Phật Thuyết Kinh Tạp A Hàm - Kinh An Na Ban Na Niệm - Phần Ba
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Cầu Na Bạt Ðà La, Đời Tống
PHẬT THUYẾT KINH TẠP A HÀM
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư
Cầu Na Bạt Ðà La, Đời Tống
KINH AN NA BAN NA NIỆM
PHẦN BA
Tôi nghe như vậy!
Một thời, Phật ở trong vườn Cấp Cô Độc, rừng cây Kỳ Đà, nước Xá Vệ.
Bấy giờ Đức Thế Tôn bảo các Tỳ Kheo: Hãy tu tập An Na Ban Na Niệm. Nếu Tỳ Kheo tu tập An Na Ban Na Niệm, tu tập nhiều, thân chỉ tức và tâm chỉ tức, có giác, có quán, tịch diệt, thuần nhất, phân minh tưởng, tu tập đầy đủ.
Thế nào là tu tập An Na Ban Na Niệm, tu tập nhiều, thân chỉ tức và tâm chỉ tức, có giác, có quán, tịch diệt, thuần nhất, phân minh tưởng, tu tập đầy đủ?
Tỳ Kheo, nương vào xóm làng, thành ấp mà ở. Sáng sớm đắp y, mang bát, vào thôn khất thực, nên khéo hộ trì thân, giữ gìn các căn, khéo cột tâm an trụ.
Khất thực xong trở về chỗ ở, cất y bát, rửa chân xong, hoặc vào trong rừng, trong phòng vắng, dưới bóng cây, hoặc nơi đất trống, thân ngồi ngay thẳng, cột niệm trước mặt, cắt đứt mọi tham ái thế gian, ly dục thanh tịnh, đoạn trừ sân nhuế, thùy miên, trạo hối và nghi, vượt qua các nghi hoặc, đối với các pháp lành, tâm được quyết định.
Viễn ly năm triền cái vốn làm phiền não tâm, khiến tuệ lực suy giảm, là phần chướng ngại, không hướng đến Niết Bàn.
Niệm hơi thở vào, cột niệm, hãy khéo học. Niệm hơi thở ra, cột niệm, hãy khéo học. Hơi thở dài, hơi thở ngắn. Cảm giác biết toàn thân khi thở vào, khắp toàn thân thở vào, hãy khéo học. Cảm giác biết toàn thân khi thở ra, khắp toàn thân thở ra, hãy khéo học.
Giác tri tất cả sự an tịnh của tất cả thân hành khi thở vào, tất cả thân hành an tịnh thở vào, hãy khéo học.
Giác tri tất cả sự an tịnh của tất cả thân hành khi thở ra, tất cả thân hành an tịnh thở vào, hãy khéo học.
Giác tri hỷ, giác tri lạc, giác tri tâm hành, giác tri sự an tịnh của tâm hành khi thở vào, giác tri tâm hành an tịnh thở vào, hãy khéo học.
Giác tri sự an tịnh của tâm hành khi thở ra, giác tri tâm hành an tịnh thở ra, hãy khéo học.
Giác tri tâm, giác tri tâm hoan hỷ, giác tri tâm định, giác tri tâm giải thoát khi thở vào, giác tri tâm giải thoát thở vào, hãy khéo học.
Giác tri tâm giải thoát khi hơi thở ra, giác tri tâm giải thoát thở ra, hãy khéo học.
Quán sát vô thường, quán sát đoạn, quán sát vô dục, quán sát diệt khi hơi thở vào, quán sát diệt thở vào, phải khéo học. Quán sát diệt khi hơi thở ra, quán sát diệt thở ra, phải khéo học. Đó gọi là tu An Na Ban Na Niệm, thân chỉ tức và tâm chỉ tức, có giác, có quán, tịch diệt, thuần nhất, phân minh tưởng, tu tập đầy đủ.
Sau khi Phật nói Kinh này xong, các Tỳ Kheo nghe những gì Phật đã dạy, đều hoan hỷ phụng hành.
***
Phật Thuyết Kinh đại Thừa Mật Nghiêm - Phẩm Tám - Phẩm A Lại Da Vi Mật - Tập Sáu
Phật Thuyết Kinh đại Thừa Mật Nghiêm - Phẩm Tám - Phẩm A Lại Da Vi Mật - Tập Năm
Phật Thuyết Kinh đại Thừa Mật Nghiêm - Phẩm Tám - Phẩm A Lại Da Vi Mật - Tập Bốn
Phật Thuyết Kinh đại Thừa Mật Nghiêm - Phẩm Tám - Phẩm A Lại Da Vi Mật - Tập Ba
Phật Thuyết Kinh đại Thừa Mật Nghiêm - Phẩm Tám - Phẩm A Lại Da Vi Mật - Tập Hai
Phật Thuyết Kinh đại Thừa Mật Nghiêm - Phẩm Tám - Phẩm A Lại Da Vi Mật - Tập Một
Phật Thuyết Kinh Pháp Tập Yếu Tụng - Phẩm Tám - Phẩm Lời Nói
Phật Thuyết Kinh đại Phương Quảng Thập Luân - Phẩm Mười Bốn - Phẩm Thiền định
Phật Thuyết Kinh đại Bảo Tích - Pháp Hội Thứ Hai Mươi Hai - Pháp Hội đại Thần Biến - Phần Một
Phật Thuyết Kinh Tạp A Hàm - Kinh Chủng Trí
Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội đầu - Phẩm Mười - Phẩm Bát Nhã Hành Tướng - Phần Ba
Phật Thuyết Kinh đại Phật đảnh Quảng Tụ đà La Ni - Phẩm Hai Mươi - Phẩm Chú Sư Tháo Dục