Phật Thuyết Kinh Những điều Bồ Tát Hải ý Hỏi Về Pháp Môn Tịnh ấn - Phần Mười Ba
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Duy Tịnh, Đời Triệu Tống
PHẬT THUYẾT KINH
NHỮNG ĐIỀU BỒ TÁT HẢI Ý
HỎI VỀ PHÁP MÔN TỊNH ẤN
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư
Duy Tịnh, Đời Triệu Tống
PHẦN MƯỜI BA
Nói về bình đẳng này
Không tướng, không sai biệt
Cầu Pháp Phật như thế
Cầu các pháp cũng vậy.
Nếu pháp không sở đắc
Tức là không phân biệt
Phật và pháp Chư Phật
Tất cả pháp đều vậy.
Đại Tiên ở Đạo Tràng
Đắc chánh pháp bình đẳng
Phật và pháp Chư Phật
Ở Đạo Tràng quán sát.
Nói về Pháp Phật ấy
Bình đẳng nên thường còn
Bình đẳng không cao thấp
Như hư không thanh tịnh.
Như Phật và trí Phật
Phật kia nói thế này
Các pháp do duyên sinh
Tự tánh không sở hữu.
Nếu tự tánh không có
Không pháp nhỏ nào sinh
Thật tế nếu biết vậy
Thế gian không biên vực.
Trong giới hạn khởi trí
Tùy chuyển tất cả pháp
Gọi là pháp quá khứ
Và pháp vị lai kia.
Đều là pháp hiện tại
Đó là pháp Chư Phật.
Như vậy trong ba thời
Trí Phật không chấp trước.
Do trí không chấp trước
Nên Mâu Ni nói pháp.
Gọi là mười lực Phật
Và bốn vô sở úy.
Mười tám pháp bất cộng
Pháp công đức của Phật
Trong đó gồm thâu hết
Tất cả pháp hiện hữu.
Tất cả pháp như thế
Tức là các Pháp Phật.
Đại Phạm Thiên Vương Đại Bi Tư Duy lại thưa với Bồ Tát Hải Ý: Thưa Đại Sĩ! Đối với pháp như thế, Đại Sĩ làm sao thấy được?
Bồ Tát đáp: Này Đại Phạm! Pháp Phật có rơi vào sắc chăng?
Phạm Thiên đáp: Không!
Bồ Tát nói: Nếu pháp chẳng phải sắc thì chẳng thể thấy.
Nếu không đối ngại tức là không hiện rõ thì làm sao có cái thấy ở trong đó?
Phạm Thiên thưa: Không, thưa Đại Bồ Tát!
Bồ Tát Hải Ý nói: Này Đại Phạm! Nếu Pháp Phật không thể thấy thì tất cả pháp cũng vậy.
Vì sao?
Vì pháp vốn không hai. Pháp không hai này tức là tất cả pháp.
Này Đại Phạm! Nếu pháp có thể thấy được tức pháp ấy có tướng. Nghĩa là dùng sự không phân biệt để có thể thấy Pháp Phật không phân biệt. Nếu thấy đúng như thế thì đó chính là Pháp Phật.
Nếu thấy Pháp Phật như thế thì đó là thấy đúng.
Phạm Thiên thưa: Thưa Đại Bồ Tát! Nếu như thế thì đối với tất cả pháp, Như Lai không thấy?
Bồ Tát đáp: Nếu Như Lai đối với Pháp Phật có cái để thấy tức là Như Lai và các Pháp Phật thật có định tính có thể nắm bắt.
Đại Phạm thưa: Thưa Bồ Tát! Nếu đúng như vậy thì Pháp Phật không có sao?
Bồ Tát đáp: Này Đại Phạm! Nếu pháp không có tánh cố định chân thật thì trong đó, có hay không đều bất khả thuyết. Nếu pháp chẳng phải có hay không thì nó khong có cái để thấy sở kiến.
