Phật Thuyết Kinh Pháp Luân Không Thoái Chuyển - Phẩm Hai - Phẩm Tín Hành - Tập Hai
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Thi Hộ, Đời Tống
PHẬT THUYẾT KINH
PHÁP LUÂN KHÔNG THOÁI CHUYỂN
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư
Thi Hộ, Đời Tống
PHẨM HAI
PHẨM TÍN HÀNH
TẬP HAI
Biết mắt, tai, mũi, miệng
Các căn đều vô thường
Mỏng manh như bọt nổi
Tín sâu nên bỏ thân
Vì chúng sinh không nương
Lập ra bốn nhiếp pháp
Tâm từ với tất cả
Tin Phật vô lượng trí
Thấy chúng sinh làm ác
Nên phát tâm vô thượng.
Kính tín sâu bồ đề
Không chấp các tướng tâm
Chúng sinh chẳng cầu đạo
Ngu mê trong ba cõi
Nếu tất cả chân thật
Vô giới nói tướng giới
Thấy chúng sinh trôi lăn
Ngu si đắm các cảnh
Bồ Tát tin vô ngã
Các hành đều vô thường
Thấy những kẻ phá giới
Tin giới chẳng nghĩ bàn
Giới tịnh lập thiền định
Bồ Tát nương nhiếp tâm
Nếu thấy kẻ biếng nhác
Cầu Phật sức tinh tấn
Các chánh định điều phục
Trí thâu tóm chánh pháp
Ngu si đắm tuổi thọ
Xem ấm vốn là không
Tánh chúng sinh vắng lặng
Tướng các pháp cũng vậy
Tin ấm không đi đến
Nghiệp thiện, ác chẳng dứt
Do nghiệp tịnh, bất tịnh
Chẳng xa lìa sinh tử
Chúng sinh, đồng pháp giới
Pháp giới tức sinh tử
Đó gọi chẳng nghĩ bàn.
Tin Bồ Tát không sợ
Thắng tín chẳng nghĩ bàn
Tinh tấn tu pháp trí
Không vì kẻ thiếu trí
Nên vì tịnh tín nói
Cùng tin các chúng sinh
Thường trụ không thật có
Đối không, chẳng mê đắm
Tất cả pháp chẳng trụ
Chúng sinh không cũng không
Đồng như cõi Niết Bàn
Nói pháp thường vô tướng
Khiến chúng sinh tin, hiểu
Tất cả pháp tánh không
Quán chúng sinh bình đẳng
Thắng trí trong ba cõi
Được tín, trì như thế
Cũng gọi tín trên hết
Ưa thích pháp không sợ
Người trí trong Phật Pháp
Tự tin, khuyên người tin
Xoay vần dạy như thế
Nuôi lớn các công đức
Tâm tịnh không đắm nhiễm
Ruộng phước thêm lợi ích
Vui mừng điều phục thí
Tịnh giới và nhẫn nhục
Tinh tấn, thiền định thảy
Dùng Trí tuệ dẫn đường
Phương tiện bày tịnh trí
Khiến chúng được an vui.
Khi chết lìa nẻo ác
Trí Bồ Tát trên hết
Thần thông độ muôn loài
Thế Giới rung sáu cách
Ánh sáng đều chiếu khắp
Trí mầu của Bồ Tát
Vô tướng, Sư Tử rống
Khắp Đông, Tây, Nam, Bắc
Bốn góc và dưới, trên
Đều nói ra pháp âm
Thề không nghi ngờ Phật
Dạy người cũng không nghi
Do nhân duyên như thế
Hiển bày vô lượng tướng
Người trụ trong trí ấy
Chỉ Phật chứng biết được.
Này A Nan! Đó là Như Lai Chánh Đẳng Chánh Giác đã vì các vị Bồ Tát mà dùng phương tiện như thế để giảng nói về tín hành.
A Nan thưa: Vì sao Như Lai lại vì các Bồ Tát mà nói về pháp hành?
Phật bảo A Nan: Nay ông nên biết! Các vị Đại Bồ Tát không trụ trong Phật Pháp nhưng có khả năng hiển bày không lìa pháp giới, rốt ráo không nghĩ bàn giới.
Thọ trì các pháp tâm không thấp hèn, tuy giảng nói các pháp nhưng đối với tướng các pháp khong hề chấp đắm, vô niệm vô trụ. Thâu tóm các pháp, đúng với thật tướng thật tánh của chúng, không chấp các pháp, không lìa bỏ phi pháp, không ưa thích các pháp mà cũng chẳng phải không ưa thích các pháp.
Các Đại Bồ Tát tuy được như vậy nhưng đã lìa tướng các pháp, nhờ khéo điều phục, nên tâm thường an vui, khéo nói các pháp không hề bị nhiễu loạn, đối với tướng các pháp không lìa bỏ thân mà cũng không trụ thân, mé trước của thân này đồng với pháp giới, như hư không chẳng đi chẳng đến, đồng với mé chân, như như tướng.
Đó là chỗ Phật nói về việc Bồ Tát đã chứng đạt các pháp thanh tịnh, dứt tất cả cấu nhiễm, quán tất cả pháp không, không thể nhìn thấy, chẳng thể nắm bắt.
