Phật Thuyết Kinh Phật Bản Hạnh Tập - Phẩm Bốn Mươi Năm - Phẩm ưu Ba Tư Na - Phần Hai
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Xà Na Quật Đa, Đời Tùy
PHẬT THUYẾT
KINH PHẬT BẢN HẠNH TẬP
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư
Xà Na Quật Đa, Đời Tùy
PHẨM BỐN MƯƠI NĂM
PHẨM ƯU BA TƯ NA
PHẦN HAI
Lúc bấy giờ công chúa Ý Hỷ bạch Phụ Vương: Hay thay! Thưa Phụ Vương, trên thân con gái của cha không thiếu vật gì, chỉ xin Phụ Vương một việc. Cúi xin Phụ Vương cho phép con trình bày.
Rồi nàng nói kệ:
Phụ Vương, con nay muốn bố thí
Vào ngày mười lăm, tháng có trăng
Cho con số đến ngàn tiền vàng
Bố thí Sa Môn, Bà La Môn.
Vua Ương Già Đà nghe con mình nói lời như vậy, liền dùng kệ bảo công chúa Ý Hỷ:
Thiện Nữ, con nay lắng tai nghe cha nghe bậc trí nói thế này:
Dù có bố thí nhiều tiền của
Tất cả đều không quả báo gì
Con nay vì sao nghĩ như vậy?
Mê hoặc người ngu ở thế gian
Hiện tại, vị lai đều vô bổ
Cần gì con phải chịu nhọc nhằn
Con sao nay chẳng nghe người nói:
Ca Diếp thuyết pháp chẳng sai lầm
Nghiệp nhân người tạo thảy đều không
Quả báo thiện ác Cõi Trời người
Dạ Xoa, quỷ, thần đều chẳng có,
Cha mẹ, quyến thuộc lại cũng không
Nói tóm, tám vạn bốn ngàn đời
Phiền não như vậy mới diệt sạch.
Nếu vượt tám vạn bốn ngàn này
Lưu chuyển tâm không bị rối loạn
Giống như sóng biển chẳng định kỳ
Trong đó chưa đến không đoán trước
Mặc cho trôi nổi đợi thời gian
Cố gắng làm chi đời rắc rối.
Lời nói Ca Diếp con phải thông
Việc này chân thật chẳng điêu ngoa
Hiện tại, vị lai đều không có
Nay con chớ tự làm khổ mình.
Công chúa Ý Hỷ nghe Phụ Vương nói như vậy, trong lòng chẳng vui, lại dùng kệ thưa:
Cha nay làm chủ quốc gia này
Nên dùng chánh pháp trị dân chúng
Ác Thần dua nịnh lời bất chánh
Khuyên cha thờ phụng kẻ ngu si
Ba vị Đại Thần cùng Ca Diếp
Lời nói của họ thiếu chánh chân.
Thưa cha, họ đều ác tri thức
Nay giả hiện trò kẻ thông minh
Mình tu tà đạo lại dụ người
Hạ tiện ngu si nào có khác
Chẳng mang an lạc đến cho Vua
Ngược lại bày Vua hành bất thiện.
Con xưa từng biết việc thế này
Hiện tại thân con tự chứng biết
Vì cớ ngu si sinh đến đó
Thân sau cũng lại bị ngu si
Ra khỏi tối tăm, vào tăm tối
Rồi sau trở lại chỗ tối tăm.
Ca Diếp đã là kẻ vô trí
Ý người ngu si hợp lời nói
Phụ Vương lãnh chúa trị bốn phương
Thông hiểu thế gian các nghĩa lý
Tại sao chẳng khác bọn trẻ thơ
Đi vào đường hẻm hành tà đạo?
Ý cha tùy thuận người thân cận
Học hỏi với nhau bị xấu lấy
Như tên máu làm nhơ bẩn
Buộc chung tên khác lại dính lây.
Người trí giao du cẩn thận trọng
Đối với bạn ác phải đề phòng
Tuy mình không làm điều tội lỗi
Nhưng thường gần ác, thành kẻ ác
Gần gũi lâu ngày thành thói quen
Về sau tự nhiên lấy tánh ác.
