Phật Thuyết Kinh Xuất Diệu - Phẩm Mười Sáu - Phẩm Tạp - Tập Một

Kinh Đại thừa   •   Thứ hai, 25/12/2023, 22:18 PM

Giảng giải: Tôn Giả Pháp Cứu

PHẬT THUYẾT KINH XUẤT DIỆU

Giảng giải: Tôn Giả Pháp Cứu

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư

Trúc Phật Niệm, Đời Dao Tần  

PHẨM MƯỜI SÁU

PHẨM TẠP  

TẬP MỘT  

Thường nghĩ tự giác ngộ

Cẩn thận, chớ tổn hạnh

Hành yếu tu cũng an

Chớ tạo nghiệp thọ báo.

Thường nghĩ tự giác ngộ: Hễ người làm việc gì thì trước hết bên trong phải suy nghĩ, so lường thật kỹ.

Khéo nghĩ rồi thực hành

Cẩn thận, chớ mất mình

Người nghĩ không mất mình

Mất mình thì đau khổ.

Cho nên nói: Phải suy nghĩ tự giác.

Cẩn thận, chớ để tổn hại hạnh tu của mình: Hễ người ta làm việc gì, khi sự việc đã xong thì lại biếng nhác, không xét đến lẽ phải, không để tâm suy nghĩ. Hoặc lúc tụng đọc cũng không thong suốt, đến khi thi cử thì bỏ chúng trốn mất. Ấy là làm hại cho sự học.

Còn người tu thiền mà tâm không trụ định, rong ruổi theo muôn mối như khỉ vượn vừa buông cành này thì bắt cành kia, đối với luật pháp của Bậc Thánh Hiền là phạm lỗi rất lớn, cho nên bậc đạt đạo trước thì phải dạy bảo cho người học sau. Khiến cuối cùng họ được đạt đạo, không để cho luống uổng.

Cho nên nói: Cẩn thận, chớ để mất mình.

Người nghĩ không mất mình: Như người mỗi ngày đọc mười ngàn mà hiểu nghĩa đến một trăm ngàn. Ngày đêm đọc tụng không sót mất câu văn trên dưới, mỗi câu đều rõ ràng, lý không xa nghĩa vào sự vắng lặng của thiền, dù trời long đất lở đi nữa với muon tiếng động vang rền cũng không lay động được tâm người ấy.

Cho nên nói: Người nghĩ không mất mình.

Mất mình thì đau khổ: Hạnh không chuyên nhất lại khởi tâm ganh tị nên tự rơi xuống vực thẳm. Tất cả đều do việc làm không chân chính.

Cho nên nói:

Mất mình thì đau khổ.

Người biết cách làm ăn

Thì được nhiều tài sản.

Người tự quán nghĩa ấy

Thì ý đạt kết quả.

Người biết cách làm ăn: Người đời phải rong ruổi khắp nơi, vội vội vàng vàng để nuôi mạng sống nên họ ham mê tiền của.

Các thầy Tỳ Kheo cũng tìm cách đọc tụng Khế Kinh, Luật, A Tỳ Đàm và các Tạp Tạng. Thầy Tỳ Kheo tu hạnh ngồi thiền nhập vào thiền định đến chỗ vi tế trong bảy ngày, bốn mươi chín ngày không mất thứ lớp, thì với tài sản giáo pháp chẳng những đã được công đức mà còn tăng thêm ích lợi cho hạnh tu.

Cho nên nói: Người biết cách làm ăn thì được nhiều tài sản.

Người tự quán nghĩa ấy, thì ý đạt kết quả: Người đời suy nghĩ, ai là người giàu có, của cải chất chứa, tùy sở thích mà tiêu xài của báu. Còn người học đạo thì lìa bỏ vợ con, không màng vinh hiển, tự biết công đức đầy đủ, biết rành mạch nghĩa lý, ai hỏi đều trả lời được.

Người tu thiền lại tự quán thấy thiền định vắng lặng, đạt sáu thứ thần thông, bay lên hư không, hiện mười tám thứ thần biến, hiện ra hay ẩn mất đều tự tại, khiến cho người không tin đạo, thấy vậy sinh lòng tin và khi đã tin thì người ấy tinh tấn không lui sụt.

Cho nên nói:

Người tự quán nghĩa ấy,

Thì ý đạt kết quả.

