Phật Thuyết Kinh Pháp Vị Tằng Hữu Chánh Pháp - Phần Một

Kinh Đại thừa   •   Thứ hai, 25/12/2023, 22:04 PM

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Pháp Thiên, Đời Tống

PHẬT THUYẾT KINH

PHÁP VỊ TẰNG HỮU CHÁNH PHÁP

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư

Pháp Thiên, Đời Tống  

PHẦN MỘT  

Tôi nghe như vậy!

Một thuở nọ, Đức Phật cùng một vạn hai ngàn năm trăm vị Đại Bí Sô ở trong núi Thứu Phong thuộc thành Vương Xá. Lúc đó có tám vạn bốn ngàn vị Đại Bồ Tát từ các Cõi Phật cũng đến hội họp.

Các Đại Bồ Tát ấy đều là những vị đại trí huệ, đắc đại tổng trì, có biện tài vô ngại, đều chứng vô sanh pháp nhẫn, nhập vào môn trí tổng trì của Tam Ma Địa, hiểu biết rất rõ về sở thích của các chúng sanh, giảng nói rành mạch về pháp yếu và y như pháp được giải thoát.

Lại có bốn Ðại Thiên Vương và Trời Ðế Thích, chủ cõi Ta Bà Ðại Phạm Thiên Vương cùng vô lượng trăm ngàn Trời, Rồng, Dạ Xoa, Càn Thát Bà, A Tu La, Ca Lâu La, Khẩn Na La, Ma Hầu La Già, Nhân và Phi Nhân cũng đều đến hội họp. Bấy giờ có Đại Bồ Tát tên Diệu Cát Tường cùng với hai mươi lăm vị Đại Bồ Tát ở bên triền núi ấy.

Tên của các vị ấy là: Ðại Bồ Tát Long Cát Tường, Ðại Bồ Tát Long Thọ, Ðại Bồ Tát Cát Tường Sanh, Ðại Bồ Tát Cát Tường Tạng, Ðại Bồ Tát Tối Thượng Liên Hoa Cát Tường, Ðại Bồ Tát Liên Hoa Cát Tường Sanh.

Ðại Bồ Tát Trì Thế, Ðại Bồ Tát Trì Ðịa, Ðại Bồ Tát Bảo Thủ, Ðại Bồ Tát Bảo Ấn Thủ, Ðại Bồ Tát Sư Tử Ý, Ðại Bồ Tát Sư Tử Vô Úy Âm, Ðại Bồ Tát Hư Không Tạng, Ðại Bồ Tát Bình Ðẳng Tâm chuyển pháp luân, Ðại Bồ Tát Liễu Biệt Nhất Thiết Cú Nghĩa Ðại Biện.

Ðại Bồ Tát Biện Tích, Ðại Bồ Tát Hải Ý, Ðại Bồ Tát Diệu Cao Vương, Ðại Bồ Tát Ái Kiến, Ðại Bồ Tát Hải Vương, Ðại Bồ Tát Vô Biên Thị, Ðại Bồ Tát Vô Biên Tác Hạnh, Ðại Bồ Tát Phá Chư Ma, Ðại Bồ Tát Vô Ưu Thọ, Ðại Bồ Tát Nhất Thiết Nghĩa Thành.

Lại có bốn Thiên Tử ở Cõi Ðâu Suất, tên các vị ấy là: Phổ Khai Hoa Thiên Tử, Quang Minh Hoa Thiên Tử, Mạn Ðà La Hoa Thiên Tử, Tinh Tấn Pháp Hành Thiên Tử. Vì có lòng tin ưa pháp nên các Thiên Tử này đưa các quyến thuộc đến chỗ Bồ Tát Diệu Cát Tường để nghe thọ chánh pháp. Sau khi đến đại hội. Các Ðại Bồ Tát và chúng Thiên Tử theo thứ lớp mà ngồi.

Bấy giờ đại chúng đều suy nghĩ: Nhất thiết trí của Phật thậm thâm vô lượng, rộng lớn vô biên, không thể nghĩ bàn, không ai sánh bằng, tối thượng không gì hơn, không thể liễu tri được thì làm sao các Ðại Bồ Tát mặc áo giáp tinh tấn để chứng vô thượng bồ đề?

