Phật Thuyết Kinh Những điều Bồ Tát Hải ý Hỏi Về Pháp Môn Tịnh ấn - Phần Mười Một

Kinh Đại thừa   •   Thứ hai, 25/12/2023, 22:04 PM

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Duy Tịnh, Đời Triệu Tống

PHẬT THUYẾT KINH

NHỮNG ĐIỀU BỒ TÁT HẢI Ý

HỎI VỀ PHÁP MÔN TỊNH ẤN

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư

Duy Tịnh, Đời Triệu Tống  

PHẦN MƯỜI MỘT  

Bấy gờ, Thế Tôn lại bảo Đại Bồ Tát Hải Ý: Nếu Bồ Tát thường phát khởi tinh tấn, luôn nỗ lực giữ vững lòng mong muốn với chỗ khởi tinh tấn ấy không hề ngừng nghỉ thì Bồ Tát ấy chứng đắc quả vị giác ngộ cao tột không khó.

Vì sao?

Này Hải Ý! Vì do tinh tấn mới đắc bồ đề. Nếu người lười biếng đối với quả vị bồ đề đã xa lại càng xa hơn. Người không lười biếng thường hành bố thí. Người không lười biếng thường trì giới. Người không lười biếng thường khởi tinh tấn.

Người không lười biếng thường tu thiền định. Người không lười biếng thường tập trí tuệ. Người không lười biếng thường hành tự lợi. Người không lười biếng thường hành lợi tha. Vì duyên cớ ấy, ông nay nên biết, nếu Bồ Tát thường phát khởi tinh tấn thì Bồ Tát ấy mới đắc quả vị giác ngộ cao tột không khó.

Này Hải Ý! Ta nhớ nghĩ trong đời quá khứ, từ vô số kiếp về trước, khi ấy, có Phật xuất hiện thế gian, hiệu là Dũng Mãnh Tinh Tấn gồm đủ tôn hiệu Như Lai, Ứng Cúng, Chánh Đẳng Chánh Giác, Minh Hạnh Túc, Thiện Thệ, Thế Gian Giải, Vô Thượng Sĩ, Điều Ngự Trượng Phu, Thiên Nhan Sư, Phật Thế Tôn. Thế Giới tên là Thiện Kiến, kiếp ấy tên là Hoa tích.

Vì sao kiếp ấy tên là Hoa tích?

Này Hải Ý! Khi ấy tại tam thiên Đại Thiên Thế Giới, nước lớn tràn ngập. Trong nước lại xuất hiện tám vạn bốn ngan hoa sen to lớn. Hoa ấy có vô số ức trăm ngàn cánh đẹp đẽ khả ái, người xem đều vui thích.

Bấy giờ, chúng trời Tịnh cư thấy hoa sen ấy rồi, đều sinh hoan hỷ mừng, tâm ý ưa thích đều nói thế này: Nếu loại hoa sen to lớn ay xuất hiện thì nhất định sẽ có bậc Chánh Đẳng Chánh Giác xuất hiện trong kiếp này, kiếp này không trống vắng. Có Phật Thế Tôn xuất hiện ở đời giống như chất chứa bông hoa, vì vậy kiếp này gọi là Hoa tích.

Lại do duyen gì mà Thế Giới kia gọi là Thiện Kiến?

Vì Thế Giới ấy rất đẹp đẽ, thanh tịnh, vô lượng vô số chúng Bồ Tát ở trong tất cả các Cõi Phật khắp mười phương đều cùng đi đến Thế Giới ấy để chiêm ngưỡng. Khi đang chiêm ngưỡng, tất cả đại chúng ở Thế Giới ấy đều đắc Tam Ma Địa Hỷ tướng. Tất cả đều đầy đủ niềm vui vi diệu, vì cảnh quan của Thế Giới ấy hoàn toàn đẹp đẽ cho nên gọi là Thiện Kiến.

