Phật Thuyết Kinh Tiểu Bộ - Tập Mười - Chuyện Tiền Thân đức Phật - Chương Sáu - Phẩm Sáu Bài Kệ - Chuyện Bà La Môn Setakeku Tiền Thân Setaketu

Kinh Đại thừa   •   Thứ hai, 25/12/2023, 22:19 PM

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư An Thế Cao, Đời Hậu Hán

PHẬT THUYẾT KINH TIỂU BỘ

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư 

An Thế Cao, Đời Hậu Hán  

TẬP MƯỜI

CHUYỆN TIỀN THÂN ĐỨC PHẬT  

CHƯƠNG SÁU  

PHẨM SÁU BÀI KỆ  

CHUYỆN BÀ LA MÔN SETAKEKU

TIỀN THÂN SETAKETU  

Hiền hữu, hận sân chẳng lợi gì. Bậc Ðạo Sư kể chuyện này trong lúc trú tại Kỳ Viên về một Tỳ Kheo lừa dối. Hoàn cảnh câu chuyện sẽ xuất hiện trong Tiền Thân Uddàla.

Ngày xưa, khi vua Brahmadatta trị vì ở Ba La Nại, Bồ Tát là một Giáo Sư danh tiếng lừng lẫy và dạy Thánh Kinh cho năm trăm đồ đệ. Vị huynh trưởng trong bọn là Setakeku, xuất thân từ một gia đình Bà La Môn miền Bắc, vốn rất tự cao về giai cấp mình.

Một hôm chàng ra khỏi Thành Phố cùng bè bạn, lúc trở về, chàng thấy một kẻ Chiên Đà La Candàla: Anh là ai?

Chàng hỏi. Tôi là một Chiên Đà La.

Vị ấy sợ ngọn gió sau khi chạm vào người kẻ Chiên Đà La sẽ đụng vào thân mình, nên thốt lên: Ðồ khốn kiếp, này tên Chiên Đà La xui xẻo kia, hãy tránh gió mau. Rồi chành chạy nhanh về phía gió. Song kẻ Chiên Đà La cũng nhanh chân bắt kịp chàng và đứng trước gió cản. Chàng lại càng phỉ báng mạ lỵ kẻ kia nhiều hơn nữa.

Kẻ Chiên Đà La hỏi: Ông là ai?

Ta là một thư sinh Bà La Môn. Tốt lắm, nếu vậy thì ông có thể đáp câu hỏi của tôi.

Ðúng vậy. Còn nếu ông không đáp được, tôi sẽ kẹp ông lại giữa hai chân tôi đấy.

Vị Bà La Môn đầy tự tin, bảo: Cứ làm ngay đi.

Kẻ Chiên Đà La muốn làm cả hội chúng hiểu chuyện này, liền hỏi: Này thanh niên Bà La Môn, các phương hướng là gì?

Ðó là bốn phương: Ðông, Tây, Nam, Bắc.

Kẻ Chiên Đà La bảo: Tôi không hỏi loại phương hướng đó, còn ông không biết ngay đến chuyện này, mà lại ghê tởm luôn cả ngọn gió đụng vào người tôi!

Thế là kẻ ấy chụp lấy vai chàng đè xuống kẹp vào giữa hai chân mình. Các học trò kia đem chuyện ấy kể với thầy.

Vị thầy bảo: Này cậu Setakeku, cậu đã bị kẹp giữa hai chân một kẻ Chiên Đà La ấy à?

Thưa thầy, vâng, thằng oắt con của một tên nô lệ đã kẹp đệ tử giữa hai chân nó và bảo: Ông này không biết ngay các phương hướng. Nhưng nay đệ tử đã biết phải làm gì với nó rồi. Và như vậy, chàng lại phỉ báng kẻ Chiên Đà La một cách giận dữ.

Vị thầy khuyên nhủ: Này cậu Setakeku, đừng giận nó, nó có trí tuệ cao đấy. Nó đã hỏi cậu về một loại phương hướng khác, chứ không phải loại này. Thứ mà cậu không thấy, không nghe, không hiểu, còn cao xa hơn thứ mà cậu đã thấy và nghe nữa.

Rồi Ngài ngâm hai câu kệ để khuyến giáo:

Hiền hữu, hận sân chẳng lợi gì,

Trí cao vượt quá chuyện mình nghe:

Một phương Phải hiểu là cha mẹ,

Thầy Giáo được dùng chí hướng kia.

Gia chủ cho y phục, uống ăn,

Cửa thường rộng mở, chính là phương,

Còn phương trong nghĩa cao siêu nhất: Trạng thái vô ưu, lạc Niết Bàn.