Ðại Bồ Tát Long Cát Tường nói với các Bồ Tát rằng: Nếu có Bồ Tát trồng các căn lành tâm không còn chấp trước mà hồi hướng về thật tế, đó gọi là mặc áo giáp tinh tấn an trụ vào pháp căn lành. Ðại Bồ Tát có thể chứng nhất thiết trí của Phật.

Bồ Tát Long Thọ nói: Nếu Bồ Tát phát tâm bình đẳng tâm điều phục, tâm ưa thích tâm vui vẻ, tâm hòa nhã, tâm không phân biệt, đó gọi là mặc áo giáp tinh tấn một cách kiên cố. Vị ấy có thể chứng nhất thiết trí của Phật.

Bồ Tát Cát tường Sanh nói: Nếu có Bồ Tát trong nhiều kiếp thích muốn biết nhất thiết trí của Phật thì trong vô lượng kiếp nên mặc áo giáp tinh tấn vì các chúng sanh mà làm những việc khổ sở khó làm, không tự cống cao ngã mạn. Vị ấy có thể chứng nhất thiết trí của Phật.

Bồ Tát Cát Tường Tạng nói: Nếu các Bồ Tát có tâm lợi tha, không vướng vào sự vui thích của chính mình và không lệ thuộc sự thích thiền định, mà luôn làm lợi ích lớn cho chúng sanh, đem vô lượng căn lành hồi hướng cho tất cả chúng sanh. Vị ấy có thể chứng nhất thiết trí của Phật.

Bồ Tát Tối Thượng Liên Hoa Cát Tường nói: Theo như những gì Đức Phật nói, nếu các Bồ Tát đối với tất cả pháp không có mình, không có người, không hiển bày, không giấu kín, có thể điều phục khắp nơi nhưng không có hành động gì cả. Với tất cả, tuy hành nhưng mà không còn gì để hành.

Ðó là Bồ Tát trụ vào pháp tương ưng với Xa ma tha. Tự mình có thể hành và có thể dạy người khác hành. Bồ Tát này và có thể chứng nhất thiết trí của Phật.

Bồ Tát Liên Hoa Cát Tường Sanh nói: Nếu các Bồ Tát chấp vào pháp thế gian thì không thể nào hiểu được nhất thiết trí của Phật. Nếu đối với pháp thế gian không có gì để ưa thích chấp trước, không lợi, không suy, không chê, không khen, không ca ngợi, không gièm chê, không khổ không vui tức là đối với các pháp vẫn không tăng không giảm. Ðó gọi là Bồ Tát đã ra khỏi thế gian. Vị ấy có thể chứng nhất thiết trí của Phật.

Bồ Tát Trì Thế nói: Nếu các Bồ Tát đem các hạnh thù thắng làm lợi ích cho tất cả chúng sanh để được tự lợi, không vì mình và người và sanh tâm phân biệt, chỉ đem căn lành hồi hướng cho tất cả, phát đại tinh tấn, thường gieo trồng các căn lành cho chúng sanh. Ðó gọi là Bồ Tát an trụ vào các hạnh thù thắng. Vị ấy có thể chứng nhất thiết trí của Phật.

Bồ Tát Trì Ðịa nói: Ví như mặt đất hay sanh ra cây cối, thuốc cỏ... tươi tốt kết trái đều được thành tựu, cho đến vạn vật đều nhờ đất mà được hiện hữu.

Nhưng đất không nghĩ rằng: Ta sanh ra cây cỏ và làm cho nó phát triển, đối với vạn vật nhờ đất mà được đứng vững. Tất cả chúng sanh nương vào địa pháp giới mà được sanh trưởng, không nghĩ rằng có thể sanh ra chúng sanh.

Ðại Bồ Tát cũng như vậy, phát tâm bình đẳng giống như mặt đất, luôn luôn làm lợi ích cho tất cả chúng sanh, không nghĩ rằng ta có thể làm lợi lạc cho tất cả chúng sanh. Nếu xa lìa sự phân biệt ấy thì được chứng nhất thiết trí của Phật.

Bồ Tát Bảo Thủ nói: Áo giáp tinh tấn là để hành các hạnh thù thắng rộng lớn vô lượng. Nếu mình không đủ đại căn lành thì không thể nào hành được.

