Phật Thuyết Kinh Như Lai Hưng Hiển - Phần Chín

Kinh Đại thừa   •   Thứ hai, 25/12/2023, 22:18 PM

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Trúc Pháp Hộ, Đời Tây Tấn

PHẬT THUYẾT

KINH NHƯ LAI HƯNG HIỂN

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư

Trúc Pháp Hộ, Đời Tây Tấn  

PHẦN CHÍN  

Như vậy, Bồ Tát Hiền Mục! Vì âm vang của muôn loài là không thể tính kể, nên nêu rõ âm thanh của Như Lai.

Đức Phật nói kệ rằng:

Nhờ mười việc của đức

Nhập tuệ Phật vô lượng

Đến tất cả các pháp

Cảnh giới không hạn lượng.

Đại đạo cùng như vậy

Lồng lộng chẳng thể xét

Từ nhiều chốn xót thương

Hết thảy tất cứu độ.

Phân biệt cõi sinh tử

Muôn loài chẳng thể cùng

Giáo hóa trừ tội lội

Tâm vui khiến lãnh hội.

Khiến không cầu báo ứng

Tuệ đạo không bến bờ

Rõ âm thanh của Phật

Liền nhập nơi vắng lặng.

Đức Phật dạy: Những gì gọi là Chư Bồ Tát hội nhập vào chỗ niệm hành của tâm Như Lai Chí Chân Đẳng Chánh Giác?

Như Lai không vì tâm mà có đối tượng tư niệm, không phân biệt danh, không thức hiểu biết. Như Lai vô tâm mới có thể hội nhập vào niệm vô lượng. Như tất cả vạn hữu được tạo lập là nhờ dựa vào hư không mà thành tựu, nhưng hư không ấy không hề vướng mắc.

Cũng vậy, này Nhân giả! Nếu muốn cầu đạo thì phải nương nhờ vào trí tuệ. Tất cả thế tục và việc vượt qua mọi thế sự đều nhờ vào Thánh tuệ Phật mà kiến lập và hiển bày, nhưng trí tuệ Như Lai không hề dính mắc. Đó là cửa duyên sự thứ nhất mà Chư Bồ Tát hội nhập vào hành niệm của Như Lai.

Đức Phật nói kệ rằng:

Giống như trong hư không

Thâu nhận hết vạn hữu

Tất cả nương vào đó

Mà chẳng hề khởi niệm.

Diệu tuệ của Như Lai

Vô sở trước cũng vậy

Đều cứu độ tất cả

Mà chẳng nghĩ ta, người.

Lại nữa, này Phật Tử! Giống như Pháp Giới đều không lìa tất cả hàng Thanh Văn, Duyên Giác và tất cả Bồ Tát đã tự tại với nghiệp tập mà pháp giới ấy không hề tăng, chẳng hề giảm.

Đại đạo cũng vậy, trí tuệ Như Lai dung chứa thế gian, trí tuệ vượt thế gian, suy niệm thấu đạt phân minh, hành dụng bằng phương tiện quyền xảo mà trí tuệ ấy không hề tăng giảm. Đó là cửa duyên sự thứ hai.

Rồi nói kệ rằng:

Ví như Thanh Văn địa

Cùng với Duyên Giác thừa

Các Bồ Tát Đại Sĩ

Đều từ pháp giới sinh.

Thánh giả cũng như vậy

Tuệ vô cực rõ không

Bình đẳng không tăng giảm

Cứu độ chẳng thân sơ.

Lại nữa, này Phật Tử! Ví như đại hải cùng bốn đại vực và tám ngàn ức cõi liên tiếp với nhau, đến chỗ tận cùng của mặt đất thì khắp nơi đều lấy được nước, nước ấy tự nhiên tuôn trào mà không hề niệm khởi. Trí tuệ của Như Lai cũng như vậy, đến khắp tất cả tâm ý của chúng sinh, không chỗ nào mà không thấu tận.

Tùy theo tâm niệm hiện tại của chúng sinh mà kiến lập pháp môn thanh tịnh để tùy thuận, làm cho tất cả đều đạt đến trí tuệ tự nhiên. Lại nữa, Như Lai Thế Tôn diễn bày trí tuệ đều bình đẳng, chỉ tùy theo chí tánh của chúng sinh mà dùng những duyên sự sai khác để trị bệnh cho mỗi một, khiến cho công đức đạo quả đều vượt hẳn đời. Đó là duyên sự thứ ba.

Rồi nói kệ rằng:

Ví như bốn biển cả

Cùng tám ngàn ức cõi

Đều liên tiếp với nhau

Chỗ tận cùng mặt đất

Nơi nào cũng có nước

Tuôn chảy rất tự nhiên

Biển nước không khởi niệm.

