Phật Thuyết Kinh Như Lai Trang Nghiêm Trí Tuệ Quang Minh Nhập Nhất Thiết Phật Cảnh Giới - Phần Một
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Bát Nhã Lưu Chi, Đời Nguyên Ngụy
PHẬT THUYẾT KINH
NHƯ LAI TRANG NGHIÊM TRÍ
TUỆ QUANG MINH NHẬP
NHẤT THIẾT PHẬT CẢNH GIỚI
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư
Bát Nhã Lưu Chi, Đời Nguyên Ngụy
PHẦN MỘT
Tôi nghe như vậy!
Một thuở nọ, Đức Thế Tôn cùng với hai vạn năm ngàn vị Tỳ Kheo ở cung điện Pháp Giới Tàng trên tầng thứ tư trong núi Thứu Đầu thuộc thành Vương Xá. Các vị Tỳ Kheo đều là bậc A La Hán, đã dứt sạch các lậu, không còn phiền não, tâm được tự tại, tâm hoàn toàn được giải thoát, tuệ hoàn toàn được giải thoát, khéo điều phục tâm, là rồng lớn trong loài người.
Những việc cần làm đã làm xong, lìa các gánh nang, đạt được tự lợi, dứt hết mọi phiền não sinh tử, khéo được chánh trí, tâm hoàn toàn vắng lặng, tự tại và đạt đến sự giải thoát rốt ráo tột cùng.
Lại có tám Đại Thanh Văn, trong đó A nhã câu lân làm thượng thủ. Lại có bảy mươi hai ức na do tha Đại Bồ Tát.
Tên của các vị ấy là: Đại Bồ Tát Văn Thù Sư Lợi Pháp Vương Tử, Đại Bồ Tát Thiện Tài Công Đức, Đại Bồ Tát Phật Thắng Đức, Đại Bồ Tát Dược Vương, Đại Bồ Tát Dược Thượng v. v…
Tất cả đều trụ vào địa vị bất thoái chuyển, chuyển đại pháp luân, siêng năng học hỏi pháp môn Đại Phương Quảng Bảo Tích, bằng với địa thứ mười Pháp Vân Cứu Cánh, trí tuệ rộng lớn như núi Tu Di, tu tập rốt ráo về không, vô tướng, vô nguyện, tâm không sinh tướng.
Tất cả các vị đều đắc đại pháp thâm diệu sâu xa, trí tuệ rạng ngời và đều thành tựu công hạnh và oai nghi của Phật. Các Đại Bồ Tát này đều nhờ thần lực của Chư Phật gia hộ, từ trăm ngàn vạn ức na do tha Thế Giới Chư Phật ở phương khác đến đây tập họp. Các vị đều thành tựu các nghiệp thần thông, đều an trụ trong thực tế của pháp tánh.
Bấy giờ, Thế Tôn suy nghĩ: Nay ta nên chuyển pháp luân vô thượng để cho các Đại Bồ Tát mau được sức đại trí tuệ. Và muốn cho hằng hà sa các Bồ Tát có oai đức lớn, thần thông lớn trong các Thế Giới đến hội họp.
Thế Tôn lại suy nghĩ: Ta vì nói pháp môn Đại Phương Quảng, nên sẽ hiện điềm tướng phóng ra ánh sáng lớn.
Vì sao?
Vì muốn cho tất cả các Đại Bồ Tát đến đây đều thưa hỏi pháp của ta nói. Sau khi suy nghĩ như vậy xong, Đức Thế Tôn phóng ra vừng mây ánh sáng lớn chiếu khắp Thế Giới nhiều như số vi trần trong ba ngàn Đại Thiên, vô số không thể nghĩ bàn trong mười phương. Tức thì mỗi Thế Giới trong mười phương, vô số Cõi Phật không thể đếm, có trăm ngàn vạn ức chúng Đại Bồ Tát nhiều như vi trần đều đến hội họp.
Mỗi Bồ Tát đều dùng sức thần thông của mình đem tất cả sự cúng dường tối thắng không thể nghĩ bàn để đến cúng dường Chư Phật. Mỗi vị Bồ Tát ấy theo sức bản nguyện của mình lên tòa sen, ngồi trước Như Lai và chí tâm chiêm ngưỡng Đức Phật.