Giống như mô đất tập bắn kia
Người trí sợ lấy ác cũng vậy
Chẳng nên giao kết bọn ác tri
Nên thường gần gũi thiện trí tuệ.
Thân nghiệp chúng sinh nếu thanh tịnh
Trải qua tám vạn bốn ngàn đời
Với tên đồ tể giết sinh mạng
Cùng người săn thú, kẻ thả câu
Ca Diếp nào khác hạng người này
Hạng này cũng như lũ Ca Diếp
So sánh cả hai đồng một loại
Không hơn không kém, chẳng khác nhau.
Do vì Ca Diếp không tỏ ngộ
Ngu si mờ mịt uổng xuất gia
Lấy nhân giả dối cho thanh tịnh
Mãn phần tám vạn bốn ngàn đời
Điên đảo sai lầm hành bất chính
Vô trí ngu si tâm mê muội.
Nếu khi chúng sinh hành thanh tịnh
Chẳng thọ tám vạn bốn ngàn đời
Còn như giặc cướp hại người vật
Làm ác cùng nhau tạo oán thù.
Ca Diếp với họ chẳng hơn kém
Họ cùng Ca Diếp không có khác.
Chúng sinh nếu tu nhân thanh tịnh
Tại sao tám vạn bốn ngàn đời
Còn như hạng người hành thiện ác
Gieo nhân tốt xấu với trung bình
Tất cả ngang nhau không hơn kém
Đời sống lại cũng không khác nhau?
Nếu nói chúng sinh tu thanh tịnh
Trải qua tám vạn bốn ngàn đời?
Người ấy ngu si, không trí tuệ
Giống như Ca Diếp uổng xuất gia.
Ví như lửa hồng thiêu nóng bỏng
Đốt sạch tất cả vật cúng thờ
Do vì vô trí ngu si vậy
Tự đốt tất cả núi công đức.
Đại Thần Tiền Ngôn biết vị lai
Làm điều tội lỗi không quả báo
Đời trước chúng sinh tu phước thiện
Nên nay tâm được hưởng an vui.
Nếu trước người làm điều tội lỗi
Hết phước tự nhiên thọ tai ương
Như thuyền lênh đênh trên mặt nước
Chìm sâu chẳng nổi vì chở nặng.
Người nào không thể vượt lên bờ
Chìm sâu trong nước đều tan rã
Giống kẻ thường xuyên gây tội ác
Gây mãi chẳng thôi, tội chất chồng
Người ấy chết rồi đọa địa ngục
Thưa cha, Tiền Ngôn này cũng vậy
Do tội ông ta chưa chín muồi
Chín muồi tự biết chẳng mấy hồi
Tội thành liền rơi vào địa ngục
Giống như thuyền nọ chìm trong nước
Bị lớp rêu xanh phủ bên ngoài
Lớp rêu tự mọc không thể cản
Thuyền lâu như vậy càng dày đặc
Người tạo tội lỗi chẳng khác nào
Càng lâu tội lỗi càng thêm nặng
Còn như người tạo nghiệp nhân lành
Người ấy mau sinh lên Thiên Giới.
Xưa làm tất cả điều tội lỗi
Ngày nay như giống gieo trên đất
Tội nghiệp hết rồi lại liền sinh
Nếu như thiện nghiệp được vun trồng
Tức được quả lành sinh Thánh cảnh.
Sau khi công chúa Ý Hỷ nói kệ rồi, lại một lần nữa tâu Phụ Vương: Xin Phụ Vương biết cho, con tự tư duy cũng biết kiếp quá khứ.
Việc ấy thế nào?
Việc ấy thế này: Con nhớ trong thời quá khứ đã bảy lần sinh trong thành Vương Xá, thuộc nước Ma Già Đà. Lúc đó do ác tri kiến lôi cuốn, con làm nhiều điều tội lỗi, hành tà hạnh, xâm phạm trinh tiết thê thiếp của người, thọ vui như Cõi Trời.
