Phật Thuyết Kinh Tạp A Hàm - Kinh Vương đảnh
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Cầu Na Bạt Ðà La, Đời Tống
PHẬT THUYẾT KINH TẠP A HÀM
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư
Cầu Na Bạt Ðà La, Đời Tống
KINH VƯƠNG ĐẢNH
Tôi nghe như vậy!
Một thời, Phật ở bên ao Yết Già tại nước Chiêm Bà. Bấy giờ có thôn trưởng Vương Đảnh đi đến chỗ Phật, đảnh lễ dưới chân Phật, rồi ngồi lui qua một bên.
Bấy giờ, Thế Tôn bảo thôn trưởng Vương Đảnh: Hiện nay chúng sanh chạy theo hai khuynh hướng.
Những gì là hai?
Một là thích đắm vào năm dục, thuộc dạng phàm phu, tục tử quê mùa thấp kém.
Hai là tự làm khổ mình một cách sai lầm không có bất cứ ý nghĩa lợi ích nào!
Này thôn trưởng, có ba hạng người thích hưởng thụ dục lạc, thuộc hàng phàm phu, tục tử, quê mùa thấp kém.
Cũng có ba hạng người tự làm khổ mình một cách sai lầm không có bất cứ ý nghĩa lợi ích nào!
Này thôn trưởng, những gì là ba hạng người thích hưởng thụ dục lạc, thuộc hàng phàm phu tục tử quê mùa thấp kém?
Là có kẻ hưởng thụ dục lạc bằng cách lạm chiếm một cách bất hợp pháp, không mang lại an vui cho chính mình, cũng chẳng phụng dưỡng cha mẹ, cung cấp đầy đủ cho anh em, vợ con, kẻ ở, bà con quyến thuộc, bạn bè quen biết.
Cũng không tùy thời cúng dường cho Sa Môn, Bà La Môn, để cầu quả báo an lạc nơi tốt đẹp, mong đời sau sanh lên Cõi Trời. Đó gọi là hạng người thứ nhất hưởng thụ dục lạc ở thế gian.
Lại nữa, này thôn trưởng, có kẻ hưởng thụ dục lạc bằng cách dùng pháp lạm chiếm tài vật một cách bất hợp pháp để tự cung cấp mọi sự vui sướng cho chính mình, phụng dưỡng cho cha mẹ, cung cấp đầy đủ cho anh em, vợ con, kẻ làm, bà con quyến thuộc, bạn bè quen biết.
Nhưng không tùy thời cúng dường cho Sa Môn, Bà La Môn, để cầu quả báo an lạc nơi tốt đẹp, mong đời sau sanh lên Cõi Trời. Đó gọi là hạng người thứ hai hưởng thụ dục lạc.
Lại nữa, này thôn trưởng, có kẻ hưởng thụ dục lạc bằng cách dùng pháp tìm cầu tài vật chứ không bằng lạm chiếm để tự cung cấp mọi sự vui sướng cho chính mình, cung phụng cho cha mẹ.
Cung cấp đầy đủ cho anh em, vợ con, kẻ ở, bà con quyến thuộc, bạn bè quen biết, cũng tùy thời cúng dường cho Sa Môn, Bà La Môn, để cầu quả báo an lạc nơi tốt đẹp, mong đời sau sanh lên Cõi Trời. Đó gọi là hạng người thứ ba hưởng thụ dục lạc.
Này thôn trưởng, Ta không nhất thiết nói bình đẳng trong hưởng thụ dục lạc, mà Ta nói người hưởng thụ dục lạc có người thuộc hạng thấp kém, có người thuộc hạng trung bình, có người thuộc hạng hơn người.
Thế nào là hạng thấp kém, hưởng thụ dục lạc?
Là loại lạm chiếm bất hợp pháp, cho đến chẳng cầu quả báo an lạc nơi tốt đẹp, mong đời sau sanh lên Cõi Trời, thì đó ta gọi là hạng thấp kém hưởng thụ dục lạc.
Thế nào là hạng trung bình, hưởng thụ dục lạc?