Ngay lúc ấy, trên điện pháp giới tạng, có cao tòa đại bảo liên hoa tạng từ đất vọt lên, ngang rộng cả ức triệu vô số do tuần. Hình tướng hoa ấy trên dưới cân xứng, dùng tất ca châu báu ma ni có ánh sáng làm thể, châu báu ma ni điện quang làm hàng rào xung quanh, dùng châu báu ma ni quang minh bất khả tư nghì làm cọng.
dùng châu báu ma ni bất khả tư nghì vây quanh, dùng châu báu ma ni quang minh không gì có thể thí dụ được làm chuỗi ngọc buông xuống, dùng châu báu ma ni tự tại vương làm lưới rèm, dùng đủ các loại châu báu ma ni đan xen vào giữa, treo vô lượng cờ phướn, lọng báu, cao tòa đại bảo liên hoa tạng ấy, xung quanh phóng ra mười vô số trăm ngàn vạn ức triệu ánh sáng.
Ánh sáng ấy chiếu khắp vô lượng Thế Giới ở mười phương, tức thì ở mỗi phương trong mười phương có mười ức bất khả thuyết Cõi Phật, trăm ngàn vạn ức triệu, Thiên, Long, Dạ Xoa, Càn Thát Bà, A Tu La, Ca Lâu La, Khẩn Na La, Ma Hầu La Già, Tứ Đại Thiên Vương, Thích Đề Hoàn Nhân, Phạm Thiên Vương v. v… nhiều như số vi trần đều đến hội họp.
Những Chư Thiên v. v… đều ở trong cung điện báu và có vô lượng vô số Thiên Nữ, trỗi trăm ngàn vạn ức triệu loại âm nhạc, vui mừng hớn hở hiện đến chỗ Đức Phật.
Lại có các Trời, Rồng v. v… mỗi vị ở trong cung điện bằng hoa đến chỗ Đức Phật.
Lại có các Trời, Rồng v. v… mỗi vị đều ở trong cung điện bằng hoa Ưu La Dà Bà La chiên đàn hương đến chỗ Đức Phật.
Lại có các Trời, Rồng v. v… mỗi vị đều ở trong cung điện báu chân châu đến chỗ Đức Phật.
Lại có các Trời, Rồng v. v… mỗi vị đều ở trong cung điện bằng tơ lụa ngũ sắc đến chỗ Đức Phật.
Lại có các Trời, Rồng v. v… mỗi vị đều ở trong cung điện bằng châu báu ma ni quang minh đến chỗ Đức Phật.
Lại có các Trời, Rồng v. v… mỗi vị đều ở trong cung điện bằng châu báu vàng Diêm Phù Na Đề đến chỗ Đức Phật.
Lại có các Trời, Rồng v. v… mỗi vị đều ở trong cung điện bằng châu báu ma ni tập hợp tất cả quang minh đến chỗ Đức Phật.
Lại có các Trời, Rồng v. v… mỗi vị đều ở trong cung điện bằng châu báu ma ni tự tại vương đến chỗ Đức Phật.
Lại có các Trời, Rồng v. v… mỗi vị đều ở trong cung điện bằng châu báu như ý đến chỗ Đức Phật.
Lại có các Trời, Rồng v. v… mỗi vị đều ở trong cung điện bằng châu báu ma ni anh lạc trên cổ Vua Đế thích đến chỗ Đức Phật.
Lại có các Trời, Rồng v. v… mỗi vị đều ở trong cung điện bằng châu báu ma ni lớn giữa biển cả thanh tịnh phóng khắp ngàn quang minh đến chỗ Đức Phật.
Những vị ấy đều có bất khả tư nghì vô số Thiên nữ vây quanh và trỗi lên trăm ngàn vạn ức triệu thứ âm nhạc, vui mừng hớn hở đến chỗ Đức Phật. Đến đó họ đều trỗi lên đủ các thứ âm nhạc, vượt hơn tất cả âm nhạc thế gian, không thể nghĩ bàn, không thể tính, không thể lường, không thể đếm, để cúng dường Như Lai.
Các vị trời ấy vì sức bản nguyện, nên muốn ngồi chỗ nào đều có đầy đủ, rồi ngồi qua một bên chí tâm chiêm ngưỡng Đức Phật.
