Phật Thuyết Kinh Pháp Vị Tằng Hữu Chánh Pháp - Phần Hai

Kinh Đại thừa   •   Thứ hai, 25/12/2023, 22:04 PM

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Pháp Thiên, Đời Tống

PHẬT THUYẾT KINH

PHÁP VỊ TẰNG HỮU CHÁNH PHÁP

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư

Pháp Thiên, Đời Tống  

PHẦN HAI  

Bấy giờ Đại Bồ Tát Biện Tích thưa trước Bồ Tát Diệu Cát Tường: Chúng ta hãy đến Đức Phật để hỏi Đại Bồ Tát nên trụ như thế nào. Lúc ấy vẫn ngồi yên giữa chúng hội, Bồ Tát Diệu Cát Tường thâu nhiếp thân tướng Bồ Tát, mà hóa hiện ra thân tướng Như Lai với đầy đủ tướng tốt, giống y hệt như Phật Thích Ca Mâu Ni.

Lúc này Bồ Tát Biện Tích không biết tướng hóa hiện nên cho là Đức Như Lai và đến trước Phật thưa: Bạch Thế Tôn! Ðại Bồ Tát nên trụ như thế nào?

Hóa Phật trả lời: Theo những gì ta làm thì Bồ Tát nên trụ như vậy.

Bồ Tát Biện Tích thưa: Theo Phật Thế Tôn thì trụ như thế nào?

Hóa Phật nói: Phật Thế Tôn không tu hành pháp trì giới, nhẫn nhục, tinh tấn, thiền định, trí tuệ, không chấp trước vào Cõi Dục, Cõi Sắc và Cõi Vô Sắc. Không hành thân nghiệp, không sanh ngữ nghiệp, không tạo ý nghiệp. Như vậy đối với tất cả xứ đều không có chỗ hành.

Này thiện nam tử! Vì tất cả những gì để hành đều như huyễn hóa.

Bồ Tát Biện Tích thưa: Vậy thì Phật Thế Tôn cũng là tướng huyễn hóa sao?

Hóa Phật nói: Ðúng vậy, đúng vậy. Ðại Bồ Tát nên trụ như vậy.

Bồ Tát Biện Tích lại bạch Phật: Vì sao thế Tôn cũng là tướng huyễn hóa?

Hóa Phật nói: Này thiện nam tử! Không những vậy mà tất cả các pháp đều là tướng huyễn hóa.

Bồ Tát Biện Tích thưa: Ðúng vậy, đúng vậy!

Tánh không của các pháp đều là tướng huyễn hóa, không lẽ Phật Thế Tôn của con cũng là huyễn hóa sao?

Hóa Phật nói: Này thiện nam tử! Ðâu chỉ có Đức Phật đây là tướng huyễn hóa mà tất cả Như Lai cũng đều là tướng huyễn hóa.

Bồ Tát Biện Tích thưa: Ai là người có thể hóa?

Hóa Phật nói: Do nghiệp thánh tịnh, chứ chẳng phải có người hay hóa hay được hóa, cũng không có ta, không có người, không có chúng sanh, không có thọ mạng, không có sĩ phu, không có thức, không có bổ đặc già la, không có Phật, không có các tướng phàm phu.

Bồ Tát Biện Tích bạch Phật: Bạch Thế Tôn! Nên học như thế nào để đắc bồ đề?

Hóa Phật dạy: Tất cả pháp không có chỗ học, Bồ Tát nên học như vậy. Các pháp không có chỗ hành, Bồ Tát nên học như vậy. Các pháp không có gì sợ, Bồ Tát nên học như vậy. Các pháp không có nghi ngờ, Bồ Tát nên học như vậy.

Các pháp không có sở hữu, không có chỗ duyên, không hư vọng, không tụ tập, không tạo tác, không văn tự, không sanh, không diệt, không đã có, không hiện có và không sẽ có. Chẳng phải huyễn hóa, chẳng phải hình tượng, chẳng phải chỗ quán của trí, xa lìa tất cả tưởng.

Ðại Bồ Tát nên học như vậy. Ai học như vậy thì gọi là học đúng, không giảm mất cũng không tăng trưởng. Nếu ai học như vậy thì không còn gì để viễn ly, không còn gì để bàn luận, không còn gì để vui thích, không còn gì để nhàm chán, không vui không giận, không đến không đi. Nếu ai học như vậy, gọi là học đúng.

Cho nên này thiện nam tử! Nếu có người nào cầu vô thượng bồ đề thì nên biết rằng không có luân hồi, không có Niết Bàn, không nắm bắt, không xả bỏ, không bố thí, không xan tham, không giữ giới, không phạm giới, không nhẫn nhục, không sân giận, không siêng năng.

Không biếng nhác, không định, không loạn, không trí tuệ, không ngu si, chẳng phải học, chẳng phải vô học, chẳng hành chẳng phải không hành, không có gì để đắc không có gì để chứng, không có bồ đề, không có Phật Pháp, không có tưởng ngã, không có tưởng người.

Không có tưởng chúng sanh, không có tưởng thọ giả, không có tưởng Bổ Đặc Già La, không có tưởng pháp, cũng không có tưởng phi pháp, chẳng phải hữu tưởng chẳng phải vô tưởng.

