Phật Thuyết Kinh Bảo Nữ Sở Vấn - Phẩm Hai - Phẩm ba Mươi Hai Báu Phát Tâm
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Trúc Pháp Hộ, Đời Tây Tấn
PHẬT THUYẾT
KINH BẢO NỮ SỞ VẤN
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư
Trúc Pháp Hộ, Đời Tây Tấn
PHẨM HAI
PHẨM BA MƯƠI HAI BÁU PHÁT TÂM
Bấy giờ, Hiền giả Xá Lợi Phất hỏi Bảo Nữ: Hiện nay, thân nữ đâu có thể tu pháp chí thành và hành luật nghi?
Bảo Nữ đáp: Thưa Hiền giả Xá Lợi Phất! Pháp chí thành ấy không có ngôn từ. Pháp ấy là nghĩa vô dục, chẳng thể thủ đắc. Người giữ luật thì thân tâm tĩnh lặng. Lại nữa, vị ấy không thể bị sai sử, cũng không chỗ thọ nhận.
Thưa Hiền giả Xá Lợi Phất! Pháp chí thành ấy là tướng diệt tận, tướng pháp an nhiên, tướng luật giải thoát, lìa bỏ sự tô điểm. Vì vậy nên chẳng có ngôn từ, cũng chẳng thể nói.
Thưa Hiền giả Xá Lợi Phất! Chí thành là pháp chân như, pháp không sai khác, bàn luận không hai, luật không tạo tác. Vì vậy nên không có chỗ thuyết giảng, cũng không ngôn từ, không thể khen ngợi.
Hiền giả Xá Lợi Phất lại hỏi Bảo Nữ: Vật báu mà cô đang cầm là loại gì mà được gọi là báu?
Bảo Nữ thưa: Bồ Tát dùng ba mươi hai việc hiện ra trước mắt để phát khởi tâm báu, tất cả các thừa Thanh Văn, Duyên Giác không thể bì kịp.
Những gì là ba mươi hai việc?
Cứu giúp tất cả các loài đều khiến hưng phát các tâm thông tuệ, không làm dứt giáo pháp Phật là phát tâm quý báu. Giữ gìn giáo pháp là phát tâm quý báu. Không đoạn mất lệnh Thánh Chúng là phát tâm quý báu.
Khuyến dẫn chung sinh tạo an lập nơi châu báu vô tận của Hiền Thánh là phát tâm quý báu. Dứt bỏ dục phiền não của chúng sinh, trừ các khổ não đau buồn hiển bày bi là phát tâm quý báu.
Tất cả sở hữu như châu ngọc khác lạ, đều co thể bố thí, không hề tham tiếc chúng kể cả trong ngoài, là phát tâm quý báu. Tự giữ gìn giới cấm, hành thiện, thường cứu giúp người hủy giới là phát tâm quý báu. Tập hợp sức nhẫn nhục, hòa nhã, an lành, tinh tấn khiến các việc sân hận, tranh cãi, họa hoạn, phẫn nộ, não hại, tự đại, oán kết của chúng sinh đều tan hoại.
Chúng sinh nào dựa vào thế lực muốn gia hại thì làm cho họ phát khởi nhẫn nhục, giúp họ quán xét sức nhẫn nhục của đạo pháp là phát tâm quý báu. Không khiếp, không nhược, cũng không lười nhác, ân cần bền vững, vĩnh viễn không thoái chuyển, đối với hạnh đại thừa không mệt mỏi, khai hóa chúng sinh, bè bạn biếng trễ làm cho họ tinh tấn là phát tâm quý báu.
Tâm ý chuyên tinh chỉ tu một hạnh, ngang bằng với thiền định tam muội Chánh thọ, giáo hóa chúng sinh với chỗ hướng về sai khác, khiến ở trong Cõi Dục mà không nhiễm đắm, dùng phương tiện quyền xảo khiến lìa bỏ, trở về thiền định là phát tâm quý báu.
Trí tuệ phân biệt phá tan các pháp tối tăm, biết đúng như thật không có sai khác, nhập vào nhất phẩm, cảm ứng đến bậc Thánh là phát tâm quý báu. Tâm bình đẳng đối với tất cả, không hề gia hại, đạo không có nhiều, chỉ có một vị là các thông tuệ, tức là phát tâm quý báu.
Lìa các sự ràng buộc ngưng trệ, dùng tâm bình đẳng sẵn có đối với hữu vi vô vi, hữu hình vô hình, cũng không vui thích, chẳng lìa tĩnh lặng, tâm không lo sợ, khéo an trú nơi chân đế, ý không dao động, khổ vui không đổi, hộ trì quần sinh là phát tâm quý báu.
Xa lìa sợ hãi, đối với nghĩa lý thâm diệu, sâu mầu tương quan của mười hai duyên khởi không sợ hãi. Thường hóa độ mọi người giác ngộ, siêu vượt, không bám lấy các kiến là phát tâm quý báu. Tích lũy công đức không thấy đủ, tướng tốt gồm đủ là phát tâm quý báu.
Chí thường vui thích, muốn đạt Chánh Giác nên không xa rời, luôn thấy Chư Phật là phát tâm quý báu. Cầu nghe giáo pháp, lãnh hội Kinh Điển, suy lường nghĩa lý là phát tâm quý báu.
