Phật Thuyết Kinh Những điều Bồ Tát Hải ý Hỏi Về Pháp Môn Tịnh ấn - Phần Mười Bốn

Kinh Đại thừa   •   Thứ hai, 25/12/2023, 22:04 PM

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Duy Tịnh, Đời Triệu Tống

PHẬT THUYẾT KINH

NHỮNG ĐIỀU BỒ TÁT HẢI Ý

HỎI VỀ PHÁP MÔN TỊNH ẤN

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư

Duy Tịnh, Đời Triệu Tống  

PHẦN MƯỜI BỐN  

Bấy giờ, Đức Thế Tôn lặp lại bằng bài tụng:

Luôn hộ trì chánh pháp Chư Phật

Sẽ được các pháp khen ngợi tốt

Pháp khen ngợi kia ta lược nói

Như một giọt nước trong biển cả.

Biết ân Chư Phật thường báo đáp

Chư Phật phó thác giữ tạng pháp

Luôn hộ trì chánh pháp Chư Phật

Tức là cúng khắp mười phương Phật.

Phật nhãn chiếu sáng quán Cõi Phật

Diệu bảo cúng dường chư Thế Tôn

Người hộ trì chánh pháp Chư Phật

So phước cúng trước thì hơn hẳn.

Tuy dùng của cải cúng dường Phật

Không thể giải thoát hành thế gian

Nếu cầu pháp thù thắng xuất thế

Người trí ra khỏi pháp thế gian.

Người hộ trì chánh pháp Chư Phật

Liền được Chư Phật luôn thâu nhận

Trời, Rồng… cũng thâu nhận

Đều được phước và trí thâu giữ.

Người hộ trì chánh pháp Chư Phật

Đựơc niệm tuệ hành đều đầy đủ

Thắng tuệ rộng lớn đều biết hết

Người trí nhổ sạch giống phiền não.

Người hộ trì chánh pháp Chư Phật

Chẳng bị các ma tìm sơ hở

Ác tác nghi hoặc đều dứt trừ

Không có các chướng, không ràng buộc.

Người hộ trì chánh pháp Chư Phật

Sinh vào Quốc Độ không lầm lỗi

Trong tất cả đời thấy thân Phật

Thấy rồi tâm liền được thanh tịnh.

Người hộ trì chánh pháp Chư Phật

Đạt được pháp đại trí túc mạng

Xuất gia thuận lợi luôn thành tựu

Tu hành chân thật hạnh thanh tịnh.

Người hộ trì chánh pháp Chư Phật

Giới, văn phát sinh các phạm hạnh

Được năm trí thông rất khinh an

Thiền định giải thoát đều vô ngại.

Người hộ trì chánh pháp Chư Phật

Nhập vào trong các pháp sâu xa

Cảnh giới Phật không, không ngăn ngại

Tin hiểu chúng sinh không ngã, pháp.

Người thọ trì chánh pháp Chư Phật

Được tuệ sắc bén hiểu vô ngại

Đắc môn vô úy nói không ngại

Phá lưới nghi hoặc của chúng sinh.

Người hộ trì chánh pháp Chư Phật

Đắc đại Tổng trì, lợi thù thắng

Chẳng cần nghe thọ trong trăm kiếp

Do đủ biện tài đều vô ngại.

Người hộ trì chánh pháp Chư Phật

Được các bậc trí thường khen ngợi

Trời, A Tu La… cũng vui lòng

Chư Phật khen ngợi như con Phật

Người hộ trì chánh pháp Chư Phật

Được Đế Thích, Phạm Vương không khó

Và Chuyển luân vương trong loài người

Cho đến vui thắng diệu bồ đề.

Người hộ trì chánh pháp Chư Phật

Đủ ba mươi hai tướng thù diệu

Đại trí viên thành thân bất hoại

Tất cả người xem không nhàm chán.

Người hộ trì chánh pháp Chư Phật

Được thiện tri thức cũng chẳng khó

Vì họ nói rõ môn pháp ấn

Nghe nhận tạng chánh pháp vô tận.

Người hộ trì chánh pháp Chư Phật

Nghiệp thân, ngữ tâm đều thanh tịnh

Giới định tuệ thanh tịnh cũng vậy

Đắc trí giải thoát khéo thanh tịnh.

Người hộ trì chánh pháp Chư Phật

Thường không xa lìa tâm bồ đề

Không rời bỏ hạnh Ba la mật

Mà thường thâu giữ nhiều pháp thiện.