Đại Vương nên biết, lúc ấy con tạo các nghiệp dữ, che giấu tội lỗi mà sông, giống như lửa lấp trong tro. Lại nữa thưa Phụ Vương, sau khi mãn báo thân ở thành Vương Xá, con lại đầu thai vào một nhà phú quý thuộc làng Kim Cang.
Sống ở nơi đây con gặp được thiện tri thức, thường vào các ngày mùng tám, mười bốn và rằm cửa mỗi nửa tháng không trăng và có trăng, thọ trì tám pháp trai giới thanh tịnh.
Phụ Vương phải biết, khi con ở nơi đây đã tạo các thiện nghiệp, ví như chôn giấu kho tàng khắp nơi cho đến mé biển, niêm phong kiên cố, lại cứ như vậy mà thi hành.
Lại nữa thưa Phụ Vương, con cũng bỏ thân mạng nơi làng Kim Cang. Do nhân duyên quá khứ tạo ác nghiệp còn lại nên liền khi đó đọa vào địa ngục kêu la. Ở trong địa ngục này chịu cực khổ trải qua nhiều ngàn năm.
Lại nữa thưa Phụ Vương, khi tội địa ngục hết rồi, bỏ thân này liền thọ thân con dê đực trắng ở trong nước Tần Na Câu Tra, sống ở nơi đây hoặc bị kéo xe, hoặc bị thắng yên cương để các Vương Tử cỡi.
Lại nữa thưa Phụ Vương, con sống ở nước Tần Na Câu Tra đã thoát khỏi thân dê đực trắng lại sinh vào nước Đà Tỳ La, cũng mang lấy thân dê. Ở nơi đây thân dê chết rồi lại thọ lấy thân trâu. Cũng ở nơi đấy xả báo thân trâu, lại thọ lấy thân khỉ, sống trong rừng núi.
Lại nữa thưa Phụ Vương, khi con ở trong rừng núi, xả bỏ thân khỉ, trở lại sinh trong nước Kim Cang thọ thân người chẳng phải nam chẳng phải nữ.
Sau khi nghiệp báo hết rồi, xả thân phi nam phi nữ ở nước Kim Cang, liền sinh trong hoa viên Hoan hỷ, nơi cung Trời Đao Lợi, làm người hộ vệ cho Trời Đế Thích.
Lại nữa thưa Phụ Vương, sau khi con xả báo thân nơi cung Trời Đao Lợi, do xưa mỗi tháng giữ gìn lục trai thanh tịnh nên ngày nay được sinh vào nhà Đại Vương, của cải dẫy đầy chẳng thiếu thứ gì.
Ngày nay Phụ Vương không tự quán nhân duyên này, không biết từ đâu mà được công đức như vậy, không thể không do đời trước tạo nghiệp mà ngày nay thọ phước báo như thế này hay chăng?
Trong khi Vua Ương Già Đà và công chúa Ý Hỷ đối thoại như vậy, ngay lúc đó có một Thiên Tiên tên là Bất Na La Đà nhà Tùy dịch là Bất Khiếu Hoán từ Thiên Giới giáng xuống quán sát cõi Diêm Phù Đề, từ trên hư không từ từ hạ xuống, nhằm chính cung điện của Nhà Vua Ương Già Đà.
Khi công chúa Ý Hỷ thấy Thiên Tiên từ trên hư không giáng xuống như vậy, liền đứng dậy đi tôn trí một tòa cao lớn mời Thiên Tiên an tọa trên đó.
Khi Thiên Tiên an tọa xong, công chúa đảnh lễ dưới chân Thiên Tiên rồi chắp tay hướng về Thiên Tiên thưa: Thưa Tôn Giả Thiên Tiên, ở trong thế gian tạo các nghiệp có các quả báo thiện ác hay không?
Có các loài Dạ Xoa và Chư Thiên hay không?
Có cha mẹ không?
Có đời này, đời khác không?
Cúi xin Thiên Tiên vì tôi giải thích rõ ràng, vì Phụ Vương tôi không tin các việc ấy.