Nếu các Bồ Tát trụ vào tâm bình đẳng, không còn tư tưởng phân biệt, thậm chí trong giấc mộng đối với các chúng sanh không còn vui, giận, mong cho các hữu tình đều mặc áo giáp ðại thừa, chứng Phật trí trụ vào bình đẳng, cũng không có ý của Thanh Văn, Duyên Giác. Bồ Tát có thể chứng nhất thiết trí của Phật.

Bồ Tát Bảo Ấn Thủ nói: Tất cả cảnh giới chúng sinh đều phát tâm đại bi, ban bố khắp pháp ấn. Các chúng sinh ai không tin thì làm cho có chánh tín, người không nghe thì làm cho họ nghe nhiều, kẻ xan tham thì thực hành bố thí.

Người hủy phá cấm giới thì làm cho giới đầy đủ. Ai sân giận thì làm cho họ hành nhẫn nhục, người biếng nhác khiến họ phát tinh tấn. Ai tán loạn thì khiến họ trụ vào thiền định.

Người ngu si thì khiến họ có đầy đủ trí huệ, và dạy họ thường tu tập pháp lành để tất cả đều được đầy đủ trọn vẹn căn lành. Thường hành ba loại bảo ấn của Bồ Tát.

Ba Bảo ấn là gì?

Nghĩa là làm thế nào để chúng sinh được đầy đủ Phật trí, có bao nhiêu căn lành đều hồi hướng về cho tất cả chúng sinh. Ðây là Bảo ấn thứ nhất.

Mình làm điều thiện nào đều được lợi ích, thành tựu căn lành cho hết thảy chúng sinh. Ðây là Bảo ấn thứ hai.

Quán cõi hữu tình giống như hư không, tự tánh thanh tịnh. Ðây là Bảo ấn thứ ba.

Nếu Bồ Tát thường thực hành những điều này không bao giờ dừng nghĩ thì được chứng nhất thiết trí của Phật.

Bồ Tát Sư Tử Ý nói: Nếu Bồ Tát tinh tấn kiến cố, không còn sợ sệt gì cả, không có gì phá hoại được, không có tâm biếng nhác, không có tư tưởng kinh hãi, dõng mãnh không thối lui, đối với đau khổ trong luân hồi không run không sợ mà lại có thể vượt ra khỏi để chứng Niết Bàn.

Ðối với pháp khổ vui luôn luôn bình đẳng không có hai tướng, được như vậy tức là Bồ Tát mặc áo giáp tinh tấn, được chứng nhất thiết trí của Phật.

Bồ Tát Sư Tử Vô Úy Âm nói: Ví như thế gian có lực sĩ không bao giờ thua ai, làm việc gì cũng đều hoàn tất. Ðó gọi là Chánh Sĩ.

Chánh Sĩ ấy luôn thực hành chánh pháp, tránh xa các tội cấu, không sanh tà kiến, siêng năng tu hành hạnh lớn, tâm hòa nhã không có tướng thô ác, xa lánh bọn hung bạo. Ðó gọi là Chánh Sĩ.

Thường phát ra những lời nói hoàn hảo, gần gũi với bạn lành, đem tâm nồng hậu tôn trọng cung kính Sư Trưởng, thực hành theo đạo chân chánh, không chút sai trái. Ðó gọi là Chánh Sĩ.

Xa lìa những tham ái, tu tập theo hạnh chánh mạng, dùng nghiệp thanh tịnh để dứt trừ những tội lỗi, đem tâm trí huệ để đoạn trừ tà kiến ngu si, đối với ba nghiệp luôn an trú trong tịnh, không gây rối ren cho người, không bàn luận tốt xấu hay dở, không chê không khen. Ðó gọi là Chánh Sĩ. Thương xót kẻ nghèo khổ.

Ban bố ân huệ, không có phân biệt giữa kẻ oán người thân, bên trong thì tâm thật thà chất phát, bên ngoài thì thể hiện tướng nhu hòa, tránh xa những sự dua nịnh, luôn giữ hạnh chân thật, lấy pháp vô thượng để làm vui cho tâm mình điềm đạm vững vàng sống trong sự bình đẳng. Ðó gọi là Chánh Sĩ.

Chúng sanh nào có những sự chướng ngại thì phá trừ họ, đem bố thí tất cả thân mạng tài của với pháp thắng nghĩa không tham tiếc, thấy chúng sinh nào thiếu phước thiếu huệ thì tìm cách diệt trừ pháp bất thiện cho họ, sau đó ban bố cho họ kho báu diệu pháp, chúng sinh nào nghèo khổ thì bố thí trân báu.