Bấy giờ, đại địa trong ba ngàn đại thiên Thế Giới liền biến thành vàng Diêm Phù Đàn, có đủ loại cây báu ma ni để trang nghiêm Thế Giới, đủ loại cây hoa trời, đủ loại cây y phục, đủ loại cây Ưu La Già Bà La chiên đàn, đủ loại cây thơm để trang nghiêm Thế Giới, dùng châu báu ma ni điện quang để làm lưới, che khắp ba ngàn đại thiên Thế Giới, dựng cờ báu lớn, treo các phướn lọng.
Trong mỗi cây có trăm ngàn vạn ức triệu vô số Thiên nữ đều hiện nửa thân, hai tay đều cầm trăm ngàn vạn ức anh lạc báu để cúng dường rồi đứng qua một bên.
Khi ấy, trong tòa Đại bảo liên hoa tạng Đại Sư tử phát ra âm thanh vi diệu, nói kệ:
Tôi nhờ lực Phật sinh
Bản nguyện nay thành tựu
Mời Nhân vương đến ngồi
Phụng thờ Lưỡng Túc Tôn
Thân con đươc quý báu
Hoa thơm nhiều người ưa
Quý báu nhờ lực Phật
Xin cho con mãn nguyện
Ngồi hoa tạng sư tử
Làm đẹp đời và con
Giảng pháp mọi người nghe
Đạt được Tòa Sư Tử
Thân con ngàn ánh sáng
Chiếu vô lượng Thế Giới
Xin hãy ngồi trên con
Cho tâm con vui vẻ
Ở đây chỗ nói pháp
Tám ức Phật đã ngồi
Xin Phật hãy mau ngồi
Giáo hóa bảo hộ con.
Khi ấy, Thế Tôn từ chỗ ngồi đứng dậy lên tòa Đại Bảo Liên Hoa Tạng Sư Tử ngồi kiết già, quán sát tất cả chúng Đại Bồ Tát, muốn nói pháp thắng diệu cho Bồ Tát và liền hiện điềm tướng.
Khi ấy, các Đại Bồ Tát suy nghĩ: Pháp Vương Tử Văn Thù Sư Lợi sẽ vì chúng ta mà thưa hỏi Như Lai Ứng Chánh Biến Tri về pháp môn bất sinh bất diệt. Chúng ta từ xưa đến nay đã từng nghe pháp môn thắng diệu này.
Thấy Như Lai hiện tướng như vậy và biết tâm niệm của các Đại Bồ Tát, Văn Thù Sư Lợi Pháp Vương tử liền bạch Phật: Bạch Thế Tôn! Pháp môn như thế nào gọi là bất sinh, bất diệt?
Rồi nói kệ:
Phật nói không sinh diệt
Tướng ấy như thế nào
Pháp nào không sinh diệt
Xin Phật cho ví dụ.
Bồ Tát và trí tuệ
Nương thần lực Chư Phật
Từ vô lượng cõi đến
Xin nói pháp thắng diệu.
Đức Phật dạy Pháp Vương tử Văn Thù Sư Lợi: Lành thay! Lành thay! Này Văn Thù Sư Lợi! Chỉ ông mới có thể hỏi Như Lai về pháp môn thâm sâu này.
Này Văn Thù Sư Lợi! Ông làm an ổn cho vô lượng chúng sinh, có thể mang lại niềm vui cho vô lượng chúng sinh, thương xót vô lượng chúng sinh, tạo lơi ích rất lớn cho vô lượng chúng sinh, ban sự an vui của hàng trời, người cho vô lượng chúng sinh, làm cho các Đại Bồ Tát được cứu cánh Phật địa.
Này Văn Thù Sư Lợi! Đối với pháp môn này, ông đừng nghi ngờ.
Này Văn Thù Sư Lợi! Ta sẽ nói pháp bất sinh bất diệt cho ông, ông nên dùng trí tuệ để hiểu biết.
Này Văn Thù Sư Lợi! Pháp bất sinh bất diệt tức là Như Lai Ứng Chánh Biến Tri.
