Phật Thuyết Kinh Phật Bổn Hạnh - Phẩm Mười - Phẩm Dưới Bóng Cây Diêm Phù đề

Kinh Đại thừa   •   Thứ hai, 25/12/2023, 22:17 PM

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Thích Bảo Vân, Đời Tống

PHẬT THUYẾT

KINH PHẬT BỔN HẠNH

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư

Thích Bảo Vân, Đời Tống  

PHẨM MƯỜI

PHẨM DƯỚI BÓNG CÂY DIÊM PHÙ ĐỀ  

Vào lúc ấy, Bồ Tát

Tâm buồn thảm trở về

Về đến vườn du ngoạn

Đức sáng như Vua Trời

Đứng đầu các Tiên Thánh

Không bị nữ sắc mê.

Bấy giờ thấy nông phu

Đang ra công cày bừa

Xén chết bao trùng đất

Liền sinh tâm thương xót

Như thương yêu con đỏ

Bùi ngùi mà than dài.

Cách cây đó không xa

Kho tàng bỗng hiện ra

Một do tuần vuông vức

Ánh bảy báu sáng lòa.

Tướng hầu vui hớn hở

Lấy vật báu, sách, vàng

Trên khắc tên Vua xưa

Vật ấy, Vua ấy làm

Thái Tử xem chữ khắc

Biết Vua Chuyển Luân xưa

Tám muôn bốn ngàn đời

Xoay vần nhau truyền thừa.

Ngài nhìn đống bảy báu

Như nhìn thấy rắn độc

Ngoái nhìn dáng hoa sáng

Cúi mình lễ người xưa.

Lệ tuôn rèm mi biếc

Rơi đầy dáng mặt hoa

Đưa mắt lành nhìn khắp

Ngước nhìn Trời bao la

Tiếng Phạm âm buồn bã

Bảo người đứng chung quanh:

Những người họ Thích xưa

Kiêu mạn một đời hùng

Bỏ nước ngôi báu Trời

Một mình đến phương nào?

Thân nhọc nhằn khắp nơi

Chứa nhóm nhiều vô số

Kho báu trong đất nước

Chữ xưa, không có chủ.

Tâm nghĩ đến vô thường

Đến dưới gốc Diêm Phù

Liền đưa tay vàng chói

Đặt lên đùi sắc vàng

Ngồi tư duy không động

Gồm ý chuyên nhất định

Quán sinh diệt hợp tan

Đợi chứng nhất định trụ

Như số cát các sông

Chư Phật ý bất cộng.

Sông chín não chảy đục

Nhờ ngọc mà lắng trong

Đối tất cả chúng sinh

Tâm từ trong khoảnh khắc

Phước vô hạn vô lượng

Tâm từ thương chúng sinh

Lại khởi tâm thương xót

Muốn an các khổ nàn

Xét kỹ thấy tất cả

Bình đẳng đạt Sơ Thiền.

Bỏ các pháp ác dục

Liền được niềm hân hoan

Cho đến thiền thứ tư

Được vô lượng thanh tịnh.

Khi ngày đã xế chiều

Cây cối bóng ngã dài

Chỉ bóng cây Diêm Phù

Như lọng che Thái Tử

Như người biết ân dưỡng

Theo báo đáp không màng

Bóng chẳng lìa Thái Tử

Như báo đáp không rời.

Vua họ Thích nghe vậy

Vội đến như Sư Tử

Thấy Thái Tử dưới cây

Như mặt trời trong mây

Tình vui mừng hớn hở

Ngạc nhiên không kể xiết

Mắt lành nhìn rơi lệ

Lễ chân, tiếng buồn than

Dùng vô lượng ý kính

Như thế, giờ lại lễ

Nguyện đất nước có đức

Đừng sinh tâm bỏ đi

Khắp nơi mừng hớn hở

Giống như cầu phước Trời

Mong chớ bỏ ngu mê

Mất phước rơi tối tăm.

Con là đức thế gian

Làm rạng rỡ người trước

Chỗ dựa của tất cả

Người hùng trong họ Thích,

Là thân mạng của ta

Các Thiên Nữ cõi dục

Chúng sinh Cõi Phạm Thiên

Tự tại ban lệnh khắp

Đừng đoạt mạng chúng ta

Giống như Vua địch mạnh.

Vua yêu con bất giác

Buồn thảm trở về cung

Vua trở về không lâu

Thái Tử liền xuất định

Nghe trên không có tiếng

Trời thứ nhất thưa rằng:

Đạo Sư của Trời, người

Xin nghe chúng tôi nói:

Xin Ngài hãy ra đời!

Từ vô số kiếp nay

Danh, sắc chia hai chi

Trùm khắp trong năm đường

Mầm gốc đến ba cõi

Rất lớn và vững chắc

Nay đem cày trí tuệ

Lật gốc cây sinh tử

Ái sâu: Ao, vực rộng

Loạn tưởng như cá lội

Mê che lấp kéo lôi

Sóng ganh giận cuồn cuộn.

