Phật Thuyết Kinh Phật Bản Hạnh Tập - Phẩm Hai Mươi Ba - Phẩm Xa Nặc Và Ngựa Trở Về Cung - Phần Hai

Kinh Đại thừa   •   Thứ hai, 25/12/2023, 22:18 PM

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Xà Na Quật Đa, Đời Tùy

PHẬT THUYẾT

KINH PHẬT BẢN HẠNH TẬP

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư

Xà Na Quật Đa, Đời Tùy  

PHẨM HAI MƯƠI BA

PHẨM XA NẶC VÀ

NGỰA TRỞ VỀ CUNG  

PHẦN HAI  

Xa Nặc dẫn ngựa Kiền Trắc từ biệt Thái Tử trở về, khi đến Thành Ca Tỳ La, mới bước vào thành trông giống như đi trong căn nhà hoang vắng, bao nhiêu hoa viên, suối ao, khe rãnh, sông ngòi, vườn cầm thú ở trong ngoài bốn mặt Thành Ca Tỳ La, vì Thái Tử xả tục xuất gia nên ở đây mất hết sức sống, sông hồ khô cạn, cảnh vật điêu tàn.

Tất cả dân chúng lớn nhỏ trong Thành Ca Tỳ La, từ xa trông thấy Xa Nặc dắt ngựa Kiền Trắc trở về Hoàng Cung mà không thấy Thái Tử đâu cả.

Do không thấy Thái Tử nên cùng nhau thứ lớp theo sau Xa Nặc và ngựa Kiền Trắc đồng hỏi Xa Nặc: Thái Tử Tất Đạt Đa nay ở đâu?

Lúc đó Xa Nặc nước mắt tuôn trào ướt cả mặt mày, nghẹn ngào không nói nên lời.

Đám người thấy vậy kêu la buồn khóc cùng theo bên Xa Nặc và ngựa Kiền Trắc tâm sinh nghi ngờ, vừa đi vừa hỏi: Vương tử ngày nay ở xứ nào?

Nếu còn ở trong nước thì chúng ta rất vui mừng.

Nay tại sao ông bỏ Thái Tử về đây một mình?

Xa Nặc vừa đi vừa trả lời: Tôi thật không dám bỏ Thánh Tử, mà Thánh Tử lại trốn bỏ cung điện của mình, cởi bỏ sắc phục Thánh Triều, ra lệnh đuổi tôi và ngựa Kiền Trắc phải trở về, còn một mình Ngài ở lại trong núi sông hạnh xuất gia.

Tất cả mọi người nghe nói như vậy, cho là việc hết sức đặc biệt ít có ở đời, họ cùng nhau ca ngợi việc làm chưa từng có.

Mọi người đối diện nhau cùng nói: Thái Tử Tất Đạt Đa làm những việc khó làm. Tất cả mọi người trong thành tuy miệng ca ngợi như vậy mà hai dòng nước mắt vẫn tuôn trào.

Lại mỗi người tự trách thân mình: Ôi! Ngày nay ta sao không thể cùng nhau theo Thái Tử xuất gia, ta đến xem đấng thầy Cõi Trời người sinh hoạt đi đứng cách nào, ta nay thà đến đó, sống theo việc làm của Ngài, chớ nên ở nơi đây một ngày xa cách Thái Tử mà sống.

Vì sao?

Vì ngày nay thành này không có Thái Tử nên không có oai thần và thế lực. Thành này do không có Thái Tử, cho nên vắng lặng trống không so với cánh đồng hoang vu không khác. Chỗ ở rừng rú kia do có sức oai thần và thế lực của Ngài, tuy là cảnh đầm ao núi rừng mà lại như xóm làng không khác.

Có kệ nói:

Dân chúng trong thành nghe nói thế

Ca ngợi việc rất ít có thay

Thành này đã trở nên đồng vắng

Nơi có Thái Tử như Quốc Thành.

Bấy giờ ngựa chúa Kiền Trắc hí vang, tất cả dân chúng ở tại nhà của mình nghe tiếng ngựa Kiền Trắc hí, tất cả dân chúng và bao nhiêu thể nữ ở trong hai cung đều suy nghĩ thế này: Hẳn Thái Tử trở về nội thành, nên dân chúng và thể nữ, hoặc có người mở cửa sổ, hoặc có người vén rèm cửa lớn, tâm rất hồi hộp vui mừng, đưa mắt nhìn xa mong thấy được Thái Tử.

