Phật Thuyết Kinh Tiểu Bộ - Tập Mười - Chuyện Tiền Thân đức Phật - Chương Hai - Phẩm Mười - Phẩm Sigàla Chó Rừng - Chuyện Nhạc Sĩ Guttila Tiền Thân Guttila
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư An Thế Cao, Đời Hậu Hán
PHẬT THUYẾT KINH TIỂU BỘ
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư
An Thế Cao, Đời Hậu Hán
TẬP MƯỜI
CHUYỆN TIỀN THÂN ĐỨC PHẬT
CHƯƠNG HAI
PHẨM MƯỜI
PHẨM SIGÀLA CHÓ RỪNG
CHUYỆN NHẠC SĨ GUTTILA
TIỀN THÂN GUTTILA
Ta có một đệ tử. Câu chuyện này, khi ở Trúc Lâm, bậc Ðạo Sư kể về Đề Bà Đạt Đa.
Lúc bấy giờ, các Tỳ Kheo nói với Đề Bà Đạt Đa: Này Hiền Giả Đề Bà Đạt Đa, nhờ bậc Chánh Ðẳng Giác, Hiền Giả học xong Ba Tạng Giáo điểm và chứng được Bốn Thiền. Thật không xứng đáng nếu Hiền Giả trở thành kẻ thù của bậc Sư Trưởng.
Đề Bà Đạt Đa đáp: Này các Hiền Giả, Sa Môn Gotama đâu có phải là Sư Trưởng của ta?
Chính do tự lực của ta, ta học Ba Tạng Giáo Ðiển và chứng được Bốn Thiền. Nói vậy xong, Đề Bà Đạt Đa từ bỏ bậc Sư Trưởng.
Các Tỳ Kheo ngồi tại Chánh Pháp đường bắt đầu nói chuyện này: Hiền giả Đề Bà Đạt Đa từ bỏ bậc Sư Trưởng, trở thành kẻ thù của bậc Chánh Ðẳng Giác, và đã gặp đại nạn!
Bậc Ðạo Sư đến và hỏi: Này các Tỳ Kheo, nay các ông đang họp bàn vấn đề gì?
Khi được biết vấn đề trên, bậc Ðạo Sư nói: Này các Tỳ Kheo, không phải chỉ nay Đề Bà Đạt Đa mới từ bỏ Sư Trưởng, trở thành kẻ thù của Ta và gặp nạn. Thuở trước kẻ ấy cũng như vậy rồi. Và bậc Ðạo Sư kể chuyện quá khứ.
Thuở xưa, khi Vua Brahmadatta trị vì xứ Ba La Nại, Bồ Tát sanh vào một gia đình nhạc sĩ và được đặt tên là Thanh Niên Guttila. Khi lớn lên, Bồ Tát thành đạt tất cả các ngành âm nhạc, và trở thành nhạc sĩ Guttila. Bồ Tát không lấy vợ và nuôi dưỡng cha mẹ mù lòa.
Lúc bấy giờ, một số thương nhân sống ở Ba La Nại, đi đến Ujjeni để buôn bán. Nhân ngày lễ hội được tổ chức, họ họp nhau đem theo nhiều vòng hoa, hương thơm, dầu sáp, các thức ăn, và đến một chỗ vui chơi.
Họ nói: Hãy trả tiền thuê để gọi các nhạc sĩ đến. Lúc bấy giờ nhạc sĩ Mùsila là vị nhạc trưởng ở Ujjeni. Họ mời Mùsila đến đàn cho họ nghe. Mùsila chơi đàn Tỳ Bà, vặn dây rất căng rồi gảy đàn.
Nhưng họ đã từng nghe nhạc sĩ Guttila chơi đàn, nên nhạc của Mùsila chơi chẳng khác gì gảy trên chiếu. Vì vậy không một ai tỏ vẻ hài lòng.
Khi Mùsila thấy họ tỏ vẻ không hài lòng, ông ta nghĩ: Có lẽ ta chơi đàn căng thẳng quá, ông ta vặn dây xuống bậc trung và gảy tiếp.
