Phật Thuyết Kinh Tạp A Hàm - Kinh Kiêu Mạn - Phần Một

Kinh Nguyên thủy   •   Thứ hai, 25/12/2023, 22:03 PM

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Cầu Na Bạt Ðà La, Đời Tống

PHẬT THUYẾT KINH TẠP A HÀM

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư

Cầu Na Bạt Ðà La, Đời Tống  

KINH KIÊU MẠN  

PHẦN MỘT  

Tôi nghe như vậy!

Một thời, Đức Phật từ nước Câu Tát La du hành trong nhân gian đến vườn Cấp Cô Độc, cây Kỳ Đà, nước Xá Vệ.

Bấy giờ tại nước Xá Vệ có Bà La Môn Kiêu Mạn, đang sống tại đây, dòng họ cha mẹ đều thuần tịnh không một tỳ vết nào đáng bị chê trách. Bảy đời nối tiếp nhau, tất cả đều thuần tịnh. Là bậc thầy của các Bà La Môn. Ngôn luận thông suốt. Điển tịch các luận, có hàng vạn tên, thảy đều biết rõ.

Hiểu pháp hơn thua, phân biệt tự nghĩa, ghi nhớ từng câu. Tướng mạo đoan chánh. Do tự cao về huyết thống, tự cao về dòng họ, tự cao về tướng mạo, tự cao về sự thông minh, tự cao về sự giàu sang. Ông không kính trọng cha mẹ, các bậc tôn túc, Sư Trưởng.

Khi ông nghe tin Sa Môn Cù Đàm đã từ nước Câu Tát La du hành trong nhân gian đến vườn Cấp Cô Độc, cây Kỳ Đà, thuộc nước Xá Vệ này, ông liền nghĩ: Ta sẽ đến chỗ Sa Môn Cù Đàm này. Nếu Sa Môn có nói gì, ta sẽ cùng Sa Môn bàn luận. Nếu không nói gì, ta sẽ im lặng ra về.

Bấy giờ, Bà La Môn Kiêu Mạn đi xe ngựa trắng, với các thiếu niên Bà La Môn theo hầu trước sau, cầm lọng cán vàng, tay ôm bình vàng, đến gặp Đức Thế Tôn. Khi tới cửa vườn, ông xuống xe đi bộ vào. Lúc ấy, Đức Thế Tôn đang nói pháp cho đại chúng vây quanh. Thế Tôn không hề để ý đến Bà La Môn Kiêu Mạn.

Bà La Môn Kiêu Mạn tự nghĩ: Sa Môn Cù Đàm không để ý đến ta. Thôi ta nên về.

Bấy giờ, Đức Thế Tôn biết tâm niệm của Bà La Môn Kiêu Mạn, nên nói kệ rằng:

Kiêu Mạn đã đến đây,

Bất thiện lại tăng trưởng.

Trước vì nghĩa mà đến,

Hãy tăng trưởng nghĩa ấy.

Bây giờ, Bà La Môn Kiêu Mạn lại nghĩ: Sa Môn Cù Đàm đã biết tâm ta. Rồi ông sửa soạn hành lễ.

Đức Thế Tôn bảo Bà La Môn Kiêu Mạn: Thôi! Thôi! Không cần phải làm lễ. Tâm tịnh là đủ rồi.

Lúc ấy, mọi người đều lớn tiếng xướng rằng: Lạ thay! Thế Tôn, là Bậc Đại Đức, Đại Lực. Nay, Bà La Môn Kiêu Mạn này, do tự cao về huyết thống, tự cao về dòng họ, tự cao về tướng mạo, tự cao về sự thông minh, tự cao về sự giàu sang.

Nên không kính trọng cha mẹ, các bậc tôn túc, Sư Trưởng, mà nay đối trước Sa Môn Cù Đàm lại khiêm hạ, hạ mình, muốn lễ sát chân Phật.

Bà La Môn Kiêu Mạn trước mọi người lớn tiếng bảo lặng, rồi nói kệ rằng:

Thế nào chẳng khởi mạn?

Thế nào khởi cung kính?

