳn được sinh tử. Đã gặp được vị Đại Thánh Chí Tôn như vậy mà không tự gắng sức để cầu học theo vị thầy tốì thắng là người không có lòng và cũng không có mắt.

Hai người em thưa: Nếu đúng như lời anh nói, Bậc ấy chắc chắn đã thành tựu được nhất thiết chủng trí. Các đạo lý, tri thức chúng em có được đều do công sức của anh. Nay anh đã theo Phật xuất gia, chúng em cũng như anh nguyện theo Phật xuất gia học đạo.

Hai người em, mỗi vị bèn hỏi chúng đệ tử của mình: Nay ta muốn theo đường của anh cả ta xuất gia theo học Phật Pháp, vậy ý các người thế nào?

Các đệ tử thưa: Chúng con có được tri kiến đều là nhờ ân của Đại Sư. Nay Đại Sư có ý xuất gia theo Phật, chúng con cũng nguyện đi theo.

Lúc ấy Na Đề Ca Diếp và Già Da Ca Diếp, mỗi vị đem hai trăm năm mươi đệ tử đến trước Phật cúi đầu lễ xuống chân Phật thưa: Bạch Thế Tôn, xin người từ bi thương xót mà cứu vớt chúng con.

Phật nói: Thiện lai Tỳ Kheo! Râu tóc của họ đều tự rụng, vận Cà Sa, trở thành Sa Môn.

Hai người lại bạch Phật: Các đệ tử của chúng con cũng nguyện xin xuất gia. Kính xin Thế Tôn từ bi tiếp nhận.

Phật đáp: Quý hóa lắm!

Rồi Ngài hô lớn: Lành thay các Tỳ Kheo! Râu tóc trên người họ tự rụng, vận Cà Sa, đều thành Sa Môn. Bấy giờ Đức Thế Tôn vì Na Đề Ca Diếp, Già Da Ca Diếp và chúng đệ tử hiện sức đại thần thông rồi tùy theo căn cơ mà thuyết pháp.

Phật dạy: Này các Tỳ Kheo, các ông nên biết thế gian này luôn bị các thứ lửa dữ là tham, sân, si thiêu đốt. Trước đây các ông thờ ba thứ lửa đã có thể trừ bỏ được chướng ngại thô lậu bên ngoài, nhưng ba thứ lửa độc này lại xuất phát từ thân tâm, các ông cần phải mau đoạn trừ chúng.

Lúc bấy giờ các Tỳ Kheo nghe lời Phật dạy, ngay lập tức xa lìa mọi trần cấu phiền não, đắc pháp nhãn thanh tịnh. Thế Tôn lại vì họ giảng rộng pháp Tứ Đế. Sau một thời pháp, tất cả họ đều đạt được quả A La Hán.

Bấy giờ, Đức Thế Tôn nhớ lại: Vua Tần Tỳ Sa La trước đây có nguyện rằng nếu ta đắc đạo thì nên độ ông ta trước. Nay đã đến lúc ta nên đến đó để hoàn thành bản nguyện cho Nhà Vua. Nghĩ thế rồi, Phật liền cùng ba anh em Ca Diếp và một ngàn vị Tỳ Kheo đi tới cung Điện của Vua Tần Tỳ Sa La tại thành Vương Xá.

Lúc ấy, người dân trong các thôn mà Vua đã cấp cho Ưu Lâu Tần Loa Ca Diếp trước đây thấy Ca Diếp và các đệ tử đều thành Sa Môn liền đến tâu Vua. Nhà Vua và các quan nghe tin ấy rất kinh ngạc nhưng yên lặng không nói gì.

Dân chúng bên ngoài nghe tin ấy liền cùng nhau bàn bạc: Ưu Lâu Tần Loa Ca Diếp là bậc có trí tuệ cao sâu không ai sánh bằng, tuổi lại cao, đã chứng quả A La Hán nay sao lại bỏ đạo của mình làm đệ tử của Sa Môn Cù Đàm?

Không một ai tin điều đó và đều cho rằng Sa Môn Cù Đàm là đệ tử của Ca Diếp. Khi đến gần thành Vương Xá, Thế Tôn dừng chân nghỉ trong một khu rừng.

Ưu Lâu Tần Loa Ca Diếp nhờ một người thân cận trước đây đến thưa với Vua Tần Tỳ Sa La: Tôi nay đã xuất gia tu học theo giáo pháp của Đức Phật. Hiện nay đang cùng Đức Phật đến đây, ngự trong một khu rừng. Nhà Vua nên đến lễ bái cúng dường.

