Phật Thuyết Kinh Nhất Thiết Pháp Cao Vương - Phần Ba

Kinh Đại thừa   •   Thứ hai, 25/12/2023, 22:18 PM

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Bát Nhã Lưu Chi, Đời Nguyên Ngụy

PHẬT THUYẾT KINH

NHẤT THIẾT PHÁP CAO VƯƠNG

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư

Bát Nhã Lưu Chi, Đời Nguyên Ngụy  

PHẦN BA  

Bấy giờ, Thế Tôn bảo tuệ mạng Xá Lợi Phất: Lành thay, lành thay!

Này Xá Lợi Phất! Ông đúng là đệ tử chân chánh của ta. Ông tùy ý thuận theo lời dạy của ta, khéo léo giải thích ngôn ngữ của ta.

Xá Lợi Phất! Tất cả chúng sinh ở trong Bồ Tát. Nếu tự mình xả bỏ phần thịt, da, gân, xương, thân, có đến cả trăm ngàn lần thì đối với ân Bồ Tát, cũng không thể báo được một phần trăm. Như vậy, cũng không báo được cho đến một phần ngàn, ức phần, trăm ngàn ức phần, vô số phần, dùng toán số, thí dụ cũng không thể sánh được.

Vì sao?

Xá Lợi Phất! Vì ân Bồ Tát thì cả thế gian, Trời, Người, A Tu La cũng không thể đền đáp hết được.

Xá Lợi Phất! Thiện Nam, Thiện Nữ nào phát khởi tâm Nhất thiết trí của Như Lai thì mới có thể báo được ân ấy.

Vì sao?

Xá Lợi Phất! Vì người nào phát tâm Vô Thượng, Chánh Đẳng, Chánh Giác thì tất cả chúng sinh đều có thể được hưởng dụng.

Xá Lợi Phất! Ví như trong cõi Diêm Phù Đề này mọc lên cây Chiên đàn. Lúc mới nảy mầm, nó có thể làm thuốc trị bệnh cho trẻ em. Lá nó có thể trừ bệnh cho đàn bà, đàn ông. Đến khi lớn thành cây Chiên đàn, người qua lại trú dưới bóng mát của nó, sẽ xa lìa được bệnh tật.

Cây Chiên đàn đó khi ra hoa, có thể đem niềm vui cho Cõi Trời. Khi kết trái thì ánh sáng chiếu khắp mười phương Thế Giới. Ánh sáng đã phát ra sẽ thuận theo tâm ý chúng sinh, nhớ nghĩ điều gì, thì sẽ được, nó là pháp làm cho không già, không bệnh. Cây Chiên đàn đó nếu có người chặt xuống, tách từng phần, chỉ lấy phần gỗ quý thôi, nhưng người bỏ phí đó cũng không bị nghèo cùng.

Cây Chiên đàn đó nếu có người lấy phần gỗ quý dùng làm nhà, ai vào trong nhà đó sẽ không bị lạnh, nóng, đói, khát.

Cứ như vậy, như vậy, này Xá Lợi Phất! Cây Chiên đàn đó đều rất có ích chứ không phải là vô dụng. Từ lúc mới sinh, đã có ích cho việc sử dụng. Sinh ra, lớn lên có lợi ích, ra hoa, kết trái có lợi ích, chặt phá, chẻ bủa lấy gỗ quý, làm nhà cửa đều có lợi ích.

Xá Lợi Phất! Đại Bồ Tát cũng lại như vậy. Lúc mới phát tâm Vô Thượng, Chánh Đẳng, Chánh Giác, tu bốn pháp thu phục, đã làm lợi lạc cho chúng sinh, như cây Chiên đàn lúc mới nảy mầm. Đã phát tâm rồi, thì đối với ba cửa giải thoát, tâm được tăng trưởng.

Những gì là ba?

