Phật Thuyết Kinh Nhu Thủ Bồ Tát Vô Thượng Thanh Tịnh Phân Vệ - Phần Hai
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Tường Công, Đời Tống
PHẬT THUYẾT
KINH NHU THỦ BỒ TÁT
VÔ THƯỢNG THANH TỊNH PHÂN VỆ
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư
Tường Công, Đời Tống
PHẦN HAI
Hỏi: Xuất phát từ động cơ nào mà có phát đạo tâm?
Đáp: Thưa Bồ Tát Long Thủ! Tôi không phát tâm, cũng không nên phát. Lại nữa, không nên phát vô phát hay bất phát. Hơn nữa tôi cũng không đạt đến đạo, cũng không nhớ nghĩ đến Đạo Tràng, không ngồi bên gốc cây Bồ Đề, không chứng đắc đạo, không chuyển bánh xe chánh pháp, cũng không hóa sinh trở lại nẻo của loài sinh tử.
Vì sao?
Này Bồ Tát Long Thủ! Vì các pháp đều là không thật có, không động không lay, không xuất không nhập, cũng không có chỗ nắm bắt vì nó vốn là không, cho nên tôi dùng pháp này mà có thể chứng đắc đạo.
Hỏi: Thưa Bồ Tát Nhu Thủ! Đây là sự giảng nói đạt đến chánh pháp vô thượng không thể sánh bằng ư?
Đối với các pháp ấy mà biết rõ các pháp như vậy, thì đó là thoát khỏi tất cả phiền não. Họ đã giải thoát những phiền não ấy rồi, nếu muốn thoát khỏi Ma Ba Tuần vĩnh viễn thì cũng không thể thoát khỏi Ma Ba Tuần.
Hỏi: Chẳng phải có thể thoát khỏi Ma Ba Tuần.
Vì sao vậy?
Vì các ma ấy cũng là đạo.
Vì sao?
Vì ma và ma trời đều vốn là không, không thủ không đắc, không tưởng không niệm, do lời nói này nên ma cũng là đạo.
Vậy, vì sao gọi là đạo?
Bồ Tát Nhu Thủ đáp: Đạo ư?
Này Bồ Tát Long Thủ! Ở trong tất cả, tất cả cũng là đạo. Đạo giống như hư không, thể của đạo thì rộng lớn, vắng lặng sâu xa, dung chứa hết tất cả, đầy đủ khắp mọi nơi, cũng không có giới hạn. Bồ Tát Long Thủ này, đạo là tất cả, tất cả là đạo. Đó là đạo vô thượng chân chánh vốn là không.
Hỏi: Bồ Tát Long Thủ muốn đắc đạo chăng?
Đáp: Tôi muốn chứng đắc nhưng không thể đạt được đạo.
Hỏi: Muốn đắc đạo đâu phải là việc đùa giỡn?
Vì sao?
Như Bồ Tát Long Thủ đã nói.
Muốn chứng đắc không thể đạt được đạo, đạo gì có thể chứng đắc ư?
Nếu đạo có thể chứng đắc là đạo có nơi chốn.
Ví như có người khởi lên suy nghĩ: Ta làm cho người huyễn hóa ngồi nơi cây Bồ Đề cho đến khi thành Chánh Giác.
Lời nói như vậy có phải chỉ là tiếng vang chăng?
Người huyễn hóa ấy cũng không thể nắm bắt được, cũng không cùng các pháp có hợp có tan, cũng không có chỗ chấp trước, do vốn là không.
Này Bồ Tát Long Thủ! Tất cả các pháp như huyễn như hóa, dấy lên tưởng niệm muốn đắc đạo chăng?
Lại nữa, Như Lai giảng nói các pháp vốn là không, không suy nghĩ, không mong muốn, không chỗ chấp trước. Biết rõ điều ấy mới chứng đắc được đạo, các pháp không có chỗ hội nhập, cũng không có chỗ hủy hoại.
