Phật Thuyết Kinh Pháp Luân Không Thoái Chuyển - Phẩm Bốn - Phẩm Nêu Rõ Hành Tướng Hai Thừa

Kinh Đại thừa   •   Thứ hai, 25/12/2023, 22:17 PM

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Thi Hộ, Đời Tống

PHẬT THUYẾT KINH

PHÁP LUÂN KHÔNG THOÁI CHUYỂN

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư

Thi Hộ, Đời Tống  

PHẨM BỐN

PHẨM NÊU RÕ HÀNH TƯỚNG HAI THỪA  

Này A Nan! Các Đại Bồ Tát như thế hiện đã thật sự nhận rõ về minh, vô minh. Về hành, vô hành. Nhận rõ về thức và tướng của thức. Về danh sắc và tướng của danh sắc. Về sáu nhập và tướng của sáu nhập.

Về xúc và tướng của xúc. Về thọ và tướng của thọ. Về ái và tướng của ái. Về thủ và tướng của thủ. Về hữu và tướng của hữu. Về sinh và tướng của sinh. Về già chết và tướng của già chết, tu tập hiện thấy gọi là Bích Chi Phật.

Bấy giờ Đức Thế Tôn đọc bài kệ:

Hiện thấy vô minh

Nên không chỗ biết

Cũng không thành tựu

Như bóng trong nước

Sáng cũng chẳng động

Chẳng đắm mê pháp

Nếu không đắm pháp

Đó gọi tướng sáng.

Vô minh như không

Tướng tất cả pháp

Đều đến hiện thấy

Đó gọi Duyên Giác.

Nếu nói các hành

Chẳng trong, chẳng ngoài

Cũng chẳng từ Phật

Mà sinh khởi hành

Hành ấy giả danh

Nhat định chẳng có

Chẳng sinh, chẳng diệt

Giống như hư không.

Đều đến hiện thấy

Bồ Tát không sợ

Đó gọi Chánh Giác

Duyên Giác khó lường.

Biết tất cả pháp

Đều như huyễn hóa

Biết như huyễn rồi

Đó gọi hiện thấy.

Chẳng bằng thật biết

Hành xứ thức này

Là tướng phân biệt

Biết thức là không.

Biết trí chẳng trí

Tất cả không đắm

Nếu biết các pháp

Thức như huyễn tưởng.

Nhân duyên danh sắc

Đều tướng hữu vi

Thể không quyết định

Cũng không thành tựu.

Xa lìa sáu nhập

Nói tướng sáu nhập

Âm thanh lời nói

Thể tánh đều không

Xúc không nhân duyên

Từ sáu nhập sinh

Nhận rõ xúc ấy

Như huyễn, đều không.

Xúc đó vô thể,

Từ vọng tưởng sinh

Xúc không chân thật

Cũng không chỗ ở

Hiện thấy xúc ấy

Biết không tướng xúc

Đều nên chán lìa

Gọi Bích Chi Phật.

Nếu chứng được thọ

Không bền như bọt

Tánh, tướng đều không

Rốt ráo chẳng thật.

Dứt bỏ ái kết

Được pháp dứt ái

Dứt hết các dục

Đó gọi Duyên Giác.

Nhận rõ chấp đắm

Không, chẳng thật có

Như ngọn lửa cháy

Không có thành tựu.

Không có khởi tưởng

Sinh tưởng cũng thế

Biết thể tánh sinh

Vắng lặng, chẳng có

Lìa được già suy

Cũng không sợ chết

Không thành tựu gì

Không thọ thân sau.

Thấu đạt pháp này

Chẳng nơi nương tựa

Dùng tiếng Duyên Giác

Thật tu Bồ Tát.

Này A Nan! Nay ông nên biết, Như Lai Đẳng Chánh Giác vì các vị Đại Bồ Tát phương tiện nói về Bích Chi Phật.

Lúc bấy giờ, Tôn Giả A Nan liền đứng dậy, sửa lại y phục, chắp tay hướng về Đức Phật, nói kệ:

Niết Bàn, chẳng Niết Bàn

Cứu độ khắp thế gian

Ví như buộc trong không

Dùng không mà tự mở.

Nếu nói được như thế

Cũng gọi có nói được

Thế Tôn phương tiện khéo

Mà nói pháp dứt chấp.

Tôn Giả A Nan nói kệ xong liền bạch Phật: Bạch Thế Tôn! Tất cả chúng sinh ở thế gian bị ngu si che lấp nên tự khinh mình, không hiểu được ý của Như Lai chỉ dùng giả danh để nói về các pháp như: tín hành, Pháp hành, tám bậc, … cùng các quả tu như Tu Đà Hoàn, Tư Đà Hàm, A Na Hàm, A La Hán, Thanh Văn, Duyên Giác.

Bấy giờ, Phật bảo A Nan: Đối với các Đức Phật quá khứ ông không quên giả danh mà trồng các căn lành, vì khéo hiểu giả danh, nên không bị sự ngu tối cướp đoạt.

Vì sao?

Vì các pháp giả danh, như huyễn, như bóng dưới nước, như ngọn lửa nóng, như tiếng vang, giả danh như vậy!

Này A Nan! Nay ông nên biết, không để cho các pháp ác xâm hại đến mình.

Phải đầy đủ sự trang nghiêm để tự trang nghiêm mình, biết được các pháp là giả danh, do nhân duyên giả hợp, thường luôn ghi nhớ, đầy đủ tinh tấn, nhưng không chấp sự tinh tấn ấy, đừng để quên mất: Đạt được trí tuệ tối thắng nhưng không chấp vào tướng trí tuệ ấy.