Phạm Thiên thưa: Nếu vậy thì do duyên cớ gì nay ở trong hội này, Thế Tôn thuyết pháp Phật?
Bồ Tát đáp: Này Đại Phạm! Như nói hư không, chẳng phải hư không kia có tánh cố định chân thật, Pháp Phật cũng giống như thế. Ở đây nói Phật Pháp, chẳng phải Pháp Phật kia có tánh cố định chân thật.
Phạm Thiên khen: Hy hữu thay, thưa Bồ Tát! Nếu Bồ Tát mới phát tâm nghe nói điều này rồi mà không sinh kinh sợ thì Bồ Tát ấy, ở trong Pháp Phật, đã mang áo giáp kiên cố.
Bồ Tát nói: Này Đại Phạm! Nếu chúng sinh nào được Phật gia trì rồi, phát tâm Bồ Đề thì khi nghe nói Pháp Phật sâu xa này sẽ không sinh sợ hãi.
Lại nữa, này Đại Phạm! Chúng sinh nào có thủ, có chấp thì liền sinh sợ hãi, còn chúng sinh nào không thủ không chấp thì không sinh sợ hãi. Chúng sinh nào có nương tựa, có buộc ràng thì liền sinh sợ hãi, còn chúng sinh nào không nương tựa, không buộc ràng thì không sinh sợ hãi. Chúng sinh nào có ngã và sở kiến của ngã thì liền sinh sợ hãi, còn chúng sinh nào lìa ngã và sở kiến của ngã thì không sinh sợ hãi.
Đại Phạm thưa: Thưa Bồ Tát! Bồ Tát có bao nhiêu loại năng lực, nếu các Bồ Tát có đủ năng lực đó thì ở trong Pháp Phật sâu xa như thế không sinh sợ hãi?
Bồ Tát đáp: Này Đại Phạm! Các Bồ Tát có tám loại năng lực, nếu các Bồ Tát nào có đủ năng lực ấy thì ở trong Pháp Phật sâu xa như thế mới không sinh sợ hãi.
Những gì là tám?
1. Lực tin không chướng ngại, nên đối với các Pháp Phật phát sinh sự hiểu biết thù thắng.
2. Lực thiện tri thức do sự tôn trọng phát sinh, vì thành ý nghe theo lời tôn sư.
3. Lực tuệ, do đa văn phát sinh, vì pháp xuất thế gian đều viên mãn.
4. Thừa lực sự, do phước hạnh phát sinh vì vô lượng phước hạnh đều viên mãn.
5. Lực trí do tác ý sâu bền phát sinh vì phá diệt các ma.
6. Lực đại bi do đại từ phát sinh vì ở nơi không ngã, pháp, lìa nghi hoặc.
7. Lực khéo tư duy do an định phát sinh vì không quên mất tâm Bồ Đề.
8. Lực nhẫn do không tin pháp nào khác phát sinh vì đạt được pháp nhẫn vô sinh mầu nhiệm.
Này Đại Phạm! Đó là tám loại năng lực thù thắng của Bồ Tát. Nếu Đại Bồ Tát nào có đủ những năng lực ấy thì có thể ở trong Pháp Phật sâu xa mà không sinh sợ hãi.
Bấy giờ, Đức Thế Tôn khen Đại Bồ Tát Hải Ý: Hay thay, hay thay, Hải Ý! Ông khéo giảng nói tám năng lực này của Bồ Tát. Nếu các Bồ Tát đầy đủ những năng lực đó thì có thể ở trong Pháp Phật sâu xa không sinh sợ hãi. Lại nữa, ở trong Pháp Phật, tùy theo pháp đã nghe, không sinh sợ hãi.
Hải Ý nên biết! Các âm thanh thuyết pháp đều là phân biệt. Nếu ở trong thắng nghĩa đế của Bồ Đề thì không thể thuyết.
Vì sao?
