Phật Thuyết Kinh Những điều Bồ Tát Hải ý Hỏi Về Pháp Môn Tịnh ấn - Phần Hai Mươi Năm
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Duy Tịnh, Đời Triệu Tống
PHẬT THUYẾT KINH
NHỮNG ĐIỀU BỒ TÁT HẢI Ý
HỎI VỀ PHÁP MÔN TỊNH ẤN
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư
Duy Tịnh, Đời Triệu Tống
PHẦN HAI MƯƠI NĂM
Này Hải Ý! Nếu bố thí thanh tịnh thì đó chính là tuệ. Nếu hồi hướng thanh tịnh thì chính là phương tiện. Nếu trì giới, nhẫn nhục, tinh tấn, thiền định thanh tịnh thì đó chính là tuệ. Nếu hồi hướng thanh tịnh tức là phương tiện. Nói tóm lại, tất cả thiện căn thanh tịnh, đó chính là trí tuệ. Hồi hướng thanh tịnh tức là phương tiện.
Hải Ý bạch Phật: Bạch Thế Tôn! Thế nào là thiện căn thanh tịnh của Bồ Tát?
Thế nào là hồi hướng thanh tịnh?
Thế nào là tuệ thanh tịnh?
Thế nào là phương tiện thanh tịnh?
Phật nói: Này Hải Ý! Thiện căn thanh tịnh của Bồ Tát là vì xa lìa cái thấy về ngã, nhân, chúng sinh, thọ giả, sau đó tích tập thiện căn nơi các cõi. Hồi hướng thanh tịnh nghĩa là ở trong pháp không, vô tướng, vô nguyện mà thành tựu đầy đủ thiện căn, hồi hướng bồ đề. Tuệ thanh tịnh nghĩa là đều biết rõ về trí tánh, về căn đầu cuối của tất cả chúng sinh. Phương tiện thanh tịnh là khéo vì chỗ thích ứng của tất cả chúng sinh mà thuyết pháp.
Lại nữa, Hải Ý! Thiện căn thanh tịnh là tuy thị hiện thọ sinh ở nơi các cõi, các nẻo mà không chấp trước, vướng mắc, sau đó tích tập thiện căn các cõi. Hồi hướng thanh tịnh là xa lìa sự tác ý của tất cả Thanh Văn, Duyên Giác, khéo thâu tóm mọi thiện căn các thừa, ngõ hầu hồi hướng nơi pháp Đại Thừa.
Tuệ thanh tịnh là rộng vì các thứ chủng tử, tập khí của tất cả phiền não mà đoạn trừ. Phương tiện thanh tịnh nghĩa là vì muốn hóa độ chúng sinh nên trước hết đồng sự, sau đó mới chỉ bày pháp Đại Thừa.
Này Hải Ý! Thiện căn thanh tịnh nghĩa là Bồ Tát duỗi bàn tay báu ban rải khắp tất cả vật thọ dụng vô tận. Hồi hướng thanh tịnh là dùng thiện căn nơi các cõi của tất cả chúng sinh, tất cả hàng hữu học, vô học, tất cả Duyên Giác, tất cả Bồ Tát, tất cả Chư Phật thâu gồm vào trong sự hồi hướng.
Tuệ thanh tịnh nghĩa là nắm giữ tất cả chỗ thuyết giảng của Chư Phật, đều dùng ấn Đà La Ni ấn chứng khiến chỗ nắm giữ ấy không bao giờ hoại mất. Phương tiện thanh tịnh là dùng biện tài vô đoạn, biện tài vô ngại, vì chúng sinh khéo giảng nói pháp không hư dối, khiến cho các chúng sinh đều được hoan hỷ.
Lại nữa, này Hải Ý! Thiện căn thanh tịnh là ở nơi đời sống chúng sinh mà thường không xa lìa tâm đại bồ đề. Hồi hướng thanh tịnh là không quên mất tâm đại bồ đề, dùng các thiện căn mà hồi hướng nơi Nhất thiết trí. Tuệ thanh tịnh là khéo an trú tâm đại bồ đề làm căn bản. Phương tiện thanh tịnh là an trú bình đẳng nơi tâm bồ đề, vì người khác mà chỉ bày pháp bồ đề.
