Phật Thuyết Kinh Những điều Bồ Tát Hải ý Hỏi Về Pháp Môn Tịnh ấn - Phần Hai

Kinh Đại thừa   •   Thứ hai, 25/12/2023, 22:04 PM

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Duy Tịnh, Đời Triệu Tống

PHẬT THUYẾT KINH

NHỮNG ĐIỀU BỒ TÁT HẢI Ý

HỎI VỀ PHÁP MÔN TỊNH ẤN

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư

Duy Tịnh, Đời Triệu Tống  

PHẦN HAI  

Bấy giờ, Đại Bồ Tát Hải Ý nương vào thần lực của Phật, vì khắp tất cả chúng sinh hoan hỷ trong pháp hội này và vì Đại Phạm Thiên Vương Đại Bi Tư Duy đã khởi tâm kính tín, lại vì trang nghiêm chánh pháp ở đây, cũng vì hiển bày diệu lực trí tuệ biện tài của mình, nên tức khắc, Bồ Tát ấy cùng với hoa sen cao lớn và tòa Sư Tử kia đều vọt lên hư không, cao bảy cây Đa La, rồi ở trên không nói kệ:

Phương dưới, quá vô số cõi nước

Có Cõi Phật tên Công đức nghiêm

Phật Hiệu Hải Thắng Thần Thông Tuệ

Hiện ở nơi ấy làm hóa chủ.

Cõi ấy, các đức đều tròn đủ

Bồ Tát an trú không lo sợ

Pháp môn Phật Như Lai kia nói

Chúng ta nghe rồi đều thọ trì.

Cho nên chúng ta đến cõi ấy

Chiêm ngưỡng, kính lễ Bậc Thập Lực

Các Bồ Tát ấy đến nơi này

Đều thăm hỏi Phật Đại Ngưu Vương.

Nay con đảnh lễ Pháp Vương rồi

Cũng lễ Phật đại trí khó sánh

Chỗ nên cúng dường theo đó làm

Cúng dường khắp hết Phật Chánh Giác.

Thường quán thân Phật sắc vô sắc

Lìa thọ lìa hành cũng lìa thức

Ba thứ nhận lãnh này cũng không

Trong đó trong lặng thường thanh tịnh.

Nếu không sắc tướng và vẻ đẹp

Đó là chánh quán Phật Thế Tôn

Tuệ nhãn thanh tịnh chiếu Pháp Thân

Mới thấy nghĩa chân thật vô cấu.

Với pháp, không thủ cũng không xả

Không ngã, không ngã sở nhị biên

An trú nội nhập tánh tịch nhiên

Dứt trừ mọi chấp thủ ngoài tâm.

Phân biệt hữu, vô, lìa phân biệt

Tâm ấy vắng lặng như hư không

Là luôn cúng dường chư Thế Tôn

Nơi cờ chánh pháp khéo kiến lập.

Nếu quán các pháp giống như huyễn

Trong đó, cho nhận đều là không

Tuy biết tạo tác vốn không có

Cũng không lìa bỏ nơi các pháp.

Mà không quyết định cầu bồ đề

Lại không quyết định trụ sinh tử

Không tâm xan tham, không người thí

Xa lìa lỗi lầm trong bố thí.

Dừng nghĩ, điều tịch thân ngữ tâm

Hành theo ba nghiệp không bức não

Trừ các phiền não, dứt thiêu đốt

Trí sáng, các căn thường tịch tĩnh.

Tuy biết bồ đề vô sở đắc

Chẳng bỏ chúng sinh trụ vô ngã

Để độ các chúng sinh phá giới

Trì giới hạnh rộng lớn thanh tịnh.

Hiểu rõ tánh sát na các pháp

Cũng không bị các cảnh phá hoại

Trong tâm vắng lặng như hư không

Quán ngoài thế gian giống như huyễn.