Là Không, Vô tướng, Vô nguyện, như cây Chiên đàn ra lá. Sau đó được an trụ ở pháp vô sinh nhẫn, như lúc cây Chiên đàn tăng trưởng. Tiếp đến thành tựu trí Nhất thiết trí, như cây ra hoa. Kế đến nhập Niết Bàn Vô dư, như cây có trái.

Khi xả bỏ thân mạng, được vô lượng Xá Lợi như hạt cải, ở khắp mọi cõi, làm lợi ích cho các chúng sinh, như cây Chiên đàn kia bị chặt phá để lấy gỗ quý. Xá Lợi của Như Lai, làm lợi ích cho chúng sinh cũng như vậy. Như cây Chiên đàn được lấy gỗ quý làm nhà, ai vào nhà cũng được an vui. Như Lai nhập Niết Bàn rồi, nhiều người tu hành, vào Chùa Như Lai, đều trừ được sự nóng bức, hưởng sự mát trong.

Xá Lợi Phất! Pháp môn này nên khéo biết như vậy.

Xá Lợi Phất! Nếu thiện nam, thiện nữ nào có thể phát tâm Vô Thượng, Chánh Đẳng, Chánh Giác thì Phật Pháp không bị cắt đứt. Tất cả chúng sinh sẽ được an vui, cả Cõi Trời, Người vui giải thoát, sự tu hành không bị đứt đoạn.

Xá Lợi Phất! Nếu như Cõi Trời, Người được vui và vui giải thoát, sự tu hành không bị đứt đoạn, thì làm sao có thể nói là có điều gì đó tương tự với điều ấy, một cách bình đẳng không?

Tuệ mạng Xá Lợi Phất bạch Phật: Bạch Thế Tôn! Không thể cùng có sự bình đẳng vì Người, Trời, Ma, Phạm, Tu La ở thế gian, tuy cho sự an vui nhưng không thể báo ân. Nếu ở trong một kiếp, hay trăm kiếp, ngàn kiếp, ức kiếp, ức ngàn kiếp cũng không thể báo ân.

Phật bảo: Xá Lợi Phất! Nếu thiện nam, thiện nữ nào, muốn báo tất cả ân của Đấng Vô Thượng, thì người đó nên phát tâm Vô Thượng, Chánh Đẳng, Chánh Giác.

Xá Lợi Phất! Người phát tâm này, là báo đáp ân vô thượng. Như tương tự ân đức, tương tự sự báo ân. Không có chúng sinh tương tự, không có chúng sinh để thí dụ. Người muốn báo ân này, phải sinh tâm không tương tự, sinh tâm vô thượng này.

Xá Lợi Phất! Muốn báo ân cho Như Lai ở quá khứ, thì chỉ nên phát tâm Vô Thượng, Chánh Đẳng, Chánh Giác.

Xá Lợi Phất! Muốn báo ân cho Như Lai ở đời vị lai, cũng chỉ phát tâm Vô Thượng, Chánh Đẳng, Chánh Giác.

Xá Lợi Phất! Muốn báo ân cho Chư Phật, ở mười phương Thế Giới hiện tại các Thế Tôn, các Như Lai Vô Thượng đang trụ, cũng chỉ phát tâm Vô Thượng, Chánh Đẳng, Chánh Giác.

Xá Lợi Phất! Có hai hạng chúng sinh cúng dường Như Lai, cúng dường vô thượng. Một hạng là trừ sạch được tất cả các lậu. Một hạng là phát tâm Vô Thượng, Chánh Đẳng, Chánh Giác.

Bấy giờ, Thế Tôn nói kệ:

Cúng dường cho Như Lai

Chỉ có hai hạng người Bồ Tát,

A La Hán là hai hạng người này.

Chẳng tài sản thế gian

Chẳng vốn liếng ba cõi

Khéo làm việc cúng dường

Cúng dường bậc đại nhân.

Dùng sắc, thanh, vị, xúc

Hơn cả trong Trời, Người

Ban cho đại nhân đó

Không gọi khéo cúng dường.