Trời thứ hai lại tâu:

Với ý kính thanh tịnh

Thuyền nổi hãy nương tiến

Vượt bờ biển trần lao.

Trời thứ ba tiếp lời:

Gieo giống núi kiêu mạn

Hầm tà kiến sâu thẳm

Ganh giận không có bờ

Sông và hang bệnh, chết

Chênh vênh và khúc khuỷu

Dùng chày Kim Cang tuệ

Đập tan các núi khổ.

Nghe xong Ngài đứng dậy

Như núi vàng sáng rực

Bước hùng thật ung dung

Tiếng vang như sấm động

Mắt như lá sen xanh

Khuôn mặt như trăng đầy

Chán nhà ưa vô vi.

Ý chỉ muốn lìa dục

Như sư tử bị tên

Đau đớn trở về cung

Đến thẳng cung vương phụ.

Trước điện Vua Bạch Tịnh

Quỳ chấp tay tự tâu:

Xin nghe con trình tấu

Con muốn được xuất gia

Tu theo hạnh Thánh xưa!

Có hợp ắt có tan

Đâu ai còn mãi được.

Vua nghe lời tâu lên

Lòng như trăng nước động

Nghẹn ngào không nói được

Hồi lâu mới nói rằng:

Con chớ có ý này!

Ra đi chưa phải lúc

Tuổi trẻ sức sung mãn

Không nên ở núi rừng

Mà chính là lúc ta

Bỏ ngôi vào đạo pháp.

Con là người có đức

Xứng đáng ngồi trên ngai

Đất nước hy vọng con

Làm Vua Thánh Chuyển Luân

Họ Thích vinh nhờ con

Con không nên thiền vị.

Ngài dùng lời tha thiết

Mà đáp lời Vua cha:

Con xin cha bốn điều

Bảo đảm cho con được:

Khiến thân không tật bệnh,

Già không đoạt tuổi trẻ,

Chết là nạn cuộc đời

Khiến không cướp mạng sống,

Việc thành không hư hoại.

Bốn sự việc như thế

Nếu bảo đảm chắc chắn

Con ở không lo lắng

Không đi vào núi rừng

Thảnh thơi cai trị nước!

Vua rằng: Bốn việc này

Không thể bảo đảm được

Nhưng con phải ở ngôi

Không thì, không thuận lý.

Ở ngôi vẫn tu pháp

Đến được đạo vô vi

Mũ bảy báu đội đầu

Y phục quý sáng thân

Các vẻ đẹp tự nhiên

Như Vua Trời Cõi Dục

Đều ngồi trên ngôi Vua

Đều đến chỗ giải thoát.

Có Vua tên Lực Thắng

Có Vua tên Bất Mê

Có Vua tên Thức Tri

Có Vua tên Vũ Lực

Các Ngài đều ở ngôi

Đều được giải thoát diệt.

Như thế nên ở lại

Được cả hai không mất

Được tự tại trong lòng

Và đối với đất nước

Không thể bị bỏ phế

Ắt sẽ mau thành tựu.

Ta nguyện đem ngự xa

Ngũ phục trao cho con

Tắm con, lọng báu che

Rồi ta vào núi rừng.

Thái Tử giữ khiêm kính

Mà đáp lời Vua cha:

Nếu không thể bảo đảm

Xin cha chớ cản ngăn

Dù nhà là vàng ròng

Lửa cháy cũng phải tránh

Kẻ trí không nên ngăn

Gặp kiếp tai tránh lửa.

Nên biết nhà vàng ròng

Ở chung với tự tại

Tuy ba lửa cháy nhanh

Mà sao không bỏ chạy?

Lại có ao tắm trong

Hoa sen nở đầy khắp

Có nhiều quả túc trùng

Không thể bỏ đi sao?

Tay cầm chiếc cung cũ

Dùng sức mạnh lợi ích

Bắn bằng tên bệnh khổ

Phát ra trọn không mất,

Rơi vào vòng túc đối

Diêm vương thường săn bắt

Ai ngu mà đứng chờ?

Có thể nhằm bắn ta!

Nếu có kẻ sợ không

Tìm phương tiện trốn chạy

Đến chỗ thấy hư không

Sợ, không biết nẻo về.

Như thế trong năm đường

Vô thường khắp tất cả

Muốn đến nơi vô úy

Vậy chẳng nên cản ngăn.

Đến đây Vua họ Thích

Im lặng không đáp nữa

Tự thân dắt tay con

Dẫn dụ muốn rời khỏi

Liền ra lệnh các quan

Thêm kỹ nhạc giữ chân.

Lúc bấy giờ Thái Tử

Vào cung tự nghỉ ngơi.

***

icon

Tổng hợp

Cùng chủ đề

Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Ba - Phẩm Ba Mươi Mốt - Phẩm Tuyên Hóa - Phần Ba

Kinh Đại thừa   •   25.12.2023
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Cưu Ma La Thập, Đời Diêu Tần