Dân chúng và thể nữ chỉ thấy ngựa chúa Kiền Trắc và Xa Nặc biệt ly Thái Tử trở về một mình, thấy vậy mọi người đóng cửa vào trong phòng kêu khóc thảm thiết.

Thuở ấy Đại Vương Tịnh Phạn vì thương nhớ Thái Tử khổ não bức xúc thân tâm, suy nghĩ tìm cách nào để gặp được Thái Tử, nên vào trai đường giữ giới thân tâm thanh tịnh tu hành khổ hạnh, ưu sầu khổ não, ngày đêm trong tâm cầu khẩn Chư Thiên, Chư Thần, tìm đủ phương tiện nhân duyên cầu mong gặp được Thái Tử để khuây khỏa nỗi lòng.

Khi đó Xa Nặc khổ não ưu sầu buồn khóc lệ nhỏ như mưa, tay dắt ngựa Kiền Trắc, tay bưng mũ ngọc vô giá cùng các chuỗi anh lạc trang sức trên mình Thái Tử bước vào trong cung Tịnh Phạn, giống như kẻ cận vệ Thái Tử ở ngoài chiến trường về báo tin Thái Tử bị sát hại. Xa Nặc đem chuỗi anh lạc trở về Vương Cung giống như vậy.

Người nô bộc Xa Nặc ly biệt Thái Tử, đem ngựa cùng y phục ngọc ngà quý giá về, nước mắt như mưa bước vào cung điện Đại Vương cũng lại như vậy.

Khi Xa Nặc bước vào trong cung, con ngựa Kiền Trắc ở ngoài cửa cung bốn chân giậm trên đất miệng hí vang. Những người hầu hạ nơi nằm ngồi của Thái Tử tưởng Thái Tử trở về, nên muốn vào trong cung để chiêm ngưỡng Thái Tử nhưng không thấy Thái Tử đâu cả, buồn khóc nước mắt như suối, có kẻ ở chỗ đông người mà nói những điều khổ não.

Những loài chim ở trong cung của Vua Tịnh Phạn như Khổng Tước, Anh Vũ, Sáo, Mạng Mạng, Câu Sí La những chim này nghe tiếng hí của ngựa Kiền Trắc, cũng cho rằng Thái Tử trở về Hoàng Cung, chúng rất vui mừng cất tiếng hót hòa dịu Thánh thót.

Tất cả bầy ngựa của Đại Vương ở trong chuồng, khi nghe tiếng hí của con Kiền Trắc vang lên như vậy, cũng cho rằng Thái Tử trở về Hoàng Cung, tất cả đều vui mừng hí vang.

Thể nữ trong cung Đại Vương nhiều đến trăm ngàn, như Ma Ha Ba Xà Ba Đề Lại số thể nữ trong Cung Thái Tử lên đến sáu vạn người, như Đại Phi Da Du Đà La họ đều nhớ nghĩ Thái Tử hết sức ưu sầu, nước mắt ướt cả mặt mày.

Không còn nghĩ đến dung nhan, thân thể không tắm rửa dơ bẩn, không trang điểm y phục, cởi bỏ tất cả chuỗi anh lạc đẹp đẽ, buồn rầu áo não tâm trí chẳng an, hoặc có kẻ khóc người than, hoặc có người đang ngồi tưởng nhớ, bỗng nghe tiếng hí của con ngựa Kiền Trắc, cùng nhau nghĩ rằng: Tiếng hí của ngựa Kiền Trắc to như vậy, quyết định Thái Tử trở về, không còn nghi ngờ gì nữa. Mọi người nghe tiếng ngựa Kiền Trắc, tâm rất hớn hở, do vì khát ngưỡng muốn trông thấy Thái Tử nên Ma Ha Ba Xà Ba Đề, Da Du Đà La số thể nữ nhiều đến trăm ngàn.

Đều từ nơi phòng mình hoặc ở trên lầu, hoặc trong cung điện, hoặc trong phòng, bỗng vội vã cùng nhau đứng dậy chạy đến nơi Xa Nặc và ngựa Kiền Trắc, nhưng thể nữ chỉ từ xa trông thấy Xa Nặc và ngựa Kiền Trắc ly biệt Thái Tử trở về Hoàng Cung một mình.