Này Hải Ý! Thế Giới Thiện Kiến này do bảy báu tạo thành, có các cây báu và các lầu gác báu. Ánh sáng của các loại báu ấy chiếu tỏa cùng khắp. Thế Giới ấy không có người nữ, không có việc thụ thai, mà hóa sinh từ hoa sen, ngồi kiết già.

Thế Giới đó không có thừa nào khác, các người tu hành chỉ trụ nơi đại thừa. Sự thọ dụng của nhân chúng ở cõi này giống như Trời Đâu Suất, người muốn ăn uống thì đều được như ý, lại được thần thông diệu dụng, có thể đi trên hư không.

Họ tinh tấn dũng mãnh ở trong pháp của Như Lai. Có hai mươi sáu ức Bồ Tát xuất gia đủ Bồ Tát đạo nhập chúng Bồ Tát. Lại có vô lượng chúng tại gia tu hạnh đại thừa. Khi ấy, vị Phật đó vì các Bồ Tát tuyên thuyết pháp siêng năng tinh tấn.

Phật dạy: Này các Đại Sĩ! Nên siêng năng tinh tấn, luôn luôn kiên cố, hết sức chuyên cần, thiết tha mong muốn, không hề ngừng nghỉ.

Này Hải Ý! Ở trong pháp hội của vị Phật đó, có một Bồ Tát tên la Kiên Cố Khải, từ chỗ ngồi đứng dậy, thưa với Phật đó: Bạch Thế Tôn! Thế nào là Bồ Tát thường phát tinh tấn?

Lại dùng pháp gì để giáo thọ các chúng Bồ Tát?

Khi ấy, Như Lai Dũng Mãnh Tinh Tấn bảo với Bồ Tát Kiên Cố Khải: Này thiện nam! Tinh tấn có bốn việc, có thể gồm thâu hết tất cả pháp thiện.

Những gì là bốn?

1. Phát khởi.

2. Siêng làm.

3. Quán sát.

4. Tu hành.

Bốn việc như thế có thể gồm thâu hết tất cả pháp thiện.

Thế nào gọi là phát khởi?

Thế nào là siêng làm?

Thế nào là quán sát?

Thế nào là tu hành?

Này thiện nam! Phát khởi là phát tâm đại bồ đề. Siêng làm là tích tập tất cả thiện căn rộng khắp. Quán sát là đối với tất cả chúng sinh làm việc lợi ích. Tu hành là tu theo bất kỳ pháp nào đều trụ nơi nhẫn. Phát khởi là siêng cầu đa văn.

Siêng làm là nói được như đã nghe. Quán sát là tác ý sâu bền. Tu hành là khởi chánh kiến Bậc Thánh. Phát khơi là đình chỉ tâm xan. Siêng làm là xả bỏ sở hữu. Quán sát là có việc tốt đẹp lợi ích đều chia sẻ cho tất cả chúng sinh, hồi hướng bồ đề. Tu hành là không cầu quả báo.

Phát khởi là làm chấn động âm thanh xả bỏ. Siêng làm là đối với người đến cầu xin, khởi tưởng như thiện tri thức. Quán sát là đối với những cái đang thọ dụng, quán là vô thường. Tu hành là cho rồi không tiếc. Phát khởi là y pháp mà cầu các thứ vật dụng. Siêng làm là tự nuôi dưỡng thân mạng bằng việc làm trong sạch.

Quán sát là thực hành bố thí chân thật. Tu hành là khi bố thí không khởi phân biệt. Phát khởi là tẩy sạch sự cấu bẩn về giới. Siêng làm là giới cấm không khuyết. Quán sát là ngăn chặn chúng sinh phá giới. Tu hành là tuy đủ giới đức nhưng không khởi phân biệt. Phát khởi là thân nghiệp thanh tịnh. Siêng làm là ngữ nghiệp thanh tịnh.

