Phật Thuyết Kinh Tạp A Hàm - Kinh Lô - Phần Một

Kinh Nguyên thủy   •   Thứ hai, 25/12/2023, 22:03 PM

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Cầu Na Bạt Ðà La, Đời Tống

PHẬT THUYẾT KINH TẠP A HÀM

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư

Cầu Na Bạt Ðà La, Đời Tống  

KINH LÔ  

PHẦN MỘT  

Tôi nghe như vậy!

Một thời, Phật ở tại Vườn Trúc, khu Ca Lan Đà nơi thành Vương Xá.

Khi ấy Tôn Giả Xá Lợi Phất và Tôn Giả Ma Ha Câu Hi La cùng ở trong núi Kỳ Xà Quật.

Bấy giờ là buổi chiều, sau khi từ thiền tịnh tỉnh giấc, Tôn Giả Xá Lợi Phất đến chỗ Tôn Giả Ma Ha Câu Hi La, cùng nhau hỏi thăm, chúc tụng, rồi ngồi xuống xuống một bên, bạch Tôn Giả Ma Ha Câu Hi La: Tôi có điều muốn hỏi, Hiền Giả có rảnh để giải đáp cho không?

Tôn Giả Ma Ha Câu Hi La đáp lời Tôn Giả Xá Lợi Phất: Nhân giả cứ hỏi, điều gì biết được tôi sẽ trả lời.

Tôn Giả Xá Lợi Phất hỏi Tôn Giả Ma Ha Câu Hi La: Tôn Giả Ma Ha Câu Hi La, thế nào, có sự già không?

Đáp: Bạch Tôn Giả Xá Lợi Phất, có.

Lại hỏi: Có sự chết không?

Đáp: Có.

Lại hỏi: Thế nào, già chết là tự tác hay tha tác, là tự và tha tác, hay là chẳng phải tự chẳng phải tha mà vô nhân tác chăng?

Đáp: Bạch Tôn Giả Xá Lợi Phất, già chết chẳng phải tự tác, chẳng phải tha tác, chẳng phải tự và tha tác, cũng chẳng phải chẳng tự tha tác mà vô nhân tác. Nhưng do duyên sanh nên có già chết.

Như vậy, sanh, hữu, thủ, ái, thọ, xúc, sáu nhập xứ, danh sắc có phải là tự tác, là tha tác, là tự và tha tác, hay là chẳng phải tự tha tác mà vô nhân tác chăng?

Đáp: Bạch Tôn Giả Xá Lợi Phất, danh sắc chẳng phải tự tác, chẳng phải tha tác, chẳng phải tự và tha tác, cũng chẳng phải chẳng tự tha tác mà vô nhân tác. Nhưng danh sắc này do duyên thức mà sanh.

Lại hỏi: Thức này có phải là tự tác, là tha tác, là tự và tha tác, hay là chẳng phải tự tha tác mà vô nhân tác chăng?

Đáp: Bạch Tôn Giả Xá Lợi Phất, thức này chẳng phải tự tác, chẳng phải tha tác, chẳng phải tự và tha tác, cũng chẳng phải chẳng tự tha tác mà vô nhân tác. Nhưng thức này do duyên danh sắc mà sanh.

Tôn Giả Xá Lợi Phất lại hỏi: Tôn Giả Ma Ha Câu Hi La, trước đây Hiền Giả nói danh sắc chẳng phải tự tác, chẳng phải tha tác, chẳng phải tự và tha tác, chẳng phải chẳng tự và tha, vô nhân tác, nhưng danh sắc này duyên thức mà sanh ra.

Bây giờ, lại nói danh sắc duyên thức, vậy nghĩa này là thế nào?

Tôn Giả Ma Ha Câu Hi La đáp: Nay tôi sẽ nói thí dụ, nếu là người trí thì nhờ thí dụ sẽ hiểu được. Thí như ba cây lau được dựng lên nơi đất trống, nhờ nương tựa vào nhau mà có thể đứng vững. Nếu lấy ra một cây thì hai cây kia cũng không đứng được.

Nếu lấy đi hai cây thì một cây cũng không đứng vững, vì chúng phải nương vào nhau mới có thể đứng được. Thức duyên danh sắc lại cũng như vậy, phải nương tựa lẫn nhau mới sanh trưởng được.

Tôn Giả Xá Lợi Phất nói: Lành thay! Lành thay! Trong hàng Thanh Văn Đệ Tử của Thế Tôn, Tôn Giả Câu Hi La là người trí tuệ sáng suốt, khéo điều phục, không sợ hãi, thấy pháp Cam Lộ, tự thân chứng nghiệm đầy đủ với pháp Cam Lộ.

