Phật Thuyết Kinh Phật Bổn Hạnh - Phẩm Chín - Phẩm Biểu Hiện Lo Sợ
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Thích Bảo Vân, Đời Tống
PHẬT THUYẾT
KINH PHẬT BỔN HẠNH
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư
Thích Bảo Vân, Đời Tống
PHẨM CHÍN
PHẨM BIỂU HIỆN LO SỢ
Vua thương Thái Tử buồn
Khuyên nên đi du ngoạn
Mới ra khỏi cửa thành
Mặt trời mọc mây tan
Ngài ngự xe bảy báu
Các đức tướng trang nghiêm.
Tướng theo hầu sang trọng
Như trăng và các sao
Công đức thật đầy đủ
Hình dung rất nhiệm mầu.
Vua truyền khắp trong nước
Dẹp đi già, bệnh, chết
Kẻ nghèo cùng khốn khó
Chớ để bày bên đường,
Nơi nơi phải trang hoàng
Nhiều lọng báu, cờ phướn
Lầu gác, các phụ nữ
Giống như thành Thiên Cung
Trang hoàng thật lộng lẫy
Không ai không vui mừng.
Nhân dân đều ca vịnh
Cả nước tiếng vọng vang
Như nước thu về biển
Người chen lấn để xem
Điểm trang và ăn mặc
Chưa xong đã vội đi
Hoặc chưa kịp sửa soạn
Nghe tiếng đã chạy đi.
Các lầu gác, lan can
Đầy nghẹt người và người
Hoặc đầu thân lơ lửng
Giống như các hoa rũ
Hoặc khom mình lễ bái
Người người khen ngợi rằng:
Sẽ làm thầy dẫn đường.
Tung các hoa hương, chuỗi
Thấy vậy đều kinh ngạc
Họ truyền bảo nhau là:
Đây là thần gì vậy?
Hoặc nói: Từ Trời xuống
Hoặc rằng: Chính Đế Thích!
Hoặc: Ma Vương, Phạm Vương!
Hoài nghi, mừng hớn hở
Ca ngợi đủ mọi cách.
Các Trời thấy Thái Tử
Cùng tùy tùng ra đi
Giống như Trời Đế Thích
Khi đi ra dạo chơi.
Khi đó Trời Tịnh Cư
Muốn giáng xuống điềm lành
Như Phật xưa hiện điềm
Khuyên xuất gia học đạo
Trời liền hóa người bệnh
Nằm thở bên lề đường
Mắt vàng, sắc nhợt nhạt
Khí thể, miệng khô khan
Thân sưng, bụng phình trướng
Rịn ra chất bất tịnh
Trây trét khắp thân thể.
Bồ Tát mắt nhìn qua
Hỏi rằng: Vật gì thế?
Gớm ghiếc khó thể nhìn!
Người hầu liền đáp lại:
Uống ăn không giờ giấc
Bốn đại không hòa thuận
Đó gọi là người bệnh!
Bồ Tát lại hỏi rằng:
Xét ra chẳng chừa phần!
Kẻ hầu liền đáp lại:
Đúng vậy không chừa ai!
Ở đời không ai khỏi
Nguy ách về bệnh tật
Bốn trăm lẻ bốn bệnh
Là đại hoạn thế gian
Ngài cũng không tránh khỏi
Chỗ đại biến khổ nàn.
Thái Tử dừng xa giá
Lo rầu thảm thương than
Nghe bệnh lòng đau đớn
Như voi bị trúng tên
Gặp bệnh lòng xúc động
Lệnh người hầu quay xe.
Lòng dạ đầy hoảng sợ
Như trâu sợ sấm to
Nghe tiếng sấm sợ hãi
Hoảng hốt thân chẳng yên.
Sau đó lại đi dạo
Trời hóa làm người già
Đầu như tơ trắng toát
Da thịt khô nhăn nheo
Run như cành trong nước
Thân còng như cung trương.
Thái Tử thấy liền hỏi:
Đó gọi là người gì?
Sinh ra là như vậy
Hay có biến đổi chăng?
Người hầu nhân đó đáp:
Từ đầu thân thọ thai
Khởi lên như chùm bọt
Duyên khởi năm thể hiện
Phân hiện thành sáu căn
Sau đó mới sinh ra,
Nhỏ uống sữa mẹ sống
Lớn dần ăn ngũ cốc
Lần theo đất mà đi
Ban đầu nói như chim
Thế rồi đứng, đi, chạy
Thể mạo hình dung thành
Các căn dần thành thục
Cho nên gọi là già.