Bồ Tát Hải Ý lại bạch Phật: Bạch Thế Tôn! Như chỗ con hiểu về nghĩa Phật dạy, các phương tiện thiện xảo là bồ đề của Bồ Tát. Bát nhã Ba la mật đa thanh tịnh thông đạt tất cả chốn là bồ đề, không một pháp nào là chẳng phải bồ đề.
Vì sao?
Bạch Thế Tôn! Nếu biết rõ tánh bình đẳng của tất cả pháp tức là bồ đề. Cho nên Chư Bồ Tát chớ ở nơi bồ đề mà sinh tưởng xa rời. Nếu Bồ Tát ở trong các pháp như cảnh của sáu trần làm chướng ngại thì lúc đó cần phải biết rõ như thật tức là bồ đề. Nếu Bồ Tát hiểu rõ như vậy liền đạt được phương tiện thiện xảo thanh tịnh và Bát Nhã Ba La Mật Đa thanh tịnh.
Lúc ấy, Đức Thế Tôn khen Bồ Tát Hải Ý: Lành thay, lành thay! Đúng như điều ông nói! Bồ Tát đầy đủ phương tiện thiện xảo và bát nhã Ba la mật đa thanh tịnh, ở trong các pháp, hoặc cảnh lục trần mà bị chướng ngại thì lúc ấy cần phải biết rõ như thật tức là bồ đề.
Này Hải Ý! Vì duyên cớ ấy nên Bồ Tát cần phải biết rõ như thật.
Lại nữa, này Hải Ý! Ta nhớ về thời quá khứ vô lượng, vô biên A tăng kỳ kiếp, về trước không thể tính kể, so sánh, lúc ấy có Phật xuất hiện thế gian hiệu là Vô biên Quang Chiếu gồm đủ mười tôn hiệu: Như Lai, Ứng Cúng, Chánh biến Tri, Minh Hạnh Túc, Thiện Thệ, Thế Gian Giải, Vô Thượng Sĩ, Điều Ngự Trượng Phu, Thiên Nhân Sư, Phật Thế Tôn. Thế Giới ấy tên là Thiện biến hóa, kiếp tên là Quang vị.
Vì nhân duyên gì gọi Đức Phật ấy là Vô biên Quang Chiếu?
Vì Đức Thế Tôn ấy lúc mới ngồi nơi Đạo Tràng Bồ Đề, chưa chứng nhất thiết trí, đang ở quả vị Bồ Tát, lúc ấy thân đều phóng ra vô vàn ánh sáng, tỏa chiếu khắp mười phương vô lượng A tăng kỳ cõi nước của Chư Phật không thể tính đếm, trong tất cả Cõi Phật ấy, hiện có hết thảy Bồ Tát bất thoái chuyển và Bồ Tát nhất sinh bổ xứ. Các Bồ Tát thấy các Bồ Tát ấy ngồi nơi Đạo Tràng Bồ Đề, thấy rồi mỗi vị liền hướng đến Bồ Tát ấy tung rải diệu hoa.
Chỗ tán hoa đó nhờ thần lực của Phật nên tất cả đều tụ hội đến thân Bồ Tát ấy. Mỗi một hoa ở trong Thế Giới Thiện biến hóa đều tích tụ cao lớn bằng bảy thân người. Vì duyên cớ đó nên kiến lập tên của Đức Phật là Vô biên Quang Chiếu và kiếp tên là Quang vị.
Này Hải Ý! Trong kiếp ấy có mười bốn câu chi Như Lai xuất hiện ở thế gian. Thế Giới Thiện biến hóa ấy đầy đủ đại oai thần an ổn, vui tươi, tất cả chúng trời, người đều hưng thịnh, cõi nước rộng lớn. Có chín mươi sáu câu chi na do tha trăm ngàn đại châu, dài rộng tám mươi bốn trăm ngàn do tuần. Mỗi một trăm ngàn do tuần có tám vạn bốn ngàn châu thành.