Các người nghe vẫn tỏ vẻ thản nhiên, ông lại nghĩ: Những người này không biết một chút gì về nhạc, và làm như vẻ mình không biết, ông ta gảy đàn với hết sức dùng. Ðến đây, họ cũng không nói một lời gì.
Rồi Mùsila nói với họ: Này các thương nhân, tôi gảy đàn Tỳ Bà không làm cho các ông thích thú sao?
Họ nói: Nhưng ông gảy đàn Tỳ Bà đó sao?
Chúng tôi nghĩ rằng ông chỉ lên dây đàn!
Vậy các ông biết một nhạc trưởng nào giỏi hơn tôi, hay vì các ông không biết gì nên các ông không thích nghe tôi gảy?
Các thương nhân nói: Chúng tôi trước đây đã nghe tiếng đàn Tỳ Bà của nhạc sĩ Guttila ở Ba La Nại. Còn tiếng đàn của ông chẳng khác gì bà mẹ ru ngủ con nít!
Vậy các ông hãy lấy lại tiền mướn. Tôi không cần tiền ấy.
Chỉ khi nào các ông đi Ba La Nại, hãy đem tôi theo!
Họ bằng lòng, và khi ra đi, họ đem theo Mùsila đến Ba La Nại, chỉ cho ông ta biết chỗ ở của Guttila, rồi họ về nhà. Mùsila đi vào nhà của Bồ Tát, thấy cây đàn Tỳ Bà xinh đẹp của Bồ Tát được treo trên dây, liền lấy xuống và đàn.
Bây giờ cha mẹ của Bồ Tát do mù nên không thấy Mùsila, nghĩ rằng có lẽ các con chuột đang ăn dây đàn Tỳ Bà, liền nói: Xuỵt, xuỵt! Các con chuột ăn dây đàn Tỳ Bà!
Lúc ấy, Mùsila đặt đàn xuống, chào cha mẹ Bồ Tát, và hai vị hỏi: Ông từ đâu đến?
Ông ta đáp: Tôi từ Ujjeni đến học nghề dưới chân Sư Trưởng.
Hai vị nói: Lành thay!
Mùsila hỏi: Sư Trưởng ở đâu?
Này con thân, nó không có ở nhà, nhưng hôm nay nó sẽ về. Rồi Mùsila ngồi xuống đợi đến khi Bồ Tát về, liền nói lên những lời hỏi thăm và cho Bồ Tát biết lý do mình đến.
Bồ Tát là người giỏi xem tướng, thấy người này không phải bậc Chân Nhân, liền từ chối: Này con thân, nghề này không phải là nghề của con. Mùsila ôm chân cha mẹ Bồ Tát van lơn yêu cầu giúp đỡ.
Hãy bảo con của ông bà dạy cho con học với!
Trước lời yêu cầu của cha mẹ, Bồ Tát không thể cưỡng lại, và dạy cho ông ta nghề nhạc. Rồi Mùsila đi với Bồ Tát không phải là vị Sư Trưởng giấu nghề, những gì mình biết, Bồ Tát đều dạy cho Mùsila.
Dạy xong, Bồ Tát nói: Này con thân, nghề con đã học xong.
Mùsila suy nghĩ: Nay ta học thành tài xong. Thành Ba La Nại này là kinh đô tối thượng trong cõi Diêm Phù Đề. Sư Trưởng đã già. Nay ta phải sống tại đây.
Vì vậy ông ta liền thưa với Sư Trưởng: Thưa Sư Trưởng, nay con sẽ hầu Vua.
Sư Trưởng nói: Lành thay, con thân. Ta sẽ tâu với Vua.
Bồ Tát đi tâu với Vua: Ðệ tử của thần muốn hầu hạ Ðại Vương.
Hãy trả tiền lương cho nó! Nó sẽ nhận phân nửa lương của khanh.
Sư Trưởng báo cho Mùsila biết tin này, Mùsila nói: Nếu con được trả tiền bằng lương của thầy, con sẽ hầu hạ Vua.
Nếu không được, con sẽ không hầu hạ!
Vì sao?
Phải chăng con biết tất cả nghề của Sư Trưởng?
Phải, con biết như vậy.