Ngồi đứng đều tìm cách

Để tự được định sáng

Như thợ luyện vàng ròng

Loại bỏ cặn lắng bẩn

Không bị chất dơ bám

Lìa hẳn nạn già chết.

Ngồi đứng đều tìm cách để tự được định sáng: Ngồi đứng là đối với các nghi ngờ, kết sử, người này lười biếng, không xét nghiệp mình. Người lười biếng tuy nói đứng dậy nhưng không khác kẻ ngồi. Trái lại, người tinh tấn dù nói nằm ngồi, nhưng không khác với người đứng.

Cho nên nói: Ngồi đứng đều tìm cách để tự được định sáng. Thường phải chuyên ý tìm đèn sáng thì ánh sang chiếu không bao giờ cùng tận, không chỗ nào không soi đến.

Cho nên nói: Tìm đèn sáng là vậy.

Như thợ luyện vàng ròng, loại bỏ cặn lắng bẩn: Trong đại chúng thì thầy hay thợ giỏi đều tập trung ở đó cả. Như vật nhơ bị bụi bám bên ngoài, nếu không được lau sạch thì nó càng nhơ bẩn.

Tâm ý con người cũng như vậy, bị bụi nhơ dâm, nộ, si bám bẩn, nếu không có ánh sáng tinh tấn thì không thể chiếu soi.

Cho nên nói: Như thợ luyện vàng ròng, loại bỏ cặn lắng bẩn.

Không bị chất dơ bám, lìa hẳn nạn già chết: Người tu hành đã rửa sạch bụi trần, không còn các kết sử. Không bao giờ còn bị sinh khuất phục, không còn bị cái già làm khốn đốn. Không bị vô thường mời gọi.

Cho nên nói:

Không bị chất dơ bám,

Lìa hẳn nạn già chết.

Không đáng thẹn lại thẹn

Đáng thẹn lại không thẹn,

Không đáng sợ lại sợ

Đáng sợ lại không sợ

Sinh ra các tà kiến

Chết đọa vào địa ngục.

Không đáng thẹn lại thẹn: Như người lớn tuổi mới xuất gia tu hành không chịu nghe lời thầy Tỳ Kheo nhỏ tuổi dạy bảo.

Khi các thầy Tỳ Kheo trẻ tuổi giảng dạy giáo pháp tùy thuận thì các vị lớn tuổi xấu hổ, tự nghĩ: Bị mấy ông Tỳ Kheo trẻ tuổi dạy bảo mắc cỡ quá, không biết trốn đi đâu. Việc này, lẽ ra không có gì xấu hổ mà lại cho là xấu hổ.

Cho nên nói: Không đáng thẹn lại thẹn.

Việc đáng thẹn lại không thẹn: Người tu hành không tụng tập Khế Kinh, Luật, A Tỳ Đàm và các tạp tạng, luống thọ của tín thí y phục, thức ăn, thuốc trị bệnh, giường chõng, đồ nằm.

Cho nên nói: Đáng thẹn lại không thẹn.

Không đáng sợ lại sợ: Nê Hoàn dứt hết phiền não, vắng lặng vô vi, người này lại đi sợ Niết Bàn, không tha thiết thực hành.

Trong Nê Hoàn, không có sinh, không có bệnh, không có già, không có chết, cũng không có Cõi Trời, người, địa ngục, ngạ quỷ, súc sanh, thế mà lại sợ Nê Hoàn như đã nói.

Kẻ phàm phu chưa từng nghe rằng: Vốn không, hiện tại không, quá khứ không, tương lai không, cũng không có lo sợ hay an ổn, cũng không có mọi khổ não, mọi biến đổi, xa lìa tất cả hoạn nạn. Thế mà lại sợ những điều ấy.

Cho nên nói: Không đáng sợ lại sợ.

Đáng sợ lại không sợ: Năm đường sinh tử, dâm, nộ, si lẫy lừng, bị lửa thiêu dốt, dần dần tăng thêm sinh, già, bệnh, chết, buồn lo khổ não không thể kể hết. Chẳng những không sợ mà còn tham đắm ba cõi. Cho nên nói cái đáng sợ lại không sợ là vậy.

Sinh ra các tà kiến: Tà kiến là việc đáng thẹn mà không thẹn, việc không đáng thẹn mà lại thẹn, việc đáng sợ mà lại không sợ, việc không đáng sợ mà lại sợ, tất cả những việc ấy đều gọi là tà kiến. Gây ra nghiệp tà kiến nghĩa là khi sống làm những việc tà kiến thì khi chết bị đọa vào đường ác. Ai gây ra nhiều tội lỗi thì vào đường ác, ai gây tội vừa thì vào súc sanh, ai gây tội ít thì vào ngạ quỷ.

