Phật Thuyết Kinh Xuất Diệu - Phẩm Hai Mươi Sáu - Phẩm Nê Hoàn - Tập Ba

Kinh Đại thừa   •   Thứ hai, 25/12/2023, 22:18 PM

Giảng giải: Tôn Giả Pháp Cứu

PHẬT THUYẾT KINH XUẤT DIỆU

Giảng giải: Tôn Giả Pháp Cứu

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư

Trúc Phật Niệm, Đời Dao Tần  

PHẨM HAI MƯƠI SÁU

PHẨM NÊ HOÀN  

TẬP BA  

Có nương tựa thì có dao động. Có động thì không diệt được.

Không diệt được thì cái biết không bao giờ thỏa mãn. Bởi cái biết không diệt trừ được nên không thấy được quá khứ, hiện tại, vị lai.

Vì không có quá khứ, hiện tại, vị lai nên không có sinh tử, vì không có sinh tử nên không có sầu lo khổ não. Do khổ ấm này mà sinh ra các thứ bệnh. Bởi sinh khởi các kết sử, trói buộc người tu hành, cần có nơi nương tựa. Nương tựa chỉ cho các loại có hình thể như núi sông, vách đá, những gì mà mắt thấy được đều gọi là nương tựa. Ai có khả năng diệt khổ ấm thân khổ mới tương ưng với nghĩa bậc nhất. Đối với nghĩa bậc nhất thì không thấy có qua lại, chu toàn.

Bởi không còn qua lại, chu toàn nên không còn sinh tử. Ai không hiểu điều ấy thì họ sinh khởi trần lao. Sinh, già, bệnh, chết mỗi ngày thêm lớn. Từ đó mà sinh ra muôn điều lo buồn khổ não, tìm kiếm không thấy được manh mối. Xoay vần sinh nhau mà thành thân năm ấm khổ đau. Chấm dứt vòng sinh diệt kia chỉ có con đường Niết Bàn mà thôi.

Hoặc có Tỳ Kheo hữu sinh, hữu thật, hữu vi. Hoặc có Tỳ Kheo vô sinh, vô thật, vô vi. Tỳ Kheo bất vi, vô vi cũng không còn sinh. Nếu không còn sinh, không có thật, không có hữu vi thì nhân vì sinh, nhân vì thật, nhân vì hữu vi mà nói vô vi.

Nếu chúng sinh không có nạn khổ này thì trước sau, Như Lai không bao giờ nói cái vui của Niết Bàn dứt trừ hết phiền não.

Biết gốc ngọn của sinh

Hữu vi biết vô vi

Bị sinh già trói buộc

Suy già khó ngăn được.

Biết gốc ngọn của sinh: Trong Kinh Trung A Hàm có nói về gốc ngọn lớn của ái dục.

Đức Phật bảo Tôn Giả A Nan: Nếu sinh mà không có sinh thì ta không nói cho mọi người nghe về pháp sinh làm gì. Dưới cho đến các loài cá ở dưới nước, rồng có tính rồng, quỷ có tính quỷ, Trời có tính Trời, người có tính người. Như vậy đó, A Nan vì biết có sinh nên ta nói sinh vậy.

Cho nên nói: Biết gốc ngọn của sinh.

Hữu vi biết vô vi: Không hình, không dạng, không thể quán sát về pháp biến đổi.

Cho nên nói: Hữu vi biết vô vi.

Bị sinh, già trói buộc: Người ta sống trên đời này, khi già suy thì biết sẽ chết. Già, chết là hai thế lực vây ngặt, không ai thoát khỏi.

Cho nên nói: Bị sinh, già trói buộc.

Suy già khó ngăn được: Các việc dâm dục, giận dữ, ngu si, kiêu mạn, ganh ghét, bị già bệnh sai khiến, do đó mà sinh ra.

Cho nên nói:

Suy già khó ngăn được.

Không ăn không sống được

Ai không ăn thức ăn?

Ăn là việc trước tiên

Rồi sau mới tu đạo.

Các loài chúng sinh trên đời này đều nhờ ăn mà sống. Người không ăn thì không thể hành đạo.

Cho nên nói: Không ăn không sống được.