Thấy vậy, họ hai tay bứt lấy đầu cổ, miệng kêu khóc nước mắt đầy mặt, miệng ca ngợi những đức tính của Thái Tử.

Có kệ nói:

Các hàng thể nữ tâm đau khổ

Khát ngưỡng trông mong Thái Tử về

Bỗng chỉ thấy Xa Nặc, Kiền Trắc

Lệ nhỏ tràn đầy cất tiếng khóc

Không dùng anh lạc, y phục đẹp

Đầu tóc rối bù thân gầy ốm

Hai tay ôm đầu hết hy vọng

Kêu khóc không ngủ suốt canh thâu.

Bấy giờ Ma Ha Ba Xà Ba Đề và Cù Đà Di đồng thấy viên minh châu trong búi tóc Thái Tử, tán lọng, thanh đao, ngọc Ma Ni trang điểm, phất trần, các chuỗi anh lạc của Thái Tử do Xa Nặc mang về và ngựa Kiền Trắc cùng đoàn người đi theo sau.

Thấy vậy rồi hai tay họ tự đánh đập trên thân thể, tâm ưu sầu lo sợ, lại hỏi Xa Nặc: Đứa con yêu quý của ta nay ở nơi nào mà ông lại trở về một mình?

Xa Nặc đáp: Tâu Quốc đại Hoàng Hậu, Thái Tử Tất Đạt Đa vì cầu đạo bồ đề nên Ngài đã xả bỏ ngũ dục, vào trong núi cạo bỏ râu tóc, mặc áo Ca Sa tư duy khổ hạnh.

Ma Ha Ba Xà Ba Đề nghe Xa Nặc nói như vậy, ví như trâu mẹ mất con, buồn khóc rơi lệ không thể kiềm chế được, tự đưa hai tay đánh đập trên người, tâm hết sức kinh sợ, miệng la lên: Ôi thôi con ta ơi! Ôi thôi con ta ơi! Nước mắt ràn rụa mặt mày, cả người run rẩy, bỗng nhiên bà ngã nhào lăn lộn trên đất chết giấc, giống như cá lìa khỏi nước dãy giụa đau khổ trên đất.

Bà lại hỏi Xa Nặc: Ta nay tự xét, thân khẩu ý của ta không có điều gì sai lầm đối với ông, nhưng tại sao ông đem con ta bỏ nơi hoang vu giống như vất bỏ một khúc cây?

Tại sao ông đem con ta bỏ trong rừng sống một mình đầy sự khủng bố của các loài độc xà ác thú. Ông bỏ về đây chẳng thương con ta.

Xa Nặc đáp: Tâu Quốc Đại Phu Nhân, thân nô bộc này đâu dám xa lìa Thánh Tử. Tâu Phu Nhân, ý Thánh Tử xua đuổi con. Thái Tử trao cho con con ngựa Kiền Trắc cùng chuỗi anh lạc rồi bảo con mau mau trở về Hoàng Cung, để Đại Phu Nhân được an tâm khỏi sinh ưu sầu khổ não.

Lúc đó, các thể nữ trong cung đều khóc than: Ôi thôi cha mẹ ơi! 

Hoặc than: Ơi thôi anh em ơi!

Hoặc than: Ôi thôi Đại Vương ơi!

Hoặc than: Phu Quân ta ôi!

Những lời chua xót ái luyến này bắt nguồn từ dục nhiễm bức xúc thân tâm.

Hoặc có thể nữ liếc mắt khóc.

Hoặc có thể nữ nhìn nhau khóc.

Hoặc có thể nữ xoay lưng khóc.

Hoặc có thể nữ cất đầu khóc.

Hoặc có thể nữ đối diện nhau khóc.

Hoặc có thể nữ hai tay đập vào bụng mà khóc.

Hoặc có thể nữ đấm ngực mà khóc.

Hoặc có thể nữ khoanh tay mà khóc.

Hoặc có thể nữ đưa hai tay đập vào đầu mà khóc.

Hoặc có thể nữ lấy bụi đất bôi lên đầu mà khóc.

Hoặc có thể nữ xõa tóc che mặt mà khóc.

Hoặc có thể nữ bứt tóc cúi đầu mà khóc.

Hoặc có thể nữ giơ hai tay lên Trời mà khóc.

Hoặc có thể nữ buồn rầu chạy loạn khắp đó đây, giống như nai rừng bị nhằm tên độc.