Đại Tiên Bất Na La Đà lại hỏi Vua Ương Già Đà: Thưa Đại Vương, ngày nay Đại Vương thật sự không tin những việc như vậy phải không?
Nhà Vua liền đáp: Tôi tin việc ấy là như vậy.
Thiên Tiên nói tiếp: Đại Vương phải biết, tất cả quả báo thiện ác đều có và cho đến cũng có Chư Thiên, Dạ Xoa, cha mẹ, đời này, đời sau, Sa Môn, Bà La Môn Đại Vương phải biết, ta từ Thiên Giới giáng xuống đây.
Vua Ương Già Đà nói với Thiên Tiên: Thưa Tôn Giả Thiên Tiên, nếu có đời sau thì ngày hôm nay xin Tôn Giả cho tôi mượn năm trăm tiền vàng, rồi vào đời sau tôi sẽ trả lại Tôn Giả đến một ngàn tiền vàng.
Thiên Tiên Ba Na La Đà đối với Nhà Vua nói kệ:
Ta nay cho Vua năm trăm tiền
Thân Vua cần phải giữ cấm giới
Tâm Vua nếu không hành thiện pháp
Lấy gì đời sau trả ngàn tiền?
Đời này có người nói dua nịnh
Đời sau mong sống cảnh giới nào?
Người trí không bạn với người này
Như vậy làm sao hòng vay mượn.
Sau đọa địa ngục cháy phừng phừng
Hoặc bị loài chim bao vây mổ
Sau lại làm sao trả nợ ta?
Khi đọa địa ngục chịu các khổ
Dao bén cắt xén chẳng toàn thây
Phân thây từng mảnh máu tuôn trào
Khổ não triền miên không tạm nghĩ
Làm sao ngàn tiền trả cho ta?
Tay cầm dao bén lột da gân
Chặt chẻ xác thân như róc mía
Thân phần cơ thể nát tơi bời
Làm sao trả ta tiền gấp bội?
Chó đen hung dữ thân nhơ nhớp
Rảo đi khắp xứ xé thịt ăn
Làm cho tội nhân thân không thịt
Đời sau làm sao trả bội phần?
Địa Ngục có chĩa lớn bén nhọn
Ngục tốt thường rượt phóng lên thân
Tội nhân trong ngục bị treo ngược
Làm sao trả ta một ngàn tiền?
Địa ngục có rừng nhiều dao kiếm
Mỗi kiếm trên đầu mười sáu dao
Trên đó thân thủng chẳng tạm dừng
Làm sao trả ta tiền gấp bội?
Địa ngục sông tro nước nóng sôi
Chảy nhanh như gió, như tên bắn
Rơi vào trong đó chịu khổ đau
Làm sao trả ta tiền gấp bội?
Ở trong địa ngục hòn sắt nóng
Hoặc là địa ngục nước đồng sôi
Trong đó tội nhân khổ bức xúc
Làm sao trả ta tiền gấp bội?
Địa Ngục có tay như mưa xổi
Đều phóng lửa nóng cháy phừng phừng
Cắt xẻ từng phần không tạm nghỉ
Làm sao trả ta tiền gấp bội?
Địa ngục tăm tối thật kinh hoàng
Nhật nguyệt sáng soi không chiếu đến
Ngu si vô trí sống ở trong
Làm sao trả ta tiền gấp bội?
Đại Vương nên bỏ điều phi pháp
Vua nên thực hiện pháp chánh chân
Pháp ấy như vậy Vua tu tập
Mai sau địa ngục khỏi sa vào.
Sa Môn Phạm Chí khắp bốn phương
Hễ họ đến cầu xin vật thực
Vua dâng ẩm thực thật dồi dào
Y phục, thuốc thang, phòng, đồ ngủ
Vì bậc phạm hạnh hành tinh tấn.
Lời nói Sa Môn, Bà La Môn
Có thể giúp Vua khỏi khổ não
Giống như tàng lọng che mưa nắng.
Khi Vua thực hiện thiện nghiệp này
Có nhiều bằng hữu theo tùy hỷ
Đi đường hoàn mỹ đến an lành
Trong các thần thông đây trên hết.
