Phật Thuyết Kinh Phật Bản Hạnh Tập - Phẩm Bốn Mươi Sáu - Phẩm Hiến Cúng Rừng Tre - Phần Một

Kinh Đại thừa   •   Thứ hai, 25/12/2023, 22:18 PM

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Xà Na Quật Đa, Đời Tùy

PHẬT THUYẾT

KINH PHẬT BẢN HẠNH TẬP

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư

Xà Na Quật Đa, Đời Tùy  

PHẨM BỐN MƯƠI SÁU

PHẨM HIẾN CÚNG RỪNG TRE  

PHẦN MỘT  

Thuở ấy, Đức Thế Tôn trú trên núi Tượng Đầu, trải qua một thời gian ngắn rồi sau đó Ngài du hành lần lần hướng về thành Vương Xá.

Ngài rời làng Ưu Lâu Tần Loa chưa được bao lâu đã đến thành Vương Xá, nơi đây có khu rừng pháp vũ, là chỗ ở của các Tiên Nhân.

Trong khu rừng này có thảo am của các vị Tiên Nhân, trong thảo am này có đến năm trăm Đạo Nhân tu khổ hạnh, tất cả đều được thần thông.

Đầu tóc họ đều bạc còn lơ thơ một ít sợi, răng long, lưng gù, da dẻ trên thân trổ đồi mồi, da yết hầu thòng như yếm bò, dung mạo khô gầy, hình hài bại hoại, đi đứng nhờ gậy, hơi thở khò khè, muốn đứng dậy đi thì liền té quỵ, dầu muốn bước tới trước một bước vẫn không thể dời chân, chỉ còn da bọc xương, gân cốt tiều tụy. Tất cả họ đều trăm tuổi nên không thể đi đâu được.

Do vì đời trước các Tiên Nhân này đã trồng căn lành nên chỉ một đời này, hễ gặp được Phật thì liền tín thuận. Nhưng vì họ chưa nghe pháp nên chưa vào Niết Bàn, hiện đều Tọa Thiền trong hang núi.

Lúc ấy Đức Thế Tôn vì lòng từ mẫn, muốn hóa độ các Tiên Nhân khổ hạnh nên Ngài đến trước miệng hang, chỗ ở của các Tiên Nhân mà nói kệ bảo họ.

Nếu có người dù nói trăm câu

Văn nghĩa, danh tự ý chẳng hợp

Thà nói một câu hơn ngàn vạn

Làm cho thính giả được định tâm.

Nếu người nói ra trăm câu kệ

Câu văn què quặt nghĩa lý sai

Thà nói một câu thật tối thắng

Nghe rồi tự nhiên được tịch định.

Nếu người thiện xảo thuật chiến đấu

Một người chiến thắng trăm vạn người

Nếu hay hàng phục được chính mình

Mới là thiện chiến trong nhân loại.

Nếu người một tháng đấu ngàn lần

Mỗi lần hơn địch gấp trăm lần

Nếu hay quy tín Phật Thế Tôn

Thì hơn người trước mười sáu lần.

Nếu người một tháng đấu ngàn lần

Mỗi lần hơn địch gấp trăm lần

Nếu hay quy tín pháp chánh chân

Thì hơn người trước mười sáu lần.

Nếu người một tháng đấu ngàn lần

Mỗi lần hơn địch gấp trăm lần

Nếu hay quy tín tất cả Tăng

Thì hơn người trước mười sáu lần.

Nếu người một tháng đấu ngàn lần

Mỗi lần hơn địch gấp trăm lần

Nếu hay tư duy pháp tánh không

Thì hơn người trước mười sáu lần.

Giống như trẻ thơ thường học tập

Kiến thức nhiều như đầu cỏ tranh

Nếu người quy kính Phật Như Lai

Thì hơn người trước mười sáu lần.

Nếu người quy kính pháp, Tăng Bảo

Và lại tư duy pháp tánh như

Đức tin người ấy thật khó lường

Thì hơn người trước mười sáu lần.

Như người thờ lửa ở thế gian

Trải qua trăm năm thờ nghiêm túc

Nếu được nhất tâm quy Tam Bảo

Phước này hơn kia trăm ngàn vạn.