Đó là sứ Trời gọi
Bày thức tỉnh chúng sinh
Thân suy hết mừng, thảm!
Như hoa bị sương độc
Mặt như trăng bị khuyết
Tâm như Trời bị che
Sức tráng niên khô kiệt
Như nước rỉ cát khô
Trộm chí, tư, tài, người.
Vô hình đến như giặc
Tâm não mất nghe biết
Giống lửa đồng đốt đầm
Đè nén như ép dầu
Uống tinh khí của thân
Hủy hoại thân đổi khác
Đó được gọi là già.
Thái Tử nhìn hồi lâu
Bèn buồn bã than dài:
Ngọn núi lớn già, bệnh
Nghiền mạnh nát chúng sinh
Khắp đời gặp khổ nạn
Ý thỏa thích sao đành
Phải tìm cách thoát khỏi
Như tránh bọn cướp hại.
Sau đó, lại du ngoạn
Trời hóa thành người chết
Họ hàng theo xe tang
Xõa tóc kêu khóc vang
Hỏi rằng: Đây là gì?
Trình ta cho thật lòng.
Bấy giờ những người hầu
Tâu Ngài đầy đủ rằng:
Ngày qua đến già suy
Đau đớn tinh cạn vơi
Chiếc cửa bén tám tiết
Cắt cứa cây sống đời.
Chiếc búa sắc ngày tháng
Ngày đêm thường đốn chặt
Gặp gỡ gió vô thường
Lướt theo lật ngã nghiêng
Chia lìa với mẹ cha
Riêng mình đi đường mê,
Vợ con và anh em
Không người thân nương cậy
Không còn phương cách cứu
Vây quanh mà than khóc
Mến mộ buồn tiếc thương
Khen đức lúc còn sống.
Ta cũng sẽ như thế!
Đều chết, Ngài đừng nghi
Ta cũng lìa người thân
Ngài chắc sẽ chia lìa!
Cuộc đời bị chết buộc
Làm sao yên nói cười?
Vì không biết hổ thẹn
Nên sống chết bao lần.
Con đường dài đêm ngày
Ngày tháng trôi không dừng
Già, bệnh, chết rất độc
Hàm răng, sắc lo buồn
Bị lưỡi bốn mùa liếm
Đi đêm chốn hiểm nguy
Tất cả không ai khỏi.
Chết như rồng nuốt chửng
Làm tan nát khắp nơi
Hủy diệt đến tận cùng
Đều được như mong muốn
Nuốt hết, thiêu cháy cùng
Đuổi hết, bẻ gãy hết
Không có gì ngăn chận
Ngài nên hiểu là chết!
Nghe rồi sợ hãi nói:
Ở đời vui cười được
Vàng đá cười đó chăng?
Thái Tử lo âu bước
Nhớ chết như nước sôi
Giống như sư tử mạnh
Ở rừng giặp lửa đồng
Nghĩ muốn được lìa khỏi
Lửa già, bệnh, chết hừng
Thuận đạo niệm không quên
Tìm cách để thoát khỏi.
Trời hóa làm Phạm Chí
Hình tiều tụy hiện ra
Mày râu dài, tóc rối
Mặc áo da nai thô
Tay cầm bình nước rửa
Lại cầm gậy dò đường.
Bồ Tát nhân đó hỏi:
Ngài tu pháp thuật gì?
Liền đáp lời Thái Tử
Xin nghe điều tôi nguyện
Không lo già, bệnh, chết
Nơi đó gọi là Trời!
Nay ở đây gieo mầm
Sinh thiên: Hoa to lớn
Cầu an vui khoái lạc
Sinh Cõi Trời manh nha.
Thái Tử khen cho rằng:
Người này thấy kế sáng
Bảo rằng Trời khỏi hoạn
Cũng là điều ta thích
Tâm còn nghi một điều
Là thường hằng mãi chăng?
Nếu ắt thường an vui
Nên nguyện sinh Cõi Trời.
Trời ở trên gọi lành
Khen Thái Tử tâm tịnh
Trên Trời tuy vui sướng
Nhưng chết sẽ bị đọa
Hưởng phước lành an vui
Nhưng không còn dài mãi
Phước hết liền bị đọa
Phải chịu khổ ba đường.
Mặt trời ngàn ánh sáng
Phước hết đọa tối tăm
Trăng tròn chiếu sáng rỡ
Trăng lặn không còn sáng
Phạm, Thích, vô số Trời
Tuy thật ngôi Trời vinh
Lại là vật đáng thương
Thân quỷ đói ăn xin.