Thế nào khéo an ủi?

Thế nào khéo cúng dường?

Bấy giờ, Đức Thế Tôn đáp kệ rằng:

Đối cha mẹ, huynh trưởng,

Hòa Thượng, các Sư Trưởng,

Cùng các bậc tôn trọng,

Không nên sanh kiêu mạn.

Phải khéo lòng cung kính,

Khiêm hạ và hỏi thăm,

Tận tâm mà phụng sự,

Cùng các việc cúng dường.

A La Hán lậu tận,

Tâm lìa tham, nhuế, si,

Chánh trí khéo giải thoát,

Điều phục tâm kiêu mạn.

Đối các Hiền Thánh này,

Chắp tay cúi đầu lễ.

Bấy giờ, Đức Thế Tôn vì Bà La Môn Kiêu Mạn thuyết pháp bằng nhiều cách, khai thị, chỉ giáo, soi sáng, khiến hoan hỷ.

Đức Phật nói pháp theo tuần tự, nói về bố thí, trì giới, công đức sanh Thiên, về vị ngọt, sự tai hại của ái dục, về sự phiền não, thanh tịnh, về xuất yếu viễn ly, về các phần thanh tịnh. Nói rộng như vậy. Như tấm vải trắng sạch, chưa bị nhuộm đen, thấm nhuộm màu nhanh chóng.

Bà La Môn Kiêu Mạn ngay tại chỗ ngồi hiểu rõ bốn Thánh đế: Khổ, tập, diệt, đạo, chứng đắc hiện quán. 

Bấy giờ Bà La Môn Kiêu Mạn, thấy pháp, đắc pháp, biết pháp, chứng nhập pháp, vượt qua khỏi mọi nghi hoặc, mà không do người khác độ thoát, ở trong chánh pháp được vô sở úy, liền từ chỗ ngồi đứng dậy, sửa lại y phục, lễ Phật, rồi chắp tay bạch Phật: Nay, con có được phép ở trong chánh pháp, xuất gia thọ Cụ Túc chăng?

Đức Phật bảo Bà La Môn Kiêu Mạn: Nay, ông có thể ở trong chánh pháp xuất gia thọ Cụ Túc.

Bà La Môn kia liền xuất gia, một mình âm thầm tư duy về lý do người Thiện Nam cạo bỏ râu tóc, mặc áo Cà Sa, chánh tín xuất gia học đạo, sống không gia đình, cho đến, đắc A La Hán, tâm khéo giải thoát.

***

icon

Tổng hợp

Cùng chủ đề

Phật Thuyết Kinh đại Thừa Mật Nghiêm - Phẩm Tám - Phẩm A Lại Da Vi Mật - Tập Sáu

Kinh Nguyên thủy   •   25.12.2023
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Địa Bà Ha La, Đời Đường

Phật Thuyết Kinh đại Thừa Mật Nghiêm - Phẩm Tám - Phẩm A Lại Da Vi Mật - Tập Năm

Kinh Nguyên thủy   •   25.12.2023
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Địa Bà Ha La, Đời Đường

Phật Thuyết Kinh đại Thừa Mật Nghiêm - Phẩm Tám - Phẩm A Lại Da Vi Mật - Tập Bốn

Kinh Nguyên thủy   •   25.12.2023
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Địa Bà Ha La, Đời Đường

Phật Thuyết Kinh đại Thừa Mật Nghiêm - Phẩm Tám - Phẩm A Lại Da Vi Mật - Tập Ba

Kinh Nguyên thủy   •   25.12.2023
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Địa Bà Ha La, Đời Đường

Phật Thuyết Kinh đại Thừa Mật Nghiêm - Phẩm Tám - Phẩm A Lại Da Vi Mật - Tập Hai

Kinh Nguyên thủy   •   25.12.2023
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Địa Bà Ha La, Đời Đường

Phật Thuyết Kinh đại Thừa Mật Nghiêm - Phẩm Tám - Phẩm A Lại Da Vi Mật - Tập Một

Kinh Nguyên thủy   •   25.12.2023
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Địa Bà Ha La, Đời Đường