Ai không ăn thức ăn: Biết đời sống là vô thường, biết thức ăn từ đâu mà có, xét rõ chân đế không còn nghi ngờ, nên người nhận và kẻ bố thí không còn nghi ngờ.

Cho nên nói: Ai không ăn thức ăn?

Ăn là pháp cặn bã trong sinh tử, hễ có thân thì bị hệ lụy bởi việc ăn.

Cho nên nói: Ăn là việc trước tiên.

Đức Phật bảo các Tỳ Kheo: Ta biết các nhập không phải đất, không phải nước, không phải lửa, không phải gió, cho đến không phải thức, không phải không, không phải bất dụng, không phải thức, không phải hữu tưởng vô tưởng, không phải đời này, đời sau, không bằng sự soi sáng của mặt trời, mặt trăng. Các loại như vậy, chẳng phải nhân duyên mà đến được. Trong đó, người có kiến chấp điên đảo mong được giải thoát.

Hàng Ni Kiền Tử dạy bảo nhau: Ai muốn giải thoát thì nhập thất có chiều cao sáu mươi khuỷu tay, rộng một trăm do diên, sẽ được giải thoát.

Đức Phật quán sát nghĩa đó, vì muốn dứt bỏ mối nghi ngờ về sinh tử, cũng như ngăn chận những ý tưởng điên đảo của Ni Kiền Tử nên Ngài nói việc này.

Vì muốn dứt trừ sự ngờ vực cho đời sau nên Ngài rộng nói việc này: Mặt trời, mặt trăng không một lúc cùng sáng, tà và chánh không thể cùng hưng thịnh. Điều ấy quá rõ. Cho nên này các Tỳ Kheo, ta cũng không nói việc lòng vòng qua lại, sinh tử khởi diệt.

Đó là gốc của mé khổ vậy.

Địa chủng và nước, lửa

Khi đó gió không thổi

Ánh sáng không soi chiếu

Thì không thấy sự thật.

Người được hóa độ thì hoặc nương người có năng lực hoặc nhờ sự cứu giúp. Nếu độ cho hạng giàu sang thì không cần lời nói, còn độ kẻ được độ thì họ hoát nhiên tỉnh ngộ, không cần bậc thầy chỉ bảo. Người khiêm hạ cung kính trên dưới tự nhiên được tỉnh ngộ.

Cho nên nói:

Ánh sáng không soi chiếu

Thì không thấy sự thật.

Không trăng, không có sáng

Không Trời, không có sáng

Quán sát kỹ việc này

Hợp với hạnh Phạm Chí.

Không trăng, không có sáng, không Trời, không có sáng: Như ánh sáng của mặt trời, mặt trăng bị bụi che nên không thể truyền bá rộng lời dạy của mình. Như tầng Trời Đao Lợi và tầng Trời Cứu Cánh thì ánh sáng tự có, không phải ánh sáng của mặt trời, mặt trăng. Ấy đều nhờ công hạnh chất chứa từ nhiều kiếp trước mà có như vậy.

Cho nên nói: Không trăng, không có sáng, không Trời, không có sáng.

Quán sát kỹ việc này, hợp với hạnh Phạm Chí: Phạm Chí là người vượt ngoài ba cõi, đức hạnh vẹn toàn, nên gọi là Phạm Chí.

Cho nên nói:

Quán sát kỹ việc này,

Hợp với hạnh Phạm Chí.

Sắc tươi đẹp thong dong

Thoát khỏi mọi khổ não

Chẳng sắc, chẳng không sắc

Được giải thoát mọi khổ.

Có sắc, không sắc đều sống trong gốc khổ. Ai thoát khỏi khổ này thì giải thoát các khổ.

Cho nên nói:

Sắc tươi đẹp thong dong,

Thoát khỏi mọi khổ não.

Rốt ráo không lo sợ

Thoát buộc, không còn nghi

Chưa bẻ gai ái dục

Làm sao biết thân họa?

Rốt ráo không lo sợ: Rốt ráo có hai việc: Một là dụng rốt ráo, hai là tự nhiên rốt ráo. Tâm ngay thẳng thì không sợ sự cong vạy.

