Phật Thuyết Kinh Như Lai Hưng Hiển - Phần Hai
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Trúc Pháp Hộ, Đời Tây Tấn
PHẬT THUYẾT
KINH NHƯ LAI HƯNG HIỂN
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư
Trúc Pháp Hộ, Đời Tây Tấn
PHẦN HAI
Lúc ấy, Bồ Tát Như Lai Tộc Tánh Thành Thủ muốn giải nghĩa rõ ràng về chỗ sở quy một lần nữa, tức vì Bồ Tát Phổ Hiền mà nói kệ tụng:
Chỗ về không nhóm họp
Rõ thật tướng là giác
Trí tuệ ấy vô thượng
Bình đẳng lìa trần cấu.
Khen ngợi Bậc Tối thắng
Chỗ hành không giới hạn
Nghe pháp âm của Ngài
Tất cả đều phấn chấn.
Thù thắng của Bồ Tát
Làm thế nào hưng khởi?
Cho nên được chỗ về
Làm sao đạt chân thật?
Pháp âm của Như Lai
Thế nào là thân tâm?
Cảnh giới hành hóa ấy
Đại xưng ấy thế nào?
Sao gọi là Chư Phật?
Gọi là lời Như Lai.
Sao gọi là Tối thắng?
Mà chuyển bánh xe pháp
Nguyện giảng sự an trú
Đạo quả của Niết Bàn
Những vị được an vui
Vô lượng Chư Phật Tử.
Ở khắp cả mười phương
Đại Pháp Vương an trú
Tất cả chư chúng samh
Chỗ về của công đức.
Phước lạc những người ấy
Đại Thánh vì họ thuyết
Duyên gì thấy đạo ấy?
Làm sao được an trú?
Thế nào được nghe biết?
Danh hiệu của Như Lai
Chưa từng được tìm thấy
Các Đại Thánh diệt độ
Giả sử tâm hoan hỷ
Cung kính với Thánh tôn
Xin rủ lòng dạy cho
Nhân nào thành đại tâm?
Nay vì hỏi điều này
Được đại nhân thanh tịnh
Vì nói chỗ phụng hành
Biển lớn của đại đức.
Quán thấy Chư Bồ Tát
Tất cả đều chắp tay
Hỏi Phật và Hiền Giả.
Cùng hỏi tôi phận mọn
Phải vì những vị ấy
Nói pháp báu thanh tịnh
Vì đoạn các hồ nghi
Được tuệ lớn không lường.
Vì họ dẫn ví dụ
Thị hiện chủng tánh Phật
Nếu chúng sinh nghe nhận
Phát đạo tâm thanh tịnh
Làm cho các Cõi Phật
Trùm khắp không gì ngoài
Chư Phật thị hiện khắp
Bằng vô số thân hình
Biết giác pháp, thanh tịnh
Diễn nói hợp thời cơ
Nhân đó nên ví dụ
Mà thị hiện tuyên thuyết.
Na do tha Phật Quốc
Khắp mười phương trăm ngàn
Ức bách na thuật số
Vô lượng không thể lường
Khó có thể thấy gặp
Các Bồ Tát như thế
Như hôm nay vân tập
Thắng tự tại như vậy
Nên nguyện thuyết cho họ
An trú hạnh thanh tịnh
Do đó xiển dương rộng
Tộc tánh của Như Lai.
Chư vị Bồ Tát ấy
Tất cả chắp tay đứng
Muốn chí cầu pháp đạo
Khát ngưỡng nơi Kinh Điển.
Bồ Tát Phổ Hiền vì nhân duyên thỉnh hỏi của Bồ Tát Như Lai Tộc Tánh Thành Thủ nên nói khắp cho tất cả chúng Bồ Tát: Thưa các Tối thắng tử! Trụ xứ của chư Như Lai Chí Chân Đẳng Chánh Giác là không thể nghĩ bàn nên diễn bày sự hưng khởi của các vị cũng khó nghĩ bàn, sự tuần tự diễn bày pháp đạo cũng không thể suy lường. Như Lai thị hiện sự hưng thịnh lồng lộng như vậy. Tuy vì một việc mà không vì một việc và tất cả đều quy hướng về đạo.
Vì sao?