Dù cắt thân thể ra từng mảnh

Cũng không khởi lên tâm sân hận

Cho đến ngồi cây thành bồ đề

Quyết giữ hạnh nhẫn Phật đã dạy.

Thường quán pháp như trăng đáy nước

Như bọt, như huyễn, như sóng nắng

Hiểu rõ không thọ cũng không nhân

Và cũng không Ma noa phạ ca.

Bồ Đề chúng sinh tuy vô đắc

Vì lợi tha nên cầu bồ đề

Nếu nghe lý này, sợ chẳng sinh

Trong ấy luôn phát hạnh tinh tấn.

Nếu thường nơi tâm không chấp trước

Đối với ngoại cảnh không sinh chán

biết được tâm hành của chúng sinh

Ở trong ba đời tùy thuận chuyển.

Khiến các chúng ma chẳng thể biết

Tâm sở hành tùy chỗ biến chuyển

Đến bờ bên kia khéo trụ tâm

Viên mãn thiền định, tuệ thần thông.

Con nghe pháp Chư Phật đã nói

Tùy theo chỗ nghe thường thọ trì

Dù trải qua trong vô biên kiếp

biện tài của Phật không cùng tận.

Lại ở trong tất cả Phật Pháp

Chúng sinh không đọa, cũng không đắm

Đủ tạng trí tuệ năng lực quý

Bậc vắng lặng, tự tại ba cõi.

Người đến, chỗ đến đều xa lìa

Trong đó, không đến cũng không đi

Tùy tâm sở hành của chúng sinh

Chỗ đến không trú, cũng không động.

Tuy đến bờ kia đủ các đức

Đối với các đức không chấp tướng

Thích Ca Đại Ngưu Vương tuyệt vời

Vì vậy nay con xin đảnh lễ.

Như mặt trời trong lành tỏa chiếu

Làm mờ ánh sáng các vì sao

Lại như ánh sáng của kiếp hỏa

Trên đến Phạm thế, dưới tới đất.

Lại như núi chúa lớn Tu Di

Giữ đất cũng như giữ các núi

Trong hào tướng Ngưu Vương Thích Ca

Quang minh tối thắng vượt tam giới.

Tất cả chúng Bồ Tát mười phương

Đều từ trong trăm Cõi Phật đến

Chiêm ngưỡng sắc tướng oai quang Phật

Tất cả đều sinh vui mừng lớn.

Tùy theo ý nguyện tâm chúng sinh

Như Lai đều vì họ khai thị

Con biết đại oai thần Như Lai

Nên từ nước con đến cõi này.

Phật dùng một âm diễn nói pháp

Tùy loại chúng sinh đều biết rõ

Cho đến tiếng chúng sinh sai khác

Như Lai tùy nghi vì họ nói.

Tất cả chúng sinh, ý sai biệt

Như cát như bụi còn tính được

Âm thanh vi diệu của Mâu Ni

Ngang bằng hư không, không thể tính.

Hư không, không thể lường ranh giới

Chúng sinh không thể biết hết số

Cho đến sinh tử trong đời trước

Cũng lại không thể biết hạn lượng.

biên giới hư không, số chúng sinh

Sinh tử đời trước còn thể biết

Cảnh giới định tuệ của Chư Phật

Rốt ráo không thể biết phần nhỏ.

Chúng sinh vô lượng đều quy mạng

Ngưu vương, pháp chủ Bậc tôn quý

Nhiều kiếp chuyên tu, trang nghiêm đức

biên vực sắc tướng không sánh được.

Phật ta đủ sức oai thần lớn

biết khắp sự tin hiểu chúng sinh

Đấng hy hữu này gặp khó biết

Đảnh lễ Bậc khéo độ các cõi.

Bấy giờ, Đại Bồ Tát Hải Ý nói kệ như thế rồi, từ trên không hạ xuống, hướng về Phật chắp tay cung kính đảnh lễ, bạch Phật: Bạch Thế Tôn! Nay con có điều muốn thưa hỏi Đức Như Lai Ứng Cúng Chánh Đẳng Chánh Giác. Nếu Đức Thế Tôn cho phép, con mới dám hỏi.