Vì sao?

Vì các pháp như huyễn hóa, không có hai, không sai khác, không có tướng chuyển động. Với tất cả pháp chẳng phải sắc nắm bắt tướng. Mắt không thể quán được vì tất cả pháp không có tướng phân biệt, tâm không thể biết. Tánh của các pháp là không, không có pháp nào có thể hành, không có bồ đề nào để chứng đắc.

Cho nên này thiện nam tử! Các Đại Bồ Tát nên hành như vậy, nên học như vậy. Nếu có thiện nam tử nào nghe nói điều này mà không kinh sợ, không nghi ngờ thì người ấy có thể chứng đắc vô thượng bồ đề.

Lại nữa, này thiện nam tử! Ví như hư không không có gì có thể xâm hại được, lửa không thể đốt, gió không thể làm lay chuyển, nước không thể thấm ướt, bụi không thể làm dơ, khói mây sấm sét không thể nào dính vào được, bởi vì hư không không chướng ngại.

Ðại Bồ Tát cũng như vậy, tâm không chướng ngại, không bị các pháp làm chuyển động, tâm không ưa thích không nhàm chán giống như hư không. Các uẩn không bị chúng ma làm lay động, Bồ Tát ấy sẽ chứng vô thượng bồ đề và làm lợi ích lớn vô cùng tận cho chúng sanh. Sau khi nói pháp xong, hóa Phật bỗng biến mất. Bồ Tát Diệu Cát tường trở lại thân cũ.

Bồ Tát Biện Tích thưa trước Bồ Tát Diệu Cát tường: Như Lai Thế Tôn vừa mới giảng pháp từ đâu đến vậy, bây giờ đi về đâu rồi?

Diệu Cát tường nói. Vốn không từ đâu đến nên bây giờ không đi về đâu.

Bồ Tát Biện Tích lại hỏi: Ðến mà không đến thì từ đâu đến?

Diệu Cát Tường trả lời: Từ như vậy mà đến.

Bồ Tát Biện Tích hỏi: Theo như Phật đã nói thì tất cả Như Lai đều là tướng huyễn hóa.

Vậy tướng huyễn hóa chẳng từ đâu đến cũng không đi về đâu sao?

Diệu Cát Tường trả lời: Ðúng vậy, đúng vậy. Tướng huyễn hóa không đến không đi. Tất cả pháp, tất cả chúng sanh cũng như vậy.

Bồ Tát Biện Tích lại hỏi: Tất cả pháp trụ chỗ nào?

Bồ Tát Diệu Cát tường trả lời: Các pháp không có tự tánh nên trụ như vậy.

Bồ Tát Biện Tích hỏi: Tất cả chúng sanh trụ thế nào?

Bồ Tát Diệu Cát Tường nói: Tất cả chúng sanh mỗi mỗi đều có nghiệp báo nên cũng trụ như vậy.

Bồ Tát Biện Tích hỏi: Tất cả nghiệp báo của chúng sanh như thế nào?

Bồ Tát Diệu Cát Tường trả lời: Các pháp không có chủ nên cũng không có nghiệp báo. Vì các pháp bình đẳng nên trụ như vậy.

Bồ Tát Biện Tích hỏi: Nếu không có nghiệp báo thì sao lại nói mỗi mỗi có nghiệp báo?

Bồ Tát Diệu Cát Tường trả lời: Tạo ra nghiệp gì thì thọ quả báo theo nghiệp đó, đó là nghiệp báo.

Bồ Tát Biện Tích hỏi: Nghiệp báo của chúng sanh là tánh không, đang sống cũng như vậy thì làm sao thọ quả báo?

Bồ Tát Diệu Cát Tường trả lời: Như pháp chân thật thì không có nghiệp không có quả báo, không có sanh, chẳng phải có chẳng phải không, đó là nghiệp báo. Nhưng nghiệp báo của chúng sanh không mất mát, tánh của tự nghiệp là không, nên đó là nghĩa chân thật.

Khi Bồ Tát Diệu Cát Tường nói pháp này thì trong hội của Đức Phật Thích Ca Mâu Ni có Tôn Giả Xá Lợi Tử, A Nan và những vị Thanh Văn khác nhờ oai lực của Phật mà được nghe diệu pháp của Bồ Tát Diệu Cát tường đã nói.

Bấy giờ Xá Lợi Tử đứng dậy thưa trước Phật: Thật hy hữu thay, Bạch Thế Tôn! Các Bồ Tát đều dùng phương tiện thiện xảo để giảng nói pháp thâm sâu. Nếu có người nào nghe không ai mà không phát tâm vô thượng bồ đề.

Phật dạy Xá Lợi Tử: Ðại Bồ Tát đem tâm không chấp trước mà tu học các hành, đem tâm không giải đãi mà giảng nói chánh pháp.

Này Xá Lợi Tử! Như những gì Bồ Tát làm, thọ quả báo, có trí tuệ, và giảng pháp cũng đều như vậy. Như ông Xá Lợi Phất thì sở hành sở học đều là hạnh của Thanh Văn vì có tướng chấp trước, đắc được trí tuệ cũng như vậy.