Thưa Phật Tử! Có mười việc mà vô lượng pháp đều quy về trăm ngàn công đức không thể kể xiết, sở hành tu tập đều đạt đến ngôi vị Như Lai.
Những gì là mười?
1. Đạo tâm vô lượng, thu giữ khắp cả tâm niệm chúng sinh, quá khứ xa xưa đã từng tích lũy tâm niệm thiện hạnh.
2. Chí tánh vô ngại, xưa nay thanh tịnh, nhóm họp vô cực.
3. Đại Từ đại Bi vì các đường ác mà cứu độ chúng sinh.
4. Nguyện hành vô tận không hề gián đoạn.
5. Phước tuệ vô cực huân tập không chán, công hạnh luôn quay về.
6. Giáo hóa chúng sinh bằng Phật tạng vô biên.
7. Cũng vì các nẻo mà khéo biết rõ thanh tịnh.
8. Vô lượng phương tiện quyền xảo của trí tuệ.
9. Phụng hành vô lượng công đức, pháp đạo vô hạn, huân tập Thánh trí.
10. Thông đạt trọn vẹn tạng Kinh Điển pháp nghĩa không bờ mé.
Cho nên, này Phật Tử! Mười pháp hành ấy là đầu mặt của pháp. Đã hội đủ mười điều không thể nghĩ bàn này thì trăm ngàn vô lượng hàng quyến thuộc đều được quay về với Như Lai.
Này Phật Tử! Ví như trong ngàn Thế Giới sở dĩ có tên gọi ấy không phải vì một yếu tố hợp thành mà vì vô lượng nhân duyên mới hợp thành. Cũng như đám mây hợp thành rồi đổ mưa xuống tạo nên thời tiết.
Có bốn nguyên nhân làm nên việc này:
1. Gió thổi hiu hiu, phiêu diêu khắp nơi, gió ấy gọi là chấp ngự, trong môi trường ngọn đại phong này có chứa nhiều nước nên nó chủ đạo về việc tuôn mưa.
2. Có ngọn gió gọi là khô kiệt tức là luôn làm tiêu tan hơi nước.
3. Có ngọn gió gọi là trụ lập, tức tạo lập tất cả các Cung Điện.
4. Có ngọn gió gọi là trang nghiêm tức làm cho tất cả chúng sinh thọ hình thể ở tam thiên Thế Giới thì tội phước của họ thảy đều tiêu dung.
Chư Bồ Tát thành tựu công đức cũng là như vậy, không thể hạn lượng, không thể nghĩ bàn. Cũng như bao nhiêu yếu tố lập nên tam thiên Thế Giới mới có các pháp thì cũng không thể biết được rõ ràng số lượng, gốc ngọn, đầu cuối của vô vàn nhân duyên, cũng không thể nhìn thấy, cũng không thể thấy tận nguồn gốc của nó.
Cho nên, này Phật Tử! Như Lai Chí Chân Đẳng Chánh Giác không vì một sự, không vì một nghĩa mà thị hiện.
Lại nữa, từ xưa chư Như Lai trước tiên đã từng hưng khởi mưa pháp rộng khắp, tâm luôn hành hóa mà không biết chán mệt, chí tánh kiên cố, luôn giữ gìn chẳng hề quên mất, không hề loạn động, quán chiếu tịch nhiên.
Các vị luôn dùng trí tuệ làm Đạo Tràng, làm khô cạn tất cả trần lao ái dục, khuyến dụ huân tu, gieo trồng gốc đức mà khéo tiến lên, tiêu trừ kiêu mạn, thấu đạt rõ ràng các hành thanh tịnh, giảng thuyết dạy dỗ về công đức thanh tịnh cho chúng sinh.
công đức của Như Lai là nguồn đạo vô lậu nên đem lại những điều như vậy cùng ngôi vị Chí chân Chánh Giác, thấu đạt các pháp. Ở cảnh giới ấy mà chưa thị hiện ra tất là nhập vào cửa thứ nhất là nẻo hành hóa của Bồ Tát đi đến chỗ hưng hiển của Như Lai.
