Phật Thuyết Kinh Như Lai Trí ấn - Phần Hai

Kinh Đại thừa   •   Thứ hai, 25/12/2023, 22:17 PM

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Pháp Cự, Đời Tây Tấn

PHẬT THUYẾT

KINH NHƯ LAI TRÍ ẤN

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư

Pháp Cự, Đời Tây Tấn  

PHẦN HAI  

Lúc ấy, Đức Thế Tôn nói kệ:

Trí tuệ tối thắng thượng trí quang

Trí quang, trí phú, trí phú tàng

Trí tuệ tạo chỗ vào cửa trí

Vô lượng trí ấn, ấn Kinh này,

Căn tuệ, trí tác, trí tuệ địa

Trí khởi, trí quang, diệt tối tăm

Tuệ không thể hết, tuệ mở bày

Các Kinh, nhật nguyệt chiếu ba cõi,

Bình đẳng, đẳng phú, đẳng tam muội

Tướng pháp chân thật dứt trói buộc

Tất cả tam muội, cửa trí ấn

Đây là giống Phật bốn biện tài.

Diệt cấu, vô tận, qua bờ giác

Chứa đức, khởi phước, phước ứng khắp

Là ta đã được gốc sướng vui

Tam muội này là báu Thiện Thệ.

Như Vua yêu nước, khéo chăm dân

Của báu đầy dẫy tùy ứng đến

Rửa bỏ tham dục, si và giận

Bảo Hải hay nói Kinh Điển này.

Thiện tịch năng diệt, khởi nhớ nghĩ

Khéo trừ các uế, tịnh, ngã, kiến

Như cầm chắc kiếm hoại vô hoại

Báo Phật được ấn tổng trì đó.

Trí hay che giúp các chúng sinh

Trí tuệ đã làm trí giàu có

Trí quang chiếu khắp không ngằn mé

Kinh này sẽ được trí tuệ môn.

Điều mình, điều người, đoạn hai tưởng

Diệt sạch sáu mươi hai các kiến, ái…

Được vào cam lồ môn Như Lai

Sẽ thành ba mươi hai tướng tốt,

Đạo và thắng đạo, đạo thứ lớp

Trợ pháp bồ đề, chẳng trợ pháp

Khéo hay giác ngộ, người biếng nhác

Tướng tuệ vô lượng không thể hết.

Tương ưng, cùng pháp, hiểu thứ lớp

Vô lượng tuệ quang Đà La Ni

Thành tựu bố thí Ba la mật

Trì giới, nhẫn nhục cũng như thế

Tinh tấn, thiền định, trí vô tận

Trụ bát nhã này, độ thành tựu

Chớ sợ nghiệp báo và phiền não

Chớ sợ chúng ma và nẻo ác.

Tu tập Kinh này không chướng ngại

Tùy chỗ nhớ nghĩ đạo được thành

Các Phật Tử, trụ trong hiền kiếp

Mười phương đến hội, làm chứng, ta.

Pháp khí, không hoại đều đến đây

Đều phải phụng trì Kinh Pháp này

Kinh này, quá khứ sinh ra Phật

Cũng là mẹ các Phật vị lai

Và ở hiện tại sinh các Phật

Siêng tu Kinh này, anh em Phật

Nghiệp sạch, không nhơ, hành không thoái

Vượt khỏi bùn lầy lên bất động

Người hợp Kinh này, trụ chân thât

Được Diệu pháp tạng của Như Lai.

Lúc Thế Tôn giảng nói rộng rãi pháp ấy, có ba mươi hằng sa Bồ Tát đều đắc tam muội này, sáu mươi tám ức na do tha Bồ Tát đã ở trong ngàn kiếp, tịnh tu các hạnh, đối với đạo vô thượng được không thoái chuyển, âm thanh vô tận, tuệ quang Đà La Ni.

Lại có sáu mươi vạn Trời và người, chưa phát tâm vô thượng bồ đề, nay đều phát tâm nghe tam muội này và đều sinh tâm vui thích theo. Khi sinh tâm vui thích theo thì liền được không thoái chuyển.

Được Phật thọ ký: Ở đời vị lai, trải qua ba vạn kiếp, sẽ được thành Phật, hiệu là Vô úy. Lại có những vị, đã tu hành từ lâu, được vô sinh nhẫn đều ở nước khác, thành đạo vô thượng, tất cả đồng một hiệu.