Bấy giờ có Bồ Tát tên Quang Nghiêm đứng dậy đến trước Phật thưa: Bạch Thế Tôn! Sao gọi là hạnh của Thanh Văn?

Phật dạy: Này thiện nam tử! Hạnh của Thanh Văn nghĩa là đối với pháp còn có hạn lượng, đối với sự tu hành không thể xa lìa các tướng, thích tránh sanh tử để chứng Niết Bàn, chán bỏ chúng sanh không cứu vớt, trí huệ còn hạn hẹp, không có tâm rộng lớn.

Cho nên Bồ Tát quán hạnh của Thanh Văn giống như ngu mờ, nên tâm của Bồ Tát hành mà không chấp trước, trí huệ không chướng ngại và còn có thể độ khắp chúng sanh được vô lượng lợi ích.

Bồ Tát Quang Nghiêm lại thưa Phật: Bạch Thế Tôn! Bồ Tát Diệu Cát Tường và các Đại Sĩ, sao bây giờ không đến hội này để giảng nói diệu pháp?

Chúng con rất muốn nghe.

Vì sao?

Vì Bồ Tát Diệu Cát Tường đã chứng đắc pháp thâm sâu, nhập vào môn giải thoát, dùng vô ngại biện nói rõ về pháp giải thoát.

Bấy giờ Đức Phật Thích Ca Mâu Ni liền dùng thần thông cảnh giác bảo Bồ Tát Diệu Cát Tường đến pháp Hội, lúc ấy Bồ Tát Diệu Cát Tường cùng hai mươi lăm Đại Bồ Tát và chúng Trời người đều đến chỗ Phật Thích Ca Mâu Ni, tất cả đều lễ lạy sát hai chân Phật, đi nhiễu bên phải ba vòng rồi lui qua một bên.

Bồ Tát Quang Nghiêm thưa với Bồ Tát Diệu Cát Tường: Vì sao Đại Sĩ rời bỏ chỗ Phật để nói pháp chỗ khác?

Diệu Cát Tường trả lời: Giáo pháp mà Đức Phật nói ra rất sâu xa khó hiểu, lìa các ngôn ngữ, tôi không thể biết.

Bồ Tát Quang Nghiêm hỏi: Phật nói pháp rất thâm sâu khó hiểu, như Đại Sĩ đây có trí huệ vô lượng mà còn không thể hiểu thì chúng tôi làm sao mà hiểu nổi.

Bồ Tát Diệu Cát Tường nói: Chỉ có Phật với Phật mới thông đạt tất cả, ngoài Như Lai ra không ai có thể tin ngộ được, cho nên tôi theo năng lực giảng nói của mình mà nói pháp, chỉ theo pháp mà nói còn đối với pháp giới chân tế thì chẳng lìa chẳng phải không lìa.

Nói như vậy gọi là nói pháp. Ðối với ngôn ngữ, đối với hý luận, đối với danh tướng, đối với các sanh diệt cũng chẳng lìa chẳng phải không lìa, là các pháp bình đẳng, đó gọi là nói pháp.

Các pháp không có tướng mình, không có tướng người, không có tướng pháp cũng không có tướng phi pháp, không có tướng luân hồi, không có tướng Niết Bàn, đó gọi là nói pháp.

Bấy giờ Đức Phật Thích Ca Mâu Ni khen ngợi Bồ Tát Diệu Cát Tường: Lành thay! Lành thay! Này Diệu Cát Tường, ông nói pháp đúng là chân nói pháp.

Vì sao?

Vì các pháp lìa ngôn ngữ, lìa tất cả tưởng, không có pháp lớn không có pháp nhỏ, đoạn trừ những phân biệt, chẳng phải tâm tam muội để quán để thấy, không có một pháp nào tăng hay giảm, nói pháp như vậy gọi là hiểu pháp, tức là đã thấy Phật.

Khi Đức Phật Thích Ca Mâu Ni nói pháp này, trong chúng hội có tám ngàn Bồ Tát chứng vô sanh pháp nhẫn, có hai trăm Thiên Tử trước đây phát tâm đại thừa chẳng bao lâu lại suy nghĩ: Pháp của Phật sâu xa khó hiểu khó biết, không thể cùng tận, chúng ta không thể nào hiểu rõ ý thâm sâu ấy, thực hành những hạnh thù thắng để chứng vô thượng bồ đề, không bằng với quả Thanh Văn Duyên Giác thì cầu Niết Bàn nhất định không có nghi ngờ gì cả. Thế rồi tất cả thối tâm đại thừa.

Biết được tâm niệm của các Thiên Tử, Đức Thế Tôn dạy các Thiên Tử: Các ông đừng có tâm giải đãi mà làm mất đi tâm đại thừa, cần phải phát tâm vô thượng bồ đề cho kiên cố không cho thối lui. Vì muốn độ các Thiên Tử, Đức Phật Thích Ca Mâu Ni liền hóa làm một trưởng giả cầm bình bát đầy những vị thức ăn uống, vào Pháp Hội.

Ðến chỗ Phật, ông dâng thức ăn cúng dường Thế Tôn, rồi đầu mặt lạy sát chân Ngài mà thưa rằng: Cúi xin Thế Tôn hãy thương xót con mà nhận thức ăn này của con.