Đem của cải dâng cúng

Chẳng cúng dường vô thượng

Nếu phát tâm bồ đề

Là cúng dường vô thượng.

Nếu Trời, người thế gian

Và Ma, Phạm thế gian

Muốn đem dâng tất cả

Chẳng phải là báo ân.

Đại nhân không thiếu thốn

Không sinh tâm mong cầu

Đại nhân là như vậy

Càng không nhận cúng dường.

Người với tâm hy vọng

Cúng dường Phật vô thượng

Rồi phát tâm bồ đề

Vị lai sẽ thành Phật.

Nếu người luôn mong cầu

Muốn tạo vô lượng phước

Nên phát tâm bồ đề

Giữ chặt lòng tinh tấn.

Hoặc có người hy vọng

Phát tâm tu vô lượng

Người này luôn tinh tấn

Muốn được Bồ Đề Phật.

Có người thích an vui

Xa lìa tất cả khổ

Người này thường tu tập

Cơ hội đắc Phật Đạo.

Nếu muốn thấy vô lượng

A tăng kỳ Chư Phật

Tâm xem trọng chánh tín

Muốn giữ Bồ Đề Phật.

Nếu người muốn đi đến

Vô lượng Thế Giới khác

Phải siêng năng tinh tấn

Giữ bồ đề của Phật.

Muốn thấy Phật quá khứ

Phải nhớ nghĩ như vậy:

Cần phát tâm bồ đề

Tu tập hạnh bồ đề.

Nếu người muốn được thấy

Chư Phật đời vị lai

Cũng phát tâm bồ đề

Tu tập hạnh bồ đề.

Có người muốn cúng dường

Chư Thế Tôn hiện tại

Tâm hồn được an vui

Lợi ích cho chúng sinh.

Người đem lòng từ bi

Thương xót các chúng sinh

Người này muốn phát khởi

Bồ Đề Phật vô thượng.

Nếu muốn cùng chúng sinh

Vô lượng vui: Vô thượng

Người này muốn phát khởi

Bồ Đề Phật, thứ nhất.

Nếu thấy chúng sinh khổ

Mà sinh lòng xót thương

Người này muốn phát khởi

Nhân duyên Bồ Đề Phật.

Ai sinh tâm như vậy

Ngã giác đạo vô thượng

Công đức họ vô lượng

Không thể nói tất cả.

Tuệ mạng Xá Lợi Phất bạch Phật: Bạch Thế Tôn! Thế Tôn thuyết pháp hướng về vị lai như vậy, có bao nhiêu chúng sinh, phát tâm Vô Thượng, Chánh Đẳng, Chánh Giác.

Phật bảo: Xá Lợi Phất! Ông đừng nên hỏi.

Xá Lợi Phất! Ông có dụng ý gì để hỏi như vậy?

Vì sao?

Xá Lợi Phất! Nếu sử dụng trí nhất thiết trí của Như Lai để nói nghĩa này thì chúng sinh mê hoặc.

Vì sao?

Vì Phật Như Lai có vô lượng giới, vô lượng tam muội, vô lượng tuệ, vô lượng thần thông, vô lượng trí.

Xá Lợi Phất! Ví như hư không, không thể lường nắm bắt được.

Vì hư không có thể suy nghĩ được sao?

Xá Lợi Phất bạch Phật: Bạch Thế Tôn! Không thể suy nghĩ được.

Vì sao?

Vì hư không đó, không có người nào đã biết, đang biết và sẽ biết.

Phật bảo: Đúng vậy, đúng vậy! Xá Lợi Phất! Với sự hiểu biết của Như Lai thì tất cả chúng sinh, tất cả Thanh Văn, tất cả Duyên Giác, không thể đã biết, đang biết, sẽ biết.

Vì sao?

Vì sự hiểu biết của Phật chẳng phải là cảnh giới của Thanh Văn, Duyên Giác.