Phật bảo Bồ Tát Hải Ý: Này thiện nam! Ông cứ hỏi tự nhiên. Như Lai Ứng Cúng Chánh Đẳng Chánh Giác tùy theo từng điều nghi vấn đều có thể tuyên bày diễn nói khiến cho tâm ông khai mở.

Bồ Tát Hải Ý bạch Phật: Bạch Thế Tôn! Trước đây, con nghe có các Bồ Tát tự nói pháp môn Tam Ma Địa Tịnh ấn. Nếu co Đại Bồ Tát trụ Tam Ma Địa này thì có thể mau chứng quả vị giác ngộ cao tột.

Vậy Bồ Tát nên làm thế nào để đạt được pháp môn Tam Ma Địa tịnh ấn như thế?

Lại dùng hành tướng gì mà gọi là tự thuyết?

Thế nào là Tịnh ấn?

Làm sao có thể được nhập vào cửa của cảnh giới ấy?

Lại nữa, các Bồ Tát, nếu được nghe Tam Ma Địa ấy rồi thì làm thế nào để mau chóng chứng quả vị giác ngộ cao tột?

Cúi xin Thế Tôn vì con mà thuyết.

Phật bảo Đại Bồ Tát Hải Ý: Hay thay, hay thay! Bồ Tát Đại Sĩ! Điều nghi vấn ấy của ông rất có ý nghĩa.

Này Thiện Nam! Ông nên khởi tâm chuyên nhất, vững chãi, lắng nghe và thọ trì. Nay ta vì ông diễn nói. Nếu các Bồ Tát nào đạt được Tam Ma Địa tịnh ấn tự thuyết ấy thì có thể mau chứng đắc quả vị giác ngộ cao tột.

Bồ Tát Hải Ý bạch Phật: Kính bạch Thế Tôn! Con muốn được nghe.

Khi ấy, Bồ Tát Hải Ý vâng lời lắng nghe.

Phật nói: Này Hải Ý! Nếu co Bồ Tát đối với các căn lành, phát khởi, chuyên cần tinh tấn, tâm thiện đầy đủ, trụ nơi tụ chánh định, thì ở trong sinh tử có thể dùng lợi căn chứa nhóm các điều thiện, được thiện tri thức thâu nhận, oai thần của Chư Phật kiến lập, năng lực, nhân duyên đầy đủ, sẽ thường gần gũi Chư Phật Thế Tôn, tôn trọng cung kính, dùng hương hoa vi diệu, hương xoa, hương bột, vòng hoa, y phục, lọng báu, cờ, phướn, nhiều màu để cúng dường.

Nếu lại thấy tướng đầy đủ của Chư Phật Như Lai, hoặc nghe ngôn từ mỹ diệu của chánh pháp, hoặc thấy các thứ thanh tịnh viên mãn, lại được nghe trí vô ngại, hoặc thấy thần cảnh trí thông của Phật, hoặc thấy các việc biến hóa để điều phục chúng sinh của Như Lai.

Hoặc thần biến dạy bảo, hoặc khen ngợi thần biến, thấy như thế rồi, thì ở chỗ chúng sinh thường dùng tâm đại bi, phát tâm Vô Thượng, Chánh Đẳng, Chánh Giác, khởi đại tinh tấn, siêng cầu pháp thiện, đối với nhất thiết trí, tâm không quên mất, dùng hạnh tương ưng làm cho tâm ban đầu thanh tịnh. Tâm ban đầu đã thanh tịnh rồi, liền đắc Tam Ma Địa thanh tịnh ấy.

Này Hải Ý! Ví như ngọc báu đại ma ni, trao nơi người kheo giũa ngọc báu, người ấy khéo léo gò sửa, lại mài giũa cho trong sáng, đến khi ngọc báu ấy được trong suốt rồi, người làm ngọc kia liền tự nói: Ngọc ma ni báu này đã loại trừ các cấu bẩn, bỏ các tỳ vết đây là ngọc báu đại ma ni trong suốt, các bậc có trí đều ưa thích.