Phước đó toán số khó tính cùng

Dùng lời diễn tả cũng không xiết

Do vì kiên cố tâm chất trực

Nên được phước báo lớn như vậy.

Nếu người tuổi thọ đến trăm năm

Ở trong rừng núi thờ Thần lửa

Nếu thấy điều phục thượng nhân đến

Bỏ ít thì giờ cúng dường Ngài

Phước ấy vượt hơn thờ thần lửa

Đầy đủ tất cả trọn một đời.

Nếu người tuổi thọ đến trăm năm

Phá giới, tâm không được tịch định

Ai hay kiên trì nhẫn tinh tấn

Chỉ sống một ngày hơn trăm năm.

Nếu người tuổi thọ đến trăm năm

Tâm thường ngu si sinh tán loạn

Ai được trí tuệ và thiền định

Chỉ sống một ngày hơn trăm năm.

Nếu người tuổi thọ đến trăm năm

Đui điếc mù mờ không nghe thấy

Ai hay thấy Phật và nghe pháp

Chỉ sống một ngày hơn trăm năm.

Nếu người tuổi thọ đến trăm năm

Ngây ngô rối loạn không tĩnh giác

Ai hay thấy rõ đường sinh tử

Chỉ sống một ngày hơn trăm năm.

Nếu người tuổi thọ đến trăm năm

Không hay thế gian thường biến đổi

Ai hay rõ được thân chẳng thật

Chỉ sống một ngày hơn trăm năm.

Nếu người tuổi thọ đến trăm năm

Không xét thế gian chỗ an lạc

Ai hay biết được cảnh an nhàn

Chỉ sống một ngày hơn trăm tuổi.

Khi Đức Thế Tôn nói bài kệ nghĩa lý vi diệu như vậy, tất cả Tiên Nhân tu khổ hạnh nghe bài kệ này, mọi người đều chứng sáu phép thần thông.

Bấy giờ, các Tiên Nhân khổ hạnh ra khỏi hang đảnh lễ dưới chân Phật Thế Tôn. Sau khi lễ rồi, mọi người đều bay lên hư không để xả thọ mạng, nhập vào Niết Bàn, thân tuôn ra nước lửa để tự thiêu thân thể. Thiêu thân rồi, tất cả Xá Lợi từ hư không đều rơi xuống đất.

Khi ấy Đức Thế Tôn thâu Xá Lợi của năm trăm A La Hán, gom lại một đống, bắt đầu xây Tháp. Trong lúc ấy các Tỳ Kheo phụ giúp Thế Tôn bưng đất đá làm Tháp.

Với bàn tay mành lưới thần diệu của Ngài, Đức Thế Tôn tự xây Tháp và trang trí trên ngọn Tháp Xá Lợi đủ các thứ nên ngôi Tháp hoàn thành trang nghiêm thật đẹp mắt.

Sau khi Tháp hoàn thành, Đức Thế Tôn cùng các Tỳ Kheo tuần tự đi về nước Ma Già Đà. Đồ chúng theo Ngài gồm có một ngàn người đều là các Phạm Chí Loa Kế thuở trước, nay xuất gia, rồi như vậy lần lượt đi về thành Vương Xá.

Khi Đức Thế Tôn cùng các Tỳ Kheo đến thành Vương Xá, trú trong rừng Trượng Lâm.

Trong rừng này có một ngôi Tháp tên là Thiện an trú, trên Tháp có đề bài kệ:

Lúc ấy đại chúng vây chung quanh

Thế Tôn lần đến Vương Xá thành

Ở trong Trượng lâm rừng vi diệu

Như Lai muốn đến ở nơi đây.

Bấy giờ Tiểu Vương nước Ma Già Đà thuộc dòng Vua Túc Tán tên là Tần Đầu Sa La nghe mọi người đồn: Sa Môn Cù Đàm con dòng Cam Giá, thuộc họ Thích, xả tục xuất gia. Ngày nay Ngài cùng đồ chúng gồm đủ một ngàn Tỳ Kheo đều là các Phạm Chí Loa Kế xuất gia, đồng đến du hóa trong nước Ma Già Đà.

Hiện giờ Ngài cùng đồ chúng dừng nghỉ nơi Tháp Thiện an trú, trong rừng Trượng Lâm, bên cạnh thành Vương Xá, mà danh tiếng của vị Sa Môn này vang khắp trong thế gian.