Cho nên nói: Rốt ráo không lo sợ.

Thoát buộc, không còn nghi: Dứt bỏ các kết sử, dứt sạch không còn sót. Sinh tử dài lâu, xoay vần trong năm đường, quay lộn không bờ mé, không biết pháp hổ thẹn sỉ nhục.

Cho nên nói: Thoát khỏi trói buộc, không còn hồ nghi.

Chưa bẻ gai ái dục, làm sao biết thân họa: Người ta sống trên đời tạo nghiệp khác nhau.

Chưa dứt được hữu dục, có ba:

Dục hữu.

Sắc hữu.

Vô sắc.

Nói gai ái dục chỉ cho gai đường tà.

Đánh đập là nặng hay bị thương là nặng?

Cho nên nói:

Chưa bẻ gai ái dục,

Làm sao biết thân họa.

Cái gọi là rốt ráo

Dứt dấu là bậc nhất

Dứt hết các tưởng đắm

Lời nói không lầm lẫn.

Cái gọi là rốt ráo, dứt dấu là bậc nhất: Rốt ráo là pháp trên hết trong các pháp, không còn gì vượt hơn. Bệnh nặng nhất trong các bệnh là trói buộc, dính mắc, tâm ái dục dứt hẳn, không còn sót.

Cho nên nói: Cái gọi là rốt ráo, dứt dấu là bậc nhất.

Dứt hết các tưởng đắm, lời nói không lầm lẫn: Về tưởng thì sinh tham dục là tưởng, giận dữ là tưởng, ngu si là tưởng.

Trong các Kinh có ghi: Đức Phật bảo Tỳ Kheo: Cù Đa nên biết, các tưởng về dục, nộ, si là gốc của hành.

Khi các tưởng này đã dứt hẳn không còn sót, cũng không còn sinh ý tưởng nghĩ đến tham dục nữa thì lời nói ra không bao giờ lầm lẫn.

Vì sao?

Vì hành có khi hết có khi chưa hết, vì thế lập ra việc dạy bảo đời sau.

Cho nên nói:

Dứt hết các ý tưởng mê đắm,

Lời nói không lầm lẫn.

Biết tiết chế hay không

Tối thắng buông bỏ hành

Tâm dứt suy nghĩ hành

Như đập bể vỏ trứng.

Biết tiết chế hay không: Tiết là hành hữu vi. Không biết tiết chế thì lâu ngày ôm bệnh, không suy nghĩ chánh đạo, sáu giác quan bị bít kín, không hiểu nghĩa đạo.

Cho nên nói: Biết tiết chế hay không.

Tối thắng buông bỏ hành: Đức Chí Chân Đẳng Chánh Giác là bậc tối thắng, đã buông bỏ ba cõi, không còn tạo nghiệp nữa.

Cho nên nói: Tối thắng buông bỏ hành.

Tâm dứt suy nghĩ hành, như đập bể vỏ trứng: Như có người nhập định bất cứ khi nào, bởi ý đã định nên thành tựu đạo quả. Như các loài sinh bằng trứng, khi bỏ vỏ là nó đã thành hình, ở đây cũng vậy, là buông bỏ nghiệp cũ thì thành tựu hạnh vô lậu.

Cho nên nói: 

Tâm dứt suy nghĩ hành,

Như đập bể vỏ trứng.

Thí pháp hơn các thí

Vui pháp hơn các vui

Sức nhẫn hơn các sức

Ái hết, khổ đế mầu.

Thí pháp hơn các thí: Vì sao nói thí pháp là hơn hết trong các thứ bố thí?

Thí pháp là việc lành, việc tốt, không có các tai họa.

Chúng sinh nghe pháp, tâm ý được mở sáng, ai cũng được giải thoát. Về tài thí, thì một là người có đầy đủ, hai là người chê bai tức giận, bởi tâm bố thí của người có cao thấp khác nhau.

Như Đức Phật nói pháp nhiệm mầu cho Vua Bình Sa nghe, khi ấy có tám muôn vị Trời, mười hai ngàn người dân Ma Kiệt. Đức Phật lại nói pháp nhiệm mầu cho Thích Đề Hoàn Nhân nghe trong hang đá thì tám muôn vị Trời đều nghe được pháp nhiệm mầu, các căn đều thông đạt, không còn bị trở ngại.