Quán sát là tâm nghiệp thanh tịnh. Tu hành là các pháp thanh tịnh. Phát khởi là không chất chứa tâm sân giận. Siêng làm là phát khởi sức nhẫn. Quán sát là bảo hộ mình, người. Tu hành là tuy trụ nơi nhẫn nhục nhưng không khởi phân biệt. Phát khởi là người có sân giận đều khiến hoan hỷ, lại được thanh tịnh.

Siêng làm là khiến các người sân giận hoan hỷ, hòa hợp. Quán sát là nội tâm trong mát không có phiền muộn. Tu hành là mình, người đều vô sở đắc. Phát khởi là trừ bỏ lười biếng. Siêng làm là ở nơi sức tinh tấn khéo chọn lựa. Quán sát là cứu hộ các chúng sinh lười biếng.

Tu hành là tu theo pháp gì cũng trụ nơi nhẫn. Phát khởi là tích tập pháp thiện. Siêng làm là thành tựu pháp thiện. Quán sát là không thích thừa khác. Tu hành là không hoại các nghiệp. Phát khởi là niệm. Siêng làm là hành. Quán sát là tuệ. Tu hành là trụ. Phát khởi là lý. Siêng làm là giáo. Quán sát là cửa ngõ.

Tu hành là đạo xuất ly. Phát khởi là tích tập văn tự. Siêng làm là văn nghĩa, Tổng trì. Quán sát là hoặc thanh, hoặc văn đều không đắm chấp. Tu hành là hiểu rõ các pháp đều bất khả thuyết. Phát khởi là gần gũi bạn lành. Siêng làm là xa lìa bạn ác. Quán sát là đối với bạn lành, bạn ác đều khởi tâm bình đẳng.

Tu hành là luôn nhớ hành trì đúng như lời nói. Phát khởi là khởi tâm xuất gia. Siêng làm là đối với điều ưa thích hoặc không ưa thích đều quán bình đẳng. Quán sát là đối với bất cứ điều thiện nào đều ưa mong cầu. Tu hành là đắc trí hiện lượng. Phát khởi là ưa ở chỗ trống vắng. Siêng làm là xa lìa nơi ồn ào.

Quán sát là ưa ở chỗ thanh tịnh. Tu hành là tu hạnh tịch tĩnh. Phát khởi là ít ham muốn. Siêng làm là biết đủ. Quán sát là được niềm vui vi diệu. Tu hành là biết thích nghi. Phát khởi là tu giới học tăng thượng. Siêng làm là việc tu hành không tạp. Quán sát là tu tâm học tăng thượng. Tu hành là tu tuệ học tăng thượng.

Phát khởi là bố thí. Siêng làm là ái ngữ. Quán sát là lợi hành. Tu hành là đồng sự. Phát khởi là đại từ. Siêng làm là đại bi. Quán sát là đại hỷ. Tu hành là đại xả. Phát khởi là cõi nước thanh tịnh. Siêng làm là tướng hảo viên mãn. Quán sát là hộ trì chánh pháp. Tu hành là cứu độ chúng sinh.

Phát khởi là hiểu rõ uẩn ma. Siêng làm là vượt Phiền não ma. Quán sát là xa lìa Tử Ma. Tu hành là bẻ dẹp Thiên Ma. Phát khởi là biết khổ. Siêng làm là đoạn tập. Quán sát là tu đạo. Tu hành là chứng diệt. Phát khởi là tu quán niệm thân. Siêng làm là tu quán niệm thọ. Quán sát là tu quán niệm tâm.

Tu hanh là tu quán niệm pháp. Phát khởi là niềm tin. Siêng làm là tinh tấn. Quán sát là niệm định. Tu hành là tuệ. Phát khởi là ngăn ngừa, dứt bỏ pháp bất thiện. Siêng làm là làm sinh khởi và viên mãn tất cả pháp thiện. Quán sát là hoặc thân hoặc tâm nhẹ nhàng tự tại. Tu hành là đạt được thần túc vô gia hạnh. Phát khởi là tu bảy Giác phần.