Mỗi một châu thành có tám vạn bốn ngàn huyện ấp, xóm làng. Trong mỗi một thành có mười câu chi na do tha trăm ngàn dân chúng cùng ở một chỗ. Mỗi một huyện ấp có tám câu chi dân chúng cư ngụ. Thế Giới ấy các dân chúng giàu có hãy còn như thế, huống gì là có đại oai đức của Chư Thiên, Long thần.
Lại nữa, Thế Giới ấy làm thành bằng bốn báu: Đó là vàng, bạc, lưu ly, phả chi ca. Lại nữa, Thế Giới ấy tùy theo chỗ nhớ nghĩ mà có các thứ ăn uống, y phục trang nghiêm, các vật dụng đều tự nhiên sung mãn. Dân chúng trong Thế Giới đó không có ngã và ngã sở.
Này Hải Ý! Đức Như Lai Ứng Cúng Chánh Đẳng, Chánh Giác Vô biên Quang Chiếu thọ lượng đến mười trung kiếp, có ba mươi sáu câu chi na do tha trăm ngàn chúng Thanh Văn, một ngàn hai trăm câu chi chúng Đại Bồ Tát.
Có một vương thành gọi là Thiện thanh tịnh, là chỗ sinh ra của Đức Thế Tôn ấy. Sau khi Đức Phật đó ra khỏi vương thành, Đức Phật dừng chân ở một quốc thành gọi là Lạc sinh. Nơi đại thành này có một vị Chuyển Luân Thánh Vương tên là Thiện Tịnh Cảnh Giới, thống lãnh tam thiên Thế Giới, đầy đủ bảy báu, là chỗ thọ dụng của Vua.
Này Hải Ý! Vua Thiện Tịnh Cảnh Giới ấy đã phát tâm Vô Thượng, Chánh Đẳng, Chánh Giác, thâm tâm tròn đủ, đối với tất cả chúng sinh luôn khởi tam không chướng ngại. Vua có tám mươi bốn câu chi na do tha trăm ngàn cung tần, thể nữ đều đoan chánh đẹp đẽ như tướng Thiên Nữ.
Các cung nữ ấy cũng đều phát tâm Vô Thượng, Chánh Đẳng, Chánh Giác. Vua Thiện Tịnh Cảnh Giới cung thỉnh Đức Thế Tôn Vô biên Quang Chiếu Như Lai và đại chúng Bồ Tát, Thanh Văn để cúng dường trải qua hai trung kiếp.
Tất cả các vị ấy đều đã thanh tịnh như pháp, lìa các lỗi lầm, y theo pháp Sa Môn để thọ nhận các thứ y phục, thức ăn uống, thuốc thang, tọa cụ và tất cả mọi vật dụng cần thiết khác. Vị Vua ấy vì Đức Thế Tôn nên lập riêng tinh xá thanh tịnh, trang nghiêm, dài rộng đến trăm ngàn do tuần.
Mặt đất làm bằng lưu ly, tường vách và phòng ốc bên trong đều bằng bảy báu, các rường cột ở mọi nơi trong ấy đều làm bằng Xích chiên đàn hương và chiên đàn hương Ô La Ta hết sức khéo đẹp, thù thắng ngang với các cung trời. Thứ nữa, lại bài trí mười ngan lầu gác dành cho đại chúng Bồ Tát và Thanh Văn lần lượt an tọa.
Này Hải Ý! Vua Thiện Tịnh Cảnh Giới phụng hành chánh pháp thanh tịnh của Phật ấy, thọ trì năm giới, tinh tu phạm hạnh cùng với các cung tần quyến thuộc trải qua hai trung kiếp, thừa sự và cúng dường Đức Thế Tôn rồi Nhà Vua cùng đầy đủ các quyến thuộc đến chỗ Đức Như Lai Vô biên Quang Chiếu. Cung kính đảnh lễ và nhiễu quanh bên phải bảy vòng, lui sang một bên.
Bấy giờ, Vua Thiện Tịnh Cảnh giới bạch với Đức Như Lai Vô biên Quang Chiếu: Bạch Thế Tôn! Thế nào là Bồ Tát ở trong đại thừa không tin theo điều khác?
Thế nào là Bồ Tát tuy hướng cầu đạo tối thắng nhưng không có tướng ngã?
Thế nào là Bồ Tát an trú nơi tuệ bất động mà chẳng phải bất động?