Đấng Như Lai, Ứng Cúng, Chánh Đẳng Chánh Giác, Thiện Thệ, Thế Gian Giải, Điều Ngự Trượng Phu, Thiên Nhân Sư, Phật Thế Tôn này hiện nay có nhân duyên giáo hóa ở đây.

Lại nữa, Đức Thế Tôn đôi với tất cả các hàng Trời, Người, Ma, Phạm, Sa Môn, Bà La Môn trong thế gian, Ngài tự dùng thần thông khiến mọi người đều giác ngộ.

Sau khi giác ngộ rồi, họ nói lên thế này: Sinh tử đã dứt, phạm hạnh đã lập, việc làm đã xong, hoàn toàn không còn thọ thân đời sau.

Đức Thế Tôn Thuyết Pháp phần đầu thiện, phần giữa thiện, phần sau thiện, nghĩa lý vi diệu. Chỉ riêng giáo pháp của Ngài mới được đầy đủ, rốt ráo thanh tịnh như vậy.

Đối với các bậc Vô Thượng Chánh Giác như vậy, nếu ai muốn đến chiêm ngưỡng thì người này thật là may mắn.

Vua suy nghĩ: Ta nay cũng nên đến chỗ Đại Sa Môn để chiêm ngưỡng Thế Tôn. Vua Tần Đầu Sa La nước Ma Già Đà ra lệnh sửa sang xa giá thật hoàn chỉnh tốt đẹp, rồi Nhà Vua lên xe cùng với các vị Bà La Môn, Trưởng Giả, Cư Sĩ, gồm tất cả là mười hai Na Do Tha người hầu hạ trước sau, ra đi từ thành Vương Xá, hướng về rừng Trượng lâm để chiêm ngưỡng Đức Thế Tôn.

Thuở ấy, ở thành Vương Xá có một dâm nữ tên là Bà La Bạt Đế, hình dung kiều diễm khả ái, thế gian không ai sánh bằng, mọi người thế gian ai cũng thích trông ngắm. Tất cả các món ca múa, xướng hát, âm nhạc đều rành. Nàng có đoàn kỹ nữ gồm sáu mươi bốn người đầy đủ tài năng.

Khi ấy, dâm nữ cũng nghe người ta nói: Hiện giờ ở thành này có Sa Môn Cù Đàm, dòng họ Thích, thuộc vương tộc xuất gia, nên nàng mới nghĩ: Ta nên đến yết kiến vị Sa Môn này.

Lúc dâm nữ thực hiện ý định yết kiến Đức Thế Tôn, vừa ra khỏi ngõ nàng lại nghĩ: Ta nay nên đến Đức Thế Tôn trước Đại Vương Tần Đầu Sa La.

Rồi lại nghĩ tiếp: Do Vua Tần Đầu Sa La có nhiều nhân lực dọn đường đi đến Sa Môn, lại đoàn người đông đảo ồn ào, sợ họ ngăn chận làm ta không đi được. Ta nay nên đập phá chỗ tường thành vắng người đi, phải cấp tốc đến yết kiến Thế Tôn trước.

Dâm nữ nghĩ như vậy rồi thuê nhiều người, bảo họ: Ai đập phá tường thành nhanh, ta sẽ trả cho người đó nhiều tiền. Các người làm thuê chỉ trong một thời gian ngắn liền phá xong bờ tường và dọn sạch ngói đá, gai góc, thành lối đi bằng phẳng.

Dâm nữ Bà La Bạt Đế liền sai người sửa soạn xe cộ nghiêm chỉnh tốt đẹp, rồi nàng lên xe ra khỏi nhà. Trên con đường bằng phẳng, nàng đi thẳng đến Tháp Thiện an trú, trong rừng Trượng Lâm để cung kính đảnh lễ yết kiến Thế Tôn.

Lúc ấy Đức Thế Tôn biết tâm niệm của dâm nữ Bà La Bạt Đế, Ngài liền thầm nghĩ: Nếu nàng dâm nữ này đến yết kiến ta trước, Nhà Vua Tần Đầu lại đến sau, thấy dâm nữ đứng trước mặt ta, Nhà Vua sẽ sinh tâm nghi kỵ.