Xưa vì Phật Bảo Đảnh
Thắp đèn suốt bảy ngày
Mới phát tâm cầu Phật
Lập nguyện rất vững chắc
Tức thời ma run rẩy
Giống như là cây chuối
Cũng làm cung điện chúng
Chấn động không được an
Được ba cõi tôn kính
Nay không nên bỏ quên.
Đối với vô số Phật
Tu biết bao nhọc nhằn
Xưa vì Thí An Phật
Xây tháp lớn bảy báu
Giống như núi Tu Di
Đứng sững trên mặt đất,
Dâng Định Quang bảy hoa
Thọ ký sẽ thành Phật,
Tung hoa vàng cúng Phật
Suốt đời nguyện Đại Thừa.
Lại xây cất Chùa miếu
Dâng hoa sen cúng Phật
Và vô số Phật khác
Bày các báu, hoa hương
Dùng hoa Trời cúng dường
Vô số Phật Năng Nhân,
Lại cùng Phật Hiện Nghĩa
Trọn đời dâng hoa hương.
Ca ngợi Phật Phương Diện
Cho đến trong bảy ngày
Cúng dường Phật Vô Hiện
Trọn cả cuộc đời mình.
Lại cúng Phật Đảnh Vương
Y phục bằng bảy báu
Bố thí Phật Vô Lậu
Mong muốn làm Sa Môn.
Vào thời Phật Lý Quang
Vào đạo, giữ pháp tịnh,
Lại thời Phật Vô Hạn
Cạo tóc làm Sa Môn,
Đối mấy ngàn Đức Phật
Giữ siêng năng cung kính.
Có đời gặp hổ đói
Bố thí, cho vợ con
Bỏ mắt, thân, da, thịt
Tay, chân, lòng vẫn an
Như thế không kể xiết
Thí đầu có hàng ngàn
Khi đang bố thí đó
Ba ngàn cõi rung chuyển.
Khoảng thời gian nói thế
Hiện chết Cõi Trời đọa
Người sau buồn luyến tiếc
Xoay vần mến thương nhau,
Dưới hiện tám địa ngục
Đều có mười sáu ngục
Bỗng vang lên tiếng lớn:
Khắp đời đều sẽ chết!
Theo đó lần tiến lên…
Thích nữ tên là Nai
Thấy Thái Tử như Trời
Nói tiếng lớn như vậy:
Là cha, chẳng lo lắng
Là mẹ rất an vui
Chồng được như người ấy
Vợ như được vô vi.
Như mây sấm từ Trời
Tiếng vào tai Thái Tử
Mới nghe tiếng vô vi
Như mệt được nghỉ ngơi
Các căn đã đầy đủ
Như hiểu được trong lòng
Lấy chuỗi báu của mình
Xa ném vào cổ nàng.
Vì nghe vui vô vi
Không tà dục trong lòng.
Tâm vui hướng vô vi
Bỗng thấy hóa Sa Môn
Uy nghi giới vắng lặng
Cầm bát, mặc Ca Sa
Thái Tử bảo người hầu
Quay xe đến gặp nhau.
Thái Tử hỏi Sa Môn
Liền lên tiếng tâu rằng:
Sáu căn không các lậu
Lìa nhà, xa lìa nạn
Núi rừng sống nhàn nhã
Chỗ tịnh nghỉ qua đêm
Xin ăn tự nuôi sống
Ngài muốn học điều này.
Tôi, được gọi Sa Môn
Vì mong cầu giải thoát
Ý yêu, ghét dứt hết
Điều các căn, tâm tịnh
Xả tôi, ta không chấp
Bỏ tất cả các việc,
Ngồi xe cộ của mình
Tay cầm cung trí tuệ
Lập nhiều các phương tiện
Muốn trừ diệt ma binh.
Nguyện không lửa, không đất
Không nước, không gió mây
Không Trời, Trăng, các sao
Không hư vô, hết hoạn
Không già, chết, lo buồn
Cũng không buồn chia ly
Cam lộ dứt trừ hẳn
Tôi nguyện được chỗ này!
Nói lời này vừa dứt
Trước Thái Tử biến mất.
Thái Tử bước khoan thai
Ánh sáng chói ngời đất
Trở lại vườn du ngoạn
Tâm vắng lặng an định
Ý suy nghĩ bao điều
Phương tiện các việc thiện.
***
Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Năm - Phẩm Mười Bảy - Phẩm Tham Hành - Phần Hai
Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Ba - Phẩm Ba Mươi Mốt - Phẩm Tuyên Hóa - Phần Ba