Phật Thuyết Kinh Như Lai Hưng Hiển - Phần Bảy

Kinh Đại thừa   •   Thứ hai, 25/12/2023, 22:18 PM

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Trúc Pháp Hộ, Đời Tây Tấn

PHẬT THUYẾT

KINH NHƯ LAI HƯNG HIỂN

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư

Trúc Pháp Hộ, Đời Tây Tấn  

PHẦN BẢY  

Lúc ấy, những người có gốc đức, hoặc đều cầu Thanh Văn, Duyên Giác thừa, hoặc chí cầu đại thừa vô thượng vô cực. Lại nữa, âm thanh Phật Đạo trùm khắp tất cả, không chỗ vướng mắc, cũng không ngôn thuyết. Đó là duyên sự thứ ba mà Chư Bồ Tát thuận theo âm thanh Như Lai.

Bồ Tát lại nói kệ rằng:

Như Cõi Trời buông thả

Tự nhiên có tiếng sấm

Các pháp được sáng tỏ

Khiến vui nơi nghĩa đạo.

Liền ở trong hư không

Pháp âm được tuyên thuyết

Chư Thiên nghe pháp ấy

Tu sửa chẳng rong ruổi.

Bậc mười lực cũng vậy

Nổi sấm, mưa pháp rải

Khắp mười phương tràn đầy

Dắt dẫn ích chúng sinh.

Ngôn âm thù thắng đủ

Để khai hóa tha nhân

Nghe âm thanh này rồi

Chúng sinh thành Phật Đạo.

Lại nữa, này Phật Tử! Như có Thiên Tử tên là Tự Tại, cũng gọi là Thiện môn, chỗ hướng vọng của Thiên Tử ấy là các Ngọc nữ. Có trăm ngàn chúng loại đều đến tập họp, gióng trống, đánh đàn cầm sắt, ca hát hòa nhịp với cung đàn, phát ra biết bao tiết tấu. Ông ta vừa nghe kỹ nhạc, vừa điều tấu diệu khúc.

Như Lai cũng vậy, chỉ dùng một âm mà tùy theo tâm niệm, sở thích, tính tình, bản chí, niềm tin, vô lượng hành nghiệp của mỗi một chúng sinh mà thị hiện sự giáo hóa, làm cho tất cả đều được khai giải. Đó là duyên sự thứ tư mà Chư Bồ Tát thuận theo âm thanh của Như Lai.

Bồ Tát lại nói kệ tụng:

Như ma tự sợ hãi

Nhạc trời tấu vang lên

Dung nhan của Ngọc nữ

Tiết tấu hòa quyện nhau.

Một lòng mà ca tụng

Hòa âm phát diệu khúc

Đủ đầy trăm ngàn ức

Tân thanh xuất đủ loại.

Chư mười lực cũng vậy

Thường diễn một âm thanh

Tức dùng quyền phương tiện

Âm khí rải chúng sinh.

Tùy tín lạc chúng sinh

Mà nghe lời dạy này

Nghe rồi đoạn phiền não

Âm này chẳng nhớ nghĩ.

Lại nữa, này Phật Tử! Giống như Đại Phạm ở Thiên Cung, lúc phát ý tưởng thì âm thanh sắc lệnh ban ra chúng hội, các Phạm Thiên, Phạm Thân Thiên Tử đều kính phụng lời ấy.

Cũng vậy thưa Đại Sĩ! Như Lai Chánh Giác diễn ra vô lượng Phật âm vi diệu, tuyên bảo rộng khắp tất cả chúng hội, lặng lẽ ở bên trong mà âm thanh đạt đến mười phương, khai độ chúng sinh khiến đến Đạo Tràng. Như Lai từ bi, bình đẳng với những chúng sinh không tâm tôn kính, các căn không thuần tịnh, thấy nghe Pháp Giáo hóa mà không ưa thích thì tất cả đều được đến Đạo Tràng.

Mỗi một người đều tự nghĩ: Hôm nay Như Lai chỉ vì một mình ta mà khai diễn nói pháp âm. Lại nữa, âm thanh Như Lai cũng không chỗ chế ngự mà kiến lập việc giáo hóa. Đó là duyên sự thứ năm mà Chư Bồ Tát thuận theo âm thanh Như Lai.

Bồ Tát lại nói kệ rằng:

Như được chỗ tôn quý

Chỗ ngồi của Phạm Thiên

Dùng một lời ban bảo

Phạm Thiên vừa được lòng.