Người hộ trì chánh pháp Chư Phật

Khen ngợi rộng lớn công đức ấy

Dù cho sống trọn trong một kiếp

Cũng không thể nói hết công đức.

Bấy giờ, trong pháp hội có một Bồ Tát tên là Công Đức Quang Vương, từ chỗ ngồi đứng dậy, bạch Phật: Bạch Thế Tôn! Như vừa rồi Thế Tôn đã bảo thế này: Ta ở trong pháp bất khả thuyết mà thành Chánh Giác.

Bạch Thế Tôn! Nếu là pháp bất khả thuyết thì vì sao nay nói là hộ trì chánh pháp?

Phật nói: Đúng vậy, đúng vậy! Này thiện nam! Như ông đã nói, ta ở trong pháp bất khả thuyết mà thành Chánh Giác. Nhưng này thiện nam, bất khả thuyết có nghĩa là vì văn tự ngôn ngữ của thế tục đối với pháp vô vi, không thể diễn nói. Nếu dùng văn tự ngữ ngôn diễn nói môn Tổng trì, phô bày, thiết lập, khai thị chỉ rõ thì mới có chỗ diễn nói. Như thế tức là hộ trì chánh pháp.

Này thiện nam! Có Pháp Sư thuyết pháp, ở trong Kinh Điển sâu xa như thế, thọ trì rộng rãi, vì người diễn thuyết, như lý tu hành, nếu người nào thường ở chỗ Pháp Sư này cung kính tôn trọng, phụng sự, âm thầm hộ trì, cúng dường các thứ đồ dùng như thức ăn uống, y phục, đồ nằm ngồi, khi ốm đau cung cấp thuốc thang đầy đủ, có thể hộ trì chánh pháp khéo hộ ngôn ngữ, ở nơi phi ngôn ngữ mà hàm chứa, đó là hộ trì chánh pháp.

Này thiện nam! Nếu người có thể hiểu rõ, ở nơi không mà tín thuận không tướng, không nguyện, không cầu, ở trong không gia hạnh mà chân thật an chỉ, đó là hộ trì chánh pháp.

Này thiện nam! Nếu người có thể đối với lời nói của mình không có tranh cãi hơn thua và cả lời nói phi pháp của người khác, cả hai đều thâu giữ vào trong pháp thì đó là hộ trì chánh pháp.

Này thiện nam! Nếu người có thể dùng tâm vô chướng ngại liên tục thâu nhận hết tất cả chúng sinh vào trong tuệ giải thoát, không dùng tâm tài lợi của thế gian mà bố thí pháp cho người thì đó là hộ trì chánh pháp.

Này thiện nam! Nếu người có thể xả bỏ thân mạng, đối với Kinh Điển sâu xa như thế âm thầm hộ trì, ở nơi thanh vắng, y pháp tu hành thì đó là hộ trì chánh pháp.

Này thiện nam! Nếu có người thường vì nhân duyên nghe pháp hoặc vì nhân duyên thuyết pháp, cho đến đi một bước, hoặc một hơi thở ra vào mà luôn chuyên chú thì đó là hộ trì chánh pháp.

Này thiện nam! Nếu hiểu tất cả pháp là không bảo vệ, không chỗ chấp thủ thì đó là hộ trì chánh pháp.

Lại nữa, này Công Đức Quang Vương! Những duyên như thế ngươi cần phải biết.

Này thiện nam! Ta nhớ vô số kiếp và hơn vô số kiếp về trước ở quá khứ, khi ấy, có Phật xuất hiện nơi thế gian, hiệu là Đại Trí Lực Thanh gồm đủ mười tôn hiệu Như Lai, Ứng Cúng Chánh Đẳng Chánh Giác, Minh Hạnh Túc, Thiện Thệ, Thế Gian Giải, Vô Thượng Sĩ, Điều Ngự Trượng Phu, Thiên Nhân Sư, Phật Thế Tôn. Thế Giới tên là Tịnh quang, kiếp số tên là Hỷ thượng.

Này thiện nam! Thế Giới Tịnh quang kia do lưu ly tạo thành, rộng rãi thanh tịnh, ánh sáng chiếu khắp mười phương.