Vì thắng nghĩa đế ấy chẳng phải ngữ ngôn, chẳng phải diễn đạt, cũng chẳng phải nẻo hành của văn tự tích tập. Lại càng chẳng phải tâm và tâm sở pháp có thể chuyển, huống là nẻo hành của văn tự.
Này Hải Ý! Như chỗ ông quán sát, pháp Chư Phật Thế Tôn đã nói chỉ là đại bi chuyển của tất cả chúng sinh không thể nghĩ bàn, mới ở trong pháp sâu xa như thế thành Chánh Giác. Ở trong pháp không văn tự, không ngữ ngôn, không ghi chép, không diễn đạt vì chúng sinh và Bổ Đặc Già La khác mà mượn văn tự kiến lập tuyên thuyết.
Này Hải Ý! Ví như có người biết hư không này chẳng có sắc tướng nên không thể thấy, chẳng gì ngăn trở nên không hiện rõ, nhưng trong hư không, hiện đủ các loại sắc tướng hình tượng màu sắc rực rỡ như voi ngựa, xe cộ, Trời, Rồng, Dạ Xoa, Càn Thát Bà…
Này Hải Ý! Theo ý ông thì sao?
Người kia làm ra những thứ ấy có khó không?
Bồ Tát Hải Ý thưa: Bạch Thế Tôn! Người kia làm ra những thứ ấy vô cùng khó khăn.
Phật nói: Này Hải Ý! Chư Phật Thế Tôn lại càng khó khăn hơn người ấy.
Vì sao?
Vì ở trong pháp bất khả thuyết, thành Chánh Giác rồi, mượn ngôn thuyết vì chúng sinh và các Bổ Đặc Già La khác, kiến lập tuyên thuyết. Bởi vì ở trong nghĩa bất khả thuyết biết rõ như thật nên Chư Phật có thể làm được việc khó làm.
Này Hải Ý! Nếu lại có người ở trong Pháp Phật sâu xa này chẳng kinh chẳng sợ, chẳng sinh khiếp đảm thì nên biết người ấy đã ở đời Phật quá khứ trồng sâu căn lành, tu các thắng hạnh, vì vậy ở trong Pháp Phật sâu xa này không sinh sợ hãi.
Lại nữa, nếu có người đối với Kinh Điển sâu xa, là pháp tất cả thế gian khó tin khó hiểu, mà biết rõ như thật, thọ trì đọc tụng, rộng vì mọi người nói thì nên biết người ấy có thể giữ gìn tất cả pháp tạng của Như Lai, có thể giữ gìn tất cả các phần pháp thiện của chúng sinh.
Lại nữa, Hải Ý! Nếu có Bồ Tát được Phật nhãn soi chiếu thì có thể ở trong vô lượng Cõi Phật, chứa đầy châu báu dùng để cúng dường các Đấng Như Lai ấy, bố thí rộng khắp, thì theo ý ông như thế nào?
Vị Bồ Tát ấy do duyên cớ này được phước nhiều chăng?
Hải Ý bạch Phật: Bạch Thế Tôn! Rất nhiều! Bạch Thiện Thệ! Rất nhiều! Phước ấy vô lượng vô số, cho đến cũng không thể ví dụ được.
Phật nói: Này Hải Ý! Nay ta nói với ông, ông nên biết, nếu có Bồ Tát có thể ở trong pháp của Như Lai, khéo léo giữ gìn, khiến hạt giống Tam Bảo không đoạn không tuyệt, thì đối với các chúng sinh không bỏ đại bi.
Đối với Kinh Điển sâu xa như thế, ở trong pháp đại trí của Như Lai có thể biết rõ rồi thọ trì, đọc tụng, huống là trong ấy như lý tu hành thì phước đức Bồ Tát này đạt được nhiều hơn phước đức trước.
Vì sao?
Vì nếu bố thí về của cải thì chỉ có thế gian ưa thích, còn người bố thí pháp thì việc này vượt lên trên tất cả thế gian.