Hoặc có thể nữ lấy áo phủ cả mặt mà kêu khóc.

Hoặc có thể nữ cả người run rẩy, giống như gió thổi lay động tàu lá chuối, cúi đầu xuống hay ngẩng đầu lên mà khóc.

Hoặc có thể nữ ngã nhào trên đất chết giấc không hay biết, vừa mới tỉnh liền cất tiếng khóc.

Hoặc có thể nữ như cá lìa khỏi nước nằm trên đất đập dãy, hơi thở khò khè, mạng sống mong manh thiêm thiếp mà khóc.

Hoặc có thể nữ như cây trốc gốc ngã nhào, lăn trên đất mà khóc.

Biết bao nhiêu khổ não bức xúc thân tâm thể nữ nên họ kêu khóc như vậy.

Lúc ấy Xa Nặc và ngựa Kiền Trắc cùng với vô lượng trăm ngàn thể nữ òa khóc không còn được nghe gì khác.

Ma Ha Ba Xà Ba Đề nước mắt tuôn tràn, chết giấc hồi lâu mới tỉnh, vừa tỉnh lại khóc cất tiếng kêu Thái Tử: Ôi thôi con ta ơi! Ôi thôi con ta ơi! Thân con xưa nay vốn được các loại hương thơm xoa đánh vào mình và cùng các thứ tô điểm đẹp đẽ, có oai đức to lớn như vậy.

Làm sao hôm nay con có thể ở chỗ hoang vu trong hang núi chịu đựng sự khổ sở, bị các loài côn trùng độc hại như: Ruồi, lằn, muỗi, kiến cắn chích thân con?

Ôi thôi con ta ơi! Khi ở Hoàng Cung thân con luôn mặc áo Ca Thi Ca được xông các hương thơm, làm sao ngày nay con có thể chịu đựng được chiếc áo thô kệch xù xì hôi hám?

Ôi thôi con ta ơi! Khi con còn ở trong Hoàng Cung thường dùng các thức ăn cao lương mỹ vị, được chế tạo từ các thực phẩm trăm vị vi diệu thanh tịnh, miệng chưa từng biết nếm món ăn đạm bạc, ngày nay con làm sao ăn được các thứ cơm canh bánh bột khô khan nguội lạnh?

Ôi thôi con ta ơi! Khi con còn ở trong Hoàng Cung nằm trên giường êm nệm ấm, hoặc lại phủ lên trên bằng chiếc thiên y với hai chiếc gối tựa lót hai bên nằm ngồi tùy ý, ngày nay làm sao con có thể nằm ngồi trên đất trống hay trong rừng gai nhọn như kim?

Ôi thôi con ta ơi! Khi còn ở trong Hoàng Cung còn có tôi trai tớ gái, hoặc có người hầu hạ hai bên, họ luôn đem tâm cung phụng kính mến, hoặc có kẻ tựa thân, hoặc có kẻ quỳ gối, hoặc có người đứng yên luôn luôn hướng về Thái Tử, họ đều cung phụng không thiếu sót, ngày nay làm sao có thể sống bên người đầy sân hận.

Hoặc bên kẻ bần cùng hoặc bên người tánh nóng như lửa đốt, họ đối với con không từ tâm, làm sao con có thể chấp nhận sống với những người có tánh khí như vậy?

Ôi thôi con ta ơi! Khi con còn ở Hoàng Cung có lớp lớp thể nữ hình dung đoan chánh, diện mạo xinh đẹp như hoa vây quanh hầu hạ để tùy ý con thọ hưởng khoái lạc, ngày nay con làm sao sống một mình nơi cảnh núi non trùng điệp, giống như dã thú bị khủng bố mà tâm con vui thú cái gì?

Ôi thôi con ta ơi! Ngón chân con thẳng dài mềm mại có màn lưới, ống chân con như giò nai chúa, lòng bàn chân mềm dịu như lá sen non, với hình hai bánh xe ngàn căm in đậm nét rõ ràng tuyệt đẹp, ngày nay với bàn chân như vậy, làm sao con có thể chân không đi trên đất gai góc sạn sỏi?

Hay mùa đông băng giá, mùa hè nóng bức, làm sao con có thể đi lại trên bàn chân như thế?