Như vậy, Bồ Tát giảng giải bốn phương cho thanh niên Bà La Môn này, song chàng nghĩ: Ta đã bị kẹp giữa hai chân một kẻ Chiên La Đà, liền rời nơi ấy và đến Takksilà học đủ mọi môn nghệ thuật với một Giáo Sư danh tiếng lẫy lừng.

Sau đó, được thầy cho phép, chàng rời Takkasilà, vừa du hành đây đó, vừa học tập mọi nghề thực tiễn. Khi đến một làng Biên Địa, chàng gặp năm trăm nhà khổ hạnh sống gần đó và được thọ giới tu hành.

Chàng học hỏi được mọi nghệ thuật, Kinh Điển và các phương pháp thực hành, rồi tất cả cùng vị ấy đi đến Ba La Nại.

Hôm sau chàng đi vào cung đình khất thực. Vua hoan hỷ trước phong cách các vị khổ hạnh, liền cúng dường thực phẩm ngay tại cung Vua, và mời các vị ở lại ngự viên.

Một hôm Vua bảo trong lúc cúng dường thực phẩm: Chiều tối nay trẫm sẽ đến đảnh lễ các Tôn Giả ngay tại ngự viên.

Setakeku liền đến ngự viên, triệu tập các vị khổ hạnh và bảo: Các Tôn giả, hôm nay Đức Vua sẽ đến. Chỉ cần một lần hòa hợp với Vua chúa, người ta có thể sống sung sướng suốt cả đời. Vậy bây giờ một số vị làm kiểu khổ hình bằng cách lắc mạnh người, một số vị nằm trên giường gai, một số vị chịu đựng năm ngọn lửa, một số thực hành khổ hạnh bằng cách ngồi xổm, một số nhào lộn, một số đọc Kinh.

Sau khi ra lệnh xong, chính vị ấy ngồi tại cửa Am Thất với gối dựa, đặt quyển sách bao bìa sáng loáng trên một giá gỗ có sơn và giảng Kinh cho đám học trò thông minh chừng bốn năm người. Vừa lúc ấy Nhà Vua đến, thấy họ đang diễn trò khổ hạnh giả dối này lại rất hài lòng.

Vua đến gần Setakeku, kính vái chàng, rồi ngồi xuống một bên, sau đó ngâm vần kệ thứ ba nói chuyện với vị tế sư của hoàng gia:

Hàm răng bẩn, áo da dê, tóc bện,

Miệng thì thầm Kinh Thánh, dáng bình an,

Chẳng từ nan mọi phương tiện Hiền Nhân,

Chắc đã đạt chân như và giải thoát.

Vị tế sư nghe vậy, liền đáp vần kệ thứ tư:

Một trí nhân có thể làm ác hạnh,

Một trí nhân có thể chẳng chánh chân,

Ngàn câu Vệ Đà chẳng tạo an toàn

Khi việc hỏng, hoặc cứu người lâm nạn.

Khi vua nghe lời này, liền lấy lại mọi ân sủng dành cho đám khổ hạnh kia.

Setakeku nghĩ thầm: Nhà vua ham thích đám khổ hạnh, song tế sư này đã phá hoại như thể lấy rìu chặt ngang sở thích của Vua. Ta phải nói chuyện với Tế Sư mới được.

Do thế, chàng ngâm vần kệ thứ năm nói chuyện với Tế Sư:

Một Trí nhân có thể làm ác hạnh,

Một Trí nhân có thể chẳng chánh chân,

Ngài bảo Vệ Đà là vật không cần,

Chỉ tu tập điều thân là thiết yếu.

Vị tế sư nghe vậy, liền đáp vần kệ thứ sáu:

Không, Vệ Đà không hoàn toàn vô dụng,

Dù điều thân tu tập: Đạo chánh chân,

Học Vệ Đà vẫn mang lại vinh quang,

Song ta đạt tối an nhờ chánh hạnh.

Như vậy, vị Tế Sư bài bác giáo lý của Setakeku. Ngài khuyên cả đám khổ hạnh hoàn tục, cho họ gươm, giáo, mộc để làm quan thị vệ cao cấp hầu cận Vua. Từ đó người ta bảo dòng dõi quan thị vệ cao cấp xuất hiện.

Khi chấm dứt pháp thoại này, bậc Ðạo Sư nhận diện tiền thân: Thời ấy, Setakeku là Tỳ Kheo lừa dối này, kẻ Chiên Đà La là Sàriputta và Tế Sư của Nhà Vua chính là ta.

***

icon

Tổng hợp

Cùng chủ đề

Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Ba - Phẩm Ba Mươi Mốt - Phẩm Tuyên Hóa - Phần Ba

Kinh Đại thừa   •   25.12.2023
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Cưu Ma La Thập, Đời Diêu Tần