Phật Thuyết Kinh Phật Lên Trời đao Lợi Thuyết Pháp Cho Thân Mẫu - Phần Chín

Kinh Đại thừa   •   Thứ hai, 25/12/2023, 22:18 PM

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Trúc Pháp Hộ, Đời Tây Tấn

PHẬT THUYẾT KINH

PHẬT LÊN TRỜI ĐAO LỢI

THUYẾT PHÁP CHO THÂN MẪU

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư

Trúc Pháp Hộ, Đời Tây Tấn  

PHẦN CHÍN  

Bấy giờ Hiền Giả Mục Liên bạch Đức Phật: Kính bạch Thế Tôn! Con tuy được trí tuệ khéo tốt và các phước khác. Nhưng Đức Phật là Pháp Sư Thánh Tôn, có oai thần tốt đẹp vô lượng, nên mới được như vậy. Oai đức minh đạt đến chỗ sáng không cùng, rạng rỡ, huy hoàng, sáng rọi vô biên, không thể cùng tận.

Lại nữa, bạch Thiên Trung Thiên! Những điều Ngài đã hưng tạo, không hề bị hao tổn. Đối với tất cả pháp, chẳng pháp nào mà không thông đạt. Con đã đánh mất trí tuệ vô ngại như vậy. Nếu có chúng sinh, được nghe những điều của Phật đã làm, với oai thần biến hóa, một lòng lắng nghe nghĩa của một câu nói, sẽ được niềm vui tốt lành vô cùng.

Huống chi họ có thể tin và thọ trì, đọc tụng, thì liền được đầy đủ thần túc, phát khởi đạo Vô Thượng Chánh Chân. Những người như vậy, sẽ đem thân quay về với Thiên Trung Thiên, không còn có sợ hãi, không còn nghi ngờ là sẽ rơi trở lại vào đường ác nữa.

Bấy giờ, hàng Trời, Rồng, Thần, Thích, Phạm, Tứ Thiên Vương, theo Đức Thế Tôn, nghe Phật giảng dạy, đã thấy sự hiện rõ, cảm động, biến hóa của Phật.

Nên khác miệng mà đồng âm cùng thưa: Nam Mô Chư Phật, quy mạng Thế Tôn! Giả sử có người hay phát tâm ý trong sạch này, chúng con sẽ đều quy y mà đảnh lễ, làm cho đại đạo lớn mạnh và vị ấy cũng sẽ đạt được đạo lớn này. Nếu họ biến hóa giống như Đức Như Lai, làm cho cảm động, thì chúng con cũng sẽ không nghi ngờ, không do dự trói buộc.

Bấy giờ, hàng Trời, Rồng, Thần, Kiền Đà La, Thích, Phạm, Tứ Thiên Vương, năm vóc cúi sát đất, đem thân nương về Kinh này. Họ dốc lòng cung kính, cúi đầu lạy Phật. Khi ấy, trăm ngàn loại âm nhạc, tự nhiên tấu lên, hoa sen xanh được rải tung lên, hoa phù dung Cõi Trời thì cành hoa trải khắp Trời Đao Lợi.

Khi Đức Phật nói Kinh này, có bảy mươi hai trăm triệu Trời, người, từ xưa đến nay, chưa từng khởi tâm đạo, bấy giờ đều phát đạo ý vô thượng chánh chân, họ đều tự nói: Đời sau, chúng con sẽ ở trước nhân dân của Cõi Trời, cõi nhân gian mà tuyên bố mở bày, hiện ra tiếng rống Đại Sư Tử cũng như ngày hôm nay, Đức Như Lai đã làm, để phát triển hơn lên tiếng sư tử rống to lớn của Đạo sư.

Lúc ấy, vị Trời Nguyệt Thị bạch Đức Phật: Nếu có tộc tánh nam hay tộc tánh nữ nào, thọ trì Kinh Điển này, đọc tụng, hay rộng nói cho người khác, thì được phước đức như thế nào?

Đức Phật nói: Giả sử có tộc tánh nam hay tộc tánh nữ nào, thọ trì, đọc Tụng Kinh Điển này, rồi nói cho người khác nghe, họ sẽ luôn được gặp Tam Bảo, mà không bị đứt đoạn.

Vì sao?

Vì người nghe Kinh này, sẽ không phát tâm Thanh Văn, Duyên Giác, mà chỉ phát đạo ý vô thượng chánh chân.

Vì sao?

Vì người có học Kinh này, họ sẽ đạt được nghĩa sâu xa cao đẹp nhất, các căn thông tỏ, chẳng có gì mà chẳng tín ưa.

Cho nên, này Thiên Tử! Phải nên xem xét như vậy: Nếu ai thọ trì, đọc tụng, Kinh Điển này, tức là đã bảo vệ Tam Bảo, không để cho đoạn mất.

Ý Thiên Tử thế nào?

Người bảo vệ giữ gìn Tam Bảo, không cho bị đoạn mất, thì giả như có một ngàn Đức Phật, đều thọ một kiếp, các Ngài khen ngợi công đức của người ấy có hết không?

Thưa rằng: Không thể hết được, thưa Đấng Thiên Trung Thiên!

Đức Phật nói: Vì vậy, này Thiên Tử! Phải hiểu rõ rằng, nếu có người thọ trì Kinh Điển này, thì phước đức của người ấy là không thể lường được.

Lúc đó, Bồ Tát Từ Thị bạch Đức Phật: Bạch Thế Tôn! Kinh này tên gọi là gì?

Làm sao để phụng trì?

Đức Phật bảo Bồ Tát Di Lặc: Kinh này gọi là Đao Lợi Thiên Phẩm Phật Hiện Cảm Động Oai Thần Chi Biến. Phải như vậy mà thờ phụng.

Đức Phật nói: Này Từ Thị! Các ông phải siêng năng thọ trì, đọc tụng, giảng thuyết Kinh này, hoặc phân biệt, giải nghĩa cho người khác nghe, khiến họ được nhiều thành tựu. Nên lưu truyền ban phát Kinh Điển này cho nhân dân trong thiên hạ, vì Kinh này khó mà được gặp.

Đức Phật dạy như vậy xong, Thiên Tử Nguyệt Thị, Thiên Tử Nguyệt Thượng, Bồ Tát Từ Thị, Hiền Giả Mục Liên, các Trời, Rồng, Thần, A Tu Luân và nhân dân thế gian, không ai mà không vui mừng, cùng nhau đảnh lễ Đức Phật rồi lui ra.

***

icon

Tổng hợp

Cùng chủ đề

Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Ba - Phẩm Ba Mươi Mốt - Phẩm Tuyên Hóa - Phần Ba

Kinh Đại thừa   •   25.12.2023
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Cưu Ma La Thập, Đời Diêu Tần