Pháp không cùng với pháp có hợp có tan, huống chi là pháp cùng với pháp nên có hủy hoại ư?
Pháp không có phù hợp cũng không ly tán.
Vì sao?
Này Bồ Tát Long Thủ! Các pháp không hòa hợp vì nó vốn là không, đều là vô ngã. Lại nữa, như hư không cũng không thật có, không có hình tượng, không nhớ nghĩ, không động, không lay cũng không hý luận nơi hành. Các pháp vốn là không, vắng lặng như hư không, như huyễn, như mộng, không ví dụ, không so sánh. Các pháp như vậy không điều gì mà sánh bằng, cũng không có hình tượng.
Mọi người đã đến lắng nghe Bồ Tát Nhu Thủ nói pháp vi diệu, hết sức vui mừng, tâm không nhàm chán, khát ngưỡng cung kính, chuyên tâm thọ nhận. Khi giảng nói pháp sâu xa vi diệu như vậy rồi, thì có tám vạn Bồ Tát chứng đắc pháp không thoái chuyển và vô lượng Trời, Người đều phát tâm vô thượng.
Bấy giờ, Bồ Tát Long Thủ nói với Bồ Tát Nhu Thủ rằng: Lành thay, lành thay! Bồ Tát Nhu Thủ ưa thích giảng nói pháp vi diệu sâu xa này, thật là điều chưa từng có, vì chính tôi đã nhờ nơi đó mà lãnh hội được pháp yếu này. Hôm nay, mới biết rõ là mình mới hiểu được đạo.
Bồ Tát Như Thủ nói: Này thiện nam! Pháp không có lời lẽ, cũng không có thấy nghe, không nói sâu xa, lại không nói cạn cợt. Do đó, cũng không có đắc đạo vô đắc, bất đắc.
Vì sao?
Này Bồ Tát Long Thủ! Suy nghĩ muốn đắc đạo tức là có tưởng hý luận về việc hành hóa ư?
Nếu thọ nhận thì rơi vào nẻo kiến chấp về vọng, khiến cho Bồ Tát nói pháp có sâu, có cạn ư?
Tôi không có chỗ hý luận, còn pháp thì không có lời lẽ, không có tuyên truyền, không có chỗ hiện bày, cũng không thể nói năng, các pháp vốn là giả.
Lại nữa, này Bồ Tát Long Thủ! Ví như có người nói rằng: Tôi huyễn hóa giảng nói biết pháp rộng lớn.
Huyễn hóa ấy không biết nói nên nói là biết chăng?
Huyễn hóa ấy duyên vào điều này nên khởi lên cái tưởng tranh chấp.
Vì sao?
Vì huyễn hóa nên không biết, không có thể là chỗ giảng nói.
Như vậy, này Bồ Tát Long Thủ! Các pháp vốn là không, đều là không thật có, cũng không có xứ sở.
Này thiện nam! Nên biết rõ điều như vậy, gọi là đầy đủ pháp hành.
Khi ấy, Bồ Tát Diệu Tâm với Thần Thông thông suốt, nghe thấy Bồ Tát Nhu Thủ ở nơi khác đang bàn pháp tối thượng cho Bồ Tát, nên đi đến nơi ấy, thấy hội Đạo Tràng lớn, liền vui mừng tán thán: Lành thay, lành thay! Các bậc đầy khắp trong chánh hội như Chánh Sĩ, Đại Sĩ ở nơi ấy bàn nói điều gì?
Bồ Tát Nhu Thủ nói: Này thiện nam! Đối với pháp thâm yếu của Đức Như Lai mà đạt được là không có tên Chánh Sĩ, Đại Sĩ. Lại nữa, Bồ Tát không tự nói ta là Bồ Tát Chánh Sĩ, Đại Sĩ. Lại nữa, người có vọng tưởng ở theo chúng hý luận mới tự xưng là Bồ Tát, là Đại Sĩ, là bậc giảng nói về pháp.