Tại sao Vua lại cho con phân nửa lương?
Bồ Tát tâu việc ấy với Vua.
Vua nói: Nếu nó có thể chứng tỏ tài nghệ nó bằng khanh, nó sẽ nhận lương ngang bằng.
Bồ Tát tin cho Mùsila biết.
Ông ta đồng ý: Lành thay! Con sẽ trổ tài!
Khi Vua được tin báo về việc này, Vua nói: Lành thay! Ngày nào ngươi sẽ trổ tài?
Tâu Ðại Vương, từ nay đến ngày thứ bảy.
Vua hỏi: Có thật chăng ngươi sẽ thi tài với Sư Trưởng của ngươi?
Thưa Ðại Vương, thật vậy!
Vua muốn ngăn chận ông ta nên nói: Không nên có sự cạnh tranh giữa đệ tử và Sư Trưởng!
Chớ làm như vậy! Thôi vừa rồi, tâu Ðại Vương. Ðến ngày thứ bảy sẽ có cuộc thử tài giữa thần với Sư Trưởng của thần.
Vua chấp thuận và cho người đánh trống truyền rao khắp Kinh Thành lời bố cáo này: Từ nay cho đến ngày thứ bảy, Sư Trưởng Guttila và đệ tử Mùsila có cuộc tranh tài với nhau tại cung Vua để trình bày tài nghệ. Quần chúng ở thành hãy hội họp lại để xem tài nghệ của họ.
Bồ Tát suy nghĩ: Mùsila còn trẻ đang độ thanh niên. Còn ta đã già, sức khoẻ yếu kém. Việc làm của người già không thể thành công. Nếu đệ tử thất bại, thì cũng không có gì vinh dự cả. Nhưng nếu đệ tử thắng cuộc, thì vào rừng mà chết còn tốt hơn sự ô nhục mà ta phải gánh chịu!
Vì vậy, Bồ Tát đi vào rừng, nhưng rồi sợ chết liền quay trở về, và rồi sợ nhục, lại đi vào rừng. Như vậy Bồ Tát đi đi, về về và sáu ngày trôi qua.
Cỏ dưới chân Bồ Tát đã héo úa, và con đường mòn do dấu chân Ngài đi đã hiện ra. Trong lúc ấy, chiếc ngai của Thiên Chủ Ðế Thích trở thành nóng. Ðế Thích hướng tâm tìm hiểu và biết sự việc xảy ra.
Ðế Thích suy nghĩ: Nhạc sĩ Guttila đang chịu nhiều đau khổ trong rừng vì người đệ tử. Ta phải giúp đỡ nhạc sĩ Guttila.
Ðế Thích vội vàng đi đến đứng trước Bồ Tát và hỏi: Thưa Sư Trưởng, sao Sư Trưởng lại đi vào rừng?
Bồ Tát hỏi: Ông là ai?
Ðế Thích đáp: Ta là Ðế Thích.
Bồ Tát thưa: Thưa Thiên Chủ, tôi sợ đệ tử đánh bại nên trốn vào rừng.
Nói rồi Bồ Tát đọc bài kệ đầu:
Tôi có một đệ tử
Ðã học đàn với tôi,
Ðàn Tỳ Bà bảy dây,
Thật du dương êm ái,
Nó thách tôi biểu diễn.
Thiên Chủ Ko si ya,
Xin hãy giúp đỡ tôi!
Ðừng sợ, Thiên Chủ Ðế Thích đáp. Ta là chỗ nương tựa và bảo vệ bạn.
Rồi Thiên Chủ đọc bài kệ thứ hai:
Ðừng sợ, ta sẽ giúp,
Khi nào bạn cần ta,
Danh dự là phần thưởng
Xứng đáng với Giáo Sư,
Ðừng sợ, vì đệ tử
Không thể đối địch thầy,
Và bạn sẽ chiến thắng.
Rồi Ðế Thích dặn: Khi bạn gảy đàn Tỳ Bà, hãy cắt đứt một dây và chơi với sáu dây. Tiếng đàn Tỳ Bà của bạn vẫn hay như cũ. Mùsila cũng sẽ cắt đứt một dây, nhưng tiếng đàn Tỳ Bà của nó sẽ mất đi.