Giữa lúc, bốn chúng vây quanh, Đức Thế Tôn bảo Văn Thù Sư Lợi: Các ông trụ nơi pháp bất trụ, không hý luận, không tác hạnh. Tất cả pháp không chỗ nương nên giữ gìn đạo vô thượng này, giảng nói rộng rãi cho người khác.

Lúc ấy, Đồng tử Văn Thù từ chỗ ngồi đứng dây, sửa sang y phục, quỳ gối chắp tay, bạch Phật: Bạch Thế Tôn! Con quán tất cả pháp đều không thể được. Con sẽ giữ gìn bồ đề vô thượng này, như đạo vô thượng của Thế Tôn, vô tại vô bất tại, không xứ sở, không hiện, không thể cầm nắm, không được, không mất.

Khi ấy, trong hội, ba mươi ức Bồ Tát từ tòa ngồi đứng dậy, trịch áo vai phải, chắp tay bạch Phật: Bạch Thế Tôn! Chúng con cũng muốn giữ gìn pháp, Vô Thượng, Chánh Đẳng, Chánh Giác của Như Lai, dù trải qua vô lượng A tăng kỳ na do tha kiếp tu tập khó được.

Mỗi một vị đều cởi áo đang mặc trên người, dâng cúng Như Lai, phát nguyện vô thượng.

Bấy giờ, Đức Thế Tôn bảo Bồ Tát Di Lặc: Này Di Lặc! Ông phải khéo lắng nghe và ông cũng nên biết, đây là việc của ông: Ở đời vị lai năm mươi năm, phải giữ gìn Kinh này.

Bồ Tát Di Lặc bạch Phật: Dạ vâng! Bạch Đức Thế Tôn, Con sẽ giữ gìn Kinh này.

Đức Phật bảo Bồ Tát Di Lặc: Trong ba mươi ức Bồ Tát, sẽ có tám ngàn Bồ Tát giữ gìn chánh pháp, còn những Bồ Tát khác, chưa đủ khả năng tự điều phục mình nên không thể giữ gìn chánh pháp.

Về sau vào đời mạt pháp, ở trong chánh pháp Vô Thượng, Chánh Đẳng, Chánh Giác của Như Lai, trải qua A tăng kỳ kiếp tu tập khó được sẽ phát sinh việc tranh cãi, xem thường, phá hoại. Không nói, không có khả năng nghe nhận, không có khả năng giữ gìn.

Này Di Lặc! Có bảy pháp phát tâm bồ đề.

Bảy pháp đó là:

1. Bồ Tát phát tâm bồ đề như Phật.

2. Chánh pháp sắp diệt, vì giữ gìn nên phát tâm bồ đề.

3. Thấy các chúng sinh bị các khổ thúc ép, khởi lòng nhớ nghĩ rộng lớn mà phát tâm bồ đề.

4. Bồ Tát khuyên dạy các chúng sinh khác phát tâm bồ đề.

5. Khi bố thí tự mình phát tâm bồ đề.

6. Thấy người khác phát tâm thì theo học phát tâm.

7. Thấy hoặc nghe Như Lai trang nghiêm có đầy đủ ba mươi hai tướng tốt, tám mươi vẻ đẹp thì phát tâm bồ đề.

Này Di Lặc! Trong bảy nhân duyên phát tâm bồ đề như thế. Bồ Tát phát tâm bồ đề như Phật. Chánh pháp sắp diệt, vì giữ gìn nên phát tâm bồ đề.

Thấy các chúng sinh bị các khổ thúc ép, khởi lòng thương rộng lớn nên phát tâm bồ đề. Ba hạng phát tâm này có khả năng vì Chư Phật. Bồ Tát giữ gìn chánh pháp và có khả năng mau được địa vị không thoái chuyển, thành tựu Phật Đạo. Còn bốn hạng phát tâm sau thì cang cường khó điều phục, không có khả năng giữ gìn chánh pháp.

Lại nữa, này Di Lặc! Bồ Tát thành tựu được năm pháp, phải biết đó là không thoái chuyển.

Năm pháp đó là:

1. Đối với chúng sinh, khởi tâm bình đẳng.