Này Diệu Tâm! Âm vang có phát ra theo tiếng nói chăng?
Âm vang ấy có chấp vào sự nghe của lỗ tai chăng?
Đối với âm vang, pháp có đối tượng thọ trì chăng?
Bồ Tát Long Thủ nói: Đều không.
Như vậy, này Bồ Tát Long Thủ! Các pháp như âm vang, không có tên gọi, không có hình tướng. Người chấp vào pháp ấy thì hành động theo hý luận, vì duyên vào sự hành động theo hý luận ấy nên có lưu chuyển, mãi mãi không hiểu rõ các pháp.
Cũng như âm vang vốn là không, nhưng đối với sinh tử mà có tưởng tranh chấp, tức là khởi lên hành động tranh chấp, liền rơi vào các nghiệp. Đã ở trong nghiệp tức là có sinh tử, nên còn lưu chuyển trong năm đường, vì do không biết tất cả vốn là không.
Khi ấy, Bồ Tát Nhu Thủ nói với Bồ Tát Long Thủ: Này thiện nam! Như Đức Thế Tôn dạy các Tỳ Kheo: Này các Tỳ Kheo, các ông không nên chấp vào các hý luận mà thích thú nơi tưởng hành. Vì các ông, mà ta dạy về hạnh vắng lặng, hãy nhớ nghĩ đến Thích Sư Tử giảng nói pháp như vậy, chuyên tâm nhất niệm lãnh hội tùy thuận nơi pháp, nhập vào hạnh nhẫn, tất sẽ không còn chấp trước.
Này thiện nam! Bồ Tát ấy đã hiểu rõ và thuận theo lời nói này, biết rõ sự thanh tịnh của bản vô, biết rõ sự vắng lặng như vậy, thì mới thoát khỏi năm nẻo sinh tử lâu dài.
Bấy giờ, Bồ Tát Long Thủ hỏi: Ai ở trong sinh tử mà được giải thoát?
Bồ Tát Nhu Thủ đáp: Này thiện nam! Vì sao gọi là Như Lai đối với sinh tử như biến hóa mà giải thoát?
Mà lại có quá khứ, vị lai và hiện tại?
Như vậy này Bồ Tát Long Thủ, Bậc Thánh Sư Tử lựa dùng lời nói cốt yếu này mà hóa độ sinh tử.
Hỏi: Như Thế Tôn đã giảng dạy là các pháp như huyễn hóa. Lại nữa, Ngài cũng nói các pháp đều là không thật có.
Do lời nói này mà tất cả chúng sinh sẽ được thành tựu đạo Vô Thượng Chánh Giác chăng?
Đáp: Này Bồ Tát Long Thủ! Nếu tất cả chúng sinh biết như vậy, đây mới là đạt được lời dạy cốt yếu của đạo. Cho nên, ta không nói pháp, pháp không nói năng, không nhớ nghĩ, không thọ không trì, không được không mất, không lời không lẽ.
Vì sao?
Vì các pháp là không chỗ nắm giữ, cũng không có chỗ Có, không niệm, không thức, không có xứ sở. Lại nữa, biết tất cả các pháp như huyễn như hóa, đều là không thật có, nên nhờ đó mà chúng sinh đạt đạo Bồ Đề.
Này Bồ Tát Long Thủ! Ví như một vị thầy huyễn hóa đã biến hóa ra người huyễn, người huyễn hóa đó có biết rõ nguồn gốc của mình, là do biến hóa ra?
Đối với các pháp không có sự hóa, cũng không có chỗ trụ. Khắp cả thế gian, Trời, Rồng, Quỷ Thần, Ma, Phạm Thiên, Sa Môn, Phạm Chí…, đến đời sau cũng không thể khiến cho người huyễn hóa đối với sự biến hóa ấy mà có tưởng bền chắc.
Vì sao?