Nơi ấy có các chúng Đại Bồ Tát thanh tịnh, nương vào sức diệu dụng nơi đại thần thông, xuất sinh từ pháp sâu xa. Các thứ thọ dụng của chúng Đại Bồ Tát ấy đều giống như Thiên Tử cõi Hóa lạc, đều dưới hình dạng Thiên Tử, ở chỗ Phật ấy nghe nhận thuyết pháp, lại không có các loại hình tướng tại gia hay xuất gia.

Khi ấy, Đức Đạo Trí Lực Thanh Như Lai thường vì các chúng Bồ Tát ở pháp hội đó mà rộng rãi tuyên thuyết việc hộ trì chánh pháp. Đức Phật nói thế này: thiện nam! Các ông cần phải siêng năng hộ trì chánh pháp không tiếc thân mạng.

Trong hội đó có một Đại Bồ Tát tên là Pháp Ngữ thưa với Thế Tôn Đại Trí Lực Thanh Như Lai: Bạch Thế Tôn! Thế nào là các Bồ Tát có thể hộ trì chánh pháp?

Lại nữa thế nào là pháp được hộ trì?

Đức Phật ấy đáp: Này thiện nam! Nếu ở trong cảnh giới của sắc tâm, khéo ngăn các chướng, chuyên chú một cảnh, điều phục, dừng nghỉ, trụ pháp tịch tĩnh thì đó là hộ trì chánh pháp.

Vì sao?

Vì nhãn căn, sắc cảnh và nhãn thức, ba thứ này chẳng phải pháp, chẳng phải phi pháp. Nhĩ căn, thanh cảnh và nhĩ thức, tỷ căn, hương cảnh và tỷ thức, thiệt căn, vị cảnh và thiệt thức, thân căn, xúc cảnh và thân thức, ý căn, pháp cảnh và ý thức chẳng phải pháp, chẳng phải phi pháp. Nếu có thể hiểu rõ nhãn sắc là không thì nhãn và sắc không có sự phân biệt, nhãn thức vô trú, đó là chánh pháp.

Nếu Bồ Tát ở trong trí như thật, khéo làm cho người khác được pháp như thế thì đó là hộ trì chánh pháp. Cũng như thế, nhĩ và thanh, tỷ và hương, thiệt va vị, thân và xúc, ý và pháp, hiểu rõ là không thì ý và pháp không chỗ phân biệt. ý thức vô trú, đó là chánh pháp. Nếu Bồ Tát ở trong trí như thật khéo làm cho người khác được pháp như thế thì đó là hộ trì chánh pháp.

Thiện Nam! Nếu có pháp ở trong các pháp mà có thể chuyển biến thì pháp ấy không có chỗ bảo vệ, không có chỗ giữ lấy. Hiểu như thế thì đó là hộ trì chánh pháp.

Lại nữa, ở trong các kiến, y cứ vào tà kiến thì loại kiến ấy không có bảo vệ, không có giữ lấy. Hiểu như thế thì đó là hộ trì chánh pháp.

Lại nữa, vì sự vô trí, si chướng ấy nên tâm không trong sáng, nếu ở trong vô trí, si chướng ấy không gìn giữ, không nắm bắt. Hiểu biết như thế thì đó là hộ trì chánh pháp.

Lại, thiện nam! Nếu pháp có tụ có tán tức chẳng phải pháp, chẳng phải luật. Nếu không tụ không tán tức là pháp, là luật.

Những pháp nào là tụ là tán?

Nghĩa là các pháp thuộc về hữu vi có tụ tán. Nếu là chẳng phải pháp chẳng phải luật thì làm sao mà không tụ không tán. Vì vậy nên biết, nếu vô thủ tức vô sinh, do vô sinh nên không tụ cũng không tán. Vì không tụ không tán nên đó là pháp là luật.

Cái gì là pháp là luật?

Đó là tự tánh bất sinh, các phiền não… không sinh khởi, đó tức là pháp là luật. Nếu là pháp là luật thì không sinh không diệt, tức là vô tận. Cái vô tận này tức là pháp luật vo sinh. Pháp vô sinh như thế mới không chỗ hộ trì, mà không chỗ hộ trì tức là hộ trì chân thật chánh pháp.

Lại nữa, này Công Đức Quang Vương! Khi Đức Đại Trí Lực Thanh Như Lai giảng nói pháp ấy, trong chúng hội đó, có ba vạn hai ngàn Bồ Tát đắc pháp nhẫn vô sinh.