Ðể tùy thuận theo ý của trưởng giả, Thế Tôn nhận thức ăn, lúc đó, Bồ Tát Diệu Cát Tường đứng dậy, chắp tay cung kính thưa trước Phật: Bạch Thế Tôn! Thức ăn mà Phật nhận không có hạn lượng, đáp ứng cả pháp giới mà không bị chấp trước, không có người bố thí không có người thọ nhận, tất cả đều bình đẳng, như pháp mà thọ thực.

Bấy giờ Xá Lợi Tử nghi ngờ rằng: Ông trưởng giả cúng dường thức ăn này từ đâu đến, chẳng lẽ do Bồ Tát Diệu Cát Tường biến hóa ra để làm Phật Sự hay sao. Biết sự hồ nghi của Xá Lợi Phất.

Thế Tôn liền nói với Xá Lợi Tử: Này ông Xá Lợi Tử! Chớ nghĩ như vậy, dù đến hay đi thì tự Phật đã biết thời. Thọ thực xong, Thế Tôn đem bình bát ném xuống đất. Bình bát bị ném rơi vào Thế Giới phương Dưới trong lúc các Đức Phật ở các cõi đang nói pháp.

Ðệ tử của Chư Phật đều hỏi: Bát này từ đâu đến?

Chư Phật đều nói: Thế Giới phương Trên tên Ta Bà, có Phật Thế Tôn hiệu Thích Ca Mâu Ni, hiện đang thuyết pháp. Bình bát này từ Cõi ấy đến đây, vì muốn giáo hóa các Bồ Tát.

Bình bát này rơi xuống hơn bảy mươi hai hằng hà sa số Cõi Phật, có Thế Giới tên Quang Minh, Phật Hiệu Quang Minh Vương Như Lai, Ứng Cúng Chánh Ðẳng Chánh Giác, hiện đang giảng pháp, bình bát nay lơ lửng giữa hư không trước Phật ấy.

Sau khi ném bình bát, Đức Phật Thích Ca Mâu Ni liền bảo Tôn Giả Xá Lợi Tử: Này Xá Lợi Tử! Ông hãy dùng thần lực quan sát xem bình bát đã ném nay ở cõi nào và nơi đâu?

Thế rồi Xá Lợi Tử liền nhập vào tám mươi ngàn môn Tam Ma Địa, ở trong các định ấy, Xá Lợi Tử dùng trí lực của mình và sức thần thông của Phật quán khắp mười ngàn Cõi Phật nhưng không thấy bình bát ấy ở đâu cả.

Sau khi ra khỏi định, Xá Lợi Tử bạch Phật: Bạch Thế Tôn con đã quán sát qua mười ngàn Cõi Phật nhưng không thấy bình bát ấy ở đâu cả. Thế Tôn bảo Tôn Giả Ðại Mục Kiền Liên.

Này Ðại Mục Kiền Liên, ông hãy dùng thần lực quán sát xem bình bát đang ở đâu?

Vâng thánh chỉ của Phật, Tôn Giả Ðại mục Kiền Liên liền nhập vào tám ngàn môn Tam Ma Địa. Ở trong những định ấy, Tôn Giả dùng thần thông của mình qua tám ngàn Cõi Phật ở Thế Giới phương Dưới, quan sát khắp nơi nhưng cũng không thấy bình bát ở đâu cả.

Sau khi ra khỏi định Tôn Giả thưa trước Phật: Bạch Thế Tôn! Con đã dùng thần thông qua tám ngàn Cõi Phật ở Thế Giới phương Dưới, nhưng không thấy bát ấy ở đâu cả.

Thế Tôn bảo Tôn Giả Tu Bồ Ðề: Ông hãy dùng thần thông quán sát xem bình bát đã ném nay ở cõi nào và nơi đâu?

Vâng thánh chỉ của Phật, Tôn Giả Tu Bồ Ðề liền nhập vào một vạn hai ngàn môn Tam Ma Địa. Ở trong định ấy, Tôn Giả quán sát khắp một vạn hai ngàn Cõi Phật nhưng không thấy bình bát ấy ở đâu.

Sau khi ra khỏi định, Tôn Giả thưa trước Phật: Bạch Thế Tôn! Con đã dùng sức thần thông, quán sát khắp một vạn hai ngàn Cõi Phật nhưng không thấy bình bát ấy ở đâu cả. Như vậy lần lượt năm trăm đệ tử Thanh Văn đều dùng thần thông của mình và sức Thiên nhãn quán sát, nhưng đều không thấy bình bát ấy.

Bấy giờ Tôn Giả Tu Bồ Ðề thưa trước Đại Bồ Tát Từ Thị: Nhân giả được thọ ký còn một đời nữa sẽ được bổ làm Phật, cúi xin nhân giả hãy nhập vào Tam Ma Địa để quán sát bình bát ấy đang ở đâu để mà trình cho các đại chúng.