Thế nào là Bồ Tát đắc tuệ phương tiện thanh tịnh?
Thế nào là Bồ Tát đạt được sự quán sát lâu bền mà không đoạn mất gốc rễ?
Thế nào là Bồ Tát ở nơi cảnh giới sáu trần tuy tăng trưởng mà không hề phóng dật?
Thế nào là Bồ Tát ở trong nghĩa lý thâm diệu mà không sinh sợ hãi?
Thế nào là Bồ Tát được gọi là là Bồ Tát chân thật?
Lúc ấy, Vô biên Quang Như Lai bảo với Vua Thiện Tịnh Cảnh giới: Này Đại Vương! Hãy lắng nghe, lắng nghe và khéo tác ý, ta sẽ vì ông mà giảng nói!
Có bốn loại pháp nếu chư Bồ Tát có thể hành trì đầy đủ thì ở trong đại thừa không tin theo điều khac.
Những gì là bốn?
1. từ thắng giải sinh ra nên tin pháp Thánh xuất thế.
2. Dũng mãnh bất thoái nên siêng hành tinh tấn, hóa độ chúng sinh.
3. Khéo quán sát nên khởi trí thần thông hiện hành diệu dụng.
4. Trí tùy thuận biết ro pháp nên đối với tất cả pháp khởi tướng quyết trạch.
Này Đại Vương! Có bốn pháp nếu Bồ Tát có thể hành tròn đủ thì hướng tới đạo tối thắng mà không sinh tướng ngã.
Những gì là bốn?
1. Không chấp nơi thiền vị mà tâm luôn điều hợp.
2. Không vướng mắc vào chỗ vui của chính mình, luôn bố thí niềm an vui cho kẻ khác.
3. Thành tựu hạnh đại từ, an trú đại bi.
4. Được sự tin hiểu rộng lớn, có thể khởi niềm vui tối thượng, tối thắng.
Này Đại Vương! Có bốn pháp, nếu Bồ Tát có thể hành tròn đủ thì được an trú nơi tuệ bất động mà chẳng phải bất động.
Những gì là bốn?
1. Nội tâm xa lìa hư dối.
2. Nội tâm thanh tịnh, đầy đủ phương tiện.
3. Thâm tâm theo phương tiện không hề thoái chuyển.
4. Thâm tâm không xả chốn hành.
Này Đại Vương! Có bốn pháp nếu Bồ Tát có thể hành đầy đủ thì đạt được tuệ phương tiện thanh tịnh.
Những gì là bốn?
1. Tuy quán sát tất cả pháp vô ngã nhưng thường dùng bốn nhiếp pháp để hóa độ chúng sinh.
2. Tuy biết tất cả pháp là bất khả thuyết nhưng thường dùng âm Thanh Văn tự, vì các chúng sinh diễn nói pháp yếu, hộ trì chánh pháp.
3. Tuy quán xét pháp thân của Chư Phật nhưng thường tin hiểu tất cả công đức Như Lai, thành tựu tướng hảo, tinh tấn không hề biếng trễ.
4. Tuy quán tất cả Cõi Phật là vắng lặng nhưng thường nghiêm tịnh Cõi Phật, siêng hành không ngừng nghỉ.
Này Đại Vương! Có bốn pháp, nếu Bồ Tát có thể hành trì đầy đủ thì đạt được sự quán sát lâu xa mà không bị đoạn mất gốc rễ.
Những gì là bốn?
1. Có thể khéo quán sát Đạo Tràng Bồ Đề, vì không hề xả bỏ tâm bồ đề.
2. Khéo quán trí Phật, vì không vướng mắc vào trí của mình.
3. Khéo quán về việc chuyển pháp luân mầu, tùy theo chỗ nghi hoặc pháp của mỗi chúng sinh, đều có thể vì họ giảng nói không hề chậm trễ.
4. Khéo quán pháp Đại Niết Bàn, không xa lìa pháp sinh diệt.
Này Đại Vương! Có bốn pháp, nếu chư Bồ Tát có thể hành trì đầy đủ thì ở nơi cảnh giới sáu trần tuy có tăng trưởng mà không phóng dật.