Khi ấy, nó sẽ thua cuộc. Biết nó thất bại, bạn hãy cắt đứt dây thứ hai, dây thứ ba, dây thứ tư, dây thứ năm, dây thứ sáu, dây thứ bảy.
Bạn sẽ gảy đàn với cái trục đàn mà thôi, tiếng đàn sẽ phát ra từ các đầu dây bị đứt và sẽ vang dội toàn thành Ba La Nại rộng đến mười hai dặm.
Sau đó, Ðế Thích cho Bồ Tát ba cây đũa thần và nói tiếp: Khi tiếng đàn Tỳ Bà vang dội toàn thành, hãy quăng một đũa thần lên hư không. Khi ấy ba trăm Thiên Nữ sẽ hiện xuống và múa trước mặt bạn. Khi chúng múa như vậy, bạn sẽ quăng đũa thần thứ hai, ba trăm Thiên Nữ khác sẽ hiện xuống và múa trước đàn Tỳ Bà của bạn.
Rồi hãy quăng chiếc đũa thần thứ ba, khi ấy ba trăm Thiên Nữ khác sẽ hiện xuống và múa tại sân tròn của đấu trường. Ta cũng sẽ đến cùng với chúng. Hãy đi lên nào, chớ sợ hãi.
Vào buổi sáng Bồ Tát đi về nhà. Tại cửa cung Vua, một cái đình tròn được dựng lên và đặt một chiếc ngai. Vua từ trên lầu xuống, ngồi chính giữa trên sàng tọa ở trong cái đình được trang hoàng rực rỡ.
Mười ngàn nữ nhân phục sức diễm lệ, cùng với các Đại Thần Bà La Môn, nhân dân v.v... vây xung quanh Vua. Tất cả những người ở trong thành đều tụ họp lại. Trong sân chầu, họ sắp chỗ ngồi theo hình vòng tròn, hàng hàng lớp lớp chồng chất lên nhau.
Bồ Tát được tắm rửa, trang sức và xoa dầu thơm. Sau khi ăn nhiều món thượng vị, Ngài cầm cây đàn Tỳ Bà và ngồi trên chỗ đã soạn sẵn.
Còn Ðế Thích cũng đến, với phép tàng hình đứng trên hư không, được một hội chúng đông đảo vây quanh, nhưng chỉ Bồ Tát có thể thấy Ðế Thích. Mùsila cũng đến và ngồi trên chỗ của mình. Ðại quần chúng bao vây xung quanh họ. Ðầu tiên, cả hai đều gảy đàn giống nhau. Ðại quần chúng thích thú với hai người gảy đàn và vỗ tay không ngớt.
Ðế Thích đứng trên hư không nói với Bồ Tát: Hãy cắt đứt các dây! Bồ Tát cắt đứt sợi dây Bhamra sợi dây ong. Dù sợi dây bị cắt, đầu sợi dây đứt vẫn phát ra tiếng Thiên nhạc. Mùsila cũng cắt đứt một dây, nhưng từ sợi dây bị đứt, tiếng không phát ra.
Sư Trưởng cắt đứt dây thứ hai, lần lượt đến sợi dây thứ bảy, tiếng vẫn phát ra từ cây đàn và vang dậy cả kinh thành. Quần chúng vẫy hàng ngàn khăn tay trên Hư Không, hàng ngàn người vỗ tay tán thưởng.
Bồ Tát liền quăng một đũa thần lên hư không. Ba trăm Thiên Nữ liền hiện xuống và bắt đầu nhảy múa.
Cũng vậy, khi Bồ Tát quăng đũa thần thứ hai, thứ ba, chín trăm Thiên Nữ hiện xuống và cùng múa như Thiên Chủ đã nói trước.
Lúc bấy giờ, Vua ra dấu cho quần chúng.
Quần chúng đứng dậy la to: Ngươi muốn đánh bại Sư Trưởng!
Ngươi phản thầy phản bạn, tưởng mình có thể đối địch thầy!
Ngươi không biết lượng sức mình!