Nhà Vua nghe tâu lại lời ấy mới biết chắc là Ưu Lâu Tần Loa Ca Diếp là đệ tử của Phật, lập tức truyền chuẩn bị ngựa xe cùng với các vị Đại Thần, Bà La Môn, dân chúng đến chỗ Đức Phật. Khi đến ngoài rừng, Vua liền xuống xe, bỏ tất cả nghi trượng hoàng gia, đi bộ vào diện kiến Đức Phật.

Lúc ấy, từ trên không có một vị Trời bảo Nhà Vua: Như Lai hiện đang ngự trong khu rừng này, là ruộng phước tối thượng của Trời, người. Đại Vương nên cung kính cúng dường và bố cáo cho nhân dân trong nước nên cúng dường Như Lai.

Nhà Vua nghe lời đó xong, trong lòng vô cùng mừng rỡ, phấn chấn, lập tức tiến vào rừng. Từ xa Vua đã trông thấy tướng tốt đẹp, trang nghiêm của Đức Phật và cũng thấy thầy trò ba anh em Tôn Giả Ca Diếp hầu chung quanh, chẳng khác nào các vì sao vây quanh vầng nguyệt rạng.

Lòng Vua càng tăng thêm niềm hoan hỷ vội đến trước Đức Phật cúi đầu lạy sát đất thưa với Phật: Con là Vua nước Ma kiệt đề, thuộc chủng tộc mặt trăng, tên là Tần Tỳ Sa La.

Chẳng hay Thế Tôn đã từng nghe qua chưa?

Phật liền đáp: Lành thay! Đại Vương Vua Tần Tỳ Sa La lui xuống ngồi sang một bên. Các Đại Thần, Bà La Môn và dân chúng cũng đều ngồi xuống.

Khi ấy, sau khi thấy mọi người trong phái đoàn của Nhà Vua đều đã an tọa, Đức Thế Tôn liền dùng giọng Phạm âm vấn an Nhà Vua: Sức khỏe của Đại Vương có được tốt không?

Việc nước chắc không quá mệt nhọc phải không?

Đức Vua thưa: Nhờ ân đức của Thế Tôn nên con may mắn vẫn được mọi sự an ổn.

Lúc ấy Vua Tần Tỳ Sa La và các vị Đại học sĩ Bà La Môn, Trưởng Giả, Cư Sĩ, các vị Đại Thần và nhân dân đã biết Tôn Giả Ca Diếp là đệ tử của Đức Phật nên cùng bàn với nhau: Thật là hay thay! Đức Như Lai có sức thần lớn lao, trí tuệ cao sâu không thể nghĩ bàn nên mới có thể điều phục ba anh em Ngài Ca Diếp theo làm đệ tử.

Trong chúng hội cũng có vài người nghi ngờ, thầm nghĩ: Ngài Ưu Lâu Tần Loa Ca Diếp là người có đại trí tuệ, mọi người đều tin phục đi theo, sao lại là đệ tử của Sa Môn Cù Đàm được?

Đức Thế Tôn biết được những ý nghĩ ấy liền bảo Ca Diếp: Nay ông nên hiển bày sức thần biến.

Ca Diếp vâng lời liền bay lên không trung, trên thân hiện ra nước, dưới thân hiện ra lửa, hoặc trên thân hiện ra lửa, dưới thân hiện ra nước, hoặc hiện thân lớn đầy khắp không trung rồi biến ra nhỏ, hoặc từ một thân biến thành vô số thân, hoặc chui vào đất rồi vọt lên, hoặc đi đứng nằm ngồi trong không trung. Mọi người chứng kiến khen là điều chưa từng có và đều tôn Ca Diếp là bậc Đại Tiên đệ nhất.

Ở trên không biến hiện thần thông xong, Ca Diếp trở lại mặt đất, đến trước Đức Phật đảnh lễ sát đất và thưa: Thế Tôn chính là Bậc Thầy của cả Trời người. Con nay chính là đệ tử của Thế Tôn.

Ca Diếp nói ba lần như thế Phật đáp: Đúng thế! Đúng thế! Ca Diếp, ông thấy trong pháp ta có được lợi lạc gì mà bỏ hết những đồ thờ lửa để xuất gia?

***

icon

Tổng hợp

Cùng chủ đề

Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Ba - Phẩm Ba Mươi Mốt - Phẩm Tuyên Hóa - Phần Ba

Kinh Đại thừa   •   25.12.2023
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Cưu Ma La Thập, Đời Diêu Tần