Bồ Tát Pháp Ngữ ở chỗ Phật ấy được nghe pháp rồi, tâm ý vui thích, hết mực vui mừng, tiến tới trước Phật thưa: Hy hữu thay! Bạch Thế Tôn! Thế Tôn khéo tuyên thuyết pháp môn hộ trì chánh pháp sâu xa như thế.

Bạch Thế Tôn! Như chỗ con hiểu nghĩa Phật đã dạy và như điều con sở đắc thì tất cả pháp là vô pháp, mà vô pháp tức là hữu pháp.

Vì sao?

Bạch Thế Tôn! Vì nếu tất cả pháp có chỗ nắm bắt tức là vô pháp, nếu không có chỗ nắm bắt tức là có pháp. Vì hai tưởng pháp và phi pháp, ở trong tất cả pháp đều không có hai tưởng pháp và phi pháp có thể biết.

Bạch Thế Tôn! Tất cả pháp và phi pháp, nếu ở trong Thắng nghĩa đế thì không pháp nào có thể nắm bắt được, cũng không có phi pháp có thể nắm bắt được. Do không có tưởng pháp, cũng không có tưởng phi pháp nên không pháp nào có thể kể ra. Vì không có pháp có thể kể ra nên trụ nơi thật tế, nếu trụ thật tế tức là không giới hạn.

Vì sao?

Vì ranh giới của hư không tức là ranh giới của các pháp. Như hư không không từ đâu đến nên cũng không giới hạn, các pháp cũng vậy, không từ đâu đến nên cũng không có giới hạn, nên nói giới hạn của các pháp tức là giới hạn của hư không.

Bạch Thế Tôn! Nếu có Bồ Tát được nghe pháp thật tế như vậy rồi, hiểu rõ như thật thì vị ấy đã thông đạt các pháp không có hai tướng.

Bạch Thế Tôn! Con thấy không có một pháp nhỏ nào có thể đắc. Nếu pháp không sở hữu nên con nói là hộ trì chánh pháp.

Lại nữa, bạch Thế Tôn! Khi con nói pháp này có khế hợp với lời Như Lai nói chăng?

Là pháp ngữ không?

Pháp tùy thuận, pháp tuyên thuyết, con nói đúng chăng?

Phật nói: Này thiện nam! Lời ông đã nói quả thật khế hợp với lời của Như Lai, đúng là pháp ngữ. Pháp tùy thuận, pháp tuyên thuyết đó là chánh thuyết.

Lại nữa, này Công Đức Quang Vương! Khi Bồ Tát Pháp Ngữ nói pháp ấy, trong chúng Thiên Tử kia có mười ngàn Thiên Tử đắc pháp nhẫn nhu thuận.

Này Công Đức Quang Vương! Ông chớ sinh niệm nghi ngờ. Bồ Tát Pháp Ngữ khi ấy đâu phải người nào khác mà chính là Công Đức Quang Vương là ông đó. Nay ông ở trước đại chúng pháp hội này khuyến thỉnh ta. Vì vậy, nay ta đem pháp Vô Thượng, Chánh Đẳng, Chánh Giác tích tập trong vô số ức kiếp kia phó chúc cho ông. Ông nên thọ trì, rộng vì mọi người nói, diễn bày phổ biến.

Bấy giờ, Đức Thế Tôn Giảng nói pháp ấy rồi, trong hội này có sáu mươi ức chúng Đại Bồ Tát đều đứng trước Phật, khác miệng cùng lời đồng nói thế này:

Bạch Thế Tôn! Chúng con nguyện hộ trì chánh pháp bồ đề của Như Lai và diễn nói truyền bá rộng rãi.

Phật bảo các Bồ Tát: Này các thiện nam! Các ngươi đã tu hành an trú nơi pháp nào rồi mà hộ trì pháp bồ đề đã tích tập vô số ức kiếp của Như Lai?

Khi ấy, trong chúng hội có một Bồ Tát tên là Sơn Tự Tại Vương tiến tới trước bạch Phật: Bạch Thế Tôn! Nếu tiếc giữ thân mạng thì như thế không thể hộ trì chánh pháp. Con không tiếc thân mạng vì vậy mới có thể hộ trì chánh pháp.

***

icon

Tổng hợp

Cùng chủ đề

Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Ba - Phẩm Ba Mươi Mốt - Phẩm Tuyên Hóa - Phần Ba

Kinh Đại thừa   •   25.12.2023
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Cưu Ma La Thập, Đời Diêu Tần