Cho nên nói:

Sinh ra các tà kiến,

Chết đọa vào địa ngục.

Người trước phạm lỗi

Sau, chừa, không phạm

Là soi thế gian

Như trăng tan mây.

Thuở xưa, Đức Phật ngự trong khu lâm viên Kỳ Đà Cấp Cô Độc, thuộc thành Xá Vệ. Lúc bấy giờ, cách ranh giới nước Xá Vệ không xa, có người con Phạm Chí tên là Vô Hại. Anh này thường theo thầy, bạn học Kinh Điển của Phạm Chí. Thầy mà anh đang thờ phụng là một vị Trưởng Lão lớn tuổi, tu hành lâu năm.

Tuy đã hơn tám mươi tuổi nhưng ông lại cưới một cô vợ trẻ tuổi dung mạo xinh đẹp, việc đi đứng, nói năng của cô đều trang nhã. Chàng Phạm Chí Vô Hại cũng là một trượng phu khôi ngôi, dung mạo không ai sánh bằng.

Lúc bấy giờ, cô vợ trẻ của ông Phạm Chí tâm dâm dục lẫy lừng, cô nắm lấy tay anh Vô Hại bảo: Tôi rất kính mến đức độ của chàng, muốn giao tình với chàng có được chăng?

Vừa nghe nói, Vô Hại lấy tay bịt lỗ tai mà nói: Ta thà bỏ mạng chứ không dám nghe những lời ấy.

Cô gái nọ ví von: Như kẻ đang đói khát được người khác cho thức uống ăn chẳng lẽ không phải là buồn ngủ gặp chiếu manh sao?

Hiện giờ lửa dâm của tôi đang bừng cháy, xin chàng dùng nước dâm dập tắt, thật là thỏa lòng tôi lắm.

Nếu chàng từ chối làm tôi ức lòng mà chết thì chàng học Kinh Điển mà làm gì?

Vô Hại đáp: Thôi đi! Theo ý mẹ trái phạm pháp Phạm Chí, chết đọa vào địa ngục, chẳng lẽ tôi nghe theo sao?

Vô Hại liền bỏ chạy ra ngoài cửa. Bấy giờ vợ của Phạm Chí vò đầu cho tóc rối, bôi đất cát vào mình, xé nát y phục, ngồi dưới đất gào khóc.

Trưởng Giả Phạm Chí đi về thấy vậy hỏi vợ: Ai đã đánh đập nàng ra nông nỗi này?

Cô vợ đáp: Phạm Chí là đệ tử thân tín của ông.

Phạm Chí nghe vậy trong tâm suy nghĩ: Bây giờ ta không nên để lộ chuyện này, nếu nó nghe sẽ hại ta. Vậy phải dùng quyền nghi khéo léo để dụ nó, làm cho nó tự giết mạng sống của nó.

Nghĩ rồi, Trưởng Giả Phạm Chí liền gọi Vô Hại đến bảo: Từ trước đến nay chú thuật mà con đã học đều đã đầy đủ, không thiếu sót gì. Vậy con hãy chọn ngày lành cúng tế các Thần Chú, sau đó ra đi, tay trái cầm thuẫn, tay phải cầm kiếm, đến những con đường trọng yếu nguy hiểm, gặp người thì giết chết. Khi nào đủ một ngàn người, chặt lấy một ngàn lóng tay, xỏ thành xâu, thì chú được thành.

Bấy giờ, ác ma sai quỷ Cưu Bàn Trà bảo vệ người ấy giúp đỡ trong việc làm ác. Phạm Chí cắt đứt con đường mọi người qua lại, không còn ai dám đi qua nơi ấy nữa, rồi dần dần đến vườn Xà Lê Vi Ni. Dân chúng, gò nổng, đến cả nước đều bị tai họa ấy.

Lúc ấy, Phạm Chí còn thiếu một lóng tay nữa là đủ số.

Bà mẹ của Vô Hại suy nghĩ: Từ lâu, con ta ở chốn đồng ruộng, chắc chắn nó phải chịu đói lạnh gian khổ. Rồi bà đem đồ ăn đến khu vườn nọ.