Chúng sinh nào tật bệnh thì bố thí thuốc thang, chúng sinh nào sợ sệt thì bố thí sự an vui, người không chỗ nương tựa thì làm chổ che chở cho họ, người bị đọa luân hồi thì cứu độ họ.

Người ở trong nhà tối tăm thì làm ánh sáng mà chiếu dắt dẫn họ đi, người đang ở trong đường tà thì chỉ dạy để đi đường chánh, luôn luôn dùng giáo pháp để chỉ dạy hướng dẫn cho tất cả chúng sinh, thấy lỗi lầm của người không sân giận. Ðó gọi là Chánh Sĩ.

Các Bồ Tát nên tu hành hạnh như vậy thì có thể an trụ vào pháp tương ưng của Sa Ma Tha và có thể chứng nhất thiết trí của Phật.

Bồ Tát Hư Không Tạng nói: Các Bồ Tát thấy chúng sanh nên tu hành đại từ quán giống như hư không, không có biên giới. Hành đại bi quán nó rộng lớn vô biên cũng như vậy, thường sanh hoan hỷ, giữ gìn các căn lành, tránh xa những đắm nhiễm, luôn thực hành sáu Ba La Mật không cho giãi đãi, hành bố thí giống như hư không, không có gì làm trở ngại được.

Trì giới, nhẫn nhục, tinh tấn, thiền định, và trí tuệ cũng đều như vậy. Bồ Tát thực hành được như thế thì có thể chứng nhất thiết trí của Phật.

Bồ Tát Bình Ðẳng Tâm chuyển pháp luân nói: Nếu có Bồ Tát hành đạo bồ đề, đối với các pháp không còn thấy các tướng và tâm phân biệt. Vị này không bị ma làm não hại, luôn được Chư Phật nhớ nghĩ, được Chư Thiên, Rồng, Thần luôn ủng hộ, tạo ra căn lành nào đều chân thật không mất.

Nếu Bồ Tát đối với pháp mà tâm còn thấy có tướng, còn phát sanh tư tưởng, phân biệt thì vị này ở cảnh giới ma, bị ma làm quấy nhiễu, Chư Phật không hộ trì, Chư Thiên không ủng hộ.

Nếu vị nào vững chãi bất động, không còn thấy có tướng, không còn phân biệt, đó là Bồ Tát chuyển pháp luân vô thượng ban bố cho tất cả.

sao?

Vì Bồ Tát hiểu rõ các pháp là không phát sanh, không tạo tác. Mặc dầu Bồ Tát còn phát sanh các tâm nhưng không chấp trước vào nó, đem tâm vô tướng mà chứng Phật bồ đề, cho đến chuyển bánh xe pháp vi diệu cũng như vậy. Ðây gọi là Ðại Bồ Tát mặc áo giáp tinh tấn chứng nhất thiết trí của Phật.

Bồ Tát Liễu Biệt Nhất Thiết Cú Nghĩa Ðại Biện nói: Chư Chánh Sĩ nên biết! Tất cả xứ là bồ đề. Phiền não là bồ đề. Các việc đã làm là bồ đề. Pháp hữu vi là bồ đề. Pháp vô vi là bồ đề. Pháp hữu lậu là bồ đề. Pháp vô lậu là bồ đề. Tâm hữu trước là bồ đề. Tâm vô trước là bồ đề. Căn thiện là bồ đề. Căn bất thiện là bồ đề. Pháp thế gian là bồ đề. Pháp xuất thế gian là bồ đề.

Pháp luân hồi là bồ đề. Cõi Niết Bàn là bồ đề. Hư vọng là bồ đề. Chân thật là bồ đề. Uẩn, xứ, giới là bồ đề. Ðịa, hỏa, thủy, phong, không là bồ đề.

Vì Ðại Bồ Tát hiểu rõ tự tánh của tất cả pháp đều là không, các việc đã tạo ra đều không có tự tánh, với tất cả ý nghĩa đều liễu tri một cách như thật. Ví như hư không đầy khắp tất cả nơi, pháp bồ đề cũng như vậy ở tất cả xứ.

Nếu Bồ Tát hiểu rõ các pháp sẽ được đầy đủ biện tài và được chánh trí, phân biệt các cú nghĩa. Vị này có thể chứng nhất thiết trí của Phật.