2. Thấy người khác được lợi ích, không sinh ganh ghét.

3. Thấy người giữ gìn pháp, thà mất thân mạng chứ không xoi mói lỗi lầm của người ấy.

4. Hay xả bỏ tất cả lợi dưỡng.

5. Tin pháp sâu xa, không tin những Kinh, thơ, văn tụng của thế gian.

Này Di Lặc! Bồ Tát thành tựu năm pháp gọi là không thoái chuyển.

Này Di Lặc! Bồ Tát lại có năm pháp, tâm họ cang cường, có thể hủy diệt chánh pháp.

Năm pháp đó là:

1. Khởi sắc không tốt.

2. Tin và làm những việc làm hèn mọn.

3. Tham đắm lợi dưỡng.

4. Bảo vệ cho kẻ đà việt còn tham tiếc.

5. Ôm lòng nịnh hót quanh co, làm việc không chân thật.

Miệng tuy nói không, nhưng việc làm không hợp với lời nói.

Đó là năm việc làm hủy diệt chánh pháp.

Lại nữa, này Di Lặc! Bồ Tát lại có năm pháp, có thể thành tựu không thoái chuyển.

Năm pháp đó là:

1. Không được ngã.

2. Không được chúng sinh.

3. Thấu rõ pháp giới, không được, không nói.

4. Không được bồ đề.

5. Không dùng sắc thân xem xét Như Lai.

Này Di Lặc! Bồ Tát thành tựu năm pháp như thế thì gọi là không thoái chuyển.

Lúc ấy, Đức Thế Tôn liền nói kệ:

Vì trí, khởi ganh ghét

Như quạ, sâu, phá cây

Chẳng tin lời hẹp hòi

Hay giữ bồ đề Phật.

Đồng hoang, siêng năng tu

Gắng nhẫn thường lặng lẽ

Như tê giác lìa đàn

Khéo giữ đạo không mất.

Xa chúng, thích thanh nhàn

Như nai thích chỗ vắng

Không chấp, như gió thoảng

Hạnh ấy giữ gìn pháp

Không tiếc thân và mạng

Không nhiễm ái thân tộc

Siêng tu, không, vô ngã

Có thể thành bồ đề.

Đời sau có chúng sinh

Nói ta hành bồ đề

Tâm khinh ngạo, nịnh hót

Không thể giữ chánh pháp.

Nhớ trước Phật Nhiên Đăng

Hơn tám mươi ức kiếp

Có Phật Hiệu Nguyệt Kế

Giảng nói tam muội này.

Hội đầu tám mươi ức

Na do tha Bồ Tát

Nghe Phật giảng nói pháp

Đều được không thoái chuyển.

Hội thứ hai nói pháp

Bảy mươi ba do tha

Hội thứ ba nghe pháp

Bảy mươi ức do tha.

Phật thọ vô lượng kiếp

Sáng sáu mươi do tuần

Chín mươi chín ức tăng

Vô sinh, tâm tự tại.

Lúc ấy, Chuyển Luân Vương

Tên gọi là Tuệ Khởi

Thống lãnh Diêm Phù Đề

Bảy mươi ngàn do tuần

Làm Vua bốn thiện hạ

Thể nữ sáu mươi ức.

Vua ấy có ngàn con

Cõi nước tên Lạc Quang

Trăm ngàn thành trang nghiêm

Vườn chơi đều đầy đủ

Đều vui vẻ hưng thịnh

Giống như Trời Đao Lợi.

Vua ấy, mộng nghe tiếng

Phật Nguyệt Kế ra đời

Trăm sáu mươi ức chúng

Đều đi đến chỗ Phật.

Khi Vua nghe Kinh này

Pháp sâu xa, thân định

Bỏ nước, đem dâng Phật

Cúi mong tùy nghi dùng.

Các thành xây Tinh Xá

Bằng gỗ chiên đàn quý

Cấp nhiều người giúp việc

Vàng trải dọc đường đi.

Thời gian Vua cúng Phật

Trọn vẹn tám ngàn năm

Chuyên tinh không ngủ nghỉ

Không chán, không nuối tiếc.

Vật thiết cúng một ngày

Số ấy nhiều vô lượng

Những món cúng dường Phật

Vì cầu tam muội này.

***

icon

Tổng hợp

Cùng chủ đề

Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Ba - Phẩm Ba Mươi Mốt - Phẩm Tuyên Hóa - Phần Ba

Kinh Đại thừa   •   25.12.2023
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Cưu Ma La Thập, Đời Diêu Tần