Như pháp đã nghe có thể giảng thuyết cho mọi người phát tâm vô lượng, làm hưng thạnh các pháp, không do Thầy truyền là phát tâm quý báu. Kiến lập chỗ hành, thấy người hủy giới dùng ân cứu giúp là phát tâm quý báu.
Đối với bậc Vô học và người mới học, không hề khinh mạn là phát tâm quý báu. Xả bỏ tâm cao ngạo tự đại, kiêu mạn tà vạy, khiêm tốn, nhu hòa thọ giáo, tự hạ mình trước tất cả chúng sinh là phát tâm quý báu. Chí trụ nơi các căn vi diệu thông đạt, bỏ thừa thấp kém, tin ưa lạc Đại Thừa, tâm ngay thẳng hướng đạo là phát tâm quý báu.
Lìa việc của ma, trừ bỏ phiền não, thanh tịnh, trắng trong không cấu uế, không tỳ vết. Mọi thứ tham dục, nhiễm ô cho đến sự ưa thích sở hữu đều vĩnh viễn trừ diet, không hề biếng trễ là phát tâm quý báu. Thường chuyên tinh, hành hóa an nhiên, giữ đức nhàn tĩnh, thân tâm vắng lặng, tu hạnh tịch diệt, không bị ô nhiễm.
Đối với các thứ khổ nạn sinh tử, tâm hết sức xót thương là phát tâm quý báu. Như vậy, Bồ Tát bỏ tất cả sự an ổn của bản thân, nhằm làm an ổn hàng trời, người, khai hóa chúng sinh gặp khổ hoạn, đối với các phiền não bức bách tâm không mệt mỏi, là phát tâm quý báu.
Bậc Bồ Tát này, ánh sáng trong lắng nhưng có uy lực đạt pháp vô lậu, quán sự giải thoát như quán xét bàn tay mình. Như muốn khiến không bỏ các việc sở hữu tức muốn đạt đầy đủ pháp của Chư Phật mười phương đó là phát tâm quý báu.
Bồ Tát này quán các pháp vô thường, khổ, không, vô ngã, không thân nhưng không nhàm chán, không nhiễm trần dục, chí ưa pháp đạo phẩm vô dục, đó là phát tâm quý báu.
Bồ Tát này đối với tất cả pháp không, vô tướng, vô nguyện không có chốn hành, nhưng dùng quán sát thấy rõ chúng sinh, nên đối với các pháp không tạo tác, chứng đắc, đó là phát tâm quý báu.
Bồ Tát này thấy các nạn sợ hãi trong các cõi giống như lửa cháy đầu, nên luôn tinh tấn, không thể tính đếm, trải qua vô số kiếp trong sinh tử, không hề phế bỏ các thông tuệ, đó là phát tâm quý báu.
Bồ Tát ấy gần gũi với Phật Đạo, dần dần tăng thêm hành nghiệp nơi thân tu tập đạt Thánh tuệ vi diệu, khi ấy hành giả không bỏ pháp lớn, ý vui, tùy thuận nơi các chúng sinh khổ não, không ghét bỏ uế trược, không hề lười chán, đó là phát tâm quý báu. Bồ Tát ấy khuyến hóa chúng sinh hết sức tinh cần, ưa mến nghĩa đạo, chẳng chấp ta người, ý chí kiên cố, đạt đến đại bi, đó là phát tâm quý báu.
Thưa Hiền giả Xá Lợi Phất! Đó là ba mươi hai việc phát tâm quý báu của Bồ Tát, được gọi là tâm báu vô tận đầy đủ châu báu của tất cả Bồ Tát.
Khi ấy, Thế Tôn khen ngợi Bảo Nữ: Hay thay, hay thay! Ngươi giảng nói hạnh Bồ Tát này rất thông suốt vì đã phát tâm quý báu là được vào đạo.
Lại nữa, này Bảo Nữ! Các Chánh sĩ ấy có vô lượng công đức đáng khen ngợi, đó là phát đạo ý vô thượng chánh chân.
Vì sao?
Vì chẳng phải là cái báu của hàng Thanh Văn, chẳng phải là cái báu của hàng Duyên Giác, mà chính là cái báu của Phật Đạo, cái báu của Bồ Tát. Hơn nữa, càng hưng phát cái báu của Phật Đạo là nhân xuất sinh sự hưng khởi, phát tâm quý báu của hàng Thanh Văn, Duyên Giác, Bồ Tát thấy đều xuất sinh tất cả các báu.
***
Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Năm - Phẩm Mười Bảy - Phẩm Tham Hành - Phần Hai
Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Ba - Phẩm Ba Mươi Mốt - Phẩm Tuyên Hóa - Phần Ba
Phật Thuyết Kinh Tạp A Hàm - Kinh ưu Ba Già Tra
Phật Thuyết Kinh đại Bảo Tích - Pháp Hội Thứ Năm Mươi Chín - Pháp Hội Hư Không Mục - Phần Một
CỨU VẬT - VẬT TRẢ ƠN, CỨU NHÂN - NHÂN BÁO OÁN
Phật Thuyết Muôn Pháp Hội Trổ Một Hoa Vô Tướng - Phẩm Một - Phẩm Tựa
Phật Thuyết Kinh Tạp A Hàm - Kinh Tát Giá
Phật Thuyết Kinh đại Bát Nê Hoàn - Phẩm Chín - Phẩm Tứ Y
Phật Thuyết Kinh Xuất Sinh Nhất Thiết Như Lai Pháp Nhãn Biến Chiếu đại Lực Minh Vương - Phần Ba