Bồ Tát Biện Tích nói: Nếu Bồ Tát với trí huệ giải thoát, có làm được điều gì cũng không nắm giữ, bởi vì tâm không thấy tướng. Không tăng giảm, không lay không động.

Tất cả lời nói nói ra cũng đều xác định đúng lí, bị chê bai hay được khen ngợi cũng không lay động. Tất cả lời nói của ngoại đạo,tất cả lời nói của Như Lai, dù trong dù ngoài, dù ẩn hay hiện đều bình đẳng không có sai khác, biết tất cả pháp đều qui về tịch diệt.

Tâm không chấp trước đối tượng nào cả, giữ vững bất động như núi Diệu Cao không động chuyển. Nếu Bồ Tát với trí huệ giải thoát, tâm trở về tịch diệt thì có thể chứng nhất thiết trí của Phật.

Bồ Tát Hải Ý nói: Nếu Bồ Tát có trí huệ như biển lớn, biết vạn pháp đều quy về một vị bình đẳng. Bồ Tát đa văn nắm giữ hết tánh của các pháp như một vị không khác, biết rõ tự tánh chân thật của các pháp chẳng phải vô sở hữu, mà pháp do duyên sanh tức là nghĩa chân thật, nên biết pháp ấy không tăng không giảm, tánh của gốc ngọn phước lợi nhiều vô tận, là cứu cánh tịch diệt, chẳng phải đoạn, chẳng phải thường, nên biết một cách như thật.

Còn như đối với chúng sanh mà phát sanh tâm vô lượng, không quên không bỏ, thường có tâm tôn trọng giảng nói rõ ràng cho họ, chỉ dạy bình đẳng về pháp bất cộng, trồng các căn lành cho khắp chúng sanh, thì Bồ Tát này mặc giáp tinh tấn, chứng nhất thiết trí của Phật.

Bồ Tát Diệu Cao nói: Các Chánh Sĩ nên biết! Nhất thiết trí của Phật chẳng biết được một cách dễ dàng đâu, khó mà đo lường, làm sao có thể chứng được.

Vì sao?

Vì nếu Bồ Tát vượt qua tất cả tâm hành của chúng sanh trong thế gian, vượt qua tất cả sự thấy nghe của chúng sanh trong thế gian, cho đến tin ưa thích tri thức đều có thể vượt qua chúng sanh trong thế gian mà bố thí, trì giới, nhẫn nhục, tinh tấn, thiền định, trí tuệ được phước đức vượt hơn núi Tu Di, thì Bồ Tát này có thể chứng nhất thiết trí của Phật.

Bồ Tát Ái Kiến nói: Ðại Bồ Tát nào quán sáu trần cảnh mà không có gì để quán cho đến duyên mà không có gì để duyên.

Vì sao?

Vì nếu sắc hay tâm thì bản tánh nó đều thanh tịnh.

Vì sắc thanh tịnh nên mắt không có gì để thấy.

Vì thanh thanh tịnh nên tai không có gì để nghe.

Vì hương thanh tịnh nên mũi không có gì để ngửi.

Vì vị thanh tịnh nên lưỡi không có gì để nếm.

Vì xúc thanh tịnh nên thân không có gì để cảm giác.

Vì pháp thanh tịnh nên ý không có gì để duyên.

Vì sao?

Vì các căn thanh tịnh nên tự tánh nó đều không, không có mình, không có người, không yêu, không chán, tự tánh là bình đẳng, quán chúng sanh không có cao thấp, tất cả đều bình đẳng.

Ðối với Phật Pháp có tâm quyết định không sanh nghi ngờ, vui thích với pháp không nhàm chán, được rồi thì bố thí trở lại, bố thí rồi không hối tiếc, dần dần làm đầy đủ trọn vẹn tất cả Phật Pháp. Bồ Tát nào làm đúng như vậy thì có thể chứng nhất thiết trí của Phật.

Bồ Tát Hỷ Vương nói: Ðại Bồ Tát tâm an trụ vào bố thí nhẫn nhục, nếu có người đến mắng chửi, quở trách, khinh khi, đánh đập mà Bồ Tát không có tâm sân giận họ mà còn có tư tưởng hoan hỷ, luôn làm bạn lành với các chúng sanh, không còn tướng mình và người, không có người hủy nhục, không có người bị hủy nhục, các pháp đều là không.