Siêng làm là hành tám chánh đạo. Quán sát là tu tập chỉ quán. Tu hành là đắc minh giải thoát. Lại nữa, phát khởi là phát khởi các hạnh. Siêng làm là biểu thị hạnh trong sạch. Quán sát là tâm được khinh an. Tu hành là trí tướng cảnh giới không chuyển.

Lại nữa, Hải Ý! Đức Như Lai Dũng Mãnh Tinh Tấn đó bảo với Bồ Tát Kiên Cố Khải: Thiện nam! Do tinh tấn nên thân tâm nhẹ nhàng, tức là tinh tấn này hoặc nhân, hoặc kiến đều xa lìa. Lại nữa, tinh tấn này có thể biết danh sắc. Tinh tấn này có thể diệt ngã và sở kiến của ngã.

Tinh tấn này có thể cởi bỏ sự buộc ràng của thủ. Tinh tấn này có thể trừ năm cái và tất cả phiền não hiện khởi. Tinh tấn này có thể dứt việc làm ác và nghi hoặc. Tinh tấn này phá các bệnh trói buộc. Tinh tấn này có thể nỗ lực đoạn trừ các chướng. Tinh tấn này xa lìa tăng thượng mạn. Tinh tấn này siêu vượt tất cả chỗ nương tựa, chỗ vướng mắc.

Tinh tấn này lìa các mừng, giận. Tinh tấn này đối với vô minh, hữu, ái đều không nhiem vướng. Tinh tấn này đối với pháp tham sân đều không làm. Tinh tấn này thường quán sát pháp si. Tinh tấn này biết mười hai pháp xứ trong ngoài. Tinh tấn này hiểu rõ năm uẩn và mười tám giới xưa nay bất sinh.

Tinh tấn nay tâm trụ tịch tĩnh, biến tịnh, cận tịnh. Tinh tấn này biết chắc các pháp đều chẳng thể nắm bắt được. Tinh tấn này đối với tất cả pháp, không chấp thủ hai tướng. Tinh tấn này biết rõ pháp tánh xưa nay thường trụ. Tinh tan này biết tất cả pháp không đến không đi. Tinh tấn này biết tất cả pháp không thủ không xả.

Tinh tấn này biết tất cả pháp không tạo tác, không ngừng nghỉ. Tinh tấn này biết tất cả pháp không cao, không thấp. Tinh tấn này biết tất cả pháp không xuất, không nhập. Tinh tấn này biết tất cả pháp không trói, không mở. Tinh tấn này biết tất cả pháp không siêng, không lười. Tinh tấn này biết tất cả pháp không phóng túng, không không phóng túng.

Tinh tấn này biết tất cả pháp không chủ thể tạo tác, không đối tượng tạo tác. Tinh tấn này biết tất cả pháp không quán, không không quán. Tinh tấn này biết tất cả pháp không chấm dứt, không bừng phát. Tinh tấn này biết tất cả pháp không được bảo hộ, không không bảo hộ. Tinh tấn này biết tất cả pháp không tụ, không tan.

Này Hải Ý! Lúc Như Lai Dũng Mãnh Tinh Tấn đó vì các Bồ Tát nói pháp siêng năng tinh tấn như thế, trong chúng hội có một vạn người đắc pháp nhẫn vô sinh. Bồ Tát Kiên Cố Khải ở chỗ Phật đó được nghe pháp tinh tấn như thế rồi, lại phát khởi tinh tấn, dốc cầu pháp thiện. Tinh tấn như thế, thường không dừng nghỉ, trải qua hàng ức năm. Quá số ấy rồi, sau mới đắc nhẫn nhu thuận.

Tinh tấn cần cầu pháp thiện như thế, trải qua thời gian như thế họ liền tịch diệt. Diệt rồi trở lại trước Như Lai ấy hóa sinh và nghe thọ chánh pháp được tuyên thuyết ở hội Đại tập, lại tinh tấn cần cầu pháp thiện.