Nghĩ như vậy rồi, Ngài liền vận dụng thần thông khiến dâm nữ không thể đi đến trước Vua. Còn Vua Tần Đầu muốn đi đến trước, nhưng xe Nhà Vua đứng yên một chỗ, nhất định không thể chuyển bánh được.

Đại Vương Tần Đầu Sa La sinh tâm sợ sệt kinh hoàng, lông tóc dựng ngược.

Nhà Vua lại thầm nghĩ: Ta nay bị quỷ thần hay tai họa gì làm trở ngại, khiến ra nông nổi thế này?

Lúc đó ở nơi đây có một Thiên Thần biết tâm niệm Vua Tần Đầu Sa La nên ẩn hình trên hư không mà bảo Nhà Vua: Này Đại Vương, nay Ngài không nên lo sợ.

Này Đại Vương, nay Ngài không gặp tai nạn, cũng không có điều quái lạ, quỷ thần biến hiện. Tuy nhiên, Nhà Vua hiện giờ có giam cầm một người vô tội, tên họ như vậy, tại một nơi trong thành Chiêm Ba.

Nhà Vua nên mau thả người ấy ra thì xe Ngài liền chuyển bánh.

Đại Vương Tần Đầu Sa La nghe Thiên Thần nói như vậy, lập tức ra lệnh cho sứ giả về phóng thích người kia. Khi phóng thích xong, đoạn đường nào thông suốt thì đi xe, còn đoạn đường nào không thông suốt thì đi bộ, tiến vào trong rừng để đến chỗ Đức Phật.

Khi đến nơi, Nhà Vua đảnh lễ dưới chân Đức Phật rồi ngồi về một bên. Lúc ấy tất cả dân chúng, Cư Sĩ, Trưởng Giả ở nước Ma Già Đà, hoặc có người đảnh lễ rồi ngồi về một bên, hoặc có người cùng với Phật chào hỏi thân thiện rồi lui về ngồi một bên.

Hoặc có người đến trước Đức Phật tự xưng tên họ rồi lui ngồi về một bên, hoặc có người hướng về Đức Phật chắp tay rồi lui ngồi về một bên, hoặc có người ngồi đối diện trước Đức Phật im lặng, rồi lui ngồi về một bên.

Sau khi tất cả dân chúng, Cư Sĩ, Trưởng Giả ngồi về một bên, họ lại thầm nghĩ: Hiện giờ trong số Đạo Nhân này vừa có Đại Sa Môn, vừa có Ưu Lâu Tần Loa Ca Diếp, những vị Quốc Sư của chúng ta, không biết Sa Môn Cù Đàm theo Ca Diếp học phạm hạnh, hay Ca Diếp theo Sa Môn học phạm hạnh?

Đức Thế Tôn biết được tâm niệm của tất cả dân chúng, Trưởng Giả, Cư Sĩ nước Ma Già Đà nên dùng kệ bảo Trưởng Lão Ưu Lâu Tần Loa Ca Diếp như thế này:

Ca Diếp, ông thấy việc thế nào?

Trước tại bờ sông tư khổ hạnh

Vì Ta và chúng nói ý này

Bỏ việc tế tự như thế nào?

Trưởng Lão Phạm Chí Ưu Lâu Tần Loa Ca Diếp vâng lời Phật dạy, dùng kệ đáp:

Sắc, thanh, hương, vị và xúc, pháp

Ngũ dục thế gian họ mong cầu

Ái nhiễm như vậy ngập thiên hạ

Vì tham việc ấy tôi tế tự.

Khi ấy, tất cả dân chúng, Trưởng Giả, Cư Sĩ và các Bà La Môn nước Ma Già Đà này thầm nghĩ: Sa Môn tự nói một bài kệ và Ưu Lâu Tần Loa Ca Diếp lại nói một bài kệ nhưng chúng ta hoàn toàn không biết hai người này ai là thầy, ai là trò?

Đức Thế Tôn biết tâm niệm mọi người thầm nghĩ như vậy, Ngài dùng kệ hỏi Ưu Lâu Tần Loa Ca Diếp:

Sắc, thanh, hương, vị và xúc, pháp

Trong đó Ca Diếp có thích không?

Ở trong nhân gian và Thiên thượng

Ông thích những gì nói Ta nghe.