Này Văn Thù Sư Lợi! Ví như đại địa là chỗ thành hình tướng của đại Tỳ Lưu Ly. Giống như ở chỗ của Cõi Trời Ba Mươi Ba. Trong đại địa ấy thấy hình ảnh của Thích Đề Hoàn Nhân và Thiện pháp đường trong Cõi Trời Ba Mươi Ba hiện lên rõ ràng. Và thấy tất cả cảnh giới ngũ duc trong Cõi Trời Thích Đề Hoàn Nhân cho đến tất cả những sự vui chơi cũng đều thấy hết.
Bấy giờ, Chư Thiên nói với tất cả người nam, người nữ, đồng nam đồng nữ như vậy: Các ngươi hãy đến xem Thiện pháp đường của Thiên Vương Thích Đề Hoàn Nhân và tất cả những sự vui chơi trong cảnh giới ngũ dục các Thiên Vương.
Khi mọi người đã đến rồi các vị trời lại nói: Các Thiện Nam, Thiện Nữ, nếu các người bố thí, trì giới trồng các căn lành, thì các người sẽ được ở Thiện pháp đường này và những sự vui chơi trong cảnh giới ngũ dục của Cõi Trời, sẽ làm Thiên Vương, được quả báo và sức thần thông giống như Thích Đề Hoàn Nhân, và được thọ hưởng tất cả những gì có ở cảnh giới ngũ dục ấy.
Này Văn Thù Sư Lợi! Khi ấy, những Thiện Nam, Thiện Nữ, đồng nam, đồng nữ v. v… từ trong đất đại Tỳ Lưu Ly mà thấy được Thiện pháp đường của Thích Đề Hoàn Nhân trong Cõi Trời Ba Mươi Ba và hình ảnh vui chơi trong cảnh giới ngũ dục hiện lên rất rõ ràng, ai nấy đều rải hoa, chắp tay cúng dường và nói như vậy: Tôi cũng sẽ được thân Thích Đề Hoàn Nhân và Thiện pháp đường cùng cảnh giới ngũ dục trong Cõi Trời.
Này Văn Thù Sư Lợi! Nhưng chúng sinh ấy đều không biết Thích Đề Hoàn Nhân, thiện pháp đường trong Cõi Trời Ba Mươi Ba và cảnh giới ngũ dục, tất cả việc ấy đều từ trong đất đại Tỳ Lưu Ly hiện ra.
Vì sao?
Vì đất đại Tỳ Lưu Ly trong suốt nên tất cả hình tượng đều hiện lên ở trong đó.
Này Văn Thù Sư Lợi! Nhưng vì chúng sinh ấy cầu làm thân Thích Đề Hoàn Nhân, nên đem tất cả sự tu hành bố thí, trì giới, các căn lành đã trồng, đều hồi hướng lên Cõi Trời Ba Mươi Ba.
Này Văn Thù Sư Lợi! Nhưng trong đất đại Tỳ Lưu Ly thật sự không có Thiện pháp đường, Thích Đề Hoàn Nhân và tất cả cảnh giới ngũ dục trong Cõi Trời Ba Mươi Ba. Vì đất Tỳ Lưu Ly trong suốt nên ảnh tượng hiện lên như vậy.
Thiện pháp đường, Thích Đề Hoàn Nhân và cảnh giới ngũ dục trong Cõi Trời Ba Mươi Ba vì không thật nên không sinh không diệt. Chỉ vì đất đại Tỳ Lưu Ly trong suốt nên ảnh tượng hiện lên.
Này Văn Thù Sư Lợi! Đúng vậy! Tất cả chúng sinh nương vào tâm thanh tịnh, đúng như thật tu hành thì thấy thân Như Lai.
Này Văn Thù Sư Lợi! Vì tất cả chúng sinh nhờ sức gia trì của Như Lai mà thấy thân Như Lai, nhưng thân Như Lai không that, không sinh, không diệt, chẳng phải có vật, chẳng phải không có vật, chẳng phải thấy được, chẳng phải không thấy được, chẳng phải có thể xem, chẳng phải không thể xem, chẳng phải có tâm, chẳng phải không có tâm, chẳng phải có thể nghĩ bàn, chẳng phải không thể nghĩ bàn, chẳng phải có, chẳng phải không.
Này Văn Thù Sư Lợi! Tất cả chúng sinh nương vào năng lực cảnh Tượng Pháp Thân thanh tịnh của Như Lai mà được thấy Pháp Thân thanh tịnh chân thật của Như Lai.