Vì người huyễn sĩ ấy tự thông đạt chỗ biến hóa, hóa ấy vốn là không, không huyễn, không hóa, đều là không thật có. Người huyễn biết rõ tất cả là do biến hóa làm mê hoặc. Đối với không thật có, mà lại khởi lên có tưởng có, vô thường tưởng là thường, vô ngã tưởng là ngã, nên chấp có tưởng niệm, mong cầu pháp vô tưởng, vọng niệm không có sắc an trụ, đều là không thật có.
Vì không biết nguồn gốc, chẳng rõ là không, nên cứ nối nhau trong vòng sinh tử. Nếu có biết rõ nguồn gốc các pháp, thì tất cả chúng sinh ấy đối với giáo pháp của Đức Phật không còn thoái chuyển trở lại, mà đó thành Chánh Giác.
Vì sao?
Này Bồ Tát Long Thủ! Do chúng sinh ấy đều ở trong giáo pháp của đạo Chánh Giác, cho nên tất cả chúng sinh đối với giáo pháp của Phật mà không còn ngăn ngại.
Vì thế, chúng sinh đều an trụ trong giáo pháp của Phật, nhưng tâm của chúng sinh không có giác ngộ các pháp vốn là không, không danh, không thức, không có chỗ trụ, không hành hý luận, không vin dựa, không chấp trước, tịch tĩnh như hư không, cũng không có sinh tử, thanh tịnh vô thượng, cũng không có chỗ sinh, lại không có Pháp Thân, đã chấp nhận đối với pháp thâm sâu thì không xa lìa pháp Phật.
Vì sao?
Này Bồ Tát Long Thủ! Pháp của Chư Phật hoàn toàn không thể dùng tưởng, hành mà đạt được. Nếu có tưởng ấy thì có lời lẽ, có giảng nói, có tuyên thuyết, có truyền bá, thì không thể đạt được giáo pháp của Phật.
Khi ấy, Bồ Tát Long Thủ nói với Bồ Tát Nhu Thủ: Lành thay, lành thay! Nhân Giả nói rất hay về pháp không nghĩ bàn, ai sẽ tin là tất cả chúng sinh này không lìa pháp của Phật?
Bồ Tát Nhu Thủ nói: Này thiện nam! Hàng đệ tử của Đức Thế Tôn giữ vững niềm tin về giáo pháp. Địa thứ tám và Tu Đà Hoàn, Tư Đà Hàm, A Na Hàm, A La Hán, Bích Chi Phật, Bồ Tát, vị không thoái chuyển và các bậc không lay chuyển…, các Bồ Tát ấy đã an trụ vào pháp không hành, thanh tịnh, như vậy chư vị sẽ tin nhận.
Vì sao?
Này Bồ Tát Long Thủ! Các Bồ Tát thực hành như vậy, phải tự thệ nguyện: Quyết định nối tiếp sự nghiệp lớn, tôi sẽ ngồi kiết già nhập định không bao giờ lay động, cho đến chứng đắc đạo Vô Thượng Chánh Giác.
Nhất định, vào tương lai sẽ đến trước tất cả Chư Thiên, Rồng, Quỷ Thần, thành tựu đạo lớn, rống lên tiếng rống Sư Tử.
Vì sao?
Này Bồ Tát Long Thủ! Bồ Tát biết rõ pháp Không không có tưởng, hành. Trụ vững như ngưỡng cửa, bền chắc như núi Tu Di không hề lay động.
Như vậy, này Bồ Tát Long Thủ! Bồ Tát ấy an trụ vào pháp không, vô tướng, vô nguyện, tất cả chúng sinh không thể lay động. Lại nữa, Bồ Tát này ở nơi cây Bồ Đề, cho đến Đạo Tràng không thể lay động.
Hỏi: Thưa Bồ Tát Nhu Thủ! Vì sao gọi là nơi Đạo Tràng Bồ Đề?
Bồ Tát Nhu Thủ nói: Này Long Thủ! Vì sao gọi là chỗ biến hóa của Đức Như Lai ngồi nương vào chỗ biến hóa đó, thế nào là các pháp giác ngộ của Như Lai hóa hiện và hiện thần thông hóa độ thuyết pháp?