Như Lai tuệ cũng vậy

Đến với tâm chúng sinh

Chỗ nào cũng thấu đạt

Tùy sở thích chúng sinh

Dẫn dắt, khai hóa họ

Đến ánh sáng thanh tịnh

Đạt ánh sáng tự tại

Chỗ diễn bày bình đẳng

Như Lai chẳng nhớ nghĩ.

Lại nữa, này Phật Tử! Giống như biển lớn tự có bốn đại bảo châu Như ý, tích lũy vô lượng công đức. Ngọc Như ý này không do Long Thần có đức sinh ra mà do từ biển cả sinh khởi. Nó sinh ra tất cả các vật báu, khiến hết thảy chúng sinh đều ngưỡng mộ, không ai mà không được giúp nhờ.

Những gì là tên của bốn đại bảo châu như ý?

1. Đẳng tập chúng bảo.

2. Vô tận âm.

3. Quy thú.

4. Đẳng tập chúng từ.

Đại bảo châu như ý này là một linh vật phi phàm, tất cả A Tu Luân, Ca Lâu La, Chân Đà La, Ma Hưu Lặc, Chư Long, Quỷ Thần cùng các loại thủy cư, các loài có sinh vật đều có thể được nhờ nơi ánh sáng ấy.

Vì sao?

Vì vật báu này sinh ra tại Hải Long Vương tạng. Lại nữa, các ma ni bảo châu của Đại hải thiên ở bốn góc của bốn phương Cung Điện Hải Long Vương, mỗi một đều riêng biệt.

Như Lai Chí Chân Đẳng Chánh Giác cũng như vậy, công đức của pháp đạo sáng rỡ, hiển lộ, có bốn đại bảo trí tuệ vô cực. Như Lai dùng bốn đại tuệ bảo này để khuyến hóa, dẫn dắt tất cả chúng sinh hàng hữu học, vô học, cho đến tuệ báu của Duyên Giác, Bồ Tát đều duyên vào đó mà đạt đến cùng cực, không ai là không được tế độ.

Những gì là bốn?

1. Hưng khởi pháp lạc, cho đến trí tuệ không chỗ trụ và phương tiện quyền xảo.

2. Trí tuệ pháp bảo tạng hữu số, vô số, hữu vi, vô vi.

3. Ở trong các pháp giới mà không chỗ hư hoại.

4. Đại trí tuệ bảo tùy thời diễn bày tuệ sáng để được siêu độ, trí tuệ biết thời hay phi thời hoặc sự nhiễu động lầm lỗi.

Đó là bốn đại bảo tuệ. Dùng bốn đại bảo tuệ này mà cầu Như Lai tạng, nhập vào kho tàng đạo thì không cùng cấu nhiễm với chúng sinh, ở trong chúng sinh mà được khai mở thượng tuệ, làm cho Chư Bồ Tát tự tại, đi khắp bốn phương, huân tập vô thượng chánh chân mà luôn đứng vững không hề thoái chuyển. Đó là cửa duyên sự thứ bốn.

Rồi nói kệ rằng:

Nghĩa mầu bốn châu báu

Đạt diệu tạng an trú

Vì vậy trong biển lớn

Tự nhiên sinh các báu

Minh châu như ý ấy

Luôn thanh tịnh vi diệu

Nằm riêng ở bốn phương

Mỗi phương đều sáng rỡ.

Bốn phẩm tuệ Như Lai

Vô lượng không giới hạn

Thánh an trú lồng lộng

Khai đạo khắp năm nẻo

Chí tuệ vô cực ấy

Không hề tưởng nghĩ khác

Quán các bậc mười lực

Sở thuyết đều thông đạt.

Lại nữa, này Phật Tử! Có biển lớn kia lại hiện ra bốn đại bảo châu Như ý, oai thần vời vợi, ánh sáng vô cực. Ánh sáng công đức của ngọc Như ý ấy làm tiêu tán chỗ nước tụ của biển lớn khiến cho nước không còn tuôn trào mà biển lớn ấy vẫn không hề tăng giảm. Vì vậy, nên đại bảo châu Như ý này thường khiến cho biển lớn tự dừng hẳn sự tích chứa.

Tên bốn đại bảo châu Như ý là gì?

1. Nhật chi diệu tạng đại bảo châu Như ý.

2. Sư tử chi bộ đại bảo châu Như ý.

3. Chiếu diệu ánh sáng đại bảo châu Như ý.

4. Vô dư cứu cánh đại bảo châu Như ý.

Giả sử biển lớn không có đại bảo châu Như ý này thì nước sẽ chảy tràn trề khắp bốn đại vực, nước chảy mênh mang đến cả Vi Thần Sơn, Đại Vi Thần Sơn đều sẽ chìm ngập. Nhật diệu tạng bảo châu Như ý ấy làm cho nước trong biển lớn biến đổi hai cách, tức là ánh sáng của nó chiếu tỏa ra làm tiêu tan nước biển và khiến sắc nước biển thành như nước sữa.