Ma Ha Ba Xà Ba Đề vì Thái Tử khóc kể vô số chuyện như vậy rồi, tâm vừa tỉnh lại bình thường, từ đất đứng dậy hỏi Xa Nặc: Này Xa Nặc, việc ấy đã như vậy, Thái Tử Tất Đạt Đa con ta trên đường đi có dặn ông điều gì không?

Này Xa Nặc, tóc con ta ở đâu?

Xa Nặc đáp: Tâu Quốc Đại Phu Nhân, Thánh Tử Tất Đạt Đa có dặn con thế này: Này Xa Nặc, khi ông về đến Triều Đình sẽ thay ta ân cần lễ bái thăm hỏi Di Mẫu Ma Ha Ba Xà Ba Đề, sau khi lễ bái xong, ông phải thưa thế này: Kính thưa Đại Mẫu, xin Di Mẫu chớ quá ưu sầu, chớ sinh tâm khổ não, chẳng nên nhớ nghĩ đến con, chẳng bao lâu con sẽ chứng được sở nguyện, rồi sẽ trở về phụng kiến Di Mẫu.

Thưa Đại Phu Nhân, tự tay Thánh Tử rút lấy thanh đao, tay tả cầm búi tóc, tay phải cầm thanh đao cắt lấy, rồi ném lên Hư Không. Lúc đó Chư Thiên hứng lấy đem về cung Trời cúng dường.

Ma Ha Ba Xà Ba Đề nghe Xa Nặc tâu như vậy, lại than khóc về búi tóc Thái Tử: Ôi thôi con ta ơi! Tóc con rất dài, búi tóc mềm mại hết sức đẹp đẽ, mỗi lỗ chân lông mọc lên một sợi tóc xoay về một chiều, không rối không rụng, rất thích hợp đội lấy thiên quan thọ ngôi Thánh Vương, ngày nay tại sao con nhẫn tâm quăng bỏ nó đi?

Ôi thôi con ta ơi! Hai tay con rất dài, lúc đi chậm rãi oai hùng như sư tử chúa, hai mắt tròn xoe như mắt trâu chúa, vai ngực nở rộng, tiếng nói vang rền như tiếng trống tiếng sấm, con người như vậy làm sao xuất gia nơi núi rừng hoang vu?

Nếu ngày nay Thái Tử thực hiện hạnh xuất gia thì quốc gia này vô phước, như cõi đất sụp đổ không thể hiện trở lại.

Ta mong rằng người có mọi đức tính, đầy đủ công đức, ra đời làm Vua và cai trị muôn dân để đem lại an lạc cho dân chúng.

Liền nói kệ:

Nếu vậy cõi đất này hết phước

Lẽ ra chẳng hiện bậc tuệ thông

Đã hiện thân công đức như thế

Nên vì nhân loại làm Thánh Vương.

Bấy giờ Da Du Đà La lớn tiếng kêu khóc, hết sức giận dữ dùng đủ lời quở trách Xa Nặc: Này Xa Nặc, người phụ nữ chúng ta đang tuổi niên thiếu, nửa đêm ngủ say không hay biết, ông nay đem Thánh Phu là người mà ta yêu quý đến bỏ ở xứ nào?

Cách đây xa gần?

Đấng đại trượng phu Hiền Thánh của ta cùng ông và ngựa cả ba đồng ra đi một lượt, mà hiện giờ chỉ có ông trở về, không thấy Thánh Phu yêu quý của ta đâu cả. Do vậy ngày nay thân tâm ta lo sợ run rẩy, ông chẳng phải là người hiền lương, chẳng đem lại lợi ích cho ta.

Này Xa Nặc, ta nay nói thật cùng ông, giả sử có kẻ oan gia hết sức hung dữ làm điều tàn khốc cũng không bằng tổn hại do ông gây ra, nhưng đối với ta ngày nay, việc này hết sức độc ác.

Này Xa Nặc, nếu ông là người mà ta nhờ vả, lẽ ra ông phải giúp đỡ ta, che chở ta.

Tại sao ngày hôm nay ông thấy ta nửa đêm ngủ say, một mình ông lén dẫn Thánh Tử ta đến bỏ xứ nào?

Này Xa Nặc, ông nay đối với ta làm việc của kẻ đại oán thù, việc này ông đã hoàn tất, ngày nay ông cần gì phải buồn rầu than khóc, ông nên lau nước mắt, cần gì phải gượng ép thương nhớ lệ tuôn vô ích.