Bồ Tát Từ Thị nói với Tu Bồ Ðề: Thưa Tôn Giả! Ðúng là tôi được thọ ký còn một đời nữa sẽ đắc Vô Thượng Chánh Giác, nhưng tất cả môn Tam Ma Địa của Bồ Tát Diệu Cát tường, tên của nó tôi còn không thể biết huống chi chứng nhập, chỉ có Bồ Tát Diệu Cát Tường mới có thể chứng nhập được hết, vì sở hành sở tác đều thông đạt cả.

Thưa Tu Bồ Ðề! Những gì Chư Phật Như Lai làm tôi đâu thể biết, cho nên trí tuệ thần thông của tôi chưa kịp bằng Bồ Tát Diệu Cát Tường. Bình bát mà Thế Tôn đã ném chỉ có Bồ Tát Diệu Cát Tường biết ở đâu thôi. Chúng tôi đã đến khắp nơi nhưng đều không thể biết.

Thế rồi Tu Bồ Ðề thưa trước Phật: Bạch Thế Tôn! Bồ Tát Diệu Cát Tường có công đức thù thắng, ngoài Như Lai ra không ai có thể sánh bằng ông ta được. Ông ta sẽ biết chỗ bình bát Như Lai đã ném đang ở đâu.

Cúi xin Thế Tôn sai Bồ Tát Diệu Cát Tường dùng đại thần thông lấy bát ấy trở về chúng hội để trình cho đại chúng mà làm Phật Sự.

Thế Tôn liền bảo Bồ Tát Diệu Cát Tường: Này Diệu Cát Tường! Ông là người biết bình bát ấy đang ở đâu và trụ chỗ nào.

Sau khi nhận lời dạy của Phật, Bồ Tát Diệu Cát Tường suy nghĩ: Ta không rời khỏi tòa, không lìa Pháp Hội của Phật, cũng không ẩn thân mà vẫn lấy bình bát ấy về trình cho đại chúng.

Nghĩ như vậy xong, Bồ Tát liền nhập vào Tam Ma Địa, ở trong định ấy duỗi tay phải của mình ra qua mỗi mỗi Cõi Phật ở Thế Giới phương Dưới, ở trước mỗi Đức Phật, tay của Bồ Tát phát ra tiếng như vậy: Con nay kính lạy Chư Phật, Phật Thích Ca Mâu Ni của con có gởi lời thăm hỏi Thế Tôn có ít bệnh, an vui, đi đứng nhẹ nhàng và có khỏe mạnh không?

Sau khi gởi lời thăm hỏi, thì ở mỗi lỗ chân lông trong tay ấy phóng ra trăm ngàn câu chi ánh sáng. Mỗi ánh sáng có trăm ngàn hoa sen, trên mỗi hoa sen có Như Lai ngồi. Mỗi đức Như Lai đều khen ngợi Phật Thích Ca Mâu Ni, mỗi Thế Giới đều chấn động sáu cách, hiện ánh sáng lớn chiếu khắp Cõi Phật.

Lại hiện tràng phan, bảo cái đủ loại trang sức để làm Phật Sự. Mỗi Cõi Phật cũng đều như vậy. Qua bảy mươi hai hằng hà sa số Cõi Phật rồi lại đến chỗ Phật Quang Minh Vương. Tay ấy lại phát ra tiếng thăm hỏi rất cung kính cũng như trên, lại phóng trăm ngàn ánh sáng.

Trong mỗi ánh sáng có trăm ngàn hoa sen. Trên mỗi hoa sen đều có Phật ngồi. Chư Phật đều khen ngợi Thích Ca Như Lai. Ánh sáng chiếu hợp lại thông suốt vô lượng.

Bấy giờ trong hội của Phật Quang Minh Vương có Bồ Tát tên Quang Tràng đứng dậy thưa trước Quang Minh Vương Như Lai: Tay này từ đâu đến mà hiện tướng như vậy lại phóng ánh sáng này, lại trong ánh sáng hiện ra hoa sen như vậy, trên mỗi hoa sen đều có chư Như Lai khen ngợi Phật Thích Ca Mâu Ni. Vì sao có sự việc như thế này, cúi xin Phật chỉ dạy cho con.

Quang Minh Vương Như Lai nói với Bồ Tát Quang Tràng: Phương Trên cách đây bảy mươi hai hằng hà sa số Cõi Phật có Thế Giới tên Ta Bà, Phật hiệu Thích Ca Mâu Ni Ứng Chánh Ðẳng Giác, hiện đang giảng pháp giáo hóa đại chúng, ở đó có Bồ Tát tên Diệu Cát Tường có đầy đủ công đức, mặc áo giáp tinh tấn bất tư nghì, có đại trí lực đã đến bờ bên kia.

Ở trong hội Phật Thích Ca Mâu Ni, Bồ Tát ấy ngay nơi tòa duỗi tay phải để đến lấy bình bát ấy. Do đó mà có sự việc này. Bấy giờ Quang Minh Vương Như Lai từ nơi giữa chặng mày phóng ra ánh sáng lớn chiếu khắp bảy mươi hai hằng hà sa số Cõi Phật đến Thế Giới Ta Bà đều chiếu rực rỡ rộng lớn.