Ánh sáng của Sư tử bảo châu như ý chiếu tỏa làm sắc màu của nước sữa ấy thành dạng Tô đoàn, rồi ánh sáng của ngọc Như ý chiếu diệu quang minh chiếu vào làm mất đi dạng váng sữa. Như lúc kiếp nạn lửa cháy, ngọn lửa dữ dội thiêu đốt trời đất, ánh sáng của ngọc đại châu Như ý này chiếu vào biển lớn làm cho lửa bỗng nhiên biến mất và không biết về đâu.

Như vậy, này Nhân giả! Như Lai Chánh Giác chỉ vì chúng sinh nên dùng bốn tuệ soi sáng tất cả. Vì ánh sáng chiếu soi ấy đến Chư Bồ Tát làm cho Chư Bồ Tát đạt Tam Muội Như Lai.

Bốn tuệ ấy là gì?

1. Dùng sông pháp để tẩy trừ các tội cấu.

2. Dứt hết ân ái, khiến thành tựu đạo hóa độ.

3. Dùng ánh sáng của trí chiếu khắp thế gian.

4. Trí tuệ Như Lai không tối không sáng.

Đó là bốn Đại trí tuệ của Như Lai, vì Chư Bồ Tát mà nhẫn chịu mọi sự sợ hãi, trồng gốc công đức không thể nghĩ bàn, đạt đến chỗ Nhất phẩm. Chúng Chư Thiên, cõi người, A Tu La không kham nổi các hoạn nạn và vô lượng thống khổ.

Nếu gặp được cảnh giới vắng lặng của Như Lai, được ánh sáng trí tuệ soi chiếu thì hàng phục các chấp trước, kiến lập tam muội, thường nghe lời khen ngợi Pháp tạng, đi qua khỏi biển sinh tử, gặp được Như Lai, được trí tuệ khai hóa, thuần vui tam muội. Vì được hưng khởi với thần thông Đại Thánh, pháp âm hành dụng vi diệu, đại tuệ soi chiếu thế gian tiêu trừ cấu uế, đạt đến hạnh thần túc.

Có thể tự kiến lập ánh sáng lớn cho đời, dẫn đường cho kẻ mù tối, không tối không sáng. Nhờ Thánh tuệ của Như Lai ấy nên có thể hàng phục tà trí của thế gian. Bậc Đại nhân hành tam muội không định, dứt sạch tất cả của cải tài nghiệp, thân vô sở hữu nên đạt được trí tuệ đại đạo này.

Nếu không có ánh sáng nơi bốn trí tuệ ấy của Như Lai mà muốn làm cho Chư Bồ Tát đạt đến chánh định của Như Lai Chí Chân Chánh Giác là điều chưa từng có. Cũng không thể diệt trừ bốn khổ sinh lão bệnh tử, đạt vô sở úy, hành vô bản tế. Đó là cửa duyên sự thứ năm.

Rồi nói kệ rằng:

Nước biển không hạn lượng

Có bốn thứ ngọc báu

Đại oai lực vô cực

Lại có Vi diệu tôn

Các sông suối bốn phương

Thường chảy vào biển lớn

Mà biển chẳng tăng giảm.

Tuệ xứ tại pháp tòa

Đoạn sạch các chấp trước

Đem pháp bố thí khắp

Hoan hỷ không chỗ nói.

Bốn tuệ bậc An trú

Đều vì các Bồ Tát

Tối thắng và Bồ Tát

Chưa từng có lo ngại.

Lại nữa, này Phật Tử! Ví như từ phương dưới là mặt nước lên cao cho đến Cõi Trời Tưởng, Vô Tưởng Thiên, cho đến Tam Thiên Đại Thiên Thế Giới đều ở hư không.

Như vậy thì tất cả chúng sinh hữu hình trong ba cõi đều không lìa hư không mà hư không không hề tính nghĩ, không khởi ta người, không chỗ nương tựa, không hề chấp trước, không chỗ bức bách. Sinh tử cũng vậy. Xét thấy ở mười phương đều trùm khắp hư không, hàm nhận tất cả Thế Giới của Chư Phật mà không chỗ nhận.

Như vậy, này Nhân giả! Trí tuệ của Thanh Văn và Duyên Giác thừa, hữu vi hành tuệ, vô vi hành tuệ đều dựa vào trí tuệ Như Lai. Sự khai hóa theo trí tuệ của Như Lai nhằm thông đạt đại đạo, vào trọn tất cả, không một chỗ nào không giáp khắp mà không hề tưởng nghĩ, cũng không hề ngăn ngại, thường dùng Thánh trí tế độ vô số. Đó là cửa duyên sự thứ sáu.

***

icon

Tổng hợp

Cùng chủ đề

Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Ba - Phẩm Ba Mươi Mốt - Phẩm Tuyên Hóa - Phần Ba

Kinh Đại thừa   •   25.12.2023
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Cưu Ma La Thập, Đời Diêu Tần