Này Xa Nặc, ông tạo nghiệp bất thiện, ông nay đã làm xong cần gì phải buồn.

Này Xa Nặc, vì ông là thiện hữu của Thánh Phu ta, nên giờ cấm đoán ra vào nội cung, đối với ông không có ngăn cản, nên ngày nay ngược lại khiến Thánh Phu ta, tùy theo ý ông mà đi.

Này Xa Nặc, nuôi ông trong nhà làm gì?

Nay ông làm xong việc bất thiện như vậy, lẽ ra ông phải vui mừng, ta biết ông ngày nay sẽ được quả lớn, được phước lợi to.

Này Xa Nặc, phàm người thế gian thà cùng người trí làm kẻ oan gia, chẳng nên cùng người ngu kết bằng hữu, ông tuy là bằng hữu của chồng ta mà ông làm việc như vậy, như vậy là không chịu suy nghĩ là tại làm sao?

Này Xa Nặc, ông nay đối với hoàng tộc ta đã làm những điều không lợi ích, lẽ ra ông nên sinh tâm rất vui sướng.

Này Xa Nặc, cung điện này rất cao đẹp nguy nga, giống như những áng mây, lại dùng những chuỗi anh lạc trang hoàng, của cải sung mãn, nay những thứ đó đã vì ông mà trở thành vô nghĩa.

Da Du Đà La liền đối với Xa Nặc mà nói kệ:

Thà gần kẻ oán có trí tuệ

Chớ nhận kẻ ngu làm bằng hữu

Do ông làm việc thiếu suy nghĩ

Hoàng tộc cùng ta khổ não nhiều.

Da Du Đà La nói kệ rồi, lại bảo Xa Nặc: Này Xa Nặc, nay đối với chồng ta, nếu đã như vậy, tâm ta sao khỏi ưu sầu. Ngày nay hàng thể nữ làn da trắng như tuyết, đôi môi đỏ tợ son, dung nhan tuyệt đẹp khả ái ít ai sánh bằng, họ cởi bỏ xiêm y lộng lẫy, thân không trang sức chuỗi anh lạc, lẽ ra họ cùng nhau thọ hưởng dục lạc, nào ngờ bỗng sớm trở thành góa phụ. Vì họ mất ngủ, đêm ngày lệ nhỏ thành dòng không ngớt, kêu khóc than thở không thôi.

Này Xa Nặc, con ngựa Kiền Trắc này oán ghét ta, trong đêm hôm đó tạo điều không lợi ích, thấy ta đêm đó ngủ say, nó chở người chồng yêu quý của ta vượt thành ra đi, ngựa này tạo nghiệp vô cùng bất thiện, cớ gì ngày nay trước mặt ta hí vang tỏ vẻ đau khổ?

Tiếng hí của nó vang dội khắp thành của Đại Vương, mà trước kia nó chở Thánh Phu ta ra đi, con ngựa bất thiện này vì cớ gì nó im hơi ẩn nhẫn mà đi?

Nếu khi ban đầu ra đi nó hí vang như ngày hôm nay, thì khi ấy mọi người đang ngủ nghe tiếng nó thức dậy, thì ngày hôm nay ta cũng không gặp cảnh đại khổ não này.

Con ngựa bất thiện này, giả sử tên bắn thủng xuyên qua thân nó, hoặc dùng gậy đập chết nó, lẽ ra nó không nên đưa Thái Tử ra khỏi thành hướng đến nơi sơn lâm mới phải.

Đằng này con ngựa không vì hoàng gia ta làm điều lợi ích, chính vì nó sợ roi vọt nên đã chở Thánh chúa là người chồng trong lòng ta thường quý mến ra khỏi thành thẳng đến sơn lâm.

Ngày nay cung điện này của ta do vì không chủ, điện đường, phòng thất, thành lũy xóm làng, đường sá thôn ấp, cửa sổ lầu gác, cửa nẻo lan can, tiếng ngọc khua len ken, cung điện bán nguyệt đẹp đẽ tuyệt vời hết sức hoa lệ.

Nay những thứ này hoàn toàn vô nghĩa cũng vì con ngựa Kiền Trắc độc ác này. Khuê phòng trong Hoàng Cung ta giống như đồng vắng, mở mắt lệ rơi không còn gì để ham muốn. Da Du Đà La buồn khóc nghẹn ngào khổ sở nói những lời thống thiết như vậy, rồi ngất xỉu bất tỉnh rất lâu.