Những chúng sanh ở Thế Giới này nhờ ánh sáng chiếu nên rất vui mừng giống như Vua Chuyển Luân. Những người tu hạnh Bồ Tát được ánh sáng này chiếu đều đắc quả, tu hành viên mãn.

Tất cả Đại Bồ Tát đều đắc môn Nhật Quang Tam Ma Địa. Những ai tu hạnh Thanh Văn đều được tám Pháp Môn giải thoát. Các Bồ Tát ở Cõi Phật Quang Minh Vương nhờ ánh sáng của Như Lai đều thấy Phật Thích Ca Mâu Ni ở Thế Giới Ta Bà và Bồ Tát Diệu Cát Tường cùng các chúng Thanh Văn đang vây quanh nghe thuyết pháp.

Ðại Bồ Tát Quang Tràng thấy chúng sanh cõi Ta Bà này nghiệp ô uế nên buồn khóc mà thưa với Quang Minh Vương Như Lai: Bạch Thế Tôn! Con nhờ ánh sáng của Phật nên được thấy cõi Ta Bà, nhưng cõi Ta Bà này đầy dẫy ô uế.

Các Đại Bồ Tát sanh vào cõi ấy giống như châu báu phệ lưu ly bị chìm trong bùn, việc ấy như thế nào?

Quang Minh Vương Như Lai nói với Bồ Tát Quang Tràng: Này thiện nam tử, ông đừng nói như thế. Những người tu hạnh Bồ Tát trong Thế Giới của ta đây, tu tập thiền định trong mười kiếp nhưng không bằng chúng sanh cõi Ta Bà kia phát một tâm niệm từ bi hỷ xả mà có thể đạt được vô lượng công đức, tiêu trừ tất cả chướng nặng phiền não.

Vì sao?

Vì chúng sanh cõi Ta Bà rất dõng mãnh lanh lợi. Cho nên các Bồ Tát sanh trong cõi ấy. Vì ủng hộ Phật Pháp, ông chớ nên buồn khóc làm gì.

Các chúng Bồ Tát trong hội của Phật Thích Ca Mâu Ni được ánh sáng chiếu, bèn thưa Phật: Bạch Thế Tôn! Do nhân duyên gì mà có ánh sáng chiếu khắp rực rỡ như vậy, và làm cho chúng con rất vui thích, làm cho các chúng sanh diệt trừ hết các phiền não?

Phật Thích Ca Mâu Ni dạy các Bồ Tát: Này các thiện nam tử! Phương Dưới cách đây bảy mươi hai hằng hà sa số Cõi Phật có Thế Giới tên Nhật Quang Minh, có Phật Như Lai hiệu Quang Minh Vương Ứng Chánh Ðẳng Giác, hiện đang giảng pháp giáo hóa chúng sanh, giữa chặng mày của Phật ấy phóng ra ánh sáng lớn chiếu khắp Thế Giới này.

Khi ấy các Bồ Tát thưa Phật: Bạch Thế Tôn! Chúng con muốn thấy Phật Quang Minh Vương và các Bồ Tát ở cõi Quang Minh ấy, cúi xin Phật dùng sức thần thông để chúng con được thấy.

Bấy giờ Phật Thích Ca Mâu Ni hiện tướng bánh xe ngàn căm dưới chân. Trong bánh xe phóng ánh sáng lớn, chiếu xuống bảy mươi hai hằng hà sa số cõi chiếu rực rỡ rộng lớn trong Cõi Phật Quang Minh Vương.

Các chúng Bồ Tát nương ánh sáng của Phật đều được thấy Phật Quang Minh Vương và các Bồ Tát cõi ấy đạt được pháp môn Diệu Cao Ðăng Tam Ma Địa.

Lúc ấy ánh sáng ở mỗi Cõi Phật ở phương Dưới chiếu rực rỡ đến tận khắp cõi Ta Bà này làm cho hai bên nhìn thấy nhau không bị chướng ngại.

Như vậy các Thế Giới phương Dưới cho đến các chúng Bồ Tát của Cõi Phật Quang Minh Vương các Bồ Tát ở cõi Ta Bà này đều nhìn và chiêm ngưỡng nhau.

Ví như ánh sáng mặt trời xua tan đi những tăm tối, tất cả chúng sanh đều được thấy nhau. Khi ấy các Đại Bồ Tát đều phát tâm tinh tấn cầu đại quả.

Khi Bồ Tát Diệu Cát Tường duỗi tay đến trước Quang Minh Vương Như Lai đứng giữa hư không sắp lấy bình bát, thì có vô số trăm ngàn câu chi na do tha chúng Đại Bồ Tát ở các Cõi Phật cung kính vây quanh theo bình bát để lên cõi Ta Bà, và tướng ánh sáng đẹp đẽ ấy cũng dần dần biến mất. Bồ Tát Diệu Cát Tường đặt bình bát ở giữa hư không trước Phật Thích Ca Mâu Ni.

Thế rồi Bồ Tát ra khỏi định đứng dậy đến trước Phật, lạy sát chân Ngài và thưa: Bạch Thế Tôn! Con vâng lệnh của Phật, đã lấy bình bát bị ném từ phương Dưới, nay con để giữa hư không trước Đức Phật, cúi xin Phật nạp thọ.