Cho nên nói: Thí pháp hơn các thí.

Về tài thí, ngày nay người thọ thí được rồi lại mong cầu, trong đó có người mong cầu sinh lên Cõi Trời, người ấy nghe pháp từ kiếp này sang kiếp khác không có cùng tận.

Cho nên nói: Thí pháp hơn các thí.

Vui pháp hơn các vui: Người ở thế tục được hưởng vui, đó là gốc của loạn tưởng, đó chính là tạo nhân địa ngục. Về vui pháp thì thông đạt giảng nói, ai hỏi thì đáp không lúng túng. Diễn đạt thông suốt quán ý cuồn cuộn chảy vào tai.

Cho nên nói: Vui pháp hơn các vui.

Sức nhẫn hơn các sức: Thuở xưa, có vị Vua nước bên cạnh, dấy binh đi đánh nước địch.

Các quan bèn tâu Vua: Nước bên cạnh dấy binh sang đánh nước ta, hiện giờ đã đến gần, cúi xin bệ hạ hãy chuẩn bị để nghênh chiến.

Vua bảo các quan: Đó là việc không quan trọng, cần gì các khanh phải nghĩ chuyện nghênh chiến?

Quân giặc đã đến gần, đánh phá cổng thành. Các quan lại tâu.

Vua: Hiện nay giặc đã tới bên ngoài. Xin Vua là đấng sáng suốt hãy nghĩ kỹ lo liệu.

Vua bảo các quan: Dù giặc đã tới bên ngoài nhưng cũng không đáng lo xa, mỗi người hãy tự lo cho mình, không cần lo việc công này.

Khi quân giặc bạo ngược đã vào bên trong thành, các quan lại thưa Vua: Giờ đây đã vào bên trong thành rồi, chẳng hay Đức Vua sang suốt chuẩn bị gì chưa?

Nhà Vua bảo các quan: Việc ấy nhỏ nhặt đâu đáng cho bề trên nghe.

Vua nước bên cạnh đã tiến đến cung điện.

Các quan lại thưa Vua: Hiện giờ Vua nước bên cạnh đã tiến đến cung điện, chẳng hay Bậc Thánh Tôn có lo lắng gì chưa?

Nhà Vua đáp: Nay ta đang sống trên đời mà mọi thứ đều biến chuyển không ngừng. Cái gì thịnh thì chắc chắn có suy, có gặp gỡ thì có chia lìa, ta phải cởi bỏ vương phục, đổi hình dạng như kẻ ăn mày.

Ta tự lui vào chốn núi sâu, suy nghĩ đạo đức để tự vui. Nếu ông Vua bạo ác kia muốn bắt sống ta, giết chết thân này thì ta không hề chối tội của mình.

Vì sao?

Vì mất nước, mất dân là chỉ do một người.

Nay ta chết mà muôn dân khỏi nạn, há không phải là hạnh phúc lớn của ta sao?

Khi ấy, Vua nước địch nghe vậy, khen là việc chưa từng có, bèn nói lớn: Hay lắm, hay lắm Đại Vương! Từ xưa đến nay, không ai sánh bằng Ngài. Ta tuy chiến thắng nhưng không sánh bằng Ngài, Ngài đã mở lòng quảng đại nhân từ, không màng vinh hoa thế gian. Từ nay trở đi, xin Ngài trở về cai trị nước của mình.

Rồi hai Vua cai trị, đối xử với nhau như chính mình không khác.

Cho nên nói: Sức nhẫn hơn các sức.

Ái hết, khổ đế mầu: Ái dục chính là nguồn gốc của mọi kết sử. Người học đạo thì trước phải dứt bỏ ái kết, sau đó dần dần bước vào con đường vô lậu.

Cho nên nói: Ái hết, khổ đế mầu.

***

icon

Tổng hợp

Cùng chủ đề

Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Ba - Phẩm Ba Mươi Mốt - Phẩm Tuyên Hóa - Phần Ba

Kinh Đại thừa   •   25.12.2023
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Cưu Ma La Thập, Đời Diêu Tần