Vì sao?
Vì các pháp là không, đã lìa bỏ, không mê đắm cho nên không thấy các pháp. Không thể nắm bắt, không có tranh chấp. Hiển bày pháp giới vô ngôn, vô thuyết. Thể tánh vốn không, chỗ tam vọng động đều vắng lặng. Tâm này không thật có cũng chẳng thể nghĩ bàn, chỉ lộ rõ tánh chất vắng lặng, không duyên theo cảnh giới, giữ gìn các pháp, không hề nương tựa.
Vì sao?
Vì tất cả các pháp đều vô thể vô tướng. Pháp Bồ Tát này là nhất tướng, vô tướng, không thể khen ngợi, không sợ nói pháp. Nếu nói pháp tướng, danh tự, tất cả chương cú cho người nghe thì bản thân mình đã tự chứng, đầy đủ pháp ấy gọi là chủng tánh Đại Bồ Tát.
Đạt được thể tánh ấy rồi thì đối với các pháp không còn có đến, có đi, không còn nắm bắt hay lìa bỏ, giữ gìn tất cả pháp nhưng bất động, bất hoại, vì bất hoại nên gọi là pháp hành, vì thành tựu pháp nên luôn thấy tất cả các pháp là vô tướng, vì được pháp lợi nên cũng gọi là pháp hành.
Bấy giờ, Đức Thế Tôn nói kệ:
Pháp không thoái chuyển
Các Phật cũng vậy
Nếu giữ gìn được
Đó là pháp hành.
Nêu rõ Phật Pháp
Không hình, không tướng
Rất sâu, không nhiễm
Đó là pháp hành.
Chẳng lìa các cõi
Không thể nghĩ bàn
Hội nhập pháp giới
Đó là pháp hành.
Giữ gìn các pháp
Như Phật hiển bày
Tâm không vết nhơ
Đó là pháp hành.
Pháp không thoái chuyển
Tên là vô tướng
Dứt mọi bám vướng
Không còn mê đắm
Đó gọi pháp hành.
Không chấp, không trụ
Thọ trì pháp trí
Người trì như thế
Đó là pháp hành.
Tâm thường yêu thích
Cầu pháp không chán
Xa lìa biếng nhác
Đó gọi pháp hành.
Nghe pháp thọ trì
Vô lậu, chẳng nương
Khéo trụ an vui
Đó gọi pháp hành.
Nếu người nói pháp
Chẳng nghĩ, chẳng đắm
Thọ trì vô tướng
Đó gọi pháp hành.
Thân khéo an trụ
Trụ nơi không chốn
Là thân, chẳng thân
Là biết thân tướng.
Không mé trước sau
Đồng với pháp tánh
Không đến, không đi
Là biết thân tướng.
Cũng như các Phật
Thị hiện Bồ Tát
Được pháp ấy rồi
Đó là pháp hành.
Tánh, tướng cõi không
Tất cả không đắm
Giữ gìn như vậy
Đó gọi pháp hành.
Lại đối các pháp
Không, vô sở kiến
Nếu vô sở kiến
Thì không chướng ngại.
Hiển bày vô tướng
Dứt các hý luận
Không lời, không nói
Cũng không thật có
Lìa các tướng tâm
Nên không thật có
Nếu tâm vô đắc
Thì chẳng nghĩ bàn
Không đến, không đi
Không chẳng hiển bày.
Không duyên, không nói
Gọi chẳng nghĩ bàn.
Nếu trì pháp này
Không thể nương tựa
Là không thật có
Gọi là giữ pháp.
Pháp như thế ấy
Do Bồ Tát nói
Không hợp, không tan
Hiển bày vô tác.
Gọi là hành xứ.
Là nơi chủng tánh
Được lợi như thế
Gọi là hành xứ.
Theo chủng tánh ấy
Không thể chê trách
Được cõi như thế
Đó gọi giữ pháp.
Thấy pháp không giảm
Tuy đi không đi
Đến mà chẳng đến
Chẳng thấy có pháp.
Hoặc đến, hoặc đi
Các pháp cũng vậy
Giữ pháp như thế
Cũng không dao động.
Chẳng thêm, chẳng bớt
Là pháp vô tác
Nếu không thêm, bớt
Đó gọi giữ pháp.
Tướng pháp như như
Không duyên, không nói
Người được pháp này
Gọi là giữ pháp.
Vì vậy, A Nan!
Bồ Tát hiển bày
Được lợi pháp sâu
Đó là giữ pháp.
Vì vậy, A Nan!
Hiển bày giữ pháp
Vì kẻ chẳng tin
Mà nói pháp ấy.
Phân biệt như thế
Nói cho Bồ Tát
Đều dùng phương tiện
Mở bày Phật Pháp.
Như thế đấy, A Nan! Như Lai Chánh Giác vì các vị Đại Bồ Tát mà dùng phương tiện để nêu rõ việc giữ pháp.
***
Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Năm - Phẩm Mười Bảy - Phẩm Tham Hành - Phần Hai
Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Ba - Phẩm Ba Mươi Mốt - Phẩm Tuyên Hóa - Phần Ba