Những gì là bốn?
1. Làm Chuyển luân thanh vương hóa độ quần sinh, khéo quán các hành vô thường, tuy cảnh giới nơi sáu trần có tăng trưởng mà không phóng dật.
2. Làm Đế Thích Thiên chủ hóa độ các Thiên chúng, khéo quán các hành là khổ, tuy cảnh giới nơi sáu trần có tăng trưởng mà không phóng dật.
3. Hiện làm Ma Vương giáo hóa các chúng ma, khéo quán các pháp là vô ngã, tuy cảnh giới nơi sáu trần có tăng trưởng nhưng không hề phóng dật.
4. Làm Đại Phạm Thiên Vương giáo hóa các Phạm chúng, khéo quán Niết Bàn là vắng lặng, tuy cảnh giới sáu trần có tăng trưởng mà không hề phóng dật.
Này Đại Vương! Có bốn pháp, nếu Bồ Tát có thể hành trì đầy đủ thì ở nơi nghĩa lý thâm diệu mà không hề sợ hãi.
Những gì là bốn?
1. Thân cận thiện hữu chân thật.
2. Đối với thiện hữu khai mở pháp Phật, bồ đề sâu xa liên tục không gián đoạn.
3. Đối với các Kinh Điển thâm diệu như vậy dẫu xa hàng trăm do tuần cũng đến nghe nhận va quyết chọn về nghĩa lý.
4. Khởi tuệ truy nguyên như chỗ nghe pháp, chỉ y theo nghĩa lý chứ không dựa vào vào văn tự.
Này Đại Vương! Có bốn pháp, nếu Bồ Tát có thể hành trì đầy đủ thì được gọi là Bồ Tát chân thật.
Những gì là bốn?
1. Tinh tấn siêng hành các Ba la mật.
2. Khởi tâm đại bi, siêng hành hóa độ tất cả chúng sinh.
3. Dùng sức tinh tấn, siêng hành viên mãn tất cả pháp Phật.
4. Có thể ở trong vô lượng sinh tử, siêng hành giáo hóa không sinh lòng chán mệt. Lại có thể tích tập phước trí, thắng hạnh.
Bốn pháp như vậy nếu Bồ Tát có thể hành trì đầy đủ thì được gọi là Bồ Tát chân thật.
Này Hải Ý! Lúc Như Lai Vô biên Quang Chiếu nói bốn loại pháp môn như vậy, trong pháp hội ấy có mười ngàn câu chi na do tha người phát tâm Vô Thượng, Chánh Đẳng, Chánh Giác.
Tám câu chi nado tha trăm ngàn Bí Sô dứt hết các lậu, tâm ý mở bày, không còn bị các pháp chi phối, các cung tần mỹ nữ, Thái Tử của Vua đều được pháp nhẫn nhu thuận. Vua Thiện Tịnh Cảnh Giới được pháp nhẫn lợi thuận, tức thì tâm Vua hoan hỷ, vui mừng khôn xiết, liền dùng tất cả các vật thọ dụng vi diệu hiện có cúng dường Đức Phật.
***
Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Năm - Phẩm Mười Bảy - Phẩm Tham Hành - Phần Hai
Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Ba - Phẩm Ba Mươi Mốt - Phẩm Tuyên Hóa - Phần Ba
CÂU CHUYỆN HOÀ THƯỢNG KIM BÍCH PHONG
Phật Thuyết Kinh đại Phương đẳng đại Tập Hiền Hộ Bồ Tát - Phẩm Mười Sáu - Phẩm Phụng Sự Pháp Sư
Phật Thuyết Kinh Trung A Hàm - Phẩm Mười Năm - Phẩm Song - Kinh Ngưu Giác Sa La Lâm
Phật Thuyết Kinh Văn Thù Sư Lợi Tịnh Luật - Phẩm Bốn - Phẩm đạo Môn
Phật Thuyết Kinh Tạp A Hàm - Kinh đại Phú
Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Hai - Phẩm Tám Mươi - Phẩm đạo Sĩ - Phần Một
Phật Thuyết Kinh Bách Dụ - Kinh Thứ Sáu Mươi Mốt - Kinh Sáng Tạo Muôn Vật