Lại nữa, này Phật Tử! Ví như tam thiên Thế Giới hưng khởi lên đám mây rộng lớn gọi là bất khả hoại, đủ duyên thì mưa xuống. Ngoài mặt đất ra thì không gì có thể hứng chịu nước mưa ấy, chỉ có Thế Giới ba ngàn lúc gặp nước mưa đó mới lưu biến được.
Cũng vậy, thưa Đại Sĩ! Pháp Giới Chư Phật cũng có hồ chứa pháp trạch rộng lớn gọi là vô hoại, tức là Phật chủng bất đoạn của chư Như Lai cùng các Thánh sĩ hợp lại, còn tất cả hàng Thanh Văn, Duyên Giác không thể nhận lãnh, thọ trì, phụng hành được. Chỉ có Chư Bồ Tát mới đủ năng lực lớn để thừa sự với tâm vô úy, thệ mặc áo giáp công đức, đó là cửa thứ hai.
Lúc đó, Bồ Tát nói kệ tụng:
Nghe rõ khắp mười phương
Tất cả trên thế gian
Không thể nào sánh được
Như sánh với hư không.
Chỗ hành của Đạo Sư
Vô lượng không bờ cõi
công đức đã biến khắp
Không thể tính đếm được.
Giả sử tư duy Phật
Do chỗ tâm niệm khởi
Các vị mười lực ấy
công đức không hạn lượng.
Lời nói của mọi người
Ngàn ức kiếp khen ngợi
Sư tử hùng vô biên
Cõi đời không có hai
Khắp mười phương tất cả
Vô số cõi nước Phật
Đều nghiền nát thành bụi
Kiếp số như bụi ấy
Ngàn ức lần như vậy
Nói về chư mười lực
công đức bằng mảy lông
Cũng không thể nói hết.
Giả sử có một người
Muốn đo lường hư không
Cũng vậy người thứ hai
Tính nhanh các thọ tướng
Vô lượng không thể tính
Hư không không thể lường
Nên biết các mười lực
Hành như vậy vô hạn.
Như người trong ba đời
Đều ở trong tam giới
Tính số lượng chúng sinh
Chỗ hành niệm của tâm
Trong khoảnh khắc tâm niệm
Đều biết rõ phần số
Mọi tư tưởng quần mê
Chốn niệm của thần thức
Thì cũng như pháp giới
Không hề có bờ mé
Cũng không thấy tất cả
Chỗ về của pháp giới.
mười lực cũng như vậy
Nẻo hành không hạn lượng
Tất cả, không tất cả
Pháp giới là tự nhiên.
Giống như cơn mưa lớn
Tên là Bất khả hoại
Nếu đức không thọ lãnh
Thì thủy tai vây bọc
Phật diễn hồ vô cực
Tiểu Thừa không chịu nổi
Chỉ Bồ Tát thừa sự
Ban rải ở khắp nơi.
Không gốc như không gốc
Vắng lặng không hai tưởng
Vĩnh viễn không sinh diệt
Là bình đẳng rộng khắp
Trên thế gian tất cả
Cảnh giới cũng như vậy
Vốn bình đẳng tự nhiên
Đã thoát ngoài lợi hại
Giống như bản tế ấy
Chân bản tế không bờ
Ba đời là bình đẳng
Giải thoát khắp tất cả
Đều thương xót như vậy
Là nẻo hành Đạo Sư.
***
Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Năm - Phẩm Mười Bảy - Phẩm Tham Hành - Phần Hai
Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Ba - Phẩm Ba Mươi Mốt - Phẩm Tuyên Hóa - Phần Ba
Phật Thuyết Kinh Phật Danh - Phần Mười Ba
Phật Thuyết Kinh Bảo Vân - Phần Bảy
Phật Thuyết Kinh đại Bảo Tích - Pháp Hội Thứ Sáu Mươi - Pháp Hội Nhật Mật Bồ Tát - Phần Ba
Phật Thuyết Kinh Pháp Tập Yếu Tụng - Phẩm Ba Mươi Mốt - Phẩm Tâm ý
Phật Thuyết Kinh Pháp Cú Thí Dụ - Phẩm Hai Mươi Hai - Phẩm ái Thân - Thí Dụ Bốn Mươi Bốn
Phật Thuyết Kinh Pháp Tập Yếu Tụng - Phẩm Bốn - Phẩm Buông Lung