Trưởng Lão Phạm Chí Ưu Lâu Tần Loa Ca Diếp lại vâng lời Phật dạy, dùng kệ đáp:

Tôi biết tịch tĩnh không vô ngại

Tướng không vô ngại, không nên chấp

Điều không thay đổi thì không dối

Điều ấy tâm tôi thích tế tự.

Khi ấy tất cả dân chúng, Trưởng Giả, Cư Sĩ nước Ma Già Đà thầm nghĩ: Đại Sa Môn tự nói hai bài kệ, rồi Ưu Lâu Tần Loa lại nói hai bài kệ, hiện giờ đây chúng ta vẫn chưa biết ai là thầy, ai là trò?

Chư Phật Thế Tôn mười phương đều có cùng một phương pháp là nếu không làm cho tất cả đại chúng sinh tâm hoan hỷ và hy hữu thì không nên thuyết pháp.

Lúc bấy giờ Đức Thế Tôn vì muốn đại chúng sinh tâm hoan hỷ và hy hữu nên bảo Ưu Lâu Tần Loa Ca Diếp: Này Ca Diếp, nếu ngày nay ông thấy đúng lúc, nên vì tất cả dân chúng, Trưởng Giả, Cư Sĩ và Bà La Môn nước Ma Già Đà xuất hiện thần thông, thể hiện pháp thượng nhân.

Ưu Lâu Tần Loa Ca Diếp khi nghe Đức Phật bảo như vậy, liền bạch Phật: Y theo lời Thế Tôn chỉ dạy, con chẳng dám trái lời.

Liền khi ấy, Ưu Lâu Tần Loa Ca Diếp từ chỗ ngồi đứng dậy, xuất hiện thần thông bay lên hư không một cách tự tại: Hoặc đi kinh hành, hoặc đứng, hoặc ngồi, hoặc lại nằm ngủ, thân phát ra khói lửa, hoặc lại ẩn hiện.

Biến hiện đủ loại thần thông như vậy, rồi từ hư không hạ xuống, đứng trên mặt đất, đến đảnh lễ dưới chân Phật và thưa: Đức Thế Tôn thật là Giáo Thọ Sư của con. Con nay thật là đệ tử Thanh Văn của Đấng Vô Thượng Thế Tôn.

Rồi vị ấy nói kệ:

Thần thông vi diệu thu nhiếp rồi

Đảnh lễ dưới chân Tối Thắng Tôn

Bổn phận đệ tử con hoàn tất

Thế Tôn thật sự là thầy con.

Bấy giờ đại chúng Bà La Môn, Cư Sĩ, Trưởng Giả và tất cả nhân dân nước Ma Già Đà tâm nghĩ thế này: Ngày nay Ưu Lâu Tần Loa Ca Diếp là đệ tử của Sa Môn Cù Đàm, theo Sa Môn tu học phạm hạnh. Biết như vậy rồi, họ đối với Thế Tôn sinh tâm hy hữu kính tín.

Đức Thế Tôn biết tâm đại chúng hoan hỷ cho rằng việc chưa từng có, Ngài liền vì đại chúng theo thứ lớp thuyết các pháp. Dạy hành bố thí, trì giới, nói nhân duyên phước báo sinh lên Cõi Trời, nói việc xa lìa ngũ dục, nói nguyên nhân dứt các lậu, nói phiền não lậu hoặc, tán thán công đức xuất gia, tán trợ việc giải thoát.

Đức Thế Tôn biết các hàng Bà La Môn, Cư Sĩ và tất cả đại chúng nước Ma Già Đà sinh tâm hoan hỷ nhu thuận, không có tâm nhiễm ô.

Đức Thế Tôn biết đại chúng này cần nên đắc đạo, Ngài lại biết tất cả Chư Phật Thế Tôn biết các chúng sinh, hoặc có chúng sinh tán thán mà đắc đạo pháp nên Ngài liền vì thích ứng căn cơ đại chúng, đúng như pháp mà nói.

Những pháp đó là khổ, tập, diệt, đạo. Đức Thế Tôn cũng vì đại chúng thuyết giảng các pháp tướng.

Lúc ấy trong chúng hội mà Vua Tần Đầu Sa La là người đứng đầu: Ngoài ra, còn có trên mười một Na Do Tha người cùng một lúc lãnh ngộ.