Xa Nặc nghe những lời quở trách của Da Du Đà La như vậy, chắp tay cúi đầu khép nép lệ nhỏ khóc ròng, tâu Đại Phi Da Du Đà La của Thánh Tử: Ngày nay Đại Phi chẳng nên quở trách tôi, tôi không sai lầm, tôi và ngựa Kiền Trắc ngày nay thật không có tội lỗi.

Thánh Phu của Đại Phi đêm hôm đó khi bắt đầu ra đi, tôi can gián tạo đủ điều chướng ngại, lúc đó tôi to tiếng kêu các phi, dùng nhiều lời nói như thế này: Các phi mau thức dậy! Các phi mau thức dậy! Đêm nay ái phu của các phi sắp dẫn tôi và ngựa Kiền Trắc ra đi. 

Hôm đó tay tôi nắm đầu tóc mỗi cung phi đánh thức, cho hay việc như vậy, tôi nắm đầu tóc Đại Phi, rồi nắm đầu tóc các cung phi khác mỗi cung phi tôi đều gọi tên và nói việc Thái Tử ra đi, nhưng bấy giờ các thể nữ ấy không thức dậy.

Ngoài ra đối với bao nhiêu thể nữ khác nữa cũng đều như vậy. Khi Thánh Tử ra đi, con ngựa Kiền Trắc cũng tạo đủ điều ngăn cản, miệng nó hí to hơn ngàn tiếng, chân nó giậm xuống đất không chịu bước tới, lại nhe răng hàm dưới mũi thở phì, khi tiếng ngựa hí vang xa nửa do tuần, tiếng giậm chân của nó vang động đến hơn một Câu Lô Xa.

Tôi lúc đó la lên: Ôi ái phu của các phi đêm nay ra đi. Đại Phi cùng bao nhiêu thể nữ khác tự không hay biết những tiếng kêu to như vậy. Đó là do thần lực của Chư Thiên làm tan biến tiếng động khiến mọi người không nghe. Đại Phi phải biết, tôi và ngựa Kiền Trắc thật không dám đưa Thái Tử ra đi.

Như vậy Đại Phi tự xét biết Thánh Tử của Đại Phi có nghe lời tôi hay không?

Nếu Thái Tử nghe lời cản ngăn của tôi, thì hoàn toàn không có việc này xảy ra.

Xa Nặc hướng về phía Da Du nói kệ:

Tôi không chịu nổi, nước mắt rơi

Chắp tay cúi đầu xin tự bạch

Đại Phi chẳng nên quở Kiền Trắc

Kể cả cùng tôi chớ giận hờn.

Tâu Đại Phi, tôi cũng biết trước đó Đại Vương Tịnh Phạn ban sắc lệnh rất nghiêm khắc, tất cả những người hầu hạ Thái Tử phải cẩn thận giữ gìn Thái Tử.

Tuy tôi có giáo lệnh như vậy, nhưng tôi không được tự do, vì bị thần lực Chư Thiên làm mê hoặc tâm ý tôi, chẳng phải tôi muốn làm việc như vậy.

Việc ra đi của Thái Tử cũng được thần lực của Chư Thiên kêu gọi nên mau xuất gia.

Lại nữa, lúc đó tùy tâm Thánh Tử muốn mở cửa thành thì cửa tự mở.

Từ trước các cửa thành đều có trên ngàn người giữ gìn tâm không lơ đễnh.

Nhưng hôm đó Thánh Tử bước qua các cửa cung họ đều ngủ say không biết, giống như mặt trời mới mọc, ánh sáng chiếu phá tất cả các bóng tối, lúc bấy giờ tôi biết đây là việc làm của Chư Thiên.

Bạch Đại Phi, Thánh Tử ra khỏi thành, trên đường đi tôi chạy bộ trước phía, lúc ấy thân tôi không biết mỏi mệt.

Bạch Đại Phi, con ngựa Kiền Trắc này trên đường đi bốn chân nó không giậm xuống đất, giống như có người khiêng nó mà đi, tiếng hí của nó nghe cũng không xa.