Họ la hét phản đối kẻ đối địch thầy!
Ngươi không biết lượng sức mình!
Họ la hét phản đối, Mùsila, và đá với gậy v.v... hay bất cứ cái gì đến tay, họ đánh ông ta đến chết và cầm chân ông, quăng xác trên một đống rác.
Vua rất hoan hỷ ban cho Bồ Tát rất nhiều tặng phẩm như Trời đổ mưa xuống và thị dân cũng làm như vậy.
Ðế Thích thân mật chào mừng Bồ Tát và nói: Thưa Bậc Hiền Trí, ta sẽ cho thắng cỗ xe với một ngàn con ngựa thuần chủng, rồi gởi thần đánh xe Màtali xuống đây. Ngài sẽ ngự lên cỗ xe Vejayanta thù thắng có ngàn ngựa kéo và Ngài sẽ du hành Thiên Giới. Nói xong, Ðế Thích ra đi.
Khi Ðế Thích trở về và ngồi trên ngai vàng của mình toàn bằng đá quý, ngai hoàng bảo thạch, các Thiên Nữ liền hỏi: Thưa Thiên Chủ, Ngài đi ở đâu về?
Ðế Thích kể lại cho Thiên Chúng rõ toàn câu chuyện với các chi tiết, rồi tán thán giới hạnh và công đức của Bồ Tát.
Các Thiên Nữ thưa: Thưa Thiên Chủ, chúng con muốn thấy Sư Trưởng ấy.
Hãy đưa Sư Trưởng đến đây!
Ðế Thích bảo Màtali: Này khanh, các Thiên Nữ muốn thấy nhạc sĩ Guttali. Hãy đi mời Bồ Tát ngồi trên cỗ xe Vejayanta và đưa vị ấy đến đây.
Thần lái xe Màtali vang lời ra đi và đưa Bồ Tát đến.
Ðế Thích hoan hỷ chào đón vị ấy và nói: Thưa Sư Trưởng, các Thiên Nữ muốn nghe nhạc của Sư Trưởng.
Bồ Tát nói: Chúng tôi là nhạc sĩ, nương tựa vào nghề để sống. Hãy trả công rồi tôi sẽ chơi nhạc.
Hãy chơi nhạc đi, ta sẽ trả công cho Ngài!
Tôi không cầu trả món gì khác trừ việc này: Hãy để cho các Thiên Nữ này nói lên thiện nghiệp của mình, rồi tôi sẽ chơi nhạc.
Các Thiên Nữ thưa: Sau khi được nghe nhạc thoải mái, chúng con sẽ nói lên các thiện nghiệp chúng con đã làm. Thưa Sư Trưởng, vậy trước tiên hãy đánh nhạc.
Suốt bảy ngày Bồ Tát đánh nhạc, và nhạc của Bồ Tát vượt hơn cả thiên nhạc. Vào ngày thứ bảy, Bồ Tát hỏi các Thiên Nữ về thiện nghiệp của họ.
Một Thiên Nữ, trong thời Đức Phật Ca Diếp, đã cúng một thượng y cho một Tỳ Kheo. Sau khi tái sanh làm thị giả của Ðế Thích, nàng trở thành Thiên Nữ có một ngàn tiên nữ khác hầu hạ.
Bồ Tát hỏi nàng: Trong một đời trước, nàng đã làm gì khiến nàng được sanh tại đây?
Cách thức hỏi và câu hỏi và câu trả lời của nàng đã được kể trong Chuyện Thiên Cung Vimàna Vatthu như sau:
Với dung sắc thù thắng,
Ôi Thiên Nữ vinh quang,
Nàng chiếu khắp mọi hướng,
Chẳng khác gì sao mai,
Từ đâu, này huy hoàng,
Từ đâu, các lạc thú
Xuất hiện ra cho nàng?
Các sở hữu khả ái
Làm tâm trí ưa thích?
Hỡi Thiên Nữ đại lực!
Ta hỏi nàng điều này
Nàng tạo công đức gì,
Khi nàng là nữ nhân,
Khiến nay nàng đạt được
Ðại thần lực chói sáng,
Và dung sắc rực rỡ
Chiếu tỏa khắp mười phương?