Vì nội không, ngoại không, tướng ngã tướng nhân cũng đều không, cho nên luôn sanh tâm hoan hỷ, thực hành hạnh bố thí. Giả sử có người đến xin đầu, mắt, tay chân, vợ con, quyến thuộc cho đến thân mạng của mình cũng không tiếc rẽ, mà bố thí một cách hoan hỷ.

Bồ Tát thích cầu diệu pháp, nếu nghe một bài kệ giả sử dù có đổi ngôi vị Chuyển Luân Vương cũng không luyến tiếc. Nếu làm tất cả chúng sanh phát tâm bồ đề mà giả sử dù có ngôi vị Ðế Thích cũng không ưa thích. Nếu vừa nghe pháp hy hữu mà giả sử dù có ngôi vị Phạm Thiên Vương cũng không ưa thích.

Nếu được thấy chư Như Lai mà giả sử dù trong ba ngàn đại thiên thế giới đầy ngập trân bảo thì vứt như sỏi gạch, thích nhìn Chư Phật với lòng tràn đầy hoan hỷ, các căn đầy đủ thành tựu pháp phần bồ đề, thì vị này có thể chứng nhất thiết trí của Phật.

Bồ Tát Vô Biên Thị nói: Ðại Bồ Tát nào không còn thấy tướng ngã, quán tất cả pháp đều thanh tịnh không còn nghi ngờ gì cả, thì có thể thấy tất cả Chư Phật, quán các sắc mà không còn chấp trước, không có tưởng sắc, thấy các chúng sanh mà không có tưởng về chúng sanh, cho đến quán tất cả sắc tướng ở thế gian cũng đều như vậy.

Tất cả Cõi Phật thấy bằng nhục nhãn đều thanh tịnh, vì nghiệp báo thanh tịnh nên được đầy đủ thiên nhãn, do có đại thần thông mà được đầy đủ huệ nhãn, pháp bất cộng của Phật được tròn đầy nên được đầy đủ pháp nhãn, xa lìa các phiền não nên được đầy đủ Phật nhãn, Bồ Tát này sẽ được đầy đủ mười lực và có thể chứng nhất thiết trí của Phật.

Bồ Tát Vô Biên Tác Hạnh nói: Tất cả những gì của Chư Phật làm đều là bồ đề.

Vì sao?

Vì bồ đề là do nhất thiết trí phát sanh ra, không có nội tưởng, không có ngoại tưởng, cũng không có trung gian, cho nên với tất cả pháp, Bồ Tát không chấp trước thì diệt sạch hoàn toàn phiền não, không còn việc của ma và ra khỏi cảnh giới ma. Bồ Tát này có thể chứng nhất thiết trí của Phật.

Bồ Tát Phá Chư Ma nói: Nếu Bồ Tát không còn sanh ngã kiến tức là xa lìa các kiến. Nếu các kiến không còn phát sanh thì có thể xa lìa nghiệp ma, tức là đã liễu ngộ được các uẩn.

Các uẩn đều là không, diệt hẳn tướng ngã. Tướng ngã đã diệt thì ma không làm gì được. Nếu nghiệp đã diệt thì các chướng được giải thoát. Nếu xa lìa các chướng thì đắc bồ đề, đó gọi là chứng nhất thiết trí của Phật.

Bồ Tát Vô Ưu Thọ nói: Nếu người tạo nghiệp bất thiện thì luôn lo sợ, hối hận tự trách mình. Còn người tạo các nghiệp thiện thì không lo sợ gì cả. Thế nên Bồ Tát luôn thực hành pháp lành không gián đoạn, liên tục nơi hiện tại. Bồ Tát này không bị mũi tên độc lo buồn làm tổn hại, có thể mặc áo giáp tinh tấn và chứng nhất thiết trí của Phật.

Bồ Tát Nhất Thiết Nghĩa Thành nói: Thiện nam nào giới pháp đầy đủ, hạnh nguyện đầy đủ thì có thể an trụ vào căn bản của giới pháp. Ví như hương thơm xông ướp tất cả và có thể xa lìa các lỗi lầm, xa lìa các ác mới viên mãn pháp phần bồ đề. Nếu pháp phần bồ đề đã viên mãn thì thành nhất thiết trí. Do đó nên biết rằng chân giới là gốc.

pháp phần bồ đề mà được thành tựu, Bồ Tát nào hiểu đúng như vậy thì có thể chứng nhất thiết trí của Phật.