Như trâu lội nước thẳng ngang sông
Ai nắm đuôi trâu cũng qua được
Tất cả thế gian đều như vậy
Gieo nhân tà chánh, quả tà chánh
Ở trong số người hành chánh pháp
Hễ ai thực tập kẻ đó hơn.
Khi Vua Ương Già Đà nghe nói như vậy, lại dùng kệ thưa Thiên Tiên Na La Đà:
Thiên Tiên Đại Phạm thương xót tôi
Giống như cha mẹ thương con đỏ
Cúi xin vì tôi thường lai vãng
Gặp được người trí thấy điều lành.
Cúi xin Tôn Giả bày lối thoát
Phiền não biển sâu con hụp lặn
Con nay như người không đất đứng
Xin Ngài cho con về tựa nương.
Cúi xin Đại Phạm cứu hộ con
Nay con mờ mịt rơi hố thẳm
Hằng sa địa ngục khổ vô cùng
Nay vâng Tôn Giả chẳng dám sai.
Lúc ấy đại Tiên Na La Đà lại dùng kệ bảo Vua Ương Già Đà:
Vua nay tạo tội nếu chẳng thôi
Ganh ghét Sa Môn và Phạm Chí
Điên đảo chấp đoạn lại chẳng trừ
Ta không bao giờ gặp trở lại.
Nếu Vua ra sức hành chánh pháp
Phụng thờ Sa Môn, Bà La Môn
Tinh tấn, trì giới, bố thí, thiền
Ta, Vua cùng nhau thường hội ngộ.
Khi Thiên Thần đại Tiên Na La Đà vì Vua Ương Già Đà thuyết pháp, giảng dạy khiến cho Nhà Vua sinh chánh kiến, Nhà Vua hồi tâm, ý rất hoan hỷ, chắp tay đảnh lễ Thiên Tiên, đi nhiễu quanh bên phải ba vòng, rồi Na La Đà rời khỏi chỗ ngồi, từ giã Vua Ương Già Đà trở về Thiên Giới.
Khi ấy Đức Phật bảo các thầy Tỳ Kheo: Này các thầy, Thiên Tiên Na La Đà thuở ấy tức là thân ta ngày nay, còn Vua Ương Già Đà thuở ấy nay là ông Ưu Lâu Tần Loa Ca Diếp.
Rồi Đức Phật nói tiếp: Này các thầy, thuở xưa ta thấy Ưu Lâu Tần Loa Ca Diếp tà kiến quá nặng, rơi vào con đường điên đảo. Ta lúc ấy phát tâm tinh tấn giáo hóa khiến người đi vào chánh đạo.
Ngày nay cũng vậy, ta thấy ông ta điên đảo, rơi vào tà kiến, nên ta phát tâm đại tinh tấn, thị hiện năm trăm phép thần thông biến hóa để giáo hóa, khiến ông ta an trú vô thượng bồ đề, không còn sinh tử, đạt đến cảnh giới vô úy, chứng quả Niết Bàn.
***
Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Năm - Phẩm Mười Bảy - Phẩm Tham Hành - Phần Hai
Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Ba - Phẩm Ba Mươi Mốt - Phẩm Tuyên Hóa - Phần Ba
Phật Thuyết Kinh Bách Dụ - Kinh Thứ Mười Bốn - Kinh Giết Chủ Tế Trời
Phật Thuyết Kinh Kim Quang Minh Tối Thắng Vương - Phẩm Mười Ba - Phẩm đà La Ni Không Nhiễm Trước
Phật Thuyết Kinh Tạp A Hàm - Kinh Hư Không
Phật Thuyết Kinh Phân Biệt Thiện ác Sở Khởi - Phần Bốn
Phật Thuyết Kinh Tạp A Hàm - Kinh Tập
Phật Thuyết Kinh chánh Pháp Hoa - Phẩm Một - ánh Sáng điềm Lành - Phần Hai
Phật Thuyết Kinh Kim Cang Bát Nhã Ba La Mật - Phần Một - Pháp Hội Nhân Do