Có Sư cho: Gồm mười hai Na Do Tha người xa lìa trần cấu, dứt sạch phiền não, tâm được thanh tịnh, đối với các pháp sinh pháp nhãn thanh tịnh, đối với bao nhiêu pháp phiền não đều là tướng tịch diệt, chứng biết như thật, ví như áo sạch không vết nhơ, không dính mồ hôi, không một điểm đen, thì tùy ý nhuộm màu gì sẽ thành màu đó.

Đúng vậy! Đúng vậy! Tất cả nhân dân, Trưởng Giả, Cư Sĩ, Bà La Môn nước Ma Già Đà đang ngồi tại chỗ xa lìa trần cấu, cho đến các pháp khổ, tập đều là tướng tịch diệt, chứng biết như vậy. Trong số này lại có một Na Do Tha người phát tâm thanh tịnh, thọ giới Ưu Bà Tắc. 

Lúc bấy giờ Vua Tần Đầu Sa La nước Ma Già Đà thấy tướng các pháp, đã biết tướng các pháp, đã chứng nhập các pháp, ở trong các pháp vượt qua các nghi, hoàn toàn không ngăn ngại, đôi với các pháp đã được vô ngại, lại không còn sợ sệt.

 Ở trong giáo pháp của Thế Tôn không còn phải theo người khác, không còn phải học hỏi nơi người khác. Đối với các pháp biết như vậy rồi, tự tại vô ngại.

Khi ấy Vua Tần Đầu Sa La liền bạch Phật: Thưa Đức Như Lai Thế Tôn, lúc trước, khi con còn là đọng tử phát năm lời nguyện mà ngày nay con đã được thành tựu hoàn toàn.

Năm điều đó là gì?

Một là khi con còn thiếu niên sớm lên vương vị. Thưa Thế Tôn, đây là nguyện đầu tiên, nay con đã được thành tựu.

Thứ hai, lại nguyện trong khi con cai trị dân chúng có Đức Phật ra đời. Đây là điều tâm nguyện thứ hai, nay con đã thành tựu.

Thứ ba, lại nguyện có Đức Phật xuất thế rồi, con thiết lễ cúng dường Đức Phật này, khiến được hoan hỷ. Đây là điều tâm nguyện thứ ba, ngày nay con đã được thành tựu.

Thứ tư, lại nguyện đối với Đức Thế Tôn, con sinh tâm hoan hỷ, rồi Đức Phật vì con thuyết pháp. Đây là điều tâm nguyện thứ tư, ngày nay con đã được thành tựu.

Thứ năm, lại nguyện đối với tất cả giáo pháp của Thế Tôn đã thuyết cho nghe, con được chứng biết tất cả. Đây là điều tâm nguyện thứ năm, ngày nay con đã được thành tựu.

Lại nữa bạch Đức Thế Tôn, thuở trước con còn là Đồng Tử, tâm con phát nguyện thế này: Nguyện những gì con làm đều được thành tựu. Thưa Đức Vô Thượng Thế Tôn, ngày nay nguyện con đều được viên mãn, như con khéo học tập thi thơ, nên ngày nay con giỏi hơn tất cả.

Ví như người lưng gù thì được ngay thẳng, người lén lút chạy trôn thì được tự do, người không biết lôi đi thì gặp được hướng đạo, nơi tối tăm thì được sáng tỏ, người mù mắt thì được thấy các vật.

Thưa Đức Vô Thượng Thế Tôn, con nay cũng vậy, như nay Đức Thế Tôn vì con dùng tất cả phương tiện thuyết pháp. Lại nữa bạch Đức Thế Tôn, con từ nay trở đi quy y Thế Tôn, quy y Pháp Bảo và quy y Thánh Tăng. Từ nay trở đi, con luôn luôn giữ hạnh Ưu Bà Tắc. Xin Đức Thế Tôn chứng minh cho con điều này.

***

icon

Tổng hợp

Cùng chủ đề

Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Ba - Phẩm Ba Mươi Mốt - Phẩm Tuyên Hóa - Phần Ba

Kinh Đại thừa   •   25.12.2023
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Cưu Ma La Thập, Đời Diêu Tần