Lúc bấy giờ, Đức Thế Tôn nói kệ:

Các chúng sinh ngu si

Biếng nhác, trí tuệ kém

Thì không biết giả danh

Phải siêng năng tinh tấn.

Hiểu rõ về giả danh

Biết như thật các ấm

Cứu độ các thế gian

Giúp đạt trí chân thật.

Biết giả danh, không rồi

Tức giác ngộ bồ đề

Cũng không được bồ đề

Đó gọi là bồ đề.

Giả danh là tướng không

Không, chẳng thể biết không

Không chỉ có âm thanh

Lìa tất cả tranh luận

Hiển bày nghĩa như thế

Đối với khong chẳng chấp

Cũng không chỗ để chứng

Vì sao có người được?

Đó gọi là không không.

Như vậy, A Nan nên biết! Pháp không rất sâu vô lượng, không sinh buông lung, cũng không để cho mất. Đó gọi là nói đầy đủ về hành địa của Bích Chi Phật.

Bấy giờ, trong chúng hội có năm trăm ức đồng, thành vị Tỳ Kheo đều được tín hành, liền đứng dậy đến trước Đức Thế Tôn nói kệ:

Dứt nghi được chánh trí

Bậc Vô Thượng cứu đời

Thế Tôn nói giả danh

Tín hành trụ bồ đề.

Trong chúng lại có năm trăm ức vị Tỳ Kheo đã đạt pháp hành, nghe xong bài kệ ấy liền đứng dậy, sửa lại y phục, cùng nói kệ:

Chúng con dứt nghi, lầm

Nẻo giác ngộ sáng tỏ

Như Lai nói giả pháp

Pháp hành trụ bồ đề.

Trong chúng lại có mười ức vị Tỳ Kheo đã đạt tám bậc, nghe xong bài kệ ấy liền đứng dậy đến trước Phật, đồng nói kệ:

Con trước dứt nghi hối

Tu tám bậc đã lâu

Như Lai nói giả danh

Tám bậc trụ bồ đề.

Trong chúng lại có mười ức vị Tu Đà Hoàn nghe xong bài kệ ấy liền đứng dậy đến trước Phật, cùng nói kệ:

Con nay nhờ ánh sáng

Bậc Thánh chúa cứu đời

Biết pháp do Phật nói

Mở bày về giả danh.

Trong chúng lại có hai trăm lẻ năm vạn vị Tỳ Kheo đã chứng quả Tư Đà Hàm nghe xong bài kệ ấy liền đứng dậy đến trước Phật đều nói kệ:

Con trước vốn chấp đắm

Mà được Tư Đà Hàm

Nay dứt các vọng tưởng

Vắng lặng không đùa bỡn.

Trong chúng lại có mười ức vị A Na Hàm nghe xong bài kệ ấy liền đứng dậy đến trước Phật đều nói kệ:

Bậc Vô Thượng cứu đời

Nay con dứt nói suông

Đã nhổ sạch tưởng quả

Đạo giác ngộ chiếu sáng.

Trong chúng lại có ba mươi lăm ức vị Tỳ Kheo đều trụ trong bốn Thiền đắc quả A La Hán, nghe xong bài kệ ấy liền đứng dậy đến trước Phật cùng nói kệ:

Nay con đã lìa cấu

Tự chứng đắc Vô dư

Các thừa nhập Nhất Thừa

Như huyễn, không quyết định.

Trong chúng lại có hai muôn vị Tỳ Kheo, nghe xong bài kệ ấy liền đứng dậy đến trước Phật cùng nói kệ:

Con vốn thích nói suông

Thế Tôn nói giả danh

Tự gọi là Thanh Văn

Trụ nơi pháp giả danh.

Trong chúng lại có năm ngàn vị Tỳ Kheo trụ trong Bích Chi Phật thừa nghe bài kệ ấy rồi liền đứng dậy, đến trước Phật, đều nói kệ:

Nay con được hiện thấy

Vì Duyên Giác bồ đề

Như Lai nói giả danh

Duyên Giác không nghĩ bàn.

Trong chúng lại có năm muôn vị Tỳ Kheo Ni, chấp tưởng về các quả Tu Đà Hoàn, Tư Đà Hàm, A Na Hàm, A La Hán, nghe xong bài kệ ấy liền đứng dậy đến trước Phật, cùng nói kệ:

Nguyện cho tướng người nữ

Đều nhập pháp bình đẳng

Thế Tôn nói không khác

Giác ngộ là Tối thượng.

Trong chúng lại có tám trăm ức muôn vị Ưu Bà Tắc, Ưu Bà Di đều có ý tưởng về các quả Tu Đà Hoàn, Tư Đà Hàm, A Na Hàm, A La Hán, nghe xong bài kệ ay liền đứng dậy đến trước Phật đồng nói kệ:

Con nay tâm không cấm

Tịnh như ngọc lưu ly

Nay mới gọi xuất gia

An trụ trong Phật Pháp.

Bấy giờ, trong hư không có đến sáu mươi ức na do tha các vị Trời tung rải hoa Mạn Đà La Cõi Trời lên chỗ Phật để cúng dường rồi đến trước Phật, nói kệ:

Con trước chấp tưởng thừa

Tham đắm các quả vị

Nay các quả đều bỏ

Mới giác đạo bồ đề.

***

icon

Tổng hợp

Cùng chủ đề

Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Ba - Phẩm Ba Mươi Mốt - Phẩm Tuyên Hóa - Phần Ba

Kinh Đại thừa   •   25.12.2023
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Cưu Ma La Thập, Đời Diêu Tần