Là loại người hưởng thụ dục lạc bằng cách đúng pháp mà tìm cầu tài vật một cách bất hợp pháp, cho đến chẳng mong đời sau sanh lên Cõi Trời, thì đó Ta gọi là hạng trung bình thứ hai hưởng thụ dục lạc.
Thế nào là hạng người, ta nói hơn người, hưởng thụ dục lạc?
Là loại người đúng pháp để tìm cầu tài vật, cho đến đời sau sanh lên Cõi Trời, thì đó Ta gọi là hạng hơn người thứ ba hưởng thụ dục lạc.
Thế nào là ba hạng người tự làm khổ chính mình?
Đó là khổ chẳng phải pháp, bất chính, chẳng có bất cứ ý nghĩa lợi ích nào. Có một hạng người tự làm khổ bằng cách sống khắc khổ.
Ban đầu mới phạm giới, ô nhiễm giới, họ tu đủ cách khổ hạnh, nỗ lực tinh tấn trụ ở một chỗ, nhưng hiện tại họ chẳng thể xa lìa được nhiệt não bức bách, chẳng được pháp hơn người, chẳng trụ vào được an lạc, tri kiến thắng diệu.
Này thôn trưởng, đó gọi là hạng người thứ nhất tự làm khổ mình bằng cách sống khắc khổ. Lại nữa, tự làm khổ bằng cách sống khắc khổ.
Ban đầu chẳng phạm giới, chẳng ô nhiễm giới, nhưng tu đủ cách khổ hạnh cũng chẳng nhờ vậy mà hiện tại xa lìa được nhiệt não bức bách, chẳng được pháp hơn người, chẳng trụ vào được an lạc, tri kiến thắng diệu. Đó gọi là hạng người thứ hai tự làm khổ mình bằng cách sống khắc khổ.
Lại nữa, tự làm khổ bằng cách sống khắc khổ. Ban đầu chẳng phạm giới, chẳng ô nhiễm giới, nhưng tu đủ cách khổ hạnh tinh tấn, mà hiện tại vẫn không thể xa lìa được nhiệt não bức bách, được pháp hơn người, trụ vào an lạc, tri kiến thắng diệu.
Đó gọi là hạng người thứ ba tự làm khổ mình bằng cách sống khắc khổ. Này thôn trưởng, ta không nói tất cả những người tự mình làm khổ bằng cách sống khắc khổ đều giống nhau, mà Ta đã nói trong những kẻ tự làm khổ, có người thuộc hạng thấp kém, có người thuộc hạng trung bình, có người thuộc hạng hơn người.
Thế nào là tự làm khổ thuộc hạng thấp kém?
Nếu họ tự làm khổ ban đầu mới phạm giới, mới làm ô nhiễm giới, cho đến chẳng được tri kiến thắng diệu, trụ vào an lạc, ta gọi đó là tự làm khổ thuộc hạng thấp kém.
Thế nào là tự làm khổ thuộc hạng trung bình?
Nếu họ tự làm khổ, ban đầu chẳng phạm giới, chẳng ô nhiễm giới, cho đến chẳng được tri kiến thắng diệu, trụ vào an lạc, ta gọi đó là tự làm khổ thuộc hạng trung.
Thế nào là tự làm khổ thuộc hạng hơn người?
Nếu họ tự làm khổ, bằng cách sống khắc khổ, ban đầu chẳng phạm giới, chẳng ô nhiễm giới, cho đến chẳng được tri kiến thắng diệu, trụ vào an lạc, ta gọi đó là tự làm khổ thuộc hạng hơn người.
Này thôn trưởng, đó gọi là ba hạng người tự làm khổ mình, cái khổ này chẳng phải pháp, chẳng đúng, chẳng có bất cứ ý nghĩa lợi ích nào.
Này thôn trưởng, có đạo lộ, có sự thực hành đưa đến ba hạng phương tiện tùy thuộc hưởng thụ dục lạc, của hàng phàm phu tục tử, quê mùa thấp kém.
Đưa đến phương tiện tự làm khổ chính mình, mà cái khổ này chẳng phải pháp, chẳng đúng, chẳng có bất cứ ý nghĩa lợi ích nào.