Thế Tôn im lặng nhận. Bấy giờ các Bồ Tát trong các Cõi Phật ở Thế Giới phương Dưới theo bình bát đến, đều cùng nhau đến lễ lạy sát chân Phật Thích Ca Mâu Ni và cùng xưng danh hiệu Phật của mình.

Ðức Phật Như Lai Chánh Ðẳng Cháng Giác... thăm hỏi Thế Tôn có ít bệnh, an vui, đi đứng nhẹ nhàng, có khỏe mạnh không?

Giáo hóa chúng sanh có mệt mỏi không?

Sau khi biểu lộ sự cung kính, được Thế Tôn an ủi rồi, các Bồ Tát ngồi qua một bên.

Bấy giờ Thế Tôn bảo Xá Lợi Tử: Ông hãy lắng nghe cho kỹ, ta sẽ nói cho ông về những nhân duyên xưa và việc làm trong quá khứ của Bồ Tát Diệu Cát Tường.

Xá Lợi Tử vâng lời và lắng nghe:

Phật dạy: Này Xá Lợi Tử! Vô số trăm ngàn Câu chi na do tha kiếp về quá khứ, có Phật Hiệu là Vô Năng Thắng Tràng Như Lai Ứng Cúng Chánh Ðẳng Chánh Giác xuất hiện ra đời.

Thế Giới Đức Phật ấy tên là Bất Khả Hủy, có tám vạn bốn ngàn chúng Thanh Văn, một vạn hai ngàn chúng Bồ Tát. Ðức Phật ấy giảng nói pháp tam thừa để giáo hóa chúng sanh. Ðức Phật ấy cũng ở trong đời ngũ trược, nói sáu pháp Ba la mật cho các Bồ Tát.

Này Xá Lợi Tử! Lúc bấy giờ có Bí Sô tên Trí Vương rất thông minh trí tuệ, nói thông suốt về pháp giải thoát. Buổi sáng, Bí Sô ấy đắp y ôm bình bát vào Vương thành theo thứ tự khất thực.

Thành ấy tên là Quảng Ðại. Sau khi bình bát đã đầy thức ăn, Bí Sô sắp sửa ra khỏi thành thì có con trưởng giả tên là Tịnh Tý đang ngồi trong lòng mẹ.

Thấy Bí Sô ấy ôm bình bát đi ngang qua, Đồng Tử liền đến trước Bí Sô muốn xin thức ăn uống trong bình bát. Thấy Đồng Tử có căn lành thành thục, Bí Sô nghĩ đây là đại pháp khí nên lấy một vắt cơm trong bình bát hoan hỷ đưa cho Đồng Tử. Ðược thức ăn, Đồng Tử phát tâm hoan hỷ và theo Bí Sô Trí Vương đến chỗ Phật Vô Năng Thắng Tràng Như Lai. Bấy giờ Đồng Tử đến trước Phật lễ lạy sát chân Ngài.

Bí Sô Trí vương đem thức ăn đã xin được đưa cho Đồng Tử và nói rằng: Con hãy đem thức ăn này dâng cúng dường cho Đức Thế Tôn và đại chúng, con sẽ được phước đức vô lượng. Làm đúng như lời Bí Sô dạy, Đồng Tử dâng thức ăn ấy lên Thế Tôn, sớt thêm thức ăn vào bát của Thế Tôn nhưng cứ vẫn còn. Sau đó lần lượt cúng dường đại chúng. Các Bồ Tát Thanh Văn trong hội ấy cũng thọ nhận thức ăn, ai nấy đều no đủ cả mà thức ăn vẫn cứ còn.

Phật dạy Xá Lợi Tử: Ðồng tử Tịnh Tý đã cúng dường với lòng đầy hoan hỷ.

Khi ấy Đồng Tử đến trước Phật nói kệ:

Ðem thức ăn vô tận

Con cúng Phật, đại chúng

Nay con cúng dường xong

Chắc chắn được phước đức

Thức ăn cúng vô tận

Công Đức Phật vô tận

Nay con cúng dường Phật

Quyết được phước vô tận

Ðem thức ăn vô tận

Con cúng dường Thế Tôn

Ðể tăng trưởng căn lành

Mãi mãi không cùng tận.

Thế rồi, Đồng Tử đem thức ăn trong bình bát cúng dường Như Lai và chúng Thanh Văn Bồ Tát suốt bảy ngày, nhờ oai lực của Phật nên thức ăn vẫn còn.

Khi ấy Bí Sô Trí Vương nói với Đồng Tử: Con đã cúng dường xong, bây giờ hãy xin quy y Phật, quy y Pháp, quy y Tăng, thọ giới pháp của Phật, thọ trì suốt đời. Nghe lời dạy Bí Sô, Đồng Tử quy y Phật, Pháp, Tăng. Sau khi quy y rồi, Đồng Tử rất hoan hỷ phát tâm vô thượng bồ đề.

Bấy giờ vì tìm con nên cha mẹ của Tịnh Ý đi vào trong hội Cực Vô Năng Thắng Tràng Như Lai. Ðến nơi, hai người lạy sát chân Phật rồi đứng qua một bên.