Sau khi các Bồ Tát nói pháp xong, trong chúng hội có Thiên Tử ở Ðâu Suất tên Phổ Khai Hoa nói như vậy: Thưa các Bồ Tát! Ví như thế gian có cây hoa đẹp nở rộ tốt tươi, sắc hương thơm đẹp, ai ai cũng ưa thích. Các Ðại Bồ Tát cũng như vậy. Các pháp giải thoát giống như hoa nở tăng thêm sắc đẹp được tất cả Đại Bồ Tát ưa thích, lại giống như cây mọc trong vườn của cung Trời Ðao Lợi.

Cây ấy cao lớn sum xuê, hoa nở rất đẹp trông rất thích thú. Thưa các Đại Bồ Tát, nếu đầy đủ pháp giải thoát thì như hoa nở tăng thêm sắc đẹp, được tất cả Bồ Tát và Trời người ưa thích. Cũng giồng như đại ma ni quý báu tối thượng, trong suốt không có tỳ vết, đủ đức như ý.

Các Đại Bồ Tát trong tâm thanh tịnh, không còn các cấu nhiễm, đầy đủ pháp công đức. Như vậy thì có thể chứng nhất thiết trí của Phật.

Thiên Tử Quang Minh Khai Hoa nói: Các Bồ Tát như mặt trời tỏa ánh sáng phá tan các tăm tối, làm hiển lộ tất cả sắc tướng. Ðại Bồ Tát cũng như vậy, đầy đủ ánh sáng trí huệ làm ngọn đuốc diệu pháp chiếu khắp chúng sanh để diệt trừ những si ám.

Tất cả đều được ánh sáng trí huệ thông suốt hiện ra, không còn các tăm tối và không bị sự ngu mờ che lấp, luôn đi theo đạo sáng suốt.

Cho nên Bồ Tát hướng dẫn chỉ dạy cho những chúng sanh bị lạc đường trở về con đường chân chánh. Bồ Tát này có thể chứng nhất thiết trí của Phật.

Thiên Tử Mạn Ðà La Hoa Hương nói: Thưa các Bồ Tát! Mùi thơm của hoa Mạn đà la bay xa cả trăm do tuần. Các Ðại Bồ Tát đầy đủ giới, định, huệ cũng như vậy. Hương giới, hương định, hương huệ bay xa khắp tất cả trong ở thế gian.

Nếu chúng sanh nào mà ngửi được hương thơm ấy thì tất cả phiền não đều được tiêu trừ. Ðại Bồ Tát đầy đủ hương pháp công đức như vậy thì có thể chứng nhất thiết trí của Phật.

Thiên Tử Tinh Tấn Pháp Hành nói: Nếu các Bồ Tát biếng nhác thối lui thì không thể tu tiến bộ về hạnh thù thắng để đắc quả hồ đề của Phật. Nếu tâm tinh tấn không kể kiếp số, luôn luôn dõng mãnh, trồng các căn lành, tâm không nhàm chán, thường thực hành tám pháp trợ đạo.

Thế nào là tám?

1. Siêng năng làm tăng thêm pháp tương ưng với hạnh thù thắng.

2. Thường tu bốn pháp hạnh vô lượng: Từ, bi, hỷ, xả.

3. Tu tập năm pháp trí huệ thuộc trí thông.

4. Thường tu hành theo tứ nhiếp pháp, đó là: Bố thí, ái ngữ, lợi hành và đồng sự.

5. Ðối với ba môn giải thoát đầy đủ pháp nhẫn.

6. Giảng nói rộng rãi về diệu pháp cho mọi người.

7. Phát tâm vô thượng đại bồ đề.

8. Làm phương tiện tốt lành hồi hướng cho tất cả mọi người đều được ở trong chánh pháp.

Bồ Tát nào hành theo tám pháp này thì có thể chứng nhất thiết trí của Phật.

Bấy giờ Đại Bồ Tát Diệu Cát Tường nói với các Bồ Tát và chúng Trời: Các Đại Bồ Tát! Ðối với các pháp nên xa lìa các phân biệt thì có thể chứng Phật trí.

Làm thế nào để lìa sự phân biệt?