Thấy mẹ từ xa đang đến, Vô Hại liền nghĩ: Ta nghe lời thầy dạy, phải làm xong tràng hoa bằng lóng tay, nhưng nay còn thiếu một lóng tay mới đủ số. Nay gặp dịp mẹ ta đem đồ ăn đến. Nếu ta ăn cơm trước thì chú thuật không thành, còn nếu ta giết mẹ trước thì phạm năm tội nghịch.

Vô Hại là người đáng được Phật độ. Như Lai là Bậc Ba Đạt, Ngài nhìn thấy chàng Vô Hại khởi tâm ngũ nghịch, chắc chắn sẽ giết mẹ, không nghi ngờ gì nữa.

Nếu phạm tội ấy thì dù có mười muôn Phật cũng không cứu nổi, vậy giờ đây ta phải cứu vớt khổ ấy khiến mạng sống hai mẹ con toàn vẹn, không là điều tốt sao?

Đức Phật liền hóa thành một thầy Tỳ Kheo, tay ôm bình bát, ngó xuống đất mà đi. Đức Phật theo con đường tắt đi đến khu vườn nọ.

Lúc ấy người đi đường và bọn chăn trâu lên tiếng bảo: Xin đứng lại, thầy Sa Môn ơi, chớ đi lối đó! Phía trước đó có tên cướp hung dữ tên là Chỉ Man Tràng hoa bằng lóng tay. Từ lâu nay, hắn đã giết không biết bao nhiêu người. Bọn tôi né tránh, không dám léo hánh tới đó. Thầy là bậc Sa Môn một mình yếu đuối, bị hắn giết chết thì thật là đáng thương lắm.

Vị hóa nhân bảo: Xin chớ lo! Tên cướp ấy không giết được ta, bởi ta có cấm chú, đủ khả năng chế ngự hắn, khiến hắn không hại ta được.

Nói xong, vị hóa nhân liền đi về phía trước để tới khu vườn. Chỉ Man từ xa trông thấy có vị Tỳ Kheo đi đến.

Anh ta vui mừng hớn hở không kiềm chế được, thầm nghĩ: Nguyện ước của ta được kết quả, sẽ hoàn thành tràng hoa bằng lóng tay mà không phải giết mẹ, chú thuật hoàn thành, ta tạm thời khoan nghĩ đến mẹ và thức ăn. Ta hãy giết thầy Tỳ Kheo kia, rồi hãy ăn. Nghĩ xong, anh ta tay cầm dao, tay cầm thuẫn, đi ngược về hướng thầy Tỳ Kheo.

Vô Hại vốn là một tráng sĩ. Anh ta chạy thật nhanh như ngựa phi về hướng Đức Phật. Đức Phật dùng năng lực Thần Thông khiến Vô Hại đứng tại chỗ. Mặt đất dưới chân Phật như kéo dài ra khiến Vô Hại mệt nhọc vẫn không đuổi kịp Phật.

Chỉ Man cất tiếng gọi: Hỡi thầy Sa Môn, đứng lại, đứng lại! Tôi muốn hỏi việc.

Vị Tỳ Kheo trả lời: Ta đã đứng lại lâu rồi, sao nhà ngươi không đứng lại?

Lúc ấy Chỉ Man hỏi thầy Tỳ Kheo bằng lời kệ:

Sa Môn đi sao nói đứng?

Ta đứng lại nói không đứng?

Sa Môn nên nói nghĩa ấy

Sao thầy đứng, tôi không đứng?

Đức Phật lại dùng bài kệ trả lời:

Chỉ Man, ta đã đứng

Ta không hại mọi người

Còn ngươi kẻ hung bạo

Sao không sửa tội lỗi?

Nói rộng, như các bài kệ trong Khế Kinh. Lúc bấy giờ Chỉ Man liền lấy kiếm, thuẫn để trên đầu mình và vất trang hoa bằng lóng tay kia xuống vực sâu, chắp tay hướng về Như Lai sám hối.

Anh lại dùng kệ khen ngợi Phật.

Quy y Bậc Đại Thánh

Muốn thấy bậc Sa Môn

Giờ con muốn hối lỗi

Tội đã gây lâu nay.

***

icon

Tổng hợp

Cùng chủ đề

Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Ba - Phẩm Ba Mươi Mốt - Phẩm Tuyên Hóa - Phần Ba

Kinh Đại thừa   •   25.12.2023
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Cưu Ma La Thập, Đời Diêu Tần