Vậy ai là Đức Như Lai?
Người biến hóa là ai?
Bồ Tát Long Thủ đáp: Tôi không còn thấy chỗ hóa hiện của Như Lai và hình tượng của Pháp Thân, huống chi là sự hóa hiện lại hiện ra oai thần, hay là chỗ giảng nói pháp và chỗ biến hóa. Tất cả như biến hóa, bản không cũng biến hóa, biến hóa ấy cũng là biến hóa, cũng như biến hóa.
Bồ Tát Nhu Thủ khen: Lành thay, lành thay! Này Bồ Tát Long Thủ! Vì tôi mà nói ra pháp ứng thuận, vì mọi người mà giảng nói pháp nhẫn vô chấp vi diệu sâu xa ấy, chính là giảng nói pháp Vô thượng không gì sánh bằng.
Lúc ấy, Bồ Tát Long Thủ nói với Bồ Tát Nhu Thủ: Khi giảng nói pháp cốt yếu vi diệu này cũng không khởi lên sự hành động, cũng không hội nhập vào nhẫn.
Vì sao?
Này Bồ Tát Nhu Thủ! Vì các pháp vốn là thanh tịnh, tướng của nó vốn là không, không có xứ sở, cũng không có luân hồi, không hình sắc, không ảnh tượng, các pháp đều bình đẳng như hư không.
Như thế, này Bồ Tát Nhu Thủ! Có được pháp ấy thì phải khởi lên pháp nhẫn. Như Lai biến hóa đạt được pháp nhẫn như ảnh trong gương, như tiếng vang trong núi, như giấc mộng, như sóng nắng, như bọt nước, như thân cây chuối, cũng đều sẽ thành tựu được pháp nhẫn ấy.
Vì sao?
Vì nhẫn ấy đều là không như hư không, người ấy đều không khởi lên pháp nhẫn. Lại nữa, nhẫn cũng không khởi, cũng không nên khởi.
Lại nữa, nhẫn ấy cũng không phải là chỗ này, chẳng phải là chỗ kia, cũng không ở chính giữa. Đấy mới là an trụ vào nhẫn vô thượng không gì sánh bằng. Như vậy, Bồ Tát đối với trí tuệ này, tâm không lo sợ, không nghi ngờ, cũng không kinh ngạc, Đại Bồ Tát này lại ứng hợp với hạnh pháp nhẫn vô thượng.
Các bậc Bồ Tát thần thông trong mười phương nghe Bồ Tát Nhu Thủ giảng nói pháp vi diệu sâu xa, thảy đều vui mừng, mau đạt được định này.
***
Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Năm - Phẩm Mười Bảy - Phẩm Tham Hành - Phần Hai
Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Ba - Phẩm Ba Mươi Mốt - Phẩm Tuyên Hóa - Phần Ba
Phật Thuyết Kinh Tam Mạn đà Bạt đà La Bồ Tát - Phẩm Một - Phẩm Năm Sự Che Lấp
Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Sáu - phẩm Mười Năm - Phẩm Nhị Hạnh
Phật Thuyết Kinh Tạp A Hàm - Kinh điều Tương Sĩ
Phật Thuyết Kinh Tiểu Phẩm Bát Nhã Ba La Mật - Phẩm Mười Bảy - Phẩm Công đức Thâm Sâu - Tập Hai
Phật Thuyết Kinh Bát Nhã Ba La Mật - phẩm Bốn - Phẩm Vãng Sanh
Phật Thuyết Kinh Tiểu Bộ - Tập Tám - Trưởng Lão Tăng Kệ - Chương Hai - Phẩm Hai Kệ - Phẩm Hai
Phật Thuyết Kinh Nhân Vương Hộ Quốc Bát Nhã Ba La Mật đa - Phẩm Bốn - Phẩm Nhị đế