Thế nào là đạo lộ, sự thực hành đưa đến phương tiện hưởng thọ dục lạc, tự làm khổ chính mình?
Này thôn trưởng, vì bị dục tham làm chướng ngại, hoặc muốn tự hại, hoặc muốn hại kẻ khác, hoặc muốn hại cả hai, hiện tại và đời sau mắc tội báo này, tâm luôn lo khổ.
Vì bị sân nhuế, ngu si làm chướng ngại, hoặc muốn tự hại, hoặc muốn hại kẻ khác, hoặc muốn hại cả hai, hiện tại và đời sau mắc tội báo này, tâm luôn lo khổ.
Nếu xa lìa chướng ngại của dục tham, không muốn phương tiện tự hại, hại người, hại cả hai, hiện tại, đời sau khỏi mắc tội báo này, khiến tâm, tâm pháp luôn luôn thọ hỷ lạc.
Cũng vậy, nếu xa lìa chướng ngại của sân nhuế, ngu si, không muốn phương tiện tự hại, hại người, hại cả hai, hiện tại, đời sau khỏi mắc tội báo này, khiến tâm, tâm pháp luôn luôn hưởng hỷ lạc.
Đối trong hiện tại xa lìa nhiệt não bức bách, không cần đợi thời tiết, gần gũi Niết Bàn, mà ngay trong thân này thể duyên tự mình mà giác tri.
Này thôn trưởng, như pháp hiện tại này vĩnh viễn xa lìa nhiệt não bức bách, không cần đợi thời tiết, gần gũi Niết Bàn, mà ngay trong thân này duyên tự mình giác tri, đó là Tám Thánh Đạo: Chánh kiến, cho đến chánh định. Trong lúc Đức Thế Tôn đang nói pháp này, thôn trưởng Vương Đảnh xa lìa trần cấu, được pháp nhãn tịnh.
Sau khi thôn trưởng Vương Đảnh thấy pháp, đắc pháp, biết pháp, thâm nhập vào pháp, thoát nghi không nhờ người khác, ở trong chánh pháp luật mà được vô sở úy, liền từ chỗ ngồi đứng dậy, sửa lại y phục chắp tay bạch Phật: Bạch Thế Tôn, nay con đã được độ, xin nương về Phật, nương về pháp, nương về Tăng Tỳ Kheo. Từ nay đến hết đời con xin làm Ưu Bà Tắc. Sau khi nghe những gì Phật dạy, hoan hỷ tùy hỷ, làm lễ mà lui.
***
Phật Thuyết Kinh đại Thừa Mật Nghiêm - Phẩm Tám - Phẩm A Lại Da Vi Mật - Tập Sáu
Phật Thuyết Kinh đại Thừa Mật Nghiêm - Phẩm Tám - Phẩm A Lại Da Vi Mật - Tập Năm
Phật Thuyết Kinh đại Thừa Mật Nghiêm - Phẩm Tám - Phẩm A Lại Da Vi Mật - Tập Bốn
Phật Thuyết Kinh đại Thừa Mật Nghiêm - Phẩm Tám - Phẩm A Lại Da Vi Mật - Tập Ba
Phật Thuyết Kinh đại Thừa Mật Nghiêm - Phẩm Tám - Phẩm A Lại Da Vi Mật - Tập Hai
Phật Thuyết Kinh đại Thừa Mật Nghiêm - Phẩm Tám - Phẩm A Lại Da Vi Mật - Tập Một
Phật Thuyết Kinh Trường Bộ - Kinh Chủng ðức
Phật Thuyết Kinh Nhân Quả Trong đời Quá Khứ Và Hiện Tại - Phần Năm
Phật Thuyết Kinh Tạp A Hàm - Kinh Kết Triền
Phật Thuyết Kinh Bách Dụ - Kinh Thứ Bảy Mươi Ba - Kinh Ngựa đen đuôi Trắng
Phật Thuyết Kinh Tạp A Hàm - Kinh Thập Lực - phần Ba
Phật Thuyết Kinh Trung A Hàm - Phẩm Mười Ba - Phẩm Căn Bổn Phân Biệt - Kinh A Nan Thuyết