Thưa Đại Phi, trong tâm tôi lúc đó tự nghĩ cũng biết đó là việc làm của Chư Thiên. Thưa Đại Phi, bấy giờ tôi thấy Thái Tử muốn làm Sa Môn đúng như pháp, nên cắt bỏ bủi tóc ném lên hư không, Chư Thiên chụp lấy không cho rơi xuống đất, rồi Ngài cởi bỏ y phục Vương Triều trao cho người thợ săn đổi lấy chiếc Ca Sa hoại sắc, lúc ấy tâm tôi nghĩ đây cũng là việc làm của Chư Thiên.

Bạch Đại Phi, vì những việc như vậy, xin Đại Phi ngày nay đối với tôi đừng có tâm giận hờn.

Vì sao?

Vì việc ra đi của Thái Tử không phải do tôi cũng không quan hệ gì đến con ngựa Kiền Trắc.

Bấy giờ Đại Phi Da Du Đà La nằm trên đất suy nghĩ giây lát rồi cất tiếng buồn khóc kêu la nói lên thế này: Ôi thôi, phu chủ ta ơi! Ngày nay thiếp sống phải đạo hiếu thuận với chồng, không biết cớ gì Thái Tử lại bỏ thiếp ra đi?

Thái Tử đến nơi núi rừng cầu pháp tu khổ hạnh, như vậy Thái Tử sống không phải đạo, do vì không tùy thuận pháp hạnh.

Ôi thôi, phu chủ ta ơi! Ngài lẽ nào không nghe các Vua đời trước khi muốn vào sơn lâm cầu pháp tu khổ hạnh, họ đều đem cả vợ con cùng đi, các vị Vua đó không tổn hại Thánh Đạo, cũng được thành tựu.

Ôi thôi, phu chủ ta ơi! Lẽ nào Ngài không nghe có pháp thế này: Xưa có người đi tu vẫn cùng với vợ con cạo tóc xuất gia hành đạo, tinh cần khổ hạnh, đem theo cả ngựa tốt tế tự Chư Thiên hoặc lập hội vô giá, cả hai vợ chồng đều hưởng quả báo hết sức tốt đẹp, như Ngài đã biết điều này có nói trong luận Vi Đà.

Nhưng cớ gì ngày nay Thái Tử riêng đối với thiếp sinh tâm bỏn sẻn không cho thiếp đồng tu khổ hạnh?

Ôi Thái Tử! Việc làm của Thái Tử vô ích, uổng phí đời người.

Nếu ở thế gian Thái Tử đã cùng với vợ sinh tâm ân ái, tại sao ngày nay lại ruồng bỏ vợ hiền hay là muốn lên Cõi Trời Đao Lợi tham đắm ngọc nữ?

Ngày nay theo ý thiếp thấy việc như thế này: Ngọc nữ Chư Thiên kia có gì đáng tham?

Hình dung của họ có gì xinh đẹp?

Tình ái ngũ dục có gì đáng hoan lạc?

Nếu như Thái Tử nói rằng không tham đắm khoái lạc Chư Thiên thì tại sao lại bỏ công đức oai thần của một Vương vị, xa lánh thiếp và hàng thể nữ nơi cung điện này. Thái Tử đã xả bỏ tất cả xuất gia vào nơi sơn lâm vắng để tu khổ hạnh.

Còn thiếp ngày nay không cầu quả báo Chư Thiên, cũng không muốn làm thân ngọc nữ, tâm thiếp biết thế này là đủ, thiếp có oai lực thế này, ở tại nhân gian không cầu sinh lên Cõi Trời, chỉ ở nơi đây tu hành khổ hạnh với sở nguyện: Nếu ở nhân gian hay sinh lên Trời chỉ nguyện sống đúng như pháp hầu hạ kề bên Thái Tử.

Nếu tâm Thái Tử quyết định dứt khoát xa lìa hàng thể nữ chúng tôi mà vào trong rừng núi hoang vu, thì tâm nguyện luôn luôn được hầu hạ bên Thái Tử của thiếp kiên cố không thay đổi, bền chắc như đá không khác.

Như thiếp ngày nay thật sự trở thành góa phụ, vì thấy phu chủ của mình bỏ triều đình xuất gia vào trong sơn lâm khiến cho thiếp nơi phòng trống cô đơn, làm sao lòng thiếp không tan nát cho được.

***

icon

Tổng hợp

Cùng chủ đề

Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Ba - Phẩm Ba Mươi Mốt - Phẩm Tuyên Hóa - Phần Ba

Kinh Đại thừa   •   25.12.2023
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Cưu Ma La Thập, Đời Diêu Tần