Tuệ mạng Xá Lợi Phất bạch Phật: Bạch Thế Tôn! Thật là hiếm có. Chỉ các chúng sinh, mới khéo quyết định tâm Vô Thượng, Chánh Đẳng, Chánh Giác như vậy.

Phật nói: Đúng vậy, đúng vậy! Xá Lợi Phất! Sẽ có Bồ Tát khéo quyết định tâm.

Tuệ mạng Xá Lợi Phất bạch Phật: Bạch Thế Tôn! Bồ Tát làm thế nào để khéo quyết định tâm.

Phật nói: Xá Lợi Phất! Chúng sinh ở cõi Diêm Phù Đề, hoặc ở đồng bằng, hoặc sống trên nước, hoặc sống trong hư không, hoặc sống ở mặt đất. Tất cả chúng sinh như vậy, khi thân cũ chấm dứt, đều được thân người. Nếu có một người, dạy họ giữ gìn năm giới và mười điều lành.

Xá Lợi Phất! Ý ông thế nào?

Những chúng sinh ấy nhờ nhân duyên này, có được nhiều phước đức không?

Xá Lợi Phất bạch Phật: Bạch Thế Tôn! Rất nhiều! Không thể dùng ví dụ để nói hết phước đức của họ.

Phật nói: Xá Lợi Phất! Ta lại nói nữa. Ông nên biết rõ. Người như vậy, đã dạy tất cả chúng sinh ở Diêm Phù Đề, khiến họ giữ năm giới và mười điều lành có được phước đức. Nếu lại có người dạy tất cả chúng sinh an trụ pháp, tin tưởng tu hành đạo, thì sẽ được phước đức hơn người trước rất nhiều.

Xá Lợi Phất! Ý ông thế nào?

Nếu lại có người, dạy tất cả chúng sinh ở cõi Diêm Phù Đề an trụ pháp, tin tưởng tu hành đạo.

Người đó nhờ nhân duyên này, có được nhiều phước đức không?

Xá Lợi Phất bạch Phật: Bạch Thế Tôn! Rất nhiều! Không thể đem dù một phần nhỏ ví dụ, mà nói hết phước đức người đó.

Phật nói: Xá Lợi Phất! Như vậy, có người nào dạy cho tất cả chúng sinh ở cõi Diêm Phù Đề tin tưởng an trụ pháp mà hành đạo, để được phước đức. Nếu lại có người, dạy cho một chúng sinh, trụ vào pháp mà hành đạo, phước đức đó lại hơn người kia rất nhiều.

Xá Lợi Phất! Ý ông thế nào?

Nếu có người, dạy tất cả chúng sinh, ở cõi Diêm Phù Đề an trụ pháp mà hành đạo, người đó nhờ nhân duyên này, có được nhiều phước đức không?

Xá Lợi Phất bạch Phật: Bạch Thế Tôn! Rất nhiều! Không thể dùng ví dụ mà nói hết phước đức người đó.

Phật nói: Xá Lợi Phất! Người như vậy, dạy tất cả chúng sinh ở cõi Diêm Phù Đề, an trụ pháp và hành trì đạo để hưởng được nhiều phước đức. Nếu lại có người, chỉ dạy một chúng sinh, an trụ nơi quả thứ nhất. Phước đức người này lại hơn người kia rất nhiều.

Xá Lợi Phất! Ý ông thế nào?

Nếu có người, dạy tất cả chúng sinh, ở cõi Diêm Phù Đề, an trụ nơi quả thứ nhất thì chúng sinh kia, nhờ nhân duyên này có được nhiều phước đức không?

Xá Lợi Phất bạch Phật: Bạch Thế Tôn! Rất nhiều! Không thể dùng ví dụ mà nói hết phước đức người đó.

***

icon

Tổng hợp

Cùng chủ đề

Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Ba - Phẩm Ba Mươi Mốt - Phẩm Tuyên Hóa - Phần Ba

Kinh Đại thừa   •   25.12.2023
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Cưu Ma La Thập, Đời Diêu Tần