Lại nữa, này Hải Ý! Nếu Bồ Tát nào có thể hộ trì chánh pháp thì Bồ Tát ấy được bốn thứ thâu nhận.
1. Được Phật thâu nhận.
2. Được trời thâu nhận.
3. Được phước thâu nhận.
4. Được trí thâu nhận.
Nếu các Bồ Tát được Phật thâu nhận thì sẽ được bốn loại pháp tối thắng.
Những gì là bốn?
1. Thường được gần gũi chiêm ngưỡng Như Lai.
2. Tất cả ma không tìm thấy chỗ sơ hở.
3. Được môn Đà La Ni vô tận.
4. Mau đủ thần lực, trụ quả vị không thoái chuyển.
Này Hải Ý! Các Bồ Tát được Phật thâu nhận thì đạt được bốn loại pháp tối thắng như thế. Còn các Bồ Tát được Trời thâu nhận thì sẽ được bốn thứ thanh tịnh.
Những gì là bốn?
1. Do thần lực của chúng trời khiến chúng hội của Bồ Tát thanh tịnh.
2. Khiến cho người nghe nhận chánh pháp chuyên chú nhất tâm.
3. Trừ bỏ tất cả chúng ngoại ma.
4. Do oai thần của Trời có thể khiến cho tất cả đều thanh tịnh, đều được tịnh tâm.
Này Hải Ý! Các Bồ Tát được Trời thâu nhận đạt được bốn thứ thanh tịnh như vậy. Còn các Bồ Tát được phước thâu nhận thì sẽ đạt được bốn thứ tướng trang nghiêm.
Những gì là bốn?
1. Thân trang nghiêm, nghĩa là tướng hảo viên mãn.
2. Ngôn ngữ trang nghiêm, nghĩa là vượt lên trên âm thanh ngữ ngôn của tất cả chúng sinh.
3. Quốc Độ trang nghiêm, nghĩa là các việc làm đều sáng tỏ.
4. Chỗ sinh ra trang nghiêm, nghĩa là sinh ra ở các nơi như là Phạm Thiên, Đế Thích, Hộ Thế Thiên…
Này Hải Ý! Các Bồ Tát được phước thâu nhận đạt được bốn loại trang nghiêm như thế. Còn các Bồ Tát nếu được trí thâu nhận thì sẽ được bốn thứ pháp chiếu sáng.
Những gì là bốn?
1. Chiếu sáng căn tánh của tất cả chúng sinh, đúng như chỗ thích ứng của họ mà nói pháp.
2. Chiếu sáng tất cả bệnh phiền não, chứa nhóm pháp dược, tùy bệnh trị liệu.
3. Chiếu sáng thần lực, đều có thể đến khắp các Cõi Phật khác.
4. Chiếu sáng pháp giới, như thật hiểu rõ tất cả pháp.
Này Hải Ý! Các Bồ Tát được trí thâu giữ đạt được bốn sự chiếu sáng như thế. Vì lẽ ấy, Đại Bồ Tát muốn được pháp công đức khen ngợi sự thâu giữ như thế, cần phải siêng năng hộ trì chánh pháp. Nếu các Bồ Tát luôn siêng năng hộ trì chánh pháp thì sẽ đạt được vô lượng công đức tối thắng.
***
Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Năm - Phẩm Mười Bảy - Phẩm Tham Hành - Phần Hai
Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Ba - Phẩm Ba Mươi Mốt - Phẩm Tuyên Hóa - Phần Ba
Phật Thuyết Kinh đại Bảo Tích - Pháp Hội Thứ Bốn Mươi Tám - Pháp Hội Thắng Man Phu Nhân - Phần Một
Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Hai - Phẩm Bốn Mươi Tám - phẩm Thành Biện
Phật Thuyết Kinh Bách Dụ - Kinh Thứ Sáu Mươi - Kinh Bóng Vàng đáy Nước
Phật Thuyết Kinh Chuyển Pháp Luân Tồi Ma Oán địch Pháp