Này Hải Ý! từ chủng tánh Bồ Tát phát ra tâm báu nhất thiết trí, cũng giống như thế, vì cuối cùng có thể thành tựu quả vị giác ngộ cao tột. Do Bồ Tát ấy, trước hết vì thiện căn từ đời trước và hiện tại nghe pháp thiện rồi dùng để tôi luyện tâm báu nhất thiết trí ấy cho đến khi thành báu, trừ bỏ các pháp hư giả nơi tâm, xa lìa tội lỗi. Chư Phật Thế Tôn ở mười phương ba đời đều quý mến nên Bồ Tát ấy mới có thể tự nói đạt được pháp môn Tam Ma Địa Tịnh ấn.

Này Hải Ý! Lại như ngọc báu đại ma ni trong suốt vượt lên tánh chất của chín loại báu khác.

Những gì là chín?

1. Tánh chất vàng.

2. Tánh chất bạc.

3. Tánh chất pha để ca.

4. Tánh chất phệ lưu ly.

5. Tánh chất mã não.

6. Tánh chất san hô.

7. Tánh chất xích châu.

8. Tánh chất bảo kê tát lê.

9. Tánh chất tạng bảo cát tường.

Vượt lên chín chất báu như thế, mới gọi là ngọc báu đại ma ni sáng ngời, trong suốt vừa ý, tối thắng vô giá, là vật Chuyển Luân Thánh Vương thọ dụng chứ chẳng phải là vật các Vua khác thọ dụng. Lại nữa, ngọc báu đại ma ni có ánh sáng diệu kỳ, các loại ánh sáng khác cũng chẳng sánh kịp.

Này Hải Ý! Tâm báu nhất thiết trí của các Bồ Tát cũng lại như thế, có thể siêu vượt chín chủng tánh quý báu khác.

Những gì là chín?

1. Tánh báu tốt của tánh dị sinh phàm phu.

2. Tánh quý báu của bậc tùy tín hành.

3. Tánh quý báu của bậc tùy pháp hành.

4. Tánh báu vô tướng hành.

5. Tánh báu Tu Đà Hoàn.

6. Tánh báu Tư Đà Hàm.

7. Tánh báu A Na Hàm.

8. Tánh báu A La Hán.

9. Tánh báu Duyên Giác.

Siêu vượt chín tánh báu như thế mới gọi tánh báu tâm đại bi sâu xa kiên cố thứ mười tất cả Chư Phật cùng gia trì. Bồ Tát tôi luyện như thế sẽ phát sinh tâm báu nhất thiết trí. Khi vượt trên tất cả hàng Thanh Văn, Duyên Giác nên có thể chiếu soi chủng tử tương tục của tất cả chúng sinh.

Này Hải Ý! Lại như ngọc báu đại ma ni chân thật có thể chịu đựng sự mài giũa, mặc tình đập ép, khoan dùi cũng không sứt mẻ. Ngọc báu ma ni kia đối với thế gian có tác dụng tốt, làm các việc phước cho chúng sinh. Bồ Tát trồng các căn lành đã lâu cũng giống như thế.

Khi vị ấy phát tâm báu nhất thiết trí thì chịu đựng mọi sự va chạm phá hoại, xuyên tạc, tạo chướng ngại cũng không suy suyễn, đó là tâm báu chân thật, lìa các lỗi lầm, tâm báu nhất thiết trí đó có thể vì tất cả chúng sinh làm lợi ích lớn.

***

icon

Tổng hợp

Cùng chủ đề

Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Ba - Phẩm Ba Mươi Mốt - Phẩm Tuyên Hóa - Phần Ba

Kinh Đại thừa   •   25.12.2023
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Cưu Ma La Thập, Đời Diêu Tần