Nàng là bậc nữ nhân
Ðã cúng dường thượng y,
Tối thắng giữa nam nhân,
Tối thắng giữa nữ nhân,
Khiến nay nàng đạt được
Tối thắng giữa nữ nhân,
Chính nàng đã bố thí
Vật khả ái như vậy,
Nên được sanh Thiên Cung,
Mỹ lệ và khả ái,
Hãy ngắm lâu đài ta!
Ta, Thiên Nữ đẹp nhất,
Hãy xem quả dị thục
Các công đức ta làm,
Do vậy, ta tuyệt mỹ,
Do vậy, ta huy hoàng,
Ta được các sở hữu
Khả ái, tâm ưa thích,
Do vậy, ta huy hoàng,
Ta được các sở hữu
Khả ái, tâm ưa thích,
Do vậy ta đạt được
Tối thắng về uy lực,
Và dung sắc của ta
Chiếu tỏa khắp mười phương.
Sau khi đọc các bài kệ, các Thiên Nữ tiếp tục kể:
Một Thiên Nữ khác đã cúng dường hoa cho một Tỳ Kheo đang đi khất thực. Một Thiên Nữ khác được yêu cầu cúng dường năm loại vòng hoa thơm ở điện thờ Phật Ca Diếp, và nàng đã cúng dường chúng.
Một Thiên Nữ đã cúng dường các loại trái có vị ngọt. Một Thiên Nữ khác đã nghe pháp từ các Tỳ Kheo hay Tỳ Kheo Ni đang hành đạo hay đang an cư mùa mưa tại nhà của một gia đình.
Một Thiên Nữ khác đứng trong nước cúng dường một Tỳ Kheo thọ trai trong một chiếc thuyền.
Một Thiên Nữ khác sống trong gia đình đã hầu hạ mẹ chồng, cha chồng, và không bao giờ tức giận.
Một Thiên Nữ khác chia phần món ăn mình nhận được cho một Tỳ Kheo và giữ giới hạnh.
Một Thiên Nữ là nữ tỳ trong một gia đình, không phẫn nộ, không kiêu mạn, đã san sẻ phần ăn của nàng, nên được sanh làm thị giả của Thiên Chủ.
Như vậy, tất cả ba mươi bảy Thiên Nữ đã được Bồ Tát hỏi do họ đã làm nghiệp của mình làm.
Khi nghe chuyện này, Bồ Tát nói: Thật lợi ích cho ta, thật vô cùng lợi ích cho ta!
Ta đã đến đây và nghe các thành tích đạt được nhờ các thiện nghiệp nhỏ nhặt biết bao. Từ nay khi trở về Thế Giới loài người, ta sẽ làm các thiện nghiệp như bố thí v.v...
Rồi, Bồ Tát thốt lên lời cảm hứng này:
Hôm nay ta may mắn
Rạng đông thật tốt lành
Ta thấy các Thiên Nữ,
Diễm lệ và cao sang,
Và nghe pháp dịu ngọt!
Ta sẽ làm điều thiện,
Bố thí và chân thật,
Tự chế và khắc kỷ,
Ta sẽ đến chỗ kia,
Nơi không còn sầu muộn.
Bảy ngày đã qua, Thiên Chủ Ðế Thích ra lệnh cho thần lái xe Màtali mời Guttila lên ngồi và đưa Ngài về Ba La Nại. Khi đến Ba La Nại, Ngài nói cho mọi người biết những việc mình đã thấy ở Thiên Giới. Từ đấy, mọi người quyết định làm việc lành với nỗ lực của họ.
Khi thuyết pháp thoại này xong, bậc Ðạo Sư nhận diện tiền thân: Mùsila là Đề Bà Đạt Đa, Ðế Thích là A Na Luật Đà Anuruddha, Vua là Ànanda và nhạc sĩ Guttila là ta vậy.
***
Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Năm - Phẩm Mười Bảy - Phẩm Tham Hành - Phần Hai
Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Ba - Phẩm Ba Mươi Mốt - Phẩm Tuyên Hóa - Phần Ba