Này Hải Ý! Bồ Tát Kiên Cố Khải vì duyên cớ ấy, trải qua thời gian như thế gần gũi cùng khắp tám vạn bốn ngàn Phật, ở trong kiếp Hoa Tích, phát khởi tinh tấn, siêng cầu pháp thiện. Trải qua thời gian như thế siêng năng tu hành tất cả pháp.

Này Hải Ý! Ông nay chớ sinh niệm nghi ngờ. Bồ Tát Kiên Cố Khải bấy giờ đâu phải người nào xa lạ, chính là thân ta. Xưa kia, ta từng trải qua nhiều phần vị Bồ Tát, từ bỏ sinh tử, siêng cầu bồ đề cho đến nay ta được thành Chánh Giác.

Hạnh lớn tinh tấn, trải qua gian khổ dạn dày, lẽ nào hạng chúng sinh lười biếng trong thế gian khởi tinh tấn yếu kém mà có thể đạt được quả vị bồ đề?

Này Hải Ý! Nếu các chúng sinh ở trong pháp của ta luôn phát khởi tinh tấn thì liền được thanh tịnh chứ chẳng phải lười biếng mà được thành tựu. Vì duyên cớ ấy, nay ngươi nên biết, những người tinh tấn, không buông thả thì đắc bồ đề.

Ngay khi Phật giảng nói pháp tinh tấn đã hành trong quá khứ như thế, trong pháp hội có năm ngàn Bồ Tát đắc pháp nhẫn vô sinh, bảy ngàn Thiên Nhân phát tâm cầu Vô Thượng, Chánh Đẳng, Chánh Giác.

Bấy giờ, Thế Tôn lặp lại bằng bài tụng:

Ta nhớ quá khứ Phật xuất thế

Hiệu Ngài là Dũng Mãnh Tinh Tấn

Kiếp tên Hoa tích cần quán biết

Thế Giới tối thượng tên Thiện Kiến.

Bốn vạn tám ngàn hoa sen hiện

Có Phật ra đời trong kiếp ấy

Thế Giới giống như Trời Đâu Suất

Nhu cầu, ăn uống đều như ý.

Không có người nữ, không mang thai

Chúng sinh hóa sinh đều đẹp đẽ

Cũng lại chẳng tu thừa nào khác

Bồ Tát đều trụ pháp đại thừa.

Chúng Bồ Tát từ mười phương đến

Ở Thế Giới ấy khéo quán biết

Đều đạt môn diệu định hỷ tướng

Thọ hưởng pháp lạc chưa từng có.

Có hai sáu câu chi Bồ Tát

Là chúng trang nghiêm Đấng Lưỡng Túc

Có số Trời, người nhiều hơn vậy

Đều an trú Phật thừa tối thượng.

Trí Đức Phật ấy rộng như biển

Luôn luôn tuyên thuyết môn tinh tấn

Có Bồ Tát tên Kiên Cố Khải

Mở lời thưa hỏi Phật nghĩa này.

Nếu muốn an trú lực tinh tấn

Bồ Tát tu tinh tấn thế nào

Xin Phật vì con nói nghĩa này

Trụ trong pháp ấy con tu hành.

Đại pháp chủ kia biết ý rồi

Về họ khuyến phát đức tinh tấn

Khởi siêng năng làm hạnh tương ưng

Thường trụ chỗ quán sát tu hành.

Phát khởi nghĩa là tâm bồ đề

Siêng làm là thành tựu pháp thiện

Quán sát là lợi ích chúng sinh

Tu hành là pháp nào cũng nhẫn.

Phát khởi là cung kính nghe nhận

Siêng làm là tuyên nói sáng tỏ

Quán sát là tác ý sâu bền

Tu hành là khởi chánh kiến Thánh.

***

icon

Tổng hợp

Cùng chủ đề

Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Ba - Phẩm Ba Mươi Mốt - Phẩm Tuyên Hóa - Phần Ba

Kinh Đại thừa   •   25.12.2023
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Cưu Ma La Thập, Đời Diêu Tần