Rồi họ dâng cúng y báu, rải hoa, đốt hương, chắp tay cúng dường và nói như vậy: Con cũng sẽ đạt được Pháp Thân thanh tịnh giống Như Lai Ứng Biến Tri.
Này Văn Thù Sư Lợi! Nhưng những chúng sinh ấy vì cầu Pháp Thân thanh tịnh của Như Lai mà bố thí, trì giới, trồng các căn lành. Rồi đem căn lành này cầu trí Như Lai và mong muốn thành tựu được quả vị Vô Thượng, Chánh Đẳng, Chánh Giác.
Này Văn Thù Sư Lợi! Giống như trong cảnh tượng đất đại Tỳ Lưu Ly, thân của Thích Đề Hoàn Nhân nơi Cõi Trời Ba Mươi Ba bất động, bất sinh, tâm không hý luận, tâm không phân biệt không phân biệt, không có sự phân biệt, không suy tư, không có sự suy tư, không nghĩ bàn, vô niệm, tịch tĩnh, không sinh không diệt, không thể thấy, không thể nghe, không thể ngửi, không thể nếm, không thể xúc chạm, không có các tướng, không thể hiểu, không thể biết.
Như vậy, này Văn Thù Sư Lợi! Pháp Thân thanh tịnh của Như Lai, Ứng Chánh Biến Tri cũng như vậy, bất động, bất sinh, tâm không hý luận, tâm không phân biệt, không phân biệt, không có sự phân biệt, không suy tư, không có sự suy tư, không thể nghĩ bàn, vô niệm, tịch diệt, tịnh niệm, bất sinh bất diệt, không thể thấy, không thể nghe, không thể ngửi, không thể nếm, không thể xúc chạm, không có các tướng, không thể hiểu, không thể biết.
Này Văn Thù Sư Lợi! Pháp thân của Như Lai không sinh không diệt, không đến không đi, lấy đây làm thể. Giống như bóng trong gương thế gian đều thấy, tùy theo sức tin của mỗi chúng sinh mà Như Lai thị hiện mỗi thân khác nhau, tùy theo nghiệp cảm của chúng sinh ấy có tuổi thọ dài ngắn mà Như Lai hiện thân mạng có dài ngắn.
Tùy theo chúng sinh có sức tin đại bồ đề mà Như Lai hiện thân, tùy theo chúng sinh nghe pháp tin thọ mà Như Lai hiện thân, tùy theo chúng sinh tín tâm biết pháp ba thừa mà Như Lai hiện thân, tùy theo năng lực giải thoát của chúng sinh mà Như Lai hiện thân.
Này Văn Thù Sư Lợi! Ví như hư không có trống đại diệu pháp, nhờ sức công đức của Cõi Trời Ba Mươi Ba mà sinh ra, rời khỏi thiện pháp đường ở trong hư không, khi vượt qua cảnh giới của Chư Thiên mà nhãn thức của các vị Trời không thể thấy, không thể nhận ra được.
***
Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Năm - Phẩm Mười Bảy - Phẩm Tham Hành - Phần Hai
Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Ba - Phẩm Ba Mươi Mốt - Phẩm Tuyên Hóa - Phần Ba
Phật Thuyết Kinh Trung A Hàm - Phẩm Năm - Phẩm Tập Tương ưng - Kinh Niệm
Phật Thuyết Kinh Bảo Vũ - Phần Mười Một
Phật Thuyết Kinh chánh Pháp Hoa - Phẩm Một - ánh Sáng điềm Lành - Phần Hai
Phật Thuyết Kinh đại Bảo Tích - Pháp Hội Thứ Ba Mươi Tám - Pháp Hội đại Thừa Phương Tiện - Phần Một
Phật Thuyết Kinh Tăng Chi Bộ - Chương Ba - Ba Pháp - Phẩm Tám - Phẩm Ananda - Phần Mười - Abhibhù
Phật Thuyết Kinh Tạp A Hàm - Kinh Liên Hoa Sắc
Phật Thuyết Kinh Tam Mạn đà Bạt đà La Bồ Tát - Phẩm Một - Phẩm Năm Sự Che Lấp