Nghĩa là không phân biệt ba cõi, không phân biệt các kiến, không phân biệt đây là nội kia là ngoại, không phân biệt đây là địa vị Thanh Văn, kia là địa vị Duyên Giác, hay địa vị chúng sanh phàm phu.

Cũng không phân biệt đây là luân hồi kia là phiền não, đây là năng quán kia là sở quán, đây là nhân kia là quả, là cảnh giới hay chẳng phải cảnh giới, là tăng hay giảm, kia là kiến của ngã, đây là sở kiến của ngã, là xan tham hay bố thí, là hủy giới hay trì giới, là sân giận hay nhẫn nhục, là biếng nhác hay tinh tấn, là tán loạn hay thiền định, là ngu si hay trí tuệ.

Cũng không phân biệt căn lành này hay sanh các pháp lành, còn kia là căn không lành thì sanh pháp không lành. Không phân biệt đây là pháp thế gian kia là pháp xuất thế gian, mà trụ vào pháp bình đẳng, không phân biệt là vô vi hay hữu vi, không phân biệt tâm có chấp trước hay tâm không chấp trước, không phân biệt là hữu lậu hay vô lậu.

Các Đại Bồ Tát nên biết! Pháp ấy không còn sự phân biệt mà là trụ vào tương ưng với bình đẳng thì có thể chứng nhất thiết trí của Phật.

Lại nữa, thưa các Đại Bồ Tát! Vô thượng bồ đề của Chư Phật vốn không thể đắc.

Vì sao?

Vì chẳng phải nơi tâm để duyên, chẳng phải nơi trí để biết, mà chỉ có Phật mới chứng được thôi. Ai bình đẳng với Chư Phật thì cũng bình đẳng với nhất thiết trí. Quán về nhất thiết trí đều vô sở hữu.

Vì vô sở hữu cho nên không chấp trước vào nhất thiết trí, chẳng phải sắc nắm bắt mà thọ tưởng hành thức cũng đều không thể nắm bắt, đó gọi là nhất thiết trí, không có tướng của pháp mà cũng không có tướng của phi pháp, đó gọi là không của nhất thiết trí.

Bố thí Ba la mật có thể chứng, trì giới Ba la mật có thể chứng, nhẫn nhục Ba la mật có thể chứng, tinh tấn Ba la mật có thể chứng, thiền định Ba la mật có thể chứng nhưng trí tuệ Ba la mật không thể chứng.

Vì sao?

Các pháp không có chỗ đắc, cho nên nhất thiết trí cũng không chỗ đắc.

Lại nữa thưa các Bồ Tát! Thiết trí chẳng phải ba đời có thể đắc, vì quá khứ không thể đắc, hiện tại không thể đắc và vị lai cũng không thể đắc. Vì không chấp trước vào ba đời nên chẳng phải đối tượng để nhãn thức quán, chẳng phải đối tượng để nhĩ, tỷ, thiệt, thân, ý thức quán.

Vì sao?

Vì xa lìa các cảnh giới. Các Đại Bồ Tát nào muốn thành tựu nhất thiết trí thì nên trụ như vậy.

Vì sao?

Vì tất cả pháp cũng trụ như vậy. Vì các pháp bình đẳng nên nhất thiết trí cũng bình đẳng, cho đến pháp Chư Phật, pháp phàm phu cũng đều bình đẳng. Ðó gọi là nhất thiết trí. Các Đại Bồ Tát nên trụ như vậy, nên học như vậy. Ví như tự tánh của tứ đại đều không có, nếu vốn nó có tánh cũng không thể đắc.

Vì sao?

Vì tự tánh nó là không. Vì tự tánh của các pháp thiện hay bất thiện ở thế gian đều không cho nên nó cũng không thể đắc.

Vì sao?

Vì không phân biệt. Phân biệt đã là không thì đó là nghĩa chân thật. Khi Bồ Tát Diệu Cát Tường nói pháp này, trong hội có hai ngàn Thiên Tử đắc vô sanh pháp nhẫn. Một vạn hai ngàn Thiên Tử phát tâm vô thượng bồ đề.

***

icon

Tổng hợp

Cùng chủ đề

Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Ba - Phẩm Ba Mươi Mốt - Phẩm Tuyên Hóa - Phần Ba

Kinh Đại thừa   •   25.12.2023
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Cưu Ma La Thập, Đời Diêu Tần