Phật Thuyết Kinh Pháp Cú Thí Dụ - Phẩm Ba Mươi Bốn - Phẩm ái Dục - Thí Dụ Sáu Mươi

Kinh Đại thừa   •   Thứ hai, 25/12/2023, 22:18 PM

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Pháp Cự, Đời Tây Tấn

PHẬT THUYẾT

KINH PHÁP CÚ THÍ DỤ

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư

Pháp Cự, Đời Tây Tấn  

PHẨM BA MƯƠI BỐN

PHẨM ÁI DỤC  

THÍ DỤ SÁU MƯƠI  

Thuở xưa, Đức Phật trú tại Tinh Xá trên núi Kỳ Xà Quật tại thành La Duyệt Kỳ, vì Trời, Người, Quỷ, Thần chuyển đại pháp luân.

Lúc ấy, có một người bỏ nhà cửa, vợ con đến chỗ Đức Phật đảnh lễ xin làm Sa Môn. Đức Phật hứa khả. Xuất gia xong, Đức Phật dạy ông ngồi dưới một cội cây, thiền quán chánh pháp. 

Vị Tỳ Kheo vâng lời vào trong rừng sâu cách Tinh Xá hơn trăm dặm, ngồi một mình dưới một gốc cây thiền tư suốt ba năm. Xong tâm ông không kiến cố, có ý muốn trở về.

Ông tự nghĩ: Mình bỏ nhà học đạo cực khổ, chi bằng sớm trở về nhà ở với vợ con. Nghĩ xong, ông bèn đi ra khỏi núi. Đức Phật với thiên nhãn trông thấy việc này. Ngài xét thấy ông này đáng lẽ đắc đạo mà ngu si không biết lại muốn trở về nhà. Ngài liền hóa thành một vị Sa Môn, đi ngược lại gặp mặt vị đó.

Ngài hỏi: Ông từ đâu ra đây?

Chỗ này có đất bằng phẳng, chúng ta nên nghỉ ngơi cùng nhau trò chuyện. Bấy giờ hai người cùng ngồi nghỉ ngơi trò chuyện.

Vị Tỳ Kheo bảo với Hóa Nhân: Tôi bỏ nhà cửa vợ con, xuất gia tu học trong núi sâu này nhưng không đắc đạo. Xa cách vợ con mà không đạt thành chí nguyện, luống mất mệnh vận cuộc đời, cực khổ vô ích.

Nay tôi hối hận muốn trở về với vợ con, hưởng nhàn vui trước đã, rồi sau mới tính. Một lát sau, họ thấy một con khỉ già từ lâu đã lánh xa rừng cây ra sống giữa khoảng đất trống.

Hóa Sa Môn hỏi Tỳ Kheo: Con khỉ này vì sao sống một mình nơi khoảng đất trống.

Sao nó lại thích nơi không có cây cối?

Vị Tỳ Kheo đáp: Tôi đã từ lâu để ý thấy nó vì hai việc nên đến chỗ này.

1. Nó vì vợ con bầy đàn đông đúc không thể ăn uống đầy đủ, thỏa ý.

2. Ngày đêm nó phải leo trèo, gót chân thường xuyên bị thương khó chịu.

Do hai việc này nên nó bỏ rừng cây, ra đất trống sống.

Hai người nói chuyện, một lát sau lại thấy con khỉ này trở lại rừng cây, leo lên ngọn.

Hóa Sa Môn hỏi: Ông có thấy con khỉ trở lại rừng cây không?

Đáp: Có thấy, con khỉ này ngu si, đã xa lìa được rừng cây, bầy đàn quấy nhiễu, vậy mà nó không biết nhàm chán phiền nhọc còn trở lại nơi đó lần nữa.

Hóa Sa Môn nói:

Ông cũng như vậy, cùng nó khác gì?

Ông vốn vì hai việc mà vào núi tu học.

1. Vì thấy vợ con nhà cửa là lao ngục.

2. Vì thấy bà con quyến thuộc là gông cùm ràng buộc.

Ông vì việc đó mà cầu đạo dứt khổ sinh tử, thế mà nay lại muốn về nhà chịu ràng buộc trong gông cùm phiền não, vào ngục tù ân ái dẫn đến địa ngục.

Hóa Sa Môn hiện lại thân Phật một trượng sáu, tướng hảo quang minh tỏa sáng làm cảm động tất cả các loài trong núi. Các loài chim bay thú chạy đều tìm theo ánh sáng mà đến, biết được túc mạng, trong lòng hối lỗi.

Bấy giờ Đức Thế Tôn liền nói kệ:

Như cây rễ sâu chắc

Dầu chặt vẫn đâm cành

Tâm ái chưa dứt tuyệt

Khổ não lại phát sinh.

Như khỉ xa rừng cây

Ra rồi trở lại đấy

Người thoát tù ân ái

Còn trở lại chỗ này!

Tham ý luôn hưng khởi

Đầy tập nhiễm kiêu căng

Tưởng nhớ điều dâm dục

Mê tối, tự che ngăn.

Mọi ý tưởng miên man

Ái kết: cỏ bò lan

Chỉ trí tuệ thấy rõ

Dứt nguồn ý, mới an.

Người đắm chìm trong ái

Vọng tưởng miên man hoài

Già chết mãi vần xoay

Do ái sâu không đáy.

Vị Tỳ Kheo thấy quang tướng rực rỡ của Đức Phật, lại nghe lời kệ nên hết sức kinh sợ, vội quỳ mọp sát đất sám hối lỗi lầm. Ông lại tư duy thiền định chứng quả A La Hán ngay trước Đức Phật. Chư Thiên đến nghe đều hoan hỷ, rải hoa cúng dường hết lời tán thán.

***

icon

Tổng hợp

Cùng chủ đề

Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Ba - Phẩm Ba Mươi Mốt - Phẩm Tuyên Hóa - Phần Ba

Kinh Đại thừa   •   25.12.2023
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Cưu Ma La Thập, Đời Diêu Tần