Âm thanh Phạm Thiên ấy

Không thất thoát ra ngoài

Tâm đều biết tất cả

Ý đến khắp chúng hội.

công đức của mười lực

Thanh tịnh khắp Cõi Phật

Diễn xướng một âm hưởng

Bao trùm khắp pháp giới

Không chỉ trong chúng hội

Cũng không hoài tham tiếc

Những kẻ không thuần tín

Không được nghe lời Phật.

Lại nữa, này Phật Tử! Như nói về nước thì tất cả các loại nước đều đồng đẳng, chỉ cùng một tánh, một vị nhưng tùy theo đồ chứa nó mà biến dạng ra vô số, lại do sự phân biệt mà cho rằng nó có nhiều mùi vị khác nhau.

Pháp giáo cũng vậy, pháp đạo Như Lai chỉ là một vị, đó là vị giải thoát, chỉ do tâm phân biệt và chí tánh khác nhau của chúng sinh nên cho rằng chỗ nói ra của bậc Chánh Giác không giống nhau, nhưng âm thanh Như Lai không hề khởi nghĩ. Đó là duyên sự thứ sáu mà Chư Bồ Tát thuận theo âm thanh của Như Lai.

Bồ Tát lại nói kệ rằng:

Như kể các loại nước

Tất cả mưa tự nhiên

Vị đều cùng trong ướt

Không nhơ, tám thứ ngọt.

Như vậy, Chư Phật Tử

Hiểu rõ tiếng chúng sinh

Nếu một vị chí nguyện

Đắc Phật Đạo tự nhiên

Vì nhân duyên giả hợp

Tùy nơi mà sai biệt

Đồ chứa mỗi một khác

Hình dạng nước không đồng.

Tất cả mọi chúng sinh

Hành nghiệp mỗi một khác

Tùy tâm nghe Phật âm

Nên chỗ nghe chẳng đồng.

Lại nữa, này Phật Tử! Như Đại Long Vương A Nậu Đạt lúc muốn mưa thì kéo mây che khắp cõi Diêm Phù Đề, sau đó giáng mưa, nuôi lớn trăm thứ lúa, các loại cây cối, thảo dược, tre lau, rừng rậm thảy đều tươi tốt, hoa quả sung mãn. Các nguồn nước chảy đều từ thân Vô phần Long Vương chảy ra làm cho vô số vật loại đều được lợi ích.

Cũng vậy thưa Đại Sĩ! Như Lai ở khắp tất cả Thế Giới không một chỗ nào không trùm khắp, tâm đại từ bi của Như Lai mưa xuống cam lồ mưa pháp khắp nơi, làm cho chúng sinh hoan hỷ, công đức tốt tươi và đều đầy đủ mười lực ở các thừa.

Âm thanh Như Lai không từ trong ra cũng không từ ngoài vào, vô số phẩm loại chúng sinh đều kính ngưỡng mong nhờ. Đó là duyên sự thứ bảy mà Chư Bồ Tát thuận theo âm thanh Như Lai.

Bồ Tát lại nói kệ rằng:

Như các dòng nước chảy

Khắp cõi Diêm Phù Đề

Không chỗ nào không thông

Thấm đượm khắp đại địa.

Núi đồi cùng cây cỏ

Ngũ cốc nhờ đó sinh

Quán xét thấy nước ấy

Chỗ đến không nhớ nghĩ.

Đức Thế Tôn cũng vậy

Tuyên dương khắp pháp giới

Ban bố mưa chánh pháp

Sung mãn khắp muôn loài

Trưởng dưỡng trăm ngàn thiện

Diệt trừ các phiền não

Đã hiểu rõ Phật dạy

Không rong ruổi bên ngoài.

Lại nữa, này Phật Tử! Như Đại Long Vương Ma nại tư, giả sử lúc hưng khởi cơn mưa lớn, trước tiên tích tập mây mù khắp các chân trời, không một chỗ nào mà không giáp khắp, hoặc có lúc chẳng mưa xuống một giọt. Vì ông ta quán sát nông trình của mọi người một cách đầy đủ khắp rồi sau đó mới giáng mưa.

Vì sao?

Vì không muốn làm cho mọi chúng sinh phiền não. Giả sử có người cầu Đại Long Vương mưa xuống bảy ngày thì ông ta từ từ mưa xuống, hạt mưa nhỏ đều rộng khắp ruộng đất làm cho mọi nơi đều tươi tốt.