Thấy cha mẹ, Đồng Tử Tịnh Ý rất vui mừng thăm hỏi và ở trước cha mẹ nói kệ:

Cha mẹ nay đến đây

Chư Phật rất khó gặp

Con cầu đại bồ đề

Vì tất cả chúng sanh

Hãy quán tướng tốt Phật

Thân phóng ánh sáng đẹp

Những người có trí tuệ

Nên cầu quả bồ đề

Con nay muốn xuất gia

Xin cha mẹ cho phép

Con không thích giàu vui

Bởi vì Phật khó gặp.

Cha mẹ nói kệ với con mình:

Ta cho con xuất gia

Hướng vô thượng bồ đề

Ta theo nhân duyên con

Cũng sẽ học như vậy.

Phật dạy Xá Lợi Tử: Khi ấy Đồng Tử Tịnh Ý được cha mẹ cho phép xuất gia. Còn cha mẹ của Đồng Tử có lòng tin ưa sâu sắc cũng lại xuất gia, và quy y Phật, Pháp, Tăng với lòng hoan hỷ tín thọ. Lúc đó lại có năm trăm người đồng thời phát tâm vô thượng bồ đề xin xuất gia và được Phật thâu nhận cả.

Phật dạy Xá Lợi Tử: Ông nên biết rằng! Bí Sô Trí vương lúc đó không ai khác chính nay là Bồ Tát Diệu Cát Tường. Còn Đồng Tử Tịnh Ý chính là thân ta.

Này Xá Lợi Tử! Thuở xưa, ta làm con của trưởng giả, nhờ Bồ Tát Diệu Cát Tường trao bình bát cho ta, khiến ta phát tâm đại bồ đề.

Lại nữa, này Xá Lợi Tử! Từ lúc mới phát tâm đại bồ đề đến lúc chứng quả đầy đủ mười lực vô úy, tất cả công đức, đầy đủ vô tận trí ta đều nhờ Bồ Tát Diệu Cát Tường hướng dẫn chỉ dạy.

Vì sao?

Vì ta phát tâm giống như hư không, không có biên giới.

Này Xá Lợi Tử! Tất cả vô lượng vô số Phật ở mười phương đồng một danh hiệu Phật Thích Ca Mâu Ni, đều giống như ta là được Diệu Cát Tường khai mở tâm bồ đề.

Này Xá Lợi Tử! Ở quá khứ có Kỳ Ðể Sa Như Lai, Phất Sa Như Lai, Nhiên Ðăng Như Lai, Thi Khí Như Lai, Chư Phật như vậy trong vô lượng kiếp ta đã khen ngợi danh hiệu của Chư Phật ấy.

Và Chư Phật ấy cũng giống như ta là được Bồ Tát Diệu Cát Tường khai mở đạo tâm, được thành Chánh Giác Chuyển Diệu Pháp Luân.

Này Xá Lợi Tử! Tất cả những ai tu hạnh Bồ Tát, đầu tiên ở cõi Trời Ðâu Suất, thị hiện tướng giáng sanh ra thế gian. Ban đầu sanh ở cung Vua, sau đó tu những khổ hạnh cho đến khi ngồi Đạo Tràng cũng đều nhờ Bồ Tát Diệu Cát Tường giáo hóa chỉ dạy.

Này Xá Lợi Tử! Ông nên biết rằng Bồ Tát Diệu Cát Tường là mẹ của các Bồ Tát, vì sanh ra tất cả Bồ Tát. Những gì ta nói đều là sự thật. Những nhân duyên xưa kia như vậy thì ông nên biết như vậy.

Khi Đức Phật nói lời này, tất cả Cõi Phật mười phương đều hiện đủ loại lộng báu đến cúng dường Bồ Tát Diệu Cát Tường, trong mỗi lộng đều phát ánh sáng lớn chiếu khắp cõi Ta Bà, trong lộng lại phát ra âm thanh vi diệu.

Ðúng như vậy, đúng như những gì Phật Thích Ca Mâu Ni đã nói. Ðúng vậy, đúng vậy, thuở xưa đều do Bồ Tát Diệu Cát Tường làm cho phát tâm bồ đề.

Bấy giờ, trong hội của Phật Thích Ca Mâu Ni, có hai trăm Thiên Tử trước đây thối tâm bồ đề nay thấy Phật Thế Tôn và Bồ Tát Diệu Cát Tường hiện ra đủ việc không thể bàn như vậy và nghe Phật nói về nhân duyên xưa kia, nên họ đều suy nghĩ: Ðại Pháp vô thượng của tất cả Chư Phật không thể nào được nghe, huống chi được thấy công đức của Chư Phật Như Lai, ta nay đến trước Thế Tôn xả bỏ tâm thấp kém mà phát tâm vô thượng đại bồ đề, chắc chắn được quả vô thượng đại bồ đề.

Nghĩ vậy xong, họ liền phát tâm vô thượng bồ đề một cách kiên cố, không thối chuyển.

***

icon

Tổng hợp

Cùng chủ đề

Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Ba - Phẩm Ba Mươi Mốt - Phẩm Tuyên Hóa - Phần Ba

Kinh Đại thừa   •   25.12.2023
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Cưu Ma La Thập, Đời Diêu Tần