Nghĩa là Tôn Giả Ma Ha Câu Hi La có nghĩa biện tài sâu xa như vậy, thì có thể giải đáp tất cả các nạn vấn. Như ngọc quý vô giá, mà thế gian đội trên đầu. Nay tôi cũng xin đội Tôn Giả Ma Ha Câu Hi La trên đầu.

Bạch Tôn Giả Ma Ha Câu Hi La, hôm nay tôi rất vui mừng vì đã được nhiều lợi ích từ nơi Tôn Giả.

Còn những người phạm hạnh khác nhiều lần gặp được Tôn Giả thì chắc chắn cũng được thiện lợi, vì Tôn Giả khéo thuyết pháp.

Nay tôi sẽ đem những điều được nghe từ Tôn Giả Ma Ha Câu Hi La thuyết pháp, dùng ba mươi cách tán thán mà khen ngợi, tùy hỷ.

Tôn Giả Ma Ha Câu Hi La, nói già, chết là đáng ghê tởm, ly dục, diệt tận, đó gọi là Pháp Sư.

Hay nói rằng: Sanh, hữu, thủ, ái, thọ, xúc, lục nhập, danh sắc, thức là đáng chán chê, ly dục, diệt tận, thì đó cũng gọi là Pháp Sư.

Nếu Tỳ Kheo nào, đối với già, chết mà nhàm tởm, lo sợ, hướng đến ly dục, diệt tận, thì đó gọi là Pháp Sư. Cho đến, đối với thức mà nhàm tởm, lo sợ, hướng đến ly dục, diệt tận, thì đó cũng gọi là Pháp Sư.

Nếu Tỳ Kheo nào, đối với già chết mà nhàm tởm, lo sợ, ly dục, diệt tận, không khởi các lậu, tâm khéo giải thoát, thì đó gọi là Pháp Sư. Cho đến, đối với thức mà nhàm tởm, lo sợ, ly dục, diệt tận, không khởi các lậu, tâm khéo giải thoát, thì đó gọi là Pháp Sư.

Tôn Giả Ma Ha Câu Hi La nói với Tôn Giả Xá Lợi Phất: Lành thay! Lành thay! Trong hàng Thanh Văn đệ tử của Thế Tôn, người có trí tuệ sáng suốt, khéo điều phục, không sợ hãi, thấy pháp Cam Lộ, tự thân chứng nghiệm đầy đủ với pháp Cam Lộ.

Vì Tôn Giả Xá Lợi Phất là người có khả năng hỏi những điều sâu xa của chánh trí. Giống như hạt châu vô giá được người thế gian đội trên đầu.

Ngày nay Tôn Giả cũng vậy, được tất cả phạm hạnh cung kính, phụng sự một cách trân trọng. Hôm nay tôi rất vui mừng, vì được nhiều lợi ích nhờ cuộc đàm luận với Tôn Giả về diệu nghĩa.

Hai vị Chánh Sĩ tùy hỷ lẫn nhau, mỗi người trở về chỗ ở của mình.

***

icon

Tổng hợp

Cùng chủ đề

Phật Thuyết Kinh đại Thừa Mật Nghiêm - Phẩm Tám - Phẩm A Lại Da Vi Mật - Tập Sáu

Kinh Nguyên thủy   •   25.12.2023
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Địa Bà Ha La, Đời Đường

Phật Thuyết Kinh đại Thừa Mật Nghiêm - Phẩm Tám - Phẩm A Lại Da Vi Mật - Tập Năm

Kinh Nguyên thủy   •   25.12.2023
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Địa Bà Ha La, Đời Đường

Phật Thuyết Kinh đại Thừa Mật Nghiêm - Phẩm Tám - Phẩm A Lại Da Vi Mật - Tập Bốn

Kinh Nguyên thủy   •   25.12.2023
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Địa Bà Ha La, Đời Đường

Phật Thuyết Kinh đại Thừa Mật Nghiêm - Phẩm Tám - Phẩm A Lại Da Vi Mật - Tập Ba

Kinh Nguyên thủy   •   25.12.2023
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Địa Bà Ha La, Đời Đường

Phật Thuyết Kinh đại Thừa Mật Nghiêm - Phẩm Tám - Phẩm A Lại Da Vi Mật - Tập Hai

Kinh Nguyên thủy   •   25.12.2023
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Địa Bà Ha La, Đời Đường

Phật Thuyết Kinh đại Thừa Mật Nghiêm - Phẩm Tám - Phẩm A Lại Da Vi Mật - Tập Một

Kinh Nguyên thủy   •   25.12.2023
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Địa Bà Ha La, Đời Đường