Cũng vậy thưa Đại Sĩ! Như Lai chí chân là Đại Pháp Vương hưng khởi mưa pháp khai hóa chúng sinh. Nếu chỗ nào có sự dẫn dắt tức là chỗ đó có giáng mưa cam lồ pháp vị, làm thuần thục muôn loài.

Sau đó mới diễn bày pháp đạo hóa độ vô biên, mưa xuống pháp trạch, tuyên xướng Kinh Điển thâm diệu làm cho tâm chúng sinh không còn sợ hãi. Tuyên thuyết các pháp vị thông tuệ vô thượng sung mãn khắp nơi, khiến chúng sinh đều được thành tựu. Đó là duyện sự thứ tám mà Chư Bồ Tát thuận theo âm thanh Như Lai.

Bồ Tát lại nói kệ rằng:

Giống như có Hiền long

Gọi là Ma nại tư

Bảy ngày mưa mọi nơi

Thấm dần lợi ích khắp.

Long Vương sở dĩ đến

Muốn việc chúng sinh thành

Sau đó nếu thương xót

Giáng mưa rưới an ổn.

mười lực vì muôn loài

Kéo mây lành mưa pháp

Muốn hóa độ chúng sinh

Hiển bày đệ nhất nghĩa.

Theo tâm lượng người ấy

Tuyên pháp âm thâm diệu

Nghe dạy hết sợ lo

Tức vào nơi Phật tuệ.

Lại nữa, này Phật Tử! Ví như trong biển lớn có Đại Long Vương tên là Đại nghiêm tịnh. Trong khoảng một niệm, ông ta có thể diễn bày mười phẩm loại mưa, trong đó không thể kể hết trăm ngàn loại, không một nơi nào không thấm ướt mà mưa chẳng hề tưởng nghĩ.

Lại nữa, Long Vương ấy không hề tưởng nghĩ gì khác mà tự nhiên mưa xuống trăm ngàn chủng loại sai khác nhau.

Cũng vậy thưa Đại Sĩ! Giả sử Như Lai chí chân lúc muốn diễn bày mưa pháp âm thì trong khoảng một niệm phân biệt được mười pháp và tỏ rõ chỗ về của nó.

Như Lai tuyên dương ánh sáng pháp đạo, xuất sinh ra trăm loại âm thanh. Hoặc lại hiển bày tám vạn bốn ngàn hành nghiệp của chúng sinh mà hiện bốn vạn tám ngàn âm thanh vào đó, cho đến vô lượng trăm ngàn ức na do tha âm thanh ngôn thuyết làm cho tâm chúng sinh được an vui vô hạn.

Mà pháp âm Đạo Giáo không hề nhớ nghĩ, cũng có thể thấu giải được tất cả căn nguyên. Cũng vậy, pháp của Như Lai vô lượng, vô biên cùng bao nhiêu loại biến hóa thanh tịnh lồng lộng vi diệu. Đó là duyên sự thứ chín mà Chư Bồ Tát thuận theo âm thanh Như Lai.

Bồ Tát lại nói kệ rằng:

Như rồng Đại nghiêm tịnh

Đích tử của Long Vương

Trước kéo mây đùn lại

Sau mới giáng mưa xuống.

Phật Đạo thì tự nhiên

Cốt ở việc hóa độ

Miệng xuất mười loại âm

Hai mươi hoặc đến trăm

Hoặc lại đến trăm ngàn

Pháp trạch vô hạn lượng

Tôn trọng không chỗ thích

Không hủy hoại pháp giới.

Long Vương tự hành hóa

Được kính trong loài rồng

Mưa xuống lại rộng khắp

Bao trùm bốn phương cõi

Tưới nhuần khắp vạn vật

Bao nhiêu thứ mưa tuôn

Nước của biển khơi đó

Chẳng có bấy nhiêu loại.

Thế Tôn cũng như vậy

Đạo Giáo cùng một vị

Tâm hành giả khác nhau

Nên kết quả bất đồng.

***

icon

Tổng hợp

Cùng chủ đề

Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Ba - Phẩm Ba Mươi Mốt - Phẩm Tuyên Hóa - Phần Ba

Kinh Đại thừa   •   25.